đồng hồ
Trang chủ     Bóng đá thế giới   /   Va đập trường phái: Kiểm soát của Guardiola và cởi mở của Klopp

Va đập trường phái: Kiểm soát của Guardiola và cởi mở của Klopp

Không phải ai cũng chơi bóng theo trường phái bóng đá của Pep Guardiola, cũng không phải ai cũng chơi bóng theo trường phái bóng đá của Jurgen Klopp. Lối chơi của những đội bóng họ dẫn dắt, quyết định đến cách tiếp cận của đối thủ, và từ đó ảnh hưởng đến chính Man City và Liverpool.

Huyền thoại Arrigo Sacchi sau khi chứng kiến lối chơi của Atletico Madrid trước Man City hồi giữa tuần qua ở Champions League, đã không tiếc lời chỉ trích và phê bình thứ bóng đá của Diego Simeone. Ông miêu tả đó là thứ bóng đá khiến người xem mệt mỏi, và thay vì tìm cách đầu tư nâng cấp lực lượng, Atletico nên nghĩ đến việc thay đổi triết lý bóng đá, nói thẳng ra là thay đổi HLV. 

Soi kèo Man City vs Liverpool, 22h30 ngày 10/4 - Vòng 32 Ngoại Hạng Anh

Soi kèo Man City vs Liverpool, 22h30 ngày 10/4 - Vòng 32 Ngoại Hạng Anh Tâm điểm của vòng 32 Premier League sẽ là trận chung kết giữa Man City vs Liverpool. Trận đấu sẽ được diễn ra vào lúc 22h30 ngày 10/4 sắp tới,

Jack Grealish:

Jack Grealish: "Cậu ấy chuyền như Messi, thật không thể tin nổi" Trong loạt trận thuộc vòng 5 cúp FA, Man City đã dễ dàng đả bại đội bóng hạng dưới Peterborough với tỷ số 2-0.

Trong số những mẩu chuyện được Sacchi kể lại để chứng minh cho lập trường của mình, ông nhắc đến cái lần cậu học trò năm xưa Ruud Gullit từng than phiền: “Thưa thầy, tại sao lại không nhồi quả bóng vào trong vòng cấm? Chỉ cần bơm bóng vào trong, kiểu gì chúng ta cũng ghi bàn, vì chúng ta có những cầu thủ giỏi không chiến.” 

QUẢNG CÁO

Bấy giờ, Sacchi đáp lại: “Không được, nếu chúng ta may mắn ghi được bàn, cả đội sẽ bắt đầu chơi theo cách như vậy. Và đó lại là cách mà tôi không muốn.” 

Cựu thuyền trưởng của Milan oai hùng ngày trước giải thích thêm: “Bóng đá trong mắt tôi là sự tổ chức, pressing, chuyền bóng sệt và áp đảo phần sân đối phương. Hồi Euro 2000, tôi từng ngồi cạnh Pele trên khán đài sân Amsterdam trong trận bán kết giữa Italia và Hà Lan. Chung cuộc, người Italia chúng ta giành chiến thắng trên loạt sút luân lưu, sau khi tử thủ trên phần sân nhà trong suốt cả trận đấu. Pele liền nói với tôi: ‘Thật xấu hổ, các ông có những cầu thủ giỏi, nhưng lại không biết chơi thứ bóng đá đẹp.’”

Chúng ta rút ra được gì từ câu chuyện trên? Mỗi HLV có một gu, một khẩu vị bóng đá riêng. Nói cách khác, mỗi người có một lý tưởng riêng. 

Bản chất của một trò chơi như bóng đá từ thuở sơ khai luôn là tìm kiếm niềm vui, sự giải trí và ghi bàn giành chiến thắng để thỏa mãn. Tự sự hoang dại và khoáng đạt, bóng đá dần thay đổi. Khi trò chơi này dần trở thành một bộ môn tranh tài quan trọng, rồi tiếp theo là trở thành một ngành công nghiệp hái ra tiền tỷ, chính việc chiến thắng hay giành được kết quả tốt quyết định tất cả. Quả thực, chẳng ai đá bóng mà lại vui nếu để thua cả. 

Theo thời gian, sự tổ chức dần được đề cao trong bộ môn này. Những hình thái chiến thuật cũng nở rộ. Sự đấu tranh làm nên phát triển. Một hình thái luôn tồn tại khắc tinh của nó. Hay nói khác đi thì thứ bóng đá phòng ngự, thực dụng ra đời để chống lại trường phái tấn công. Bằng cách này hay cách khác, mục đích cuối cùng vẫn là giành chiến thắng. Và nhất định, bóng đá phải luôn có sự song hành của hai nét tương phản này. 

Chúng ta cùng quay trở lại vấn đề ban đầu. Vì sao mỗi HLV lại có một trường phái bóng đá riêng? Có nhiều yếu tố: ảnh hưởng của văn hóa bóng đá, sự trải nghiệm, tác động của sự nghiệp, bản tính cá nhân… 

Sự kiểm soát của Guardiola

Pep Guardiola từng nói về lý do ông lựa chọn trường phái bóng đá của riêng mình như thế này trên Sky Sports hồi đầu tháng 3 vừa qua: “Với Jesse Marsch đến Leeds, đang có một xu hướng diễn ra tại Premier League. 5 đội bóng quan trọng đều chơi theo một trường phái. Dòng chảy của bóng đá Đức đã đến Anh. 5 đội bóng quan trọng của giải đấu và những HLV của họ đều thuộc trường phái này. ‘Chuyển đổi trạng thái, triển khai bóng qua trung lộ, pressing tầm cao, các cầu thủ tương hỗ nhau, không quan trọng bạn có để mất bóng hay không bởi chỉ vài giây sau chúng tôi sẽ đoạt lại được nó và tấn công bạn lần nữa, bạn sẽ cứ mất bóng rồi lại mất bóng mà thôi.’ Đó là một hệ phương pháp thật sự chất lượng và nó đang tạo ra một xu hướng ở Anh. Bản thân thứ bóng đá ấy cũng đã hấp dẫn vô cùng, nếu được vận hành trơn tru. Người hâm mộ cũng sẽ bị cuốn hút và các đội bóng từ nền tảng lối chơi ấy sẽ gặt hái được thành công.”

“Dĩ nhiên là tôi đã học được rất nhiều thứ tại Đức. Tôi đã tìm cách để thích nghi, chơi phản công nhiều hơn. Nhưng việc không ngần ngại để mất quyền kiểm soát bóng thường xuyên với quan niệm rằng quả bóng có thể đoạt được lại ngay lập tức không phải là gu của tôi. Nghe này, tôi đến từ Catalunya mà, các bạn biết rồi đấy. Nền giáo dục tôi được hưởng, thứ bóng đá tôi được dạy, đến từ Catalunya. Và tôi học được ở đó nhiều thứ, tôi cũng học được ở Đức nhiều thứ, nhưng những nguyên tắc và triết lý của tôi đến từ Catalunya. Nếu tôi sinh ra ở Đức, tiếp nhận những ý tưởng từ Ralf Rangnick, từ Jurgen Klopp hay ai đó, có lẽ tôi cũng sẽ tuân theo trường phái của họ. Song, tôi cảm nhận bóng đá theo cái cách của riêng tôi và tôi không thể thay đổi chỉ vì họ gặt hái được thành công nhờ triết lý ấy. Mỗi người có quyền làm những gì họ muốn mà.”

Vậy là rõ! Văn hóa bóng đá Catalunya hay Tây Ban Nha, sự trải nghiệm và chịu ảnh hưởng từ bóng đá kỷ nguyên Johan Cruyff ở Camp Nou, và thậm chí cả vị trí thi đấu trong vai trò của một tiền vệ phòng ngự,… đã nhào nặn nên nguyên tắc về triết lý lối chơi của Guardiola. Là một người thông minh, ông biết bóng đá có nhiều cách khác nhau để giành chiến thắng, nhưng đơn giản ông chỉ chọn một và một khi đã chọn, ông luyện nó đến mức tinh thông.

Nguyên tắc trong trường phái bóng đá của Guardiola là kiểm soát bóng. Ông luôn đặt nặng khâu kiểm soát, làm chủ quả bóng. Bởi quả bóng là thứ phải tranh giành trên sân, là thứ quyết định tất cả. 

Tuy nhiên, bóng đá luôn tồn tại những biến số, với đầy rẫy các sự kiện ngẫu nhiên trong 90 phút. Đó gọi là tính phi đoán định. Lựa chọn tấn công hay phòng thủ trong bóng đá luôn tiềm ẩn nguy cơ riêng. Một mặt sân với kích thước cố định và số lượng cầu thủ không đổi giống như một chiếc chăn: Đắp đầu thì hở chân, mà đắp chân thì hở đầu. Do đó, sự lựa chọn tùy thuộc vào mỗi con người. Vậy nên chúng ta mới tiếp tục quay lại vấn đề là có những trường phái và tư tưởng khác nhau trong bóng đá. 

Guardiola hiểu rõ nguy cơ của việc lựa chọn con đường tấn công, nhưng ông luôn tin rằng đã là cầu thủ thì phải chơi với bóng, chứ chẳng ai thích chạy theo bóng. Người như Guardiola sẽ luôn ghét tính ngẫu nhiên trong bóng đá, vì thế ông lại càng muốn kiểm soát hơn nữa, đến mức hoàn toàn. Vì thế, cũng sẽ không quá ngạc nhiên nếu có người thốt lên rằng những đội bóng của Guardiola đá "chán ngắt". Vấn đề không phải Barcelona ngày trước hay Man City giờ đây đá chán, mà vì họ không cho đối thủ có bóng hoặc đối thủ chấp nhận nhường bóng, và tính chất tranh đua căng thẳng trong bóng đá cũng phần nào bị suy yếu.

Khi Atletico của Simeone đá với một hệ thống giống như 5-5-0 tại Etihad hồi giữa tuần, đó không hẳn là vì họ muốn như vậy, mà là vì họ không còn sự lựa chọn nào khác. Họ bị City ép phải đá theo kiểu đó. Có người sẽ vặn vẹo: Làm gì có chuyện ép buộc, muốn đá theo kiểu nào là do chính bản thân thôi! Nhưng, vị trí và hoàn cảnh thay đổi con người. Ở đây, kết quả là cái đích cuối cùng và Atletico trước City phải đá theo kiểu đó mà thôi. 

City chủ động và kiểm soát, khiến đối thủ của họ phải ứng phó. Và khi đối thủ chọn giải pháp như Atletico, đến lượt City phải giải quyết “con quái vật mà họ tạo ra”, tức tiếp tục đi tìm lời giải mã hóa khối phòng ngự bê tông cốt thép của đối thủ. Đó là một bài toán nhức đầu, vì như chính Guardiola đã nói sau trận: “Trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai, chẳng có một đội bóng nào dễ dàng tấn công trước hai khối 5 người phòng thủ cả.” 

Hóa ra, Guardiola chỉ muốn điều giản đơn trong bản chất bóng đá là đá bóng và ghi bàn. Nhưng vì thứ bóng đá của ông quá tinh thông và đầy kiểm soát, đối thủ buộc phải phản kháng để biến mong muốn ấy của ông trở nên phức tạp. 

Sự cởi mở của Klopp

Nếu nói thứ bóng đá của Klopp không đề cao tính kiểm soát thì sai hoàn toàn. Bởi cũng như Guardiola, Klopp muốn biến bóng đá dần về hằng số. Cả hai con người họ huấn luyện cầu thủ theo cách ‘tự động hóa’; với những pha di chuyển, phối hợp và mô hình được lên kế hoạch; sự tập luyện nhuần nhuyễn biến chúng trở thành tự động trên sân.

Cụ thể, trợ lý Peter Krawietz của Klopp từng nói như sau: “Mấu chốt của việc huấn luyện là cố gắng biến bóng đá – vốn là một thứ trò chơi chứa đựng nhiều yếu tố ngẫu nhiên – trở nên ít... ngẫu nhiên đi, tức có ít biến số đi, để thúc đẩy sự may mắn xảy ra theo ý muốn. Công việc của một HLV là thực hành những chuỗi sự kiện này để truyền đặt một ý niệm, một sự lặp đi lặp lại các tình huống, giúp gia tăng cơ hội cho các cầu thủ được tập luyện dưới những hoàn cảnh y như thực tế, vốn luôn đầy áp lực và luôn có sự can thiệp ngẫu nhiên từ đối thủ.”

Nhưng Klopp có một sự cởi mở nhất định trong triết lý bóng đá của ông so với Guardiola. Đơn giản, Klopp là người Đức, chịu ảnh hưởng từ văn hóa bóng đá Đức và bản thân ông trong quá khứ từng là một tiền đạo, cũng như có lúc làm hậu vệ.

Julian Nagelsmann trong một cuộc phỏng vấn trên tờ El Pais của Tây Ban Nha cách đây vài ngày có miêu tả về văn hóa bóng đá Đức như sau: “Bóng đá Đức được định hướng bài bản để hướng tới phát triển thể chất, tức là chơi bóng đá phải đòi hỏi những yêu cầu nhất định về thể chất, về cường độ và tất nhiên là tập trung vào khâu phòng ngự. Kỹ thuật xử lý bóng phải luôn song hành với một cường độ cao hơn khi chơi bóng, dù bạn có thiên về thứ bóng đá đẹp kiểm soát bóng hay thứ bóng đá phòng ngự không để thủng lưới. Tôi tin rằng đó là đặc tính của bóng đá Đức. Ai nấy cũng nói bóng đá là một trò chơi, nhưng trước hết, để chơi được bóng đá, bạn phải lao động và rèn luyện. Ở Đức, tất cả các cầu thủ còn có một tinh thần hiếu thắng tích cực nữa.”

Ở Premier League hiện tại, Man City và Liverpool đang là hai đội bóng có tỷ lệ kiểm soát bóng trung bình cao nhất giải đấu. Nhưng tỷ lệ này của City lên tới 64,2%, còn của Liverpool là 58,6%. 

Man City tuy đang dẫn đầu BXH tổng, nhưng ở các khía cạnh về số bàn thắng (77 vs 70), bàn thắng kỳ vọng (81,44 vs 76,23), dứt điểm (575 vs 554), dứt điểm trúng đích (211 vs 203) và kiến tạo (56 vs 42), tập thể Liverpool đều cao hơn.    

Ở những hạng mục khác bao gồm: Dứt điểm ngoài vòng cấm (183 vs 165), bàn thắng từ bóng chết (22 vs 19), bàn thắng từ phạt góc (12 vs 9), bàn thắng bằng đánh đầu (12 vs 9), Liverpool cũng đều cao hơn Man City. 

Nếu Man City của Guardiola lựa chọn một cách triển khai bóng chậm rãi, phức tạp và kiên nhẫn hơn, thì Liverpool của Klopp có sự trực diện hơn. Chỉ có Leeds Utd là tạo ra nhiều pha tấn công trực diện hơn Liverpool ở Premier League hiện tại. (Tấn công trực diện là chuỗi phối hợp bắt đầu trên phần sân nhà và có ít nhất 50% các pha di chuyển là hướng về phía khung thành đối phương, chuỗi phối hợp phải được kết thúc bằng một tình huống dứt điểm hoặc chạm bóng trong vòng cấm đối phương) 

Man City tuy có tổng quãng đường di chuyển trên sân cao hơn Liverpool (đến từ các mô hình chạy chỗ phức tạp, biến hóa trên phần sân đối thủ để mở khóa hàng thủ và tổ chức tấn công), nhưng đội bóng của Klopp lại sở hữu nhiều pha tăng tốc hơn (4210 vs 3871). 

Đến khi nói về cường độ, đặc biệt là pressing tầm cao, Liverpool một lần nữa chứng minh uy quyền với số lượng chuỗi pressing, số lần đoạt được bóng trên phần sân đối phương từ việc gây áp lực và số lần dứt điểm sau khi đoạt được bóng đều cao hơn Man City và cao nhất giải đấu. 

Vì lẽ đó, nguyên tắc trong trường phái bóng đá của Klopp vẫn là gengenpressing và chuyển đổi trạng thái, dù theo thời gian, ông bắt đầu đề cao tính kiểm soát hơn.

Chính nguyên tắc ấy tạo nên sự cởi mở về thứ bóng đá của Klopp. Và vì Liverpool cởi mở, các đối thủ của họ cũng được dịp cởi mở hơn, thay vì bị dồn vào chân tường như khi đối đầu với Man City. Tại sao lại cởi mở? Hãy nhớ lại cách Guardiola miêu tả về trường phái bóng đá của người Đức: “Chuyển đổi trạng thái, triển khai bóng qua trung lộ, pressing tầm cao, các cầu thủ tương hỗ nhau, không quan trọng có để mất bóng hay không bởi chỉ vài giây sau họ sẽ đoạt lại được nó và tấn công lần nữa, đối thủ sẽ cứ mất bóng rồi lại mất bóng mà thôi.” 

Vậy đấy, Liverpool cởi mở và đa dạng trong cách tiếp cận trận đấu, đối thủ cảm thấy có những khe hở, có những khoảng trống để sẵn sàng cởi mở. Nhưng vì Liverpool của Klopp cũng tinh thông với cách đánh cởi mở đó, họ sẽ luôn lấy lại được bóng nếu để mất bóng, và lại tổ chức tấn công cũng theo cách cởi mở. 

Pep Guardiola có thể mệt mỏi suy nghĩ trong việc giải mã những khối phòng ngự đông người, nhưng vì ông muốn thứ bóng đá kiểm soát hoàn toàn và khiến đối thủ phải đáp lại theo cách tiêu cực. Jurgen Klopp có thể thất vọng khi đối thủ tìm ra những cơ hội để phản đòn trước đội bóng của ông, nhưng vì ông muốn thứ bóng đá cởi mở và nhờ vậy đối thủ cũng được mở lòng theo. Chẳng có ai đúng ai sai, chẳng có cái gì nên hay không nên trong chuyện này cả. Chỉ là, gu bóng đá của Guardiola và Klopp là như vậy thôi.

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Nhà phân tích bóng đá

Có thể bạn thích