Cristiano Ronaldo đã đáp trả lại những chỉ trích bằng một cú hat-trick để mang về chiến thắng cho Man Utd trước Tottenham, đồng thời xác lập kỷ lục ghi bàn của FIFA.
Dưới đây là những nhận định của cây bút chuyên về chiến thuật, Jonathan Wilson, trên tờ The Guardian của Anh.
Ronaldo là một bản hợp đồng có vấn đề với Man Utd. Trong những tuần lễ đã qua, ở tuổi 37, anh bắt đầu trở nên “già” đi. Ronaldo sẽ tạo ra những vấn đề về mặt chiến thuật cho bất kỳ một HLV nào, nhất là những người theo trường phái gegenpressing như Ralf Rangnick. Anh không còn là một cầu thủ như trước kia. Nhiều điểm đã được khắc phục, nhưng nhiều điểm vẫn còn tồn đọng.
Ba bàn thắng vào lưới Tottenham mới chỉ là cú hat-trick thứ hai của Ronaldo cho Man Utd từ trước tới nay. Nó cho thấy anh đã thay đổi ra sao theo thời gian. Thời điểm Ronaldo chính thức vượt qua Josef ‘Pepi’ Bican trên bảng xếp hạng những cầu thủ ghi bàn mọi thời đại của FIFA, chúng ta dễ dàng quên rằng khi anh rời Man Utd vào năm 2009, CR7 chưa phải là một cỗ máy săn bàn toàn diện, thay vào đó chỉ là một tiền đạo cánh đúng nghĩa. Chỉ đến khi gia nhập Real Madrid, những bàn thắng mới đến như thác lũ.
Khách quan mà nói, ba bàn thắng của Ronaldo vào lưới Spurs chứng minh anh vẫn còn đủ khả năng săn bàn. Bàn đầu tiên là một cú sút ghim vào góc cao khung thành từ cự ly 23 mét, gợi nhớ lại pha lập công trước Porto ở tứ kết Champions League năm 2009. Bàn thứ hai cho thấy bản năng của một tay săn mồi đỉnh cao, đánh hơi khoảng trống, dự báo đường căng ngang từ Jadon Sancho và canh đúng thời điểm đặt lòng tầm thấp hạ gục Hugo Lloris. Còn bàn thứ ba là một pha ghi bàn kinh điển của Ronaldo, khi anh bật cao dũng mãnh, “treo người lơ lửng” trên không trung, đẩy cơ cổ đánh đầu từ một quả phạt góc, khiến một số người có thể hình dung về Tommy Lawton (cố tiền đạo người Anh của thập niên 30 đến 50). Không phải bàn cãi, đây chính là màn trình diễn xuất sắc nhất của Ronaldo tính đến thời điểm hiện tại của mùa giải.
Ronaldo cho thấy sự tập trung và tận tụy. Anh tung ra 8 pha dứt điểm cả trận, gấp 4 lần so với các đồng đội cộng lại. 5 trong số đó đi trúng đích, tất cả các cầu thủ còn lại trên sân (gồm cả Tottenham) cộng lại chỉ dứt điểm trúng đích 4 lần. Ngôi sao người Bồ còn giành chiến thắng trong 3 pha không chiến, nhiều hơn bất kỳ ai ngoại trừ Eric Dier. Chỉ ra những con số để thấy đó là show diễn hoàn hảo của một trung phong.
Nếu đấy là cách đáp trả cho những ngờ vực và tin đồn dấy lên vào tuần lễ trước, Ronaldo đã trả lời đanh thép. Tuy nhiên, như thường lệ, vẫn có những vấn đề khác đến từ Ronaldo.
Không bàn đến tính xác thực của thông tin Ronaldo bị căng cơ hông vào tuần trước, việc anh từ chối hiện diện trong trận derby thành Manchester chỉ ra một vấn đề lớn hơn. Ronaldo trở nên quá “lớn” với bất kỳ đội bóng nào anh khoác áo, đến nỗi họ trở thành những FC Ronaldo. Có những thời điểm đẹp trời, như cuối tuần qua, khi mọi thứ đều thuận buồm xuôi gió, Ronaldo cho thấy giá trị của mình và không ai có thể chê trách. Nhưng cũng rất nhiều thời điểm trong mùa giải này, những ngày đẹp trời ấy không tồn tại. Và khi ấy, bản chất của Ronaldo, với tầm ảnh hưởng anh muốn đạt được, trở thành vấn đề.
Hãy lấy trận đấu trước Tottenham làm ví dụ. Hoàn toàn hợp lý khi Ronaldo chiếm mọi dòng tít với cú hat-trick hoàn hảo. Xô đổ kỷ lục bàn thắng đã tồn tại 80 năm rõ ràng là một chiến tích hiển vinh. Có lẽ, 12 bàn thắng sau 21 trận ra sân ở Ngoại hạng Anh, cộng với những đóng góp quan trọng ở Champions League, là đủ để giúp Ronaldo được nhìn nhận là một bản hợp đồng trở lại thành công của Man Utd. Nhưng bóng đá hiện đại không còn là câu chuyện về những cá nhân nữa, nhất là với các chiến lược gia với quan điểm rõ ràng về triết lý như Rangnick.
Rangnick sẽ nhận ra rằng, ngoài sự chói sáng trong khâu săn bàn của Ronaldo, đội bóng của ông đã phải hy sinh nhiều thứ. Như nhiều lần dưới thời Ole Gunnar Solskjaer, Man Utd gỡ hòa từ những sai lầm của đối thủ và sự xuất sắc của cá nhân.
Rangnick là một HLV luôn đề cao quá trình, nhưng chính cái quá trình của Tottenham trong phần lớn thời gian trận đấu mới ổn hơn Man Utd. Một quãng thời gian dài trong hiệp hai chỉ là những tình huống phất bóng dài thiếu chất lượng.
Bộ ba tấn công trong đội hình xuất phát của Spurs trung bình mỗi trận tạo ra số pha gây áp lực hơn bộ ba của Man Utd 26%. Thiếu đi những tình huống gây áp lực từ tuyến đầu dẫn tới hệ quả là Man Utd không còn lựa chọn nào khác, ngoài việc theo đuổi cách tiếp cận “phản ứng” như trong triết lý của Jose Mourinho. Về bản chất, chẳng có gì sai với phương pháp ấy, một khi nó giúp mang lại kết quả. Nhưng Man Utd quá thường xuyên từ cách tiếp cận phản ứng chuyển thành bị động. Điều đó chắc chắn trở thành một lý do khiến Harry Maguire ngày càng đánh mất sự tự tin và sa sút phong độ. Một khi rơi vào cảnh bị động, Maguire buộc phải đưa ra những sự lựa chọn 50-50 đầy rủi ro.
Hai lần Man Utd để Tottenham lấy lại thế cân bằng tỷ số, nếu là các đối thủ khác, họ sẽ không để tuột mất cơ hội như Spurs.
Ronaldo vẫn đủ khả năng để tiếp tục tái hiện những màn trình diễn như trước Tottenham. Năm tháng cứ trôi qua và tiền đạo 37 tuổi vẫn trông tuyệt vời. Nhưng đó cũng chỉ là cách để che đậy những vấn đề về sự phù hợp trong lối chơi của Ronaldo với lối chơi mà Rangnick muốn xây dựng.
Phần nào, nguyên nhân đến từ tính chấp vá trong đội hình của Man Utd hiện thời. Bản thân Rangnick có lẽ cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng tạm thời trong vai trò HLV của mình, dẫn tới những quyết định vốn không nằm trong hình dung của chính ông. Lối chơi và phong cách của Ronaldo, buộc tất cả phải chú trọng vào cá nhân, bù trừ cho những hạn chế trong việc pressing gây áp lực (Ronaldo tắc bóng 0, cắt bóng 1 trước Spurs), là đi ngược lại với tư duy bóng đá hiện đại.
Ronaldo sẽ là một mệnh đề hóc búa. Lịch sử khó có thể nhìn nhận sự trở lại Old Trafford của anh là một thương vụ thành công. Nhưng trong những ngày thế này, chúng ta đơn giản là không thể phủ nhận Ronaldo vẫn thật diệu kỳ. Một con người với ý chí mạnh mẽ, nghị lực phi thường, là lời giải cho hoàn cảnh của Man Utd, dù đồng thời cũng là vấn đề của đội bóng này.
(Dịch từ The Guardian)