Nếu coi chung kết EURO 2020 là một cuộc chiến thì lúc này đã là thời “hậu chiến”. Thứ cần “coming home” (về nhà) cuối cùng lại “coming Rome” (đến Roma). Nỗi đau - niềm hân hoan ở hai đầu chiến tuyến nên được chuyển hoá như thế nào ở thời “hậu chiến” này đây?
Tại sao những CLB lớn của serie A lại bước ra châu Âu không thành công như nhiều năm qua, kể cả khi họ tuyển mộ các ngôi sao lớn? Và cũng câu hỏi tại sao ấy, với thành tích của tuyển Ý trong ngần ấy năm, trước khi Mancini đảm lãnh trọng trách. Vấn đề có thể nằm ở hệ thống, với một thứ tư duy đã ăn mòn vào các HLV Ý đương đại.
Mancio đến và bắt đầu thay đổi tất cả. Những người theo dõi Azzurri sát sao đã nhìn thấy những kết quả tích cực từ cuộc cải cách của ông, và bởi thế, họ đặt niềm tin rất lớn vào Azzurri ngay khi EURO 2020 còn chưa khởi tranh. Còn những người lâu rồi đã bỏ quên bóng đá Ý ở một góc bản đồ nào đó thì ngạc nhiên và trầm trồ cùng câu hỏi “Ông ta đã làm điều đó như thế nào?”.
Italia trở về Rome với chức vô địch EURO
Lúc này, nếu chúng ta ngồi phân tích lại cách mà Ý đã chơi ở EURO kỳ này thì chắc chắn sẽ rất tốn thời gian, và có thể bị xem là những khen ngợi vuốt đuôi khi sự việc đã rồi. Nhưng cũng cần phải nhận diện tuyển Ý của Mancini, để so sánh nó với những gì đang diễn ra ở Serie A, và hiểu rằng Serie A cần thay đổi gì sau cú hích từ vị HLV trưởng đáng kính của họ.
Đã từ lâu, người ta mặc định nghĩ về bóng đá Ý là phòng ngự với những cá nhân kiệt xuất ở tuyến thủ. Đúng, bóng đá Ý sau những thành tựu buổi ban đầu ở đầu thế kỷ 20, đã lập danh bằng triết lý phòng ngự ấy. Khẩu hiệu “Phòng ngự là trên hết, rồi bàn thắng sẽ tới sau đó” có lẽ là bài học vỡ lòng cho bao nhiêu thế hệ cầu thủ, HLV của Ý rồi. Thành công của nó đã khiến có thời, cả một lớp HLV Ý trở thành hàng hiệu ở châu Âu, chinh chiến khắp nơi, rao giảng những nền tảng tạo nên sự vĩ đại cho Serie A nói riêng và bóng đá Ý nói chung: phòng thủ khu vực và pressing khu vực.
Ở trong thời đại dữ liệu được số hoá, các khoảng cách địa lý và văn hoá bị xoá nhoà bởi công nghệ, sự học hỏi của các HLV ở các nền bóng đá khác nhau cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Cộng với thời gian được chứng kiến những con người như Trapattoni, Capello… làm việc, những HLV nước ngoài đã có thể thấm nhuần được chất lượng phòng thủ Ý là như thế nào. Và trong sự tiến hoá rất nhanh của bóng đá, họ cá nhân hoá các kiến thức đó trong các phát triển của mình, tạo dựng ra các diện mạo khác nhau của bóng đá hiện đại và minh chứng nó bằng hiệu quả trên sân ở cả giải VĐQG lẫn ở các đấu trường lớn như Champions League, EURO, World Cup. Trong lúc ấy, người Ý vẫn miệt mài với di sản của mình, dần dần thủ cựu hoá mình, và thất bại.
Khoảnh khắc người Ý thất bại ở vòng loại World Cup 2018
Mancio đã tiếp cận nền tảng cốt lõi của bóng đá Ý theo một cách khác Ý. Ông đi từ bên ngoài vào trong lòng của cốt lõi ấy, bằng cách cải thiện mình từ những quan sát đồng nghiệp nước ngoài. Đó là một hướng đi đúng, bởi ông đã quá hiểu cốt lõi Ý kể từ khi còn là cầu thủ rồi. Nhưng thay vì đặt nó làm cái gốc của vector phát triển, ông lại xem nó là đích đến. Ông chọn cái gốc từ thế giới hiện đại hôm nay, một thế giới của chia sẻ thay vì bị kết tội là “ngoại lai”.
Ý của Mancini vẫn lấy phòng ngự làm trọng tâm, làm mục tiêu hàng đầu. Nhưng phòng ngự từ đâu, và như thế nào lại là câu chuyện khác. Ở thời đại pressing là hoạt động “cực đoan” khi được thực hiện ngay từ 1/3 sân đối phương bỗng trở nên thời thượng, Mancio hiểu rằng nếu Ý phòng ngự theo cách cũ, với đội hình thấp, họ sẽ trở thành con mồi ngon cho đối phương “thực tập”.
Ông lựa chọn phòng ngự ngay từ giữa sân, ở 2/3 sân đối phương, và lấy kiểm soát bóng trong một hệ thống có cự ly gần nhau như một phalanx, làm cốt lõi của cách phòng ngự “tân Italia”. Nó giúp Ý vững chắc hơn khi giảm tải lên hàng thủ, khi bóng luôn ở xa khung thành đội nhà và cơ bản, nó làm cho đội bóng của ông chuyển đổi trạng thái ở tốc độ cao hơn khi tiết kiệm được không gian, tiết kiệm được thời gian chuyển tiếp giữa các pha. Đó là thứ bóng đá tạo ra thành công cho Azzurri ở EURO 2020 và cũng là thứ bóng đá chưa xuất hiện ở Serie A, trong màu áo các CLB.
Locatelli, Berardi đến từ Sassuolo; Pessina, Toloi đến từ Atalanta, những CLB không phải hạng sang của Serie A nhưng tại sao họ lại có thể trở thành ngôi sao ở EURO? Ngay cả Roma của Spinazzola, nhiều năm qua, nếu ra châu Âu thì cũng chỉ là loại CLB hạng trung bình khá. Vậy mà Spinazzola vẫn bật lên như biên thủ hàng đầu của EURO này. Lý do không nằm ở chất lượng cầu thủ nữa mà nó nằm ở chất lượng hệ thống và triết lý trung tâm.
Spinazolla là phát hiện thú vị ở EURO này
Báo chí Ý đã bắt đầu nói nhiều về thành tích của Mancio như một kết quả khả quan của cách mạng. Và cách mạng sẽ chỉ thành công nếu có lực lượng hưởng ứng. Ở Serie A lúc này, trở ngại không phải là tiền đầu tư, mà là tư duy của những HLV đang làm việc tại đó. Họ có sẵn sàng thay đổi tư duy phòng ngự cốt lõi kiểu Ý cổ điển hay không? Đó chính là câu hỏi. Họ không nhất thiết phải sao chép mô hình của Mancini nhưng họ nên tìm phương án phòng ngự như thế nào cho phù hợp với thời đại, để không mất chất Ý nhưng cũng không lạc hậu so với những gì thời cuộc bên ngoài.
Tất nhiên, không phải mình Mancini đã tạo ra ngòi nổ cho cuộc cách mạng này. Đã có sự dịch chuyển tư duy từ LĐBĐ Ý, với những con người khác nữa vẫn đang cặm cụi với kế hoạch cải tổ. Mancini chỉ là chiến sỹ bước lên nóc căn hầm và cắm lá cờ. Nhưng lá cờ ấy cần có gió để tung bay. Và gió, gió đến từ chính những người Ý đang làm việc ở Serie A, để biến các đội bóng Ý trở thành những cỗ máy mới, vẫn giữ vẻ ngoài thời trang của nó nhưng chất lượng động cơ thì bắt kịp với giai đoạn hiện đại của thế giới túc cầu.
Nếu cuộc cách mạng ấy nổ ra, Serie A chắc chắn sẽ tạo dấu ấn lớn ở Champions League không xa. Và khi đó, nhắc đến người lãnh tụ Mancio có lẽ cũng chưa muộn.
Sau thất bại, Anh để lại một hình ảnh không đẹp chút nào. Ở một quốc gia đầy những rạn nứt sau quyết định Brexit, những rạn nứt ấy bộc lộ ngay sau trận chung kết thảm hoạ. Các cuộc công kích trên mạng xã hội hướng tới nguồn gốc chủng tộc của cầu thủ trở nên rầm rộ hơn, và nó cho thấy, người Anh chỉ đoàn kết được trong vòng 1 tháng, khi họ có những chiến thắng đủ để ru ngủ lòng mình.
Người chịu trách nhiệm chính cho thất bại của Anh phải là Southgate. Phân tích thêm nữa về chuyện tại sao họ thất bại có lẽ cũng bằng thừa. Thứ chúng ta cần nhìn vào là tương lai, ít nhất là từ nay tới cuối năm 2022, khi hợp đồng của Southgate đáo hạn.
Người chịu trách nhiệm chính cho thất bại của Anh phải là Southgate
Chắc chắn Southgate sẽ không bị sa thải vì với FA, vào đến chung kết là một chỉ tiêu không tồi. Và nếu có sa thải Southgate, FA sẽ sử dụng ai thay thế đây? Lực lượng HLV người Anh có năng lực và danh tiếng thì đã quá cũ. Năng lực của họ cũng không thể phát huy ở thời đại này bởi sự lạc hậu. Điển hình như Harry Redknapp chẳng hạn. Ông là một HLV giỏi, nhưng ông không thay đổi gì so với chính mình cách đây 15 hay 20 năm. Mà bóng đá thì thay đổi quá nhiều. Nếu ông đảm nhận cương vị, chắc gì tuyển Anh đã đi đến bán kết EURO 2020 này.
Trong bối cảnh ấy, ký ức về Eriksson, về Capello càng khiến FA do dự trong việc chọn HLV nước ngoài. Thực tế, nếu chọn một HLV nước ngoài lúc này, những người như Zidane, Guardiola (nếu Man City chịu nhả người), Joachim Low… quá phù hợp để dẫn dắt lứa cầu thủ trẻ tài năng của Anh đi đến thành công. Nhưng sự tự trọng của một FA sẽ không cho phép họ lặp lại điều đó, đặc biệt là với một HLV người Pháp như kiểu Zidane hay người Đức như kiểu Low. Với họ, đó chính là một sự xúc phạm lớn đối với các CĐV Anh, truyền thông Anh và cả lực lượng cựu danh thủ Anh.
Vậy thì duy trì Southgate là quá đúng đắn bởi ở Anh, còn ai hơn Southgate lúc này. Nhưng nếu duy trì như những gì đã xảy ra ở 2018 và ở EURO mới rồi, thành công chỉ là một ảo ảnh mơ hồ mà thôi. Cơ bản, Southgate thiếu sự quyết đoán để có thể dám thực hiện một cách mạng chiến thuật khi phải cân đong đo đếm những rủi ro có thể xảy ra với mình.
Quyết định thay người gây tranh cãi của Southgate
Ông Southgate không thể hiện ra ngoài như một chiến lược gia không có nghĩa rằng ông kém cỏi về tư duy chiến thuật. Một người được học hành bài bản, có bằng HLV chuyên nghiệp chắc chắn phải có nền tảng kiến thức rất tốt. Nhưng thể hiện kiến thức ấy ra bằng thực chiến là câu chuyện khác. Do đó, Southgate bị ám ảnh bởi kết quả hơn là bởi những màn trình diễn. Ông hiểu, nếu thất bại, có chơi thuyết phục đến mấy, người Anh vẫn đưa ông lên như một vật tế thần.
Sự ám ảnh này dẫn tới các quyết định rất sai lầm của ông ở trận chung kết vừa rồi. Và có lẽ, giờ đã là lúc Southgate học thật kỹ từ bài học ấy. Đã đến lúc ông không thể để áp lực kết quả chi phối mình, mà thay vào đó, áp lực phải là xây dựng một hệ thống phù hợp nhất với những nhân sự mà bóng đá Anh có thể cung cấp cho ông. Cuộc thay đổi bản thân mình này quan trọng vô cùng. Nó có thể sẽ giúp ông cải thiện rất nhiều trong nghề, và hơn nữa, tạo dựng một nền tảng cho cuộc cải cách ĐT Anh, thay đổi luôn cả tư duy những người sẵn sàng tiếp quản ĐT Anh khi Southgate đã hoàn thành sứ mệnh của mình.
Nhiều người sẽ nói, để thay đổi chính mình ở tuổi ngoài 40 là cực khó. Đúng, nhưng đó là thay đổi tính nết chứ không phải thay đổi tư duy làm việc, thay đổi phương pháp làm việc. Nên nhớ, Mancini khi còn huấn luyện Man City vẫn còn là một con người theo đuổi triết lý an toàn Ý kiểu cổ điển. “Tôi luôn thích các trận thắng 1-0 hơn” là điều Mancini đã tuyên bố ngày ấy. Còn bây giờ thì sao? Mancini để Ý chơi bùng nổ ngay cả khi họ đã thắng 1-0, 2-0 hay thậm chí đậm hơn thế.
Đây vẫn sẽ là những gương mặt thân quen ở World Cup 2022
Không phải lấy Mancini ra để làm gương cho Southgate mà chỉ để nói rằng ở tuổi của Southgate, việc tự cách mạng chính bản thân mình là vẫn có thể thực hiện được. Và thực sự, từ nay đến hết 2022, tức là khi Southgate hết hợp đồng với FA, ông không còn nhiều để thực thi cuộc cách mạng bản thân. Nó nên diễn ra sớm, ngay từ loạt trận vòng loại World Cup ở tháng 9 này, thời điểm mà Southgate có thể trình diện một Tam sư hoàn toàn mới.
Nếu Southgate vẫn thủ cựu và tiếp tục duy trì những gì ông từng làm, sau ông, FA biết trông cậy vào ai? Đó là một câu hỏi lớn thực sự khi ở lãnh địa Premier League, các HLV người Anh càng ngày càng ít cơ hội thể hiện mình. Còn trông chờ vào HLV ngoại ư? Người Anh có đủ bản lĩnh để vượt qua sĩ diện? Và đó liệu có phải kế sách lâu dài?