đồng hồ
Trang chủ     Bóng đá thế giới   /   Tây Ban Nha 1-2 Pháp: Sự bù trừ đối nghịch

Tây Ban Nha 1-2 Pháp: Sự bù trừ đối nghịch

Nhìn cái cách Luis Enrique và Didier Deschamps ăn mừng sau khi đội tuyển của họ giành quyền vào chơi trận chung kết Nations League, có thể thấy, ý nghĩa của giải đấu này với Tây Ban Nha và Pháp. Với La Roja, đó là một lời khẳng định cho tương lai, của một lứa thế hệ mới tại đội tuyển. Với Les Bleus, đó là lời tuyên bố cho sức mạnh và sự trở lại sau những lầm lỗi của kỳ Euro 2020.

Tây Ban Nha vẫn nhập cuộc tại Giuseppe Meazza với hệ thống 4-3-3 và vẫn tiếp tục sử dụng những cầu thủ không phải là những số 9 thực thụ trên hàng công, gồm Sarabia và Ferran Torres ở hai cánh, Mikel Oyarzabal đá nơi trung tâm như một số 9. Tài năng trẻ 17 tuổi Gavi sau màn ra mắt phá kỷ lục lịch sử tuyển Tây Ban Nha ở bán kết, tiếp tục được Luis Enrique sử dụng ngay từ đầu nơi hàng tiền vệ. Nhiệm vụ của Gavi lần này là theo kèm Paul Pogba.

Cần khước từ một nền bóng đá lạm dụng công nghệ

Cần khước từ một nền bóng đá lạm dụng công nghệ VAR, VAR, VAR… người ta sẽ còn phải phàn nàn về VAR bao nhiêu lần nữa đây? Nhưng vì VAR là đại diện cho tiến bộ khoa học kỹ thuật nên bởi thế, nó vẫn thống trị trong triều đại mới mẻ của mình…

Tây Ban Nha 1-2 Pháp: Đã rõ bàn thắng của Mbappe có hợp lệ hay không?

Tây Ban Nha 1-2 Pháp: Đã rõ bàn thắng của Mbappe có hợp lệ hay không? Bàn thắng của Mbappe ở phút 80 đã mang về danh hiệu vô địch Nations League cho đội tuyển Pháp nhưng nó cũng đã để lại nhiều tranh cãi về tính có hợp lệ hay không?

QUẢNG CÁO

Còn với tuyển Pháp, kể từ trận đấu trước Phần Lan, Didier Deschamps đã quyết định sử dụng hệ thống 3-4-1-2 hay 3-5-2. Benjamin Pavard cùng Theo Hernandez là những wingback, cặp tiền vệ trung tâm gồm Tchouameni cùng Pogba, trong khi Griezmann đá ngay sau lưng cặp đôi Mbappe cùng Benzema. Ngôi sao của PSG được đặc cách hoàn toàn khỏi trách nhiệm lùi về hỗ trợ phòng ngự.

Cả Tây Ban Nha và Pháp đều có xu hướng tổ chức pressing, gây áp lực tầm cao từ khâu triển khai bóng ở vị trí thủ môn của đối thủ. Tuy vậy, Tây Ban Nha làm điều đó tốt hơn Pháp, đồng thời, họ cũng dễ dàng thoát pressing hơn. Một trong những tình huống góc cận nổi bật của trận đấu giữa Tây Ban Nha và Pháp rạng sáng nay: Sự tức giận của Pogba, khi phản ánh vấn đề của Les Bleus.

Trong pha bóng ở đầu hiệp 2, Tây Ban Nha tổ chức pressing tầm cao từ khâu triển khai bóng của Pháp, gần như mọi phương án thoát pressing của Pháp đều bị chặn, Pogba phải tự mình xoay sở thoát pressing bằng khả năng che chắn, tì đè và kỹ thuật xử lý bóng của bản thân. Pha bóng sau đó kết thúc với việc Rodri kéo áo Pogba và bị trọng tài thổi phạt, tiền vệ người Pháp ngay lập tức thể hiện sự tức giận mà cá nhân mình chưa từng thấy, về phía Benjamin Pavard khi cầu thủ này không chịu lùi về hỗ trợ kết nối bóng.

Thực tế, trước sự tổ chức vây ráp, pressing của Tây Ban Nha, khả năng thoát pressing của tuyển Pháp gần như trông cậy hoàn toàn vào tài xoay sở của một mình Pogba. Bằng không, nó sẽ được đặt vào những tình huống chuyền bóng dài của Hugo Lloris, người chỉ có tỷ lệ chuyền bóng chính xác 47%.

Còn với đoàn quân áo lam, khâu gây áp lực của họ trong hiệp 1 gần như đều dễ dàng bị các cầu thủ áo đỏ thoát được. Điều này không chỉ đến từ việc La Roja sở hữu thủ môn chơi chân giỏi hơn Lloris, mà còn ở việc họ luôn tìm thấy những “cửa thoát”. Hay nói cách khác, chính đội bóng của Deschamps mở ra cho đối thủ cửa thoát ấy.

Có thể xuất phát từ yêu cầu được giao, chẳng hạn như Deschamps đánh giá Ferran Torres bên cánh phải theo hướng lên bóng của Tây Ban Nha nguy hiểm hơn Sarabia ở cánh đối diện, do đó Theo Hernandez không có xu hướng dâng lên cao để theo kèm và gây áp lực với hậu vệ cánh phải Azpilicueta trong hiệp 1. Điều này giúp Tây Ban Nha dễ dàng thoát pressing thành công.

Tuy bên cánh ngược lại, Pavard và các đồng đội tổ chức theo kèm người sát sao hơn, song tư duy không gian và định hướng vị trí của các cầu thủ Tây Ban Nha vẫn giúp họ không gặp phải quá nhiều vấn đề để đưa bóng hướng về trước.

Có những thời điểm trong hiệp 1, Theo bắt đầu dấn thân lên phần sân đối thủ và bắt lấy Azpilicueta, nhưng hành động vẫn mang tính chậm trễ hoặc luôn giữ một cự ly xa, có thể vì nhiệm vụ để mắt tới Ferran Torres. Điều này tiếp tục mở ra cơ hội thoát áp lực dành cho La Roja.

Bên cạnh đó, Mikel Oyarzabal luôn chủ động lùi về khá sâu để mở ra thêm một cửa thoát nữa với các đồng đội ở tuyến dưới.

Phần nào thì sự không có mặt hoặc có mặt chậm trễ của Theo Hernandez cũng khiến các pha di chuyển bắt người của những cầu thủ áo trắng ở tuyến trên trở nên rời rạc và mất tính kết dính hơn, tức là họ thường có xu hướng theo bóng hơn, từ đó để lọt đối phương. Nói gì thì nói, Tây Ban Nha vẫn cho thấy họ là bậc thầy ở khả năng luân chuyển quả bóng lẫn thoát pressing.

Khi không thể pressing tầm cao thành công, tuyển Pháp tổ chức khối đội hình lùi về thành 5-3-2 hay 5-2-1-2. Bản thân cấu trúc này cho thấy sẽ luôn có những khoảng trống hai bên cặp tiền vệ trung tâm là Pogba và Tchouameni để Tây Ban Nha khai thác. Nhưng đây có thể chính là dụng ý của Deschamps.

Rất có thể, những Pavard và Theo được chỉ đạo giữ cự ly chặt chẽ với 3 trung vệ, tạo thành một lớp giăng ngang bịt kín không gian theo chiều ngang sân, và không để bị xô lệch. Từ đó, các wingback của tuyển Pháp đẩy hai tiền đạo cánh của Tây Ban Nha là Ferran Torres cùng Sarabia ra sát biên hơn, thay vì họ nhấc bước lên lấp vào khoảng trống ở hai bên hông cặp tiền vệ trung tâm.

Từ đó, những Azpilicueta và Marcos Alonso – hai hậu vệ biên và cũng là hai cầu thủ có số lần chạm bóng, chuyền bóng nhiều nhất trên sân, với số lần chạm bóng đều hơn 100 lần và số lần chuyền bóng đều đạt 95 lần – luôn dễ dàng cầm bóng dẫn về phía trước ở những khoảng trống như đã nêu.

Một khi những cầu thủ như Azpilicueta hay Marcos Alonso tiến được vào những vùng không gian ấy một cách thoải mái chỉ sau vài pha tăng tốc và không gặp phải sự kháng cự nào, họ có thể tổ chức những tình huống phối hợp tam giác với các tiền vệ số 8 như Gavi hay Rodri ở hai bên, cộng với các tiền đạo cánh như Ferran Torres hoặc Sarabia. Đồng thời, với một người như Marcos Alonso, chọc những đường bóng xuống sau lưng hàng thủ tuyển Pháp có thể trở thành một phương án. Nhưng vấn đề là những cầu thủ tấn công của La Roja có đủ khả năng để di chuyển, xoay sở nhận bóng và dứt điểm tốt hay không. Và nhất là, như đã nói, Pháp có dụng ý khi họ tổ chức giăng một phòng tuyến như thế.

Tuyển Pháp thấu hiểu khả năng chạy chỗ không bóng của những cái tên được Luis Enrique bố trí trên hàng công, do đó họ đề cao việc duy trì quân số ở tuyến dưới. Hãy hình dung, hàng thủ của Les Bleus luôn duy trì 5 người với các wingback lùi về sâu đẩy các tiền đạo cánh của đối thủ ra biên, bên trong chỉ còn mỗi Mikel Oyarzabal phải đối đầu với 3 trung vệ vừa có tốc độ, vừa có sức mạnh.

Gavi thường xuyên là người tham gia di chuyển không bóng để tạo thành khối tam giác phối hợp của Tây Ban Nha bên cánh phải theo hướng lên bóng của họ, hợp cùng Azpilicueta và Ferran Torres. Nhưng chỉ cần một tiền vệ trung tâm của Pháp di chuyển ra, thế cân bằng quân số được thiết lập.

Tương tự như vậy là bên cánh trái của Tây Ban Nha. Oyarzabal và Sarabia sẽ thường hoán đổi vị trí cho nhau, với những nỗ lực di chuyển ra sau lưng đối thủ để mở ra điểm chuyền bóng cho Alonso.

Song, cũng tương tự cánh phải, Tây Ban Nha luôn phải đương đầu trước quân số cân bằng hoặc nhiều hơn từ tuyển Pháp.

Những nỗ lực phối hợp nhóm nhỏ ở biên có thể giúp Tây Ban Nha có những thời điểm đưa được quả bóng xuống gần đáy đường biên ngang, đôi khi còn xuất phát từ sự thiếu tập trung và lơ đễnh của Presnel Kimpembe, nhưng các quyết định xử lý mang tính quyết định của La Roja trận này hết sức nghèo nàn và thiếu chính xác.

Phương án chủ đạo luôn là tạt sệt hoặc căng bóng vào vòng 16m50. Tính luôn cả những tình huống tạt bóng từ phạt góc và tạt bóng sớm đến từ những khoảng trống ở hành lang trong, Tây Ban Nha trước Pháp thực hiện tổng cộng 22 quả tạt, so với 9 của đối thủ. Chúng gần như không mang lại sự đột biến hay bất ngờ nào.

Những nỗ lực di chuyển luồn lách ra sau lưng hàng thủ tuyển Pháp từ các tiền đạo của La Roja để nhận những đường chọc khe từ các đồng đội cũng không mấy hiệu quả. Nếu thành công, khâu dứt điểm lại trở thành một vấn đề với họ. Chất lượng dứt điểm của Tây Ban Nha trước Pháp rất tệ, nhất là thiếu lực, ngoại trừ tình huống ghi bàn mở tỷ số của Oyarzabal.

Một pha bóng hiếm hoi các hậu vệ cánh của Tây Ban Nha khai thác vùng không gian hành lang trong để chọc khe cho tiền đạo di chuyển ra sau lưng hàng thủ đối phương đón lấy là ở phút thứ 56. Một pha bóng mà Oyarzabal đã dạt biên để tạo ra tam giác phối hợp, một tình huống 3 đấu 3 và được kết thúc với đường chuyền từ Alonso dành cho pha di chuyển của Gavi, người sau đó bị Tchouameni ngăn cản với một cú tắc bóng chính xác.

Có thể nói, Gavi là cái tên đang từng bước cho thấy phát biểu của Luis Enrique sau trận đấu gặp Italia là không hề phóng đại. Tuy vẫn còn quá sớm để nói Gavi là tương lai của La Roja, nhưng phải thừa nhận rằng, cảm quan không gian, sự năng nổ di chuyển không bóng và kỹ năng xoay trở thoát kèm người của cầu thủ 17 tuổi là những phẩm chất cần được đề cao. Dù rằng, các hậu vệ của Les Bleus luôn duy trì đủ quân số để bắt gọn những tình huống thoát ly đó từ Gavi.

Trước Pháp, trong liên tiếp từ phút 17 và 18, Gavi có hai pha xoay người liên tiếp để thoát khỏi Pogba và Kimpembe. Hai pha xử lý ấy tương tự như tình huống ở phút thứ 50 trước Italia ở bán kết, khi Gavi thoát khỏi Jorginho để tịnh tiến bóng về phía trước.

Ở pha bóng vào phút thứ 17 trong trận chung kết, Gavi 2 lần quay đầu quan sát trong khoảng 1 giây để nhận biết rõ vị trí của Pogba ở sau lưng. Khi bóng được chuyền từ Eric Garcia, Gavi giữ tư thế tấn và xoay nửa thân người, rồi đột ngột để bóng trôi qua đánh lừa hoàn toàn Pogba trước khi thoát ly thành công.

Chỉ sau đó vài giây, Gavi tiếp tục biến Kimpembe trở thành nạn nhân với pha nhận bóng, xoay người tương tự, lần này ngay trước vòng 16m50.

Có một chi tiết thú vị là ngay sau chính pha để thoát Gavi của Pogba, HLV Deschamps liền có sự điều chỉnh khi hoán đổi vị trí giữa Pogba và Tchouameni. Kể từ thời điểm đó trở đi, Tchouameni đá tiền vệ trung tâm lệch trái. Có thể hiểu rằng Tchouameni có khuynh hướng phòng ngự và hỗ trợ phòng ngự tốt hơn Pogba.

Một sự điều chỉnh đáng chú ý nữa ngay trong trận của Deschamps là ở vai trò theo kèm người của Theo Hernandez. Như đã nói, Theo ban đầu không có xu hướng bước lên theo kèm Azpilicueta. Nhưng khi hiệp 1 trôi đi được một nửa thời gian, điều này đã thay đổi. Theo bắt đầu và liên tục có những bước dâng lên theo kèm Azpilicueta. Mục đích có thể là vì Deschamps không muốn cho phép Tây Ban Nha dễ dàng khai thác khoảng trống và làm bóng ở khu vực hành lang trong nữa. Những hành động theo kèm này của Theo diễn ra từ đó trở về sau cho đến hết trận. Với những bước nhấc lên đó của Theo, Kimpembe mặc nhiên trở thành người buộc phải chủ động di chuyển ra biên theo kèm tiền đạo cánh Ferran Torres của Tây Ban Nha. Về cơ bản, quyết định điều chỉnh vị trí này vẫn không khiến tuyển Pháp gặp vấn đề bởi quân số của họ vẫn được duy trì, kết hợp cùng khả năng hỗ trợ phòng ngự và theo kèm người sát sao hơn từ Tchouameni (sau khi đã đổi chỗ với Pogba).

Tựu chung lại, sự lựa chọn đấu pháp của Pháp khiến họ không nằm quyền chủ động cầm trịch và thời lượng kiểm soát bóng vượt trội như đối thủ, nhưng thay vào đó, đề cao sự chắc chắn nơi hàng thủ. Hệ quả là Tây Ban Nha tuy có những khoảng trống ở hai bên cặp tiền vệ trung tâm của đối thủ để thoải mái cầm bóng, nhưng họ không thể phát triển bóng theo chiều sâu xuyên thủng được hàng thủ của Les Bleus. Một khối chữ U tạm gọi là vô hại bao bọc lấy trước vòng 16m50 của Pháp được tạo ra, như trong bản đồ nhiệt này.

Vậy còn những bàn thắng, chúng đến từ những kịch bản nào? Bàn mở tỷ số mà Tây Ban Nha có được đến ngay sau pha chuyển trạng thái tấn công của Pháp, với cú dứt điểm đập xà của Theo Hernandez. Ở pha bóng đó, cả Theo và Pavard đều đã dâng lên tham gia tấn công, không kịp lùi về để tạo thành kết cấu hàng thủ 5 người với cự ly duy trì chặt chẽ như trong xuyên suốt cả trận đấu. Nhờ đó, bộ 3 tiền đạo của Tây Ban Nha lúc này có nhiều khoảng trống hơn khi chỉ đương đầu với đúng 3 trung vệ của Les Bleus. Đương nhiên, cú thả bóng đẳng cấp của Busquets là tác nhân quan trọng mở ra cơ hội dành cho Mikel Oyarzabal.

Trong khi, với bàn gỡ hòa tuyệt đỉnh của Karim Benzema, cần phải nói đến công của Pogba. Một trận đấu mà như đã nói, tiền vệ của Man Utd đã trở thành điểm thoát pressing, chuyển đổi trạng thái chủ đạo của tuyển Pháp. Ngay ở pha bóng dứt điểm chạm xà của Theo Hernandez để rồi từ đó Tây Ban Nha có được bàn thắng, chính Pogba là người đã thoát đi thành công trước Busquets để chuyền bóng châm ngòi cho tất cả.

Và trong bàn thắng gỡ hòa, điều đó tiếp tục được nhìn thấy, khi sự phối hợp giữa Pogba cùng Griezmann đánh bại nỗ lực pressing tầm cao của Tây Ban Nha.

Còn với bàn thắng ấn định chiến thắng 2-1, tuy đó vẫn là một pha bóng gây tranh cãi, khi Mbappe đã ở vị trí việt vị, song trọng tài có cơ sở dựa trên quy định của luật. Dẫu rằng, đó vẫn là một quy định không thật sự thấu tình đạt lý và đã từng có những tranh luận tương tự đặt ra trước đây. Nhưng nó vẫn cho thấy vai trò của Theo Hernandez cùng sự nhạy bén và điềm tĩnh của Mbappe khi đối mặt với Unai Simon.

Thứ mà tuyển Pháp thiếu đi trong trận này lại là những điểm mà Tây Ban Nha sở hữu, đấy là ngoại trừ Pogba, Les Bleus không có những cầu thủ với cảm quan không gian và định hướng vị trí tốt để thoát pressing, lên bóng. Nhưng ngược lại, thứ mà Tây Ban Nha thiếu – tức, một hàng công sắc bén, ở tầm cỡ thế giới – thì người Pháp lại sở hữu. Một trận chung kết Nations League đẹp ở khía cạnh chuyên môn với chiến thắng sau cuối và nụ cười dành cho Pháp. Nhưng phía trước Tây Ban Nha của Luis Enrique vẫn là một tương lai đầy màu hồng.

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Nhà phân tích bóng đá

Có thể bạn thích