đồng hồ
Trang chủ     Bóng đá thế giới   /   Cần khước từ một nền bóng đá lạm dụng công nghệ

Cần khước từ một nền bóng đá lạm dụng công nghệ

Nếu ở Milano đêm Chủ nhật vừa rồi không phải là CK UEFA Nations League (UNL) mà là một trận chung kết EURO hay World Cup cách đây 10 hay 20 năm thì sao? Vâng, ngay khoảnh khắc bóng mới vừa rời chân Theo Hernandez thôi, trọng tài biên sẽ căng cờ báo việt vị; còi sẽ nổi lên, trọng tài chính chỉ tay, và không bao giờ tồn tại một bàn thắng cho Mbappe.

“VAR + Benzema: Chiến thắng cho người Pháp” là một trong những cái tít trên báo chí Tây Ban Nha sau trận chung kết. Họ ấm ức, nỗi ấm ức rải đầy các nhật báo thể thao. Ai mà chả ấm ức trong tình thế như vậy. Không có tình huống “VAR-lung tung” này, chưa chắc Tây Ban Nha đã thắng Pháp nhưng nếu có thua, họ cũng sẽ tâm phục khẩu phục thực sự.

Tây Ban Nha 1-2 Pháp: Đã rõ bàn thắng của Mbappe có hợp lệ hay không?

Tây Ban Nha 1-2 Pháp: Đã rõ bàn thắng của Mbappe có hợp lệ hay không? Bàn thắng của Mbappe ở phút 80 đã mang về danh hiệu vô địch Nations League cho đội tuyển Pháp nhưng nó cũng đã để lại nhiều tranh cãi về tính có hợp lệ hay không?

Chung kết UEFA Nations League: Một tương lai bắt đầu thành hình

Chung kết UEFA Nations League: Một tương lai bắt đầu thành hình Trận chung kết UEFA Nations league (UNL) giữa TBN và pháp đã đạt mọi cung bậc của bóng đá hiện đại: khoa học có; bùng nổ có; tài năng cá nhân ưu việt có và tranh cãi cũng có…

Lý giải của tổ VAR thì đơn gỉản, và nó đúng luật. Đại khái, Mbappe ở vào thế việt vị nhưng khi Garcia lao theo, xoạc bóng, người chạm bóng có chủ đích (play) đầu tiên là Garcia và do đó Mbappe… bỗng dưng hết việt vị. Giả sử, nếu đường chuyền của Theo đập vào người Garcia rồi văng tới trước mặt Mbappe, chắc chắn tổ VAR sẽ bắt việt vị tình huống này. Đúng luật quá nhưng đúng theo cái cách… mắc cười quá.

QUẢNG CÁO

Tình huống gây tranh cãi

100% tình huống kể trên, các hậu vệ chỉ có 1 trong 2 lựa chọn. Hoặc họ không đuổi theo để chủ động bẫy việt vị luôn. Hoặc là họ đuổi theo và khi đã đuổi theo, họ phải can thiệp hết sức để Mbappe không thể đón bóng. Garcia nếu có đáng trách thì cũng chỉ ở điểm tại sao anh không bẫy việt vị. Nhưng xin thưa, bẫy việt vị là một tổ hợp chứ không phải một cá nhân. Cả hàng thủ của Tây Ban Nha, lại không do Garcia làm thủ lĩnh, không chủ trương đặt bẫy từ đầu thì trách Garcia sao đặng. Bởi thế, Garcia không nên bị trách chút nào. Cách anh lao theo về, và xoạc bóng, cũng chỉ là một quyết định mà bất kỳ hậu vệ nào cũng sẽ làm.

Có trách, phải trách ông VAR

Trong bóng đá, đã không biết bao nhiêu lần một đội bóng bị tước đoạt một bàn thắng chỉ vì lỗi nhận định của trọng tài và nghiệt ngã là bàn thắng ấy bắt cả đội trả giá bằng rất nhiều lợi ích cực lớn, từ danh hiệu tới tài chính. Và khi bóng đá trở thành một ngành công nghiệp giải trí mang lại rất nhiều lợi nhuận, áp lực đòi hỏi tính chính xác càng cao. Công nghệ mắt thần (goal line), công nghệ trọng tài video tư vấn ra đời là vậy. Khốn nỗi, những người sử dụng công nghệ ấy có được chừng nào cảm xúc của người chơi bóng, người cầm cờ mới là quan trọng. Họ chỉ như những cỗ máy đơn thuần: đúng-sai trên cái gọi là dữ liệu (data).

Thời đại mới tạo ra cái nghề mới trong bóng đá gọi là những chuyên gia phân tích dữ liệu (data analysist). Họ trẻ. Họ thông minh. Họ tài ba. Họ yêu bóng đá. Nhưng quan trọng nhất, dường như họ vô cảm với việc đá bóng. Chính sự vô cảm ấy khiến họ biến mình thành những cỗ máy thời thượng, lấn lướt nhờ cái gọi là khoa học công nghệ, và xem thường tất cả những yếu tố con người của bộ môn gắn liền với xúc cảm này.

Bàn sau đó của Mbappe

Nếu không có VAR, cú phất cờ hay không phất cờ của trọng tài biên trận Pháp - Tây Ban Nha có thể sẽ gây tranh cãi, ông trọng tài thậm chí có thể bị đe doạ, bị chửi bới, bị lăng mạ nhưng dù sao đi nữa người ta vẫn có thể thông cảm với cái sai của ông ta vì nó là nhận định trong chớp mắt của một con người. Còn có VAR thì sao? Khi VAR cho rằng Mbappe không việt vị, thậm chí cái đúng của tổ VAR cũng là cái đúng bất khả thuyết phục. Nhưng nó để lại những băn khoăn cực lớn là “Công nghệ hiện đại thế mà sao lại còn ngớ ngẩn đến thế?” và “Cả một tổ ngồi họp trên dữ kiện video mà cũng không thể ra được một quyết định đúng với cảm quan bóng đá rất loài người”.

Và khi bàn thắng được công nhận, ngay cả cái niềm vui đơn sơ nhất, hoang dã và hồn nhiên nhất của người chơi bóng đá cũng bị xâm hại. Muốn vui hả? Cứ từ từ…

Rồi những thứ gọi là công nghệ này cũng tạo ra một lối xem bóng đá mất dần đi trực quan của con người. Với những khái niệm mới mẻ, hào nhoáng kiểu như xG (bàn thắng kỳ vọng), người ta đánh giá môn bóng đá như làm toán vậy. Ở một vị trí, với khoảng cách cụ thể, với góc sút cố định, người ta sẽ ra được tỷ lệ ăn bàn là bao nhiêu phần trăm.

xG là chỉ số khá phổ biến trong phân tích dữ liệu

Cái gọi là xG cơ bản từ nền tảng ấy. Nhưng nó có quan tâm đến những thứ quan trọng hơn rất nhiều lần hay không? Đó là trình độ dứt điểm của từng cá nhân khác nhau, đó là tình thế bóng khác nhau, tình thế đối thủ chung quanh khác nhau, tình trạng cảm xúc của cầu thủ biến đổi và tình trạng thể lực của cầu thủ ở đầu hiệp sẽ khác với cuối hiệp thế nào, dẫn tới chất lượng dứt điểm biến thiên cũng nhiều. Đó là còn chưa kể nhiều hoàn cảnh ngoại vi khác nữa. Thêm một tiếng hô từ khán đài sẽ khác hẳn với việc bớt đi một lời cổ vũ reo hò. Xin thưa, các “ông dữ liệu” chẳng bao giờ tính toán nổi điều này. Không thuật toán nào tính toán nổi điều này.

Sự điên rồ của Benzema dẫn tới anh có cú cứa lòng lịch sử. Chính sự điên rồ ở khoảnh khắc ấy là thứ dữ liệu và công nghệ không ước đoán được. Hay là cú chạm bóng của Garcia để sau đó Mbappe ghi bàn chẳng hạn? Garcia có muốn chạm bóng hay không hay chỉ là một nỗ lực chuồi theo để gây khó khăn cho Mbappe? À, ông dữ liệu bảo nó là chuyền về cho thủ môn. Thế thôi. Như lập trình.

Công nghệ có cần cho bóng đá không? Quá cần. Như nói ở trên rồi, phải dùng công nghệ để các nhà đầu tư bóng đá không mất hẳn một khoản chỉ vì một tình huống oan sai. Đầu tư cả 4 năm mà trận chung kết gặp sai lầm từ trọng tài, chắc gì 4 năm sau lại thành công ở EURO hay World Cup. Cần, nhưng không thể cần theo cách lạm dụng, theo cái cách dữ liệu đang thống trị như một vị vua trong phân tích, phê bình bóng đá đương thời.

Công nghệ là thứ cần thiết, nhưng cách dùng cũng quan trọng

Arsene Wenger từng đi rất sớm với công nghệ và dữ liệu, dùng dữ liệu để phục vụ mua sắm cầu thủ ở giai đoạn cuối tại Arsenal của mình. Và đó là giai đoạn người ông mua về chán nhất, không bằng một góc thời ông mua chỉ bằng mắt thường.

Công nghệ để tham vấn, để hỗ trợ là đủ rồi. Còn công nghệ bắt đầu bị lạm dụng trong bóng đá như hiện nay thì có thể là cái vấn nạn. Cần phải biết khước từ một nền bóng đá làm dụng công nghệ như thế. Nhưng việc chúng ta khước từ có đủ sức chống lại hay không khi trong môn thể thao này, chúng ta như nhân dân và FIFA, UEFA như những nhà độc tài cai trị? Còn chuyện có can thiệp từ bên thứ ba nào khác thì xin kiếu không lạm bàn. Chưa có chứng cứ, cũng không nên vội vã làm gì…

Song, một khi đại đa số “nhân dân bóng đá” cùng nhau khước từ, FIFA hay UEFA có dám lộng quyền???

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Chuyên gia phân tích bóng đá

Có thể bạn thích