Có được Leo Messi và sau đó kiên quyết từ chối bán Mbappe cho Real Madrid bất chấp có thể phải đối diện rủi ro mất trắng ngôi sao này vào mùa Hè 2022, PSG đã chính thức đẩy mình vào tư thế một kẻ thù lớn của La Liga. Và không cần “chiến thư”, cuộc xung đột đôi bên đã thực sự bắt đầu. Khởi đi từ báo chí Tây Ban Nha, và đỉnh điểm là lời “luận tội” PSG của chủ tịch La Liga Tebas đại ý cho rằng PSG là 1 CLB “nhà nước” (Qatar) với các vi phạm luật công bằng tài chính nghiêm trọng, mối hận thù giữa họ đã nổ bom.
Thực chất, quả bom này chỉ là kết cục của cả một quá trình rất dài. Kể từ khi PSG được mua lại bởi quốc vương Tamim bin Hamad Al Thani, đội bóng ấy đã không còn chịu khuất phục trước các vụ rút ruột đau đớn từ các CLB lớn như Barca nữa. Thay vì một PSG từng cay đắng nhìn Ronaldinho bỏ sang Barca đã là một PSG sẵn sàng “không thèm đáp trả” bất kỳ một đòn tấn công nào từ các đối thủ lớn ở Liga.
Điển hình là vụ Barca ve vãn Verratti cách đây 4 năm. Phía Barca đã gặp gỡ người đại diện của Verratti, hứa hẹn với anh rất nhiều và Verratti lúc ấy đã tạo mọi sức ép lên phía PSG để đòi ra đi. Nhưng PSG không bận tâm. Họ cũng không “năn nỉ” Verratti. Thái độ của PSG là cứ “đúng hợp đồng mà làm”. Trong khi đó, chính Barca lại không có một động thái đề nghị chính thức nào để thể hiện ý chí của mình. Rõ ràng, cách mà cựu chủ tịch Bartomeu sử dụng là đòn đánh sau lưng nhưng trước một đội bóng có tiềm lực tài chính quá mạnh, đòn sau lưng này chẳng có giá trị gì.
Phát biểu về vụ Verratti này, chính cựu tiền đạo ĐT Pháp từng có thời gian ngắn ngủi khoác áo Barca là Dugarry đã phải nhận xét “Cách theo đuổi Verratti của Barca là không đúng đắn. Và bản thân Barca cũng sợ đối đầu với thế lực Qatar bởi họ hiểu, nếu cần PSG có thể tiêu 500 triệu euro để mua Messi. Thậm chí, nếu thích, họ mua cả đội hình Barca cũng được”. Tất nhiên, những gì Dugarry nói chỉ là nói quá nhưng thực tế về nỗi “sợ lẫn ghét” PSG của phía Barca là có thể hiểu được.
Neymar là thương vụ chứng minh cho cả thế giới về tiềm lực của PSG
Và khi PSG lấy được Neymar từ Barca để rồi hôm nay, họ có luôn cả Leo Messi trong khi Barca lại đang cực vất vả để tái cơ cấu lại tài chính của mình, mối hận của Barca nói riêng và của La Liga nói chung dành cho PSG là quá lớn. Cộng hưởng với vụ Real thất bại trong nỗ lực chèo kéo Mbappe mùa hè này, báo chí TBN gần như có một đợt tổng công kích dai dẳng về phía PSG mà chủ yếu chỉ xoay quanh “công bằng tài chính”.
Lúc này, đợt công kích ấy đã lên đến đỉnh điểm của nó sau những chỉ trích mà chủ tịch La Liga Tebas hướng về PSG. Và phía PSG cũng không hiền lành chút nào. Chủ tịch Al-Khelaifi đã có đáp trả. Những đáp trả ấy bề ngoài mềm mỏng nhưng thực tế lại là những đòn khá nặng nề và hóc hiểm mà PSG đã xuất chiêu.
“Việc công khai chỉ trích chúng tôi, và cả Ligue 1, là những bình luận mang tính xúc phạm và phỉ báng.”. Al-Khelaifi đã tuyên bố như thế và đồng thời, ông cũng chỉ trích cả Real, Barca trong dự án Super League. Ở cương vị chủ tịch Hiệp hội các CLB chuyên nghiệp châu Âu, Al-Khelaifi đã nói đây chỉ là một dự án gây chia rẽ các CLB. Ông kêu gọi các CLB châu Âu gắn chặt với nhau hơn và nhận xét thẳng thừng rằng nỗ lực của 3 CLB manh nha Super League là Real, Barca và Juve chỉ là những nỗ lực phí sức. “Khi 3 CLB ấy đang bóp méo các câu chuyện thực tế, chúng ta (các CLB còn lại) cần hướng tới phía trước, tập trung nỗ lực để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho bóng đá châu Âu”, Al-Khelaifi kêu gọi.
Đòn cực đau của PSG dành cho La Liga
Cách mà chủ tịch PSG đi thẳng vào vấn đề European Super League quả thật là đòn đánh rất nặng về phía Barca và Real. Đến giờ thì chúng ta đã hiểu tại sao khi dự án này được tuyên bố, PSG chính là CLB từ chối không ký vào bản giao ước mà sau đó các CLB lớn của Anh, Ý đã nhanh chân rút khỏi. Ở tư cách chủ tịch Hiệp hội các CLB chuyên nghiệp châu Âu, một tổ chức mà thành viên đa số là các CLB không được lọt vào mắt xanh của nhóm tinh hoa đòi ly khai lập Super League, chắc chắn tiếng nói của Al-Khelaifi sẽ thu hút được nhiều ủng hộ. Đó là còn chưa kể đến ủng hộ của UEFA và FIFA, hai tổ chức không bao giờ muốn có một tiền lệ xấu như Super League.
Cuộc chiến của Liga với PSG thực tế hứa hẹn nhiều hấp dẫn trên sân, để có thể tạo ra một thứ “siêu kinh điển” mới của châu Âu. Còn ở phía ngoài sân cỏ, thực tế phần thắng rất khó có thể nghiêng về phía Real hay Barca, ít ra là ở trong giai đoạn này. Đơn giản, ví dụ như chủ tịch Perez. Việc làm ăn cá nhân của ông dính dáng đến hoàng gia Qatar rất nhiều mà ông lại sắm vai nhà cung cấp dịch vụ. Chắc chắn, ông khó lòng có thể tuyên chiến với khách hàng của mình ở lãnh địa bóng đá, để họ phải phật ý. Đó cũng là lý do vì sao trong làn sóng chỉ trích PSG của báo chí TBN, của La Liga, riêng Perez vẫn im lặng không có phát biểu gì. Tránh voi chẳng hổ mặt nào, Perez quá hiểu lúc nào và ai thì ông nên đối đầu và nên né tránh.
PSG đã không còn "non" như xưa
Còn đối với La Liga, cách chỉ trích của họ có phần đúng nhưng cũng có phần chưa chuẩn. Nếu chỉ nhắm vào một mình PSG thì ổn nhưng nhắm cả vào LFP (giải bóng đá chuyên nghiệp Pháp) thì là sai lầm. Các quy định tài chính của LFP dành cho các CLB Ligue thực chất chặt chẽ hơn các quy định của La Liga rất nhiều. Chính vì thế, các CLB Ligue 1 dù nghèo hơn (tất nhiên trừ PSG) nhưng lại bình an khi không chịu “bão nợ” như các CLB La Liga.
Cuộc chiến La Liga - Ligue 1 (mà thực ra là với PSG là chính) đã được khai mào. Và trong cuộc chiến này, CĐV là những người hưởng lợi nhất. Những cuộc đối đầu giữa PSG và nhóm đại gia Liga trong tương lai chắc chắn sẽ được thổi phồng bởi truyền thông hai phía rất nhiều. Nó khiến các trận cầu sẽ càng hấp dẫn hơn, hứa hẹn kịch tính hơn và chắc chắn, cũng sẽ tạo thêm nhiều tranh cãi kéo theo hơn…