0-6 trước Liverpool rồi 0-4 trước Tottenham, điều gì đang xảy ra với Leeds United?
Hai trận thua đậm liên tiếp ấy chưa phải là tất cả bề nổi vấn đề của Leeds hiện tại. 5 trận liên tục, họ để thủng lưới đến 20 bàn, bằng 1/2 số bàn thua của họ ở 21 vòng đấu trước đó. Và họ cũng vượt mặt Norwich để trở thành đội đang để thủng lưới nhiều nhất Premier League mùa này, 60 bàn, với chỉ vẻn vẹn 2 điểm nhiều hơn nhóm rớt hạng trong khi đã đá nhiều hơn đối thủ bám đuổi gần nhất 2 trận.
Marcelo Bielsa cuối cùng cũng đã phải nói lời chia tay với Leeds khi tình hình đã quá bi đát. Tin đồn đã được tung ra về việc Leeds đang tiếp cận cựu HLV của Leipzig là Jesse Marsch để về nhận ghế nóng ở Elland Road. Và dù có tiếc nuối đến mấy đi nữa chúng ta cũng phải thừa nhận rằng Bielsa xứng đáng bị sa thải khi để Leeds trở nên mỏng manh đến như vậy.
Có thể sẽ có những nhận định cho rằng vì sự vắng mặt của Liam Cooper và Kalvin Phillips mà Leeds dễ tổn thương đến vậy. Song, nếu tính từ đầu giải đến giờ, sự vắng mặt của họ có lẽ chỉ là nguyên nhân nhỏ. Lần gần nhất Cooper và Phillips ra sân cách đây gần 3 tháng (05/12/2021) và lần gần nhất Leeds giữ sạch lưới cũng đã từ ngày 01/12. Đúng là có mặt hai nhân tố kể trên, Leeds chắc chắn hơn nhưng không phải khi có mặt họ, Leeds không từng thua sấp mặt. Số trận Leeds để thủng lưới từ 2 bàn trở lên là không nhỏ chút nào kể từ khi họ trở lại với Premier League. Và yếu tố cơ bản khiến họ rơi vào tình trạng quen thuộc này chính là cách tiếp cận của Bielsa, một cách tiếp cận đầy mạo hiểm đúng theo kiểu “được ăn cả, ngã về không”.
Không khó để nhận thấy Leeds của Bielsa là đội bóng chơi cởi mở bậc nhất, giàu tính giải trí, giàu kích thích nhất Premier League hiện nay. Nhìn cách các cầu thủ áo trắng thi đấu, chỉ có thể nói bằng hai chữ “điên cuồng”. Họ cháy hết mình, nhưng không phải cái cháy hết mình ấy có thể giúp họ có được kết quả là sự toả sáng tập thể mà nhiều khi, như một trò “tự sát tập thể” theo đúng nhận xét của báo chí anh là “lối chơi kamikaze”.
Leeds chủ trương chơi với đội hình khá hẹp về chiều ngang, di chuyển nhiều, áp sát quyết liệt nhưng đó lại là một hệ thống cực dễ tổn thương trước các đội bóng hiện đại hôm nay. Xu hướng chơi với biên thủ (wingback) nhiều hơn là hậu vệ biên (fullback) luôn giúp các đội bóng Premier League có thêm phương án phát động bóng từ biên và một khi Leeds đối diện các đối thủ như thế bằng một hệ thống khá bó hẹp về chiều ngang, gần như họ để dành biên cho đối phương thoải mái khai thác. Trong khi đó, cách phân nhiệm giữa hàng thủ và hàng tiền vệ ở Leeds thực tế khá phức tạp, hay nói đúng hơn là ý tưởng của Bielsa quá phức tạp. Từ đó dẫn đến một chút hỗn loạn trong khâu triển khai bóng từ phần sân nhà của Leeds cũng như trong các pha chống phản công tốc độ cao.
Cụ thể, trong sơ đồ xuất phát của Leeds trước Tottenham vừa rồi, Llorente và Struijk được xếp là cặp trung vệ, ngay phía trên họ là Koch như một tiền vệ trụ. Nhưng thực chiến thì Leeds lại tổ chức như thể họ chơi với 3 trung vệ là Llorente - Forshaw - Koch trong khi Struijk hơn dâng cao hơn như một tiền vệ trung tâm đối tác của Dallas. Tuỳ theo tình huống bóng, Forshaw hoặc dâng lên như một tiền vệ thứ 3, hoặc co lại như trung vệ giữa. Các tính toán luân chuyển vị trí bất đối xứng này thực sự cho thấy Bielsa rất thông thái nhưng lại hơi xa rời thực tế. Cầu thủ của ông không đáp ứng được các đòi hỏi chiến thuật quá rối rắm này. Và họ tạo ra sự hỗn loạn trong tổ chức phòng ngự để từ đó, lưới của Meslier tan nát.
Nhưng trớ trêu là kết quả dù tệ đến thế, Bielsa lại thuộc diện cứng đầu, cố hữu và không chịu thay đổi. Ông khẳng định “không cần phải thay đổi hệ thống và ý tưởng” mà thay vào đó, ông kỳ vọng cầu thủ của mình có thể tiến triển nhanh để có thể có được kết quả tích cực kịp thời. Song, bây giờ đã chuẩn bị vào tháng 3. Leeds không thể cũng như không nên chờ đợi hơn nữa bởi nếu làm như vậy, họ hoàn toàn có khả năng xuống hạng.
Điều đáng nói là dù kết quả rất tệ nhưng phong thái trên sân của Leeds lại vẫn luôn rừng rực khí thế, nên do đó, nó tạo ra cảm giác đầy lừa dối rằng Leeds chơi hấp dẫn. Chính cái hấp dẫn thiếu hiệu quả ấy đã và đang ru ngủ Bielsa để ông tiếp tục nuôi những ý tưởng điên rồ, lãng mạn và mơ mộng của mình. Người Anh nhận xét về thứ bóng đá mà Leeds đang trình diễn hôm nay quả thật không sai. “Ngây thơ” chính là thứ mà họ đang nói về Leeds và Bielsa. Cũng hai tiếng “ngây thơ” ấy khiến chúng ta phải nghĩ đến câu hỏi “liệu rằng, Bielsa có bắt đầu rơi vào trạng thái tụt lại so với thời đại hay không?”.
Có thể, Bielsa đã lạc thời. Hôm nay, bóng đá thực tế và đòi hỏi tính chính xác rất cao thay vì chỉ trông chờ vào một lối chơi cuồn cuộn, điên cuồng và bất chấp. Những người nhận là học trò của Bielsa, điểm hình như Pep Guardiola, chẳng phải vẫn luôn cố gắng tìm cách hoàn thiện đội bóng của mình hơn hay sao? Áp lực về sự hoàn thiện ở thời đại này là cực lớn. Sau mỗi trận, dù thắng, hoà hay thua, mỗi HLV đều nhìn thấy ở đó những điểm mà mình cần phải tinh chỉnh. Khối lượng thông tin chiến thuật họ nạp vào cho cầu thủ là từng xíu từng xíu một và được rót vào từng ngày, để thẩm thấu dần dần. Còn Bíelsa, ông đổ cả một khối lượng thông tin quá lớn cùng một lúc và điều đó khiến cầu thủ của ông không thể nào tiêu thụ hết được lượng thông tin lớn như vậy. Kết cục thì ai cũng rõ. Chỉ một mình Bielsa là vẫn còn mơ mộng với những ý tưởng cao vời của mình mà thôi.
Nếu Leeds phải thay đổi HLV, đó cũng là việc cần làm. Và Bielsa cũng đã đến lúc thay đổi “khung trời” của mình. Ông có lẽ phù hợp hơn với vai trò một bộ não phát triển, kiểu một GĐKT, hơn là một bộ não cầm quân thực chiến. Chính ông từng nói, mọi ý tưởng đều là điên rồ hết cho đến khi nào nó mang lại hiệu quả cuối cùng. Mà ở Leeds, ý tưởng của ông chưa từng mang lại hiệu quả cuối cùng.