Không cần đợi đến khi gặp đội tuyển Việt Nam tại chiến dịch vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, bóng đá Ả Rập Saudi đã để lại những tiếng vang và ảnh hưởng nhất định lên nền bóng đá toàn cầu.
Trừ khi không quan tâm đến bóng đá, chúng ta hẳn đều hứng thú trước sự kiện Newcastle Utd đổi chủ hồi tháng 10 vừa qua. Thay thế ông chủ cũ Mike Ashley tại CLB vùng Tyneside nước Anh là Quỹ đầu tư công PIF, nắm giữ 80% cổ phần với thương vụ trị giá 300 triệu bảng Anh. PIF đến từ Ả Rập Saudi và chủ tịch của quỹ này là Thái tử Mohammed bin Salman.
Không chỉ dừng lại ở đó, sức nặng của nền bóng đá Ả Rập Saudi còn được nhìn thấy hồi tháng 5 vừa qua. Dựa trên mối quan hệ được xây đắp với Liên đoàn Bóng đá Thế giới FIFA, Liên đoàn Bóng đá Ả Rập Saudi trong cuộc họp đại hội đồng FIFA lần thứ 71, đã đệ trình ý tưởng tổ chức World Cup cứ mỗi 2 năm một lần, thay vì 4 năm. Ý tưởng này sau đó đã được chấp thuận để thông qua bàn bạc, với kết quả bỏ phiếu 166 phiếu thuận và 22 phiếu chống, ở đây là được thông qua để từ đó tiến hành nghiên cứu, xem xét, đánh giá. Từ đó đến nay, một chiến dịch PR truyền thông được chủ tịch FIFA, Gianni Infantino, cùng Arsene Wenger và nhiều cựu danh thủ bóng đá khác tiến hành.
Đấy có thể xem là “quyền lực mềm” mà Ả Rập Saudi muốn tạo nên trên trường quốc tế. Rất có thể, nó là một phần trong kế hoạch mang tên “Tầm nhìn 2030” do chính Mohammed bin Salman vạch ra vào tháng 4 năm 2016, một kế hoạch đa dạng hóa nền kinh tế của đất nước có diện tích lớn nhất Trung Đông, hướng đến kỷ nguyên “hậu dầu mỏ”. Trong tham vọng đó, vai trò của chính Quỹ đầu tư công PIF đóng vai trò chủ lực. Dựa trên những kinh nghiệm và bài học mà UAE – đất nước có chủ sở hữu của Man City, hay Qatar – đất nước có chủ sở hữu của PSG, Ả Rập Saudi cũng muốn vươn tầm ảnh hưởng của mình thông qua khía cạnh thể thao.
Simon Chadwick, Giáo sư Kinh doanh Thể thao của ĐH Salford từng nói: “Trong những năm qua, Ả Rập Saudi đã bắt đầu đối mặt với thực tế của một tương lai hậu dầu mỏ. Họ quyết định đầu tư vào thể thao và một phần cầu thành quan trọng trong nó chính là bóng đá. Ả Rập Saudi đã quan sát và nhận thấy rằng thông qua thể thao, nhất là bóng đá, Qatar đã vươn lên một vị thế chính trị trên toàn cầu mà họ đơn giản là chưa bao giờ hình dung.”
Nhưng sức mạnh của thể thao hay sức mạnh của nền bóng đá không chỉ nằm ở câu chuyện quyền lực và tiền tài đổ vào các mối quan hệ quốc tế. Ả Rập Saudi hiểu rõ, căn cơ còn phải nằm ở nội tại.
David Woodfield, cựu hậu vệ của Wolverhampton, nhớ lại những ngày ông còn dẫn dắt đội tuyển quốc gia Ả Rập Saudi vào cuối thập niên 70 của thế kỷ trước: “Chúng tôi là những người đi tiên phong. Ngày đó, họ chỉ có một SVĐ. Các CLB chỉ có những sân đá bóng trên cát. Chúng tôi có một đội tuyển quốc gia và sau đó phát triển đội U21, U18 và U16. Họ từng muốn một kế hoạch 10 năm, họ nghĩ họ có tiền và họ muốn thành công đến ngay lập tức.”
Mùa hè năm 1994, tại Washington, pha solo từ phần sân nhà của Saeed al-Owairan vượt qua 4 cầu thủ tuyển Bỉ, bàn thắng duy nhất được ghi và Ả Rập Saudi trong lần đầu tiên tham dự World Cup, đánh bại tuyển Bỉ để vào vòng 16 đội với tư cách nhì bảng F.
Thành công vang dội ấy mở ra thêm 3 lần liên tiếp khác góp mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh của đội tuyển quốc gia Tây Á này. Các năm 2010 và 2014, “chim ưng xanh” thất bại trong tham vọng giành vé đến World Cup, cho đến khi xuất hiện trở lại tại nước Nga vào năm 2018.
Nếu như những Nhật Bản, Hàn Quốc và Iran đã xác lập địa vị và trở thành chuẩn mực của bóng đá châu Á trong nhiều năm qua, thì Ả Rập Saudi đã âm thầm vươn mình và đang trải qua một chiến dịch vòng loại World Cup mỹ mãn. Cho đến trước trận hòa 0-0 trước Australia, “chim ưng xanh” là đội tuyển duy nhất trong 12 cái tên còn lại của vòng loại World Cup khu vực châu Á nắm giữ thành tích toàn thắng.
Không như những ông lớn châu Á khác với những hảo thủ chinh chiến tại châu Âu, đội hình Ả Rập Saudi là những cái tên đến từ giải vô địch quốc gia của nước này, Saudi Professional League, dù Salem Al-Dawsari và Fahad Al-Muwallad đều từng có những trải nghiệm tại LaLiga cùng Villarreal và Levante.
AFC Champions League, giải đấu lớn nhất cấp CLB của châu Á chuẩn bị bước vào trận đấu cuối cùng mùa giải này vào cuối tháng 11 tới. Tại đó, Al-Hilal của Ả Rập Saudi sẽ chạm trán Pohang Steelers của Hàn Quốc. Đây cũng chính là hai đội bóng từng vô địch đấu trường này nhiều nhất trong lịch sử (3 lần mỗi bên). Với việc AFC Champions League được phân thành hai khu vực là bờ Đông và bờ Tây cho đến trước trận chung kết, trận bán kết bờ Đông là cuộc chiến nội bộ của thủ đô Riyadh, Ả Rập Saudi, khi hai CLB từng giành tổng cộng 26 chức vô địch quốc nội là Al-Hilal và Al-Nassr gặp nhau.
Trong bối cảnh bóng đá Trung Quốc đang nổ bong bóng vì nền tài chính khủng hoảng, khiến giải vô địch quốc gia Chinese Super League dần đánh mất sức hút với các ngôi sao châu Âu, Saudi Professional League nổi lên là một điểm đến lý tưởng. Cán cân từ bờ Đông đang chuyển sang bờ Tây châu Á.
Một vài cầu thủ người Brazil đã “tháo chạy” khỏi các CLB Trung Quốc để đến với Ả Rập Saudi, như Paulinho và Talisca. Trong đó, Paulinho gia nhập Al-Ahli, còn Talisca gia nhập Al-Nassr.
Mùa hè vừa qua, sau khi vô địch quốc gia lần thứ 17 trong lịch sử, Al-Hilal bổ sung thêm những Matheus Pereira và Moussa Marega vào đội hình vốn dĩ đã có sẵn tiền đạo người Pháp Bafetimbi Gomis, tiền đạo cánh người Peru Andre Carrillo, cùng một số tuyển thủ quốc gia Ả Rập Saudi khác (có 7 thành viên Al-Hilal trong đội hình Ả Rập Saudi hiện tại). Trên băng ghế chỉ đạo của Al-Hilal còn là Leonardo Jardim, người từng đưa Monaco đến với chức vô địch nước Pháp vào năm 2017. Trước đó, trong hàng ngũ Al-Hilal còn có cựu tuyển thủ Italia Sebastian Giovinco.
Đối thủ cùng thành phố của Al-Hilal là Al-Nassr, từng chiêu mộ Pity Martinez – cầu thủ Nam Mỹ xuất sắc nhất vào năm 2018, và giờ đây bên cạnh Talisca, còn có những tân binh như tuyển thủ người Cameroon Vincent Aboubakar hay Ramiro Funes Mori.
Những tên tuổi khác như Ever Banega, Eder, Odion Ighalo cũng đều đang thi đấu cho các CLB Ả Rập Saudi.
Mặc dù nền bóng đá Ả Rập Saudi vẫn còn những vấn đề tồn đọng, nhất là căn bệnh chủ nghĩa ngắn hạn, với những CLB cần đến nguồn cung tài chính của chính phủ. Song, sự tập trung vào đào tạo trẻ đã được nhìn thấy và cho ra quả ngọt những năm qua. Chẳng hạn như vào năm 2018, “chim ưng xanh” từng vô địch U19 châu Á. Hai năm sau, họ về nhì ở U23 châu Á. Nhiều gương mặt trong các lứa U đó giờ đang góp mặt và đóng vai trò nòng cốt ở đội tuyển quốc gia được dẫn dắt bởi HLV người Pháp Herve Renard, như Firas Al-Buraikan, Sami Al-Najei, hay Abdulelah Al-Amri và Abdulrahman Ghareeb.
Có thể nói, trong khi người châu Âu nhìn vào St. James’ Park để hiểu về bóng đá Ả Rập Saudi, thì người châu Á đang được trải nghiệm chính đội tuyển quốc gia đất nước này để cảm nhận sức mạnh và tham vọng vươn tầm của họ.