Cứ mỗi pha chạm bóng của Messi và Neymar, những tiếng huýt sáo và la ó lại vang lên khắp các khán đài sân Công viên các Hoàng tử. Liệu sự bất bình ấy của các CĐV PSG có hợp tình hợp lý?
Ba ngày sau thất bại tủi hờn trước Real Madrid ở vòng 16 đội Champions League, thầy trò Mauricio Pochettino trở lại với Ligue 1, giải đấu mà chắc chắn họ sẽ lên ngôi mùa giải này với cách biệt 12 điểm tạo ra so với đội xếp sau. Câu hỏi liệu Bordeaux có thể chớp lấy thời cơ dễ tổn thương này của đối thủ giành điểm, hay Les Parisiens sẽ trút giận lên đội bóng đứng chót BXH chỉ là phụ. Câu hỏi chính nên là: PSG sẽ mang đến một bộ mặt thế nào trên sân nhà?
Tỷ số 3-0 thuộc về PSG là một chiến thắng nhẹ nhàng (qua đó tiếp tục nới rộng khoảng cách lên thành 15 điểm), nhưng vỏ bọc ấy quá mỏng manh để che lấp đi cảm giác nặng nề của những đôi chân bên phía đội chủ nhà, cùng bầu không khí tại Parc des Princes.
Nhìn vào gương mặt của những Mbappe, Messi, Neymar hay Marquinhos, tất cả dễ dàng nhận ra cảm giác thất thần, buồn bã vẫn còn đeo bám lấy họ. Ba ngày là quãng thời gian quá ít để trở thành liều thuốc chữa lành. PSG thi đấu vô hồn nhưng họ thắng vì Bordeaux đơn giản là quá yếu. Một vài nụ cười gượng gạo trong các pha ăn mừng, các học trò của Pochettino đơn giản là chẳng thế lấy làm vui với thêm một chiến thắng nữa ở Ligue 1.
Nếu nỗi u sầu của những chiếc bóng áo xanh trên sân là lẽ tự nhiên, thì sự phẫn uất từ các CĐV trên khán đài cũng không quá khó hiểu.
Ngay từ trước khi trận đấu bắt đầu, những tiếng huýt sáo đã át hẳn âm thanh thông báo đội hình ra sân của PSG. Dải tần âm thanh ấy tăng lên cực độ khi phát thanh viên của SVĐ giới thiệu đến hai cái tên Lionel Messi và Neymar. Duy chỉ có Kylian Mbappe là nhận được những tràng pháo tay, thay vì la ó. Mọi thứ được duy trì trong xuyên suốt 90 phút bóng lăn, bóng cứ đến chân Messi và Neymar là các CĐV nhà liền huýt sáo, ngay cả khi tiền đạo người Brazil ghi bàn và ngôi sao người Argentina có 2 đường chuyền tiền kiến tạo.
“Dòng thời gian trong thế giới bóng đá rất ngắn”, “ký ức thì không mãi đậm sâu”, có người sẽ thốt lên như vậy, chẳng hạn như Luis Suarez (với sự an ủi dành cho hai người đồng đội cũ trên Instagram), bởi những Messi hay Neymar chẳng phải đã từng được chính những khán đài kia ngân vang gọi tên khi họ khoác lên mình màu áo đại diện thủ đô nước Pháp, bởi Neymar chẳng phải từng gánh PSG vào đến chung kết Champions League cách đây 2 năm, bởi Messi chẳng phải từng có những khoảnh khắc bùng nổ như trước Man City ở vòng bảng.
Liệu các CĐV PSG có quá mù quáng và thiếu lý lẽ khi trút giận lên hai con người này cho thất bại tại Champions League trước Real Madrid? Sẽ chẳng có câu trả lời dứt khoát nào ở đây cả, bởi không có thủ phạm nào trong mối quan hệ này. Messi và Neymar đã chơi tốt trong hiệp 1 trước Los Blancos, đồng thời họ có những giới hạn về phong cách và lối chơi (lẫn tuổi tác) để khó lòng có thể kỳ vọng nhiều hơn trong 30 phút cuối hiệp 2.
Nhưng nếu cảm thông cho Messi và Neymar, cũng nên cảm thông cho cách hành xử của các CĐV PSG. Họ có quyền đòi hỏi, họ có quyền khắt khe, bởi sự kỳ vọng chung đối với PSG là rất lớn. Chính các CĐV của Real Madrid cũng từng huýt sáo những tượng đài trong lịch sử đội bóng, không một ai thoát khỏi, dù đó có là Zidane hay Ronaldo. Trong quyển “The Real Madrid Way” của Steven G. Mandis, tác giả này từng viết: “Những CĐV của Real Madrid muốn đội bóng thông qua sân cỏ phản ánh chính những giá trị và kỳ vọng của cả cộng đồng, nghĩa là chiến thắng với triết lý, đẳng cấp và sự lịch lãm. Họ muốn CLB là những nhà vô địch và là những quý ông. Nếu đội bóng có thất bại, ít nhất người hâm mộ muốn được nhìn thấy nỗ lực chiến đấu đến cùng, lòng dũng cảm và phẩm giá của các cầu thủ. Người hâm mộ Madrid hạnh phúc vì điều đó và Real Madrid phải tìm cách khiến họ thỏa mãn.”
Ủng hộ và ruồng bỏ là những mảng màu với lằn ranh mong manh khi chúng ta nói về tình yêu của CĐV bóng đá. Lúc thì họ cổ vũ đến cuồng say, nhưng có lúc họ cũng phẫn nộ đến cùng cực vì đau đớn, chứ không phải vì không còn yêu. Khi đã trao đi, bạn có quyền mưu cầu được nhận lại.
Vậy thì, rốt cục, thủ phạm nên là đối tượng nào? Là phản ứng của ban huấn luyện Pochettino, những động thái thay người và chiến thuật trước Real Madrid? Không, họ cũng chỉ là nạn nhân. Thủ phạm nên là cách làm bóng đá của những người đứng đầu PSG.
Những Messi hay Neymar bị huýt sáo đơn giản vì họ phản chiếu cách làm bóng đá của Les Parisiens, là chứng nhân của những thương vụ tốn rất nhiều tiền nhưng chỉ gắn liền với các thất bại cay đắng. Messi và Neymar trở thành những “scapegoat”.
Chưa thể so sánh tầm cỡ và di sản của PSG với Real Madrid, nhưng tình yêu của các CĐV mỗi đội nói riêng hay tình yêu nói chung thì không nên cân đo. Trong tương quan ấy, nếu người hâm mộ Real Madrid có quyền đòi hỏi thì người hâm mộ PSG cũng thế. Đến đây, chính những người đứng đầu PSG cần phải nhìn lại bản thân và đường lối của họ.
Có một chi tiết ít người chú ý tới về trận đấu giữa PSG và Bordeaux. Trước trận, một hội CĐV Ultras lớn của Les Parisiens là Collectif Ultras Paris đã gửi đi một thông điệp, yêu cầu chủ tịch Nasser Al-Khelaifi của CLB phải từ chức. Trong thông điệp ấy có đoạn: “PSG của chúng ta xứng đáng có một con người phục vụ nó hết mực, chứ không phải tìm cách sử dụng nó.”
Một CĐV lâu năm của PSG có tên Pierre-Henri, người luôn mua vé cả mùa của đội bóng, thì phát biểu trên tờ L’Equipe trước trận rằng: “Tôi sẽ không đến sân, tôi có lẽ sẽ không gia hạn thẻ hội viên của mình nữa. Chúng ta phải huýt sáo, để cho CLB thấy được sự không hài lòng của mình. Họ cứ nói ra những lời xin lỗi trên mạng xã hội mới đơn giản làm sao, trong khi họ chẳng phải là những người tự tay viết.”
Cách đây một tháng, khi PSG tiếp đón Rennes trên sân nhà cũng tại Ligue 1, cũng chính hội Collectif Ultras Paris từng phát đi một tuyên bố đầy đanh thép: “Mọi cấp độ của CLB này thật không thể chấp nhận được! CLB giờ đây mang đến những thứ mà chúng ta không thể ủng hộ nổi. Họ đã lãng quên di sản, không khác gì một show tạp kỹ chứ không phải một đội bóng chuyên nghiệp.”
Thời điểm ấy, hội CĐV của PSG bất bình trước cách xử lý các vấn đề về nội bộ phòng thay đồ của ban lãnh đạo, về cách PSG bị bêu rếu trên các mặt báo xoay quanh chuyện đi hay ở của Mbappe, về cách điều hành của chủ tịch Nasser Al-Khelaifi và giám đốc Leonardo. Giọt nước tràn ly chính là sự kiện hy hữu khi PSG quyết định ra sân với bộ trang phục sân khách ngay trên sân nhà.
Phóng viên điều tra nổi tiếng Romain Molina (người chuyên phanh phui những vụ việc động trời của thế giới bóng đá, nhất là bóng đá Pháp), từng kể rằng vài năm về trước, khi Edinson Cavani còn ở PSG, chính sách của CLB chủ sân Công viên các Hoàng tử là những áo đấu có chữ ký dùng để gửi tặng cho các fan sẽ được ký bởi các nhân viên bất kỳ của CLB. Hầu hết các cầu thủ không cần phải động tay ký tặng lên áo đấu, ngoại trừ một số trường hợp, trong đó có Cavani.
Rõ ràng, cách làm bóng đá của PSG rất có vấn đề. Đó không phải là mệnh đề về sự xa xỉ. Khi mà CLB này không cho thấy sự tôn trọng với các CĐV của nó, đừng đòi hỏi ở chiều ngược lại.
Không phải bất kỳ điều gì cũng có thể mua được bằng tiền hay rất nhiều tiền. Khi chính bản thân Leonardo từng tuyên bố rằng vòng đời HLV ở PSG là rất ngắn ngủi, sẽ chẳng có bất kỳ một đường lối liền mạch hay bản sắc nào được định hình cả. Những HLV, những cầu thủ vì lẽ đó đơn giản chỉ là công cụ. Và chẳng phải, khi những người Qatar mua lấy PSG, họ cũng chỉ xem CLB này là một công cụ cho một mục đích nào đó!?