Lá thăm may rủi đã đưa Bồ Đào Nha và Ý, hai nhà vô địch Euro gần nhất, chung nhánh trên chặng đường sinh tử giành vé tới FIFA World Cup 2022. Có thể đổ lỗi cho sự thiếu may mắn, nhưng việc phải loại bỏ nhau hoàn toàn đến từ việc hai ông lớn của bóng đá châu Âu tự bắn vào chân mình trong giai đoạn Vòng loại.
Nhắc tới kì tích Euro 2016 của Bồ Đào Nha, người ta thường chỉ nhắc tới hai cái tên. Cristiano Ronaldo, người đội trưởng, chân sút số 1 và siêu sao thế giới, cầu thủ gần như một tay đưa đội nhà đi tới trận chung kết. Ngoài ra, đó là Eder, ngôi sao mai vụt sáng đem về bàn thắng quyết định giúp Bồ Đào Nha lên đỉnh ngoạn mục ngay trước mũi chủ nhà Pháp.
Eder và Ronaldo
Thế nhưng, khác với điều kì diệu mang tên Hy Lạp 2004 với dấu ấn đậm nét về tổ chức phòng ngự chặt chẽ của Otto Rehhagel, hay Vicente del Bosque với khả năng hòa hợp lí tưởng giữa lối chơi và con người vốn dĩ xung đột nặng nề bởi mối thâm thù kình địch Real Madrid và Barcelona để giúp Tây Ban Nha vô địch Euro lần thứ 2 liên tiếp, ít người nhắc tới Fernando Santos một cách nể trọng khi mô tả về ngôi vương của Bồ Đào Nha.
Thấm thoắt gần 6 năm với thêm một kì World Cup và Euro đã trôi qua. Lập luận của những người chỉ trích cho rằng Santos là kẻ ăn may khi giúp Bồ Đào Nha lên ngôi dường như lại càng ứng nghiệm nếu nhìn vào thành tích yếu kém của A Selecao trong cả hai giải đấu lớn gần nhất. Trên đất Nga năm 2018 và Tây Ban Nha năm 2021, Bồ Đào Nha đều bị những đối thủ xứng tầm là Uruguay và Bỉ đả bại ngay ở vòng knockout đầu tiên, sau khi phải rất chật vật để vượt qua vòng bảng.
Đó là còn trong bối cảnh, Bồ Đào Nha không hề thiếu thốn tài năng khi liên tiếp cho ra lò những cá nhân trẻ đầy triển vọng những năm gần đây. Tại cấp độ U21, Bồ Đào Nha hai lần đoạt ngôi á quân Châu Âu vào năm 2015 và 2021. Trong khi đó, bốn kì UEFA U19 gần nhất là bốn lần các cầu thủ trẻ xứ Bồ đoạt huy chương với 1 vàng, 2 bạc và 1 đồng. Không còn là hình ảnh của một Bồ Đào Nha đơn điệu với một mình Cristiano Ronaldo và phần còn lại, đội hình Fernando Santos đang sở hữu trong tay là tập hợp của những cá nhân hàng đầu châu lục.
Tuy nhiên, nếu so sánh phong độ và màn trình diễn của phần lớn cầu thủ Bồ Đào Nha trong màu áo CLB và ĐTQG, chúng ta có thể thấy rõ sự thất vọng. Bernardo Silva hay Joao Cancelo chỉ là cái bóng của chính mình so với sự chói sáng tại Manchester City. Rui Patricio phạm vào những thiếu sót dù nhỏ, nhưng mang tính chất định đoạt có thể giúp Bồ Đào Nha giành điểm. Hay đó là sự im tiếng và phung phí cơ hội của Bruno Fernandes và Diogo Jota, những cá nhân sở hữu hiệu suất chuyển hóa hàng đầu tại Manchetser United và Liverpool.
Bernardo Silva không giữ được phong độ khi lên tuyển
Đó là chưa kể tới lựa chọn nhân sự để lại nhiều điều tiếng từ chính Santos khi tiếp tục trung thành với số gương mặt cũ nhưng suy giảm phong độ như William Carvalho hay Joao Felix mà bỏ qua những cái tên đang lên như Pedro Goncalves hay Joao Palhinha. Thất bại ngay trên sân nhà trong trận đấu quyết định tấm vé trực tiếp gặp Serbia chỉ là phần nổi của tảng băng chìm đại diện cho khối khổng lồ vấn đề Bồ Đào Nha đối mặt dưới triều đại Santos.
Hai trận đấu playoff sắp tới gặp Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều khả năng tiếp theo là Ý chắc chắn sẽ định đoạt chiếc ghế nóng mà ông thầy 67 tuổi đang nắm giữ. Một thông số đáng quan ngại mà chắc chắn mọi cổ động viên Bồ Đào Nha phải chú ý. Dù dẫn dắt A Selecao đi tới chức vô địch Euro 2016, nhưng Bồ Đào Nha dưới thời Santos chỉ giành duy nhất một chiến thắng chung cuộc sau 90 phút trong khuôn khổ trận đấu có tính chất loại trực tiếp tại Euro hoặc World Cup. Sẽ là thử thách không hề dễ dàng cho Cristiano Ronaldo nếu muốn có kì World Cup thứ 5 và có thể là cuối cùng trong sự nghiệp.
Tương tự với trường hợp của Bồ Đào Nha, Ý cũng bị kì đà cản mũi khỏi tấm vé trực tiếp tới World Cup bởi một đội bóng đến từ hòn đảo Ireland đã hết mục tiêu cạnh tranh. Nếu A Selecao bị cầm chân tại Dublin bởi Cộng hòa Ireland, Azzurri không thể giành 3 điểm tại Belfast bởi Bắc Ireland và để Thụy Sĩ vượt qua trong loạt đấu cuối cùng. Sau một kì Euro thành công vượt ngoài mong đợi, số phận của Đội tuyển Ý bỗng giờ đây mong manh hơn bao giờ hết.
Từng thất bại trong việc giành vé tới ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh vào năm 2018, Italy đang đứng trước viễn cảnh lần đầu tiên vắng mặt tại World Cup hai lần liên tiếp. Là đội bóng giàu thành tích thứ nhì trong chiều dài giải đấu danh giá nhất thế giới bóng đá, Ý chắc chắn không muốn trở thành nhà ĐKVĐ châu Âu thứ 3 trong lịch sử sau Tiệp Khắc năm 1978 và Đan Mạch năm 1994 không thể dự World Cup ngay kế tiếp.
Trên hết, thất bại trong việc xuất hiện tại Qatar mùa đông năm 2022 còn đem tới nguy cơ phá hủy nền tảng tích cực cho bóng đá Ý vừa được khơi dậy hè qua. Sau những thất bại liên tiếp trên trường quốc tế tại cả cấp độ ĐTQG và CLB, danh hiệu Euro 2020 không chỉ là cứu cánh cho thể diện sức mạnh của cả nền bóng đá, mà đồng thời được kì vọng sẽ là bàn đạp cho sự trở lại của một người khổng lồ.
HLV Mancini cùng các tuyển thủ Italy nâng cao chiếc cúp Henry Delaunay dành cho nhà vô địch Euro
Dẫu vậy, Italy dường như đã ngủ quên sau chiến thắng tại Wembley. 7 trận đấu hậu Euro 2020, đoàn quân của Roberto Mancini chỉ thắng hai, trước đối thủ yếu nhất bảng Vòng loại World Cup là Lithuania và trận đấu thủ tục tranh hạng ba tại VCK UEFA Nations League. Trong 5 trận đấu còn lại, Azzurri thể hiện bộ mặt bạc nhược và bế tắc trong tấn công, trái ngược hoàn toàn với phong độ bão táp từng giúp họ thống trị châu Âu mùa hè 2021. Đó là còn thất bại tâm phục khẩu phục trước Tây Ban Nha tại bán kết Nations League ngay trên sân nhà.
Người ta có thể đổ lỗi cho cú sút penalty hỏng ăn của Jorginho tại Rome trước Thụy Sĩ ở những giây cuối cùng, nhưng bị cầm hòa trong 4/5 trận đấu Vòng loại cuối cùng khó có thể coi là tai nạn. Đồng ý rằng, chấn thương và thẻ phạt đã cướp đi những trụ cột chính yếu của Mancini, nhưng một đội bóng lớn luôn cần khẳng định bản lĩnh ở những thời điểm quyết định. Và chẳng phải, vượt khó, luôn là đặc điểm người Ý vỗ ngực tự hào hay sao?
Một trong khoảnh khắc góp phần khiến Italia rơi vào tình cảnh khó khăn
Càng viện cớ vào sự thiếu vắng của Leonardo Spinazzola, Giorgio Chiellini hay một tiền đạo thực thụ sẽ chỉ càng phản ánh sự lệch lạc về chất lượng đội hình Azzurri mà thôi. Trong khi trên thực tế, Mancini đã dẫn dắt Italy lên ngôi tại Euro mà không cần dựa dẫm vào bất kì ngôi sao cá nhân nào. Lối chơi tập thể ấn tượng với tinh thần không bỏ cuộc của đội bóng thiên thanh từng thể hiện trên con đườn tới ngôi vương, hơn bao giờ hết, cần được thể hiện ngay trong loạt trận playoff vào tháng 3 tới đây.
Bằng không, danh hiệu Euro 2020 và kế hoạch dài hơi về di sản tương lai Roberto Mancini cố gắng tạo dựng cho bóng đá Ý sẽ nhanh chóng rơi vào quên lãng.