Man City và Liverpool đã có một trận hoà nghẹt thở để tiếp tục nuôi dưỡng sự căng thẳng của chặng nước rút cuối mùa. Và họ đã chứng minh sự vượt trội của mình so với phần còn lại của Premier League. Ai trong số họ đăng quang cũng đều xứng đáng vô cùng…
Khi Liverpool gỡ hoà 2-2 ở ngay phút đầu hiệp 2, chắc hẳn không ít khán giả theo dõi trận cầu sẽ đứng trước một phân vân rất lớn. Đó là câu hỏi “Ai sẽ thắng chung cuộc?”. Không mấy người dám khẳng định rằng chiến thắng ở cuối trận sẽ nghiêng về một bên cụ thể nào. Dễ hiểu, cả hai đã trình diễn một lối chơi đáng sợ thực sự, một lối chơi mà chỉ cần một sơ hở nhỏ, đối phương sẽ phải trả giá. Thậm chí, ở những phút cuối cùng của hiệp 2, cái cảm giác có thể lưới sẽ rung vẫn tồn tại. Và cuối cùng, kết cục là 2-2, đúng như tỷ số lượt đi, và đủ để cho thấy Man City và Liverpool kẻ tám lạng người nửa cân và cùng ở đẳng cấp vượt trội các đối thủ đua tranh còn lại.
Có nhiều thứ để dẫn ra nhằm chứng minh sự vượt trội của Man City, Liverpool so với những đối thủ cạnh tranh khác nhưng trong số đó, 1 điểm nổi bật nhất cần phải được đề cập tới chính là tốc độ của tiếp nối. Đây chính là thứ vũ khí đáng ngại nhất mà Man City và Liverpool sở hữu trong khi nhiều đối thủ khác, kể cả ở Champions League, không có được.
Ở bàn mở tỷ số của Man City, khi đường bóng được căng ngang cho Sterling đệm bóng nhưng không chiến thắng được thủ thành Alisson, đồng hồ chỉ 4 phút 13 giây. Chỉ cần 6 giây sau, Kevin de Bruyne đã nhập vòng cấm đón bóng. Do bị hãm quá chặt, de Bruyne trả bóng ra để tìm đường tiếp cận khác. 4 phút 26 giây, Man City đưa bóng vào vòng cấm thành công. Bóng lại bị Liverpool kiềm toả và bật ra ngoài. 4 phút 28 giây, de Bruyne ghi bàn. Tất cả chỉ diễn biến trong vòng 35 giây, có thể xem là nửa phút. Nửa phút ấy, Man City có 4 nỗ lực xâm nhập vòng cấm đối phương và 2 trong số đó đi đến pha dứt điểm cuối cùng.
Trong khi đó, chỉ gần 10 phút sau, Liverpool cũng có pha đáp trả đích đáng. 12 phút 05 giây, Salah đưa bóng vào vòng cấm Man City. Bóng dội ra. 12 phút 07 giây, Andrew Robertson tạt bóng vào vòng cấm. Alexandre-Arnold đón bóng ở cột 2 trả ngược cho Jota. 12 phút 13 giây, lưới Man City rung lên. tất cả cũng chỉ diễn ra trong vòng khoảng 10 giây. 10 giây ấy, Liverpool nhập vòng cấm 2 đợt và có 1 đợt đi đến cú dứt điểm cuối cùng thành bàn.
Hai bàn thắng ấy chỉ là ví dụ điển hình cho khả năng hãm thành liên tiếp của Man City và Liverpool. Sự dồn dập của các pha đưa bóng nhập vòng cấm đối phương của cả hai bên chính là thứ quyết định họ vượt xa các đối thủ khác. Sự dồn dập ấy đặt hàng thủ đối phương vào trạng thái căng thẳng đề phòng liên tục, phải hoạt động di chuyển ở một cường độ cao và do đó rất dễ bộc lộ các sơ hở. Có thể nói, sự tiếp nối quá nhanh của các diễn biến hãm thành mới chính là bản sắc của lối chơi hiện đại hôm nay mà Klopp và Pep là hai điển hình bậc thầy. Khoảng thời gian quá ngắn giữa hai đợt hãm thành kế tiếp nhau có thể được gọi là tốc độ của tiếp nối, một thứ vũ khí đáng sợ thực sự.
Để tạo ra được tốc độ của tiếp nối cao như vậy, Man City và Liverpool có cả cá nhân lẫn hệ thống hoàn chỉnh đáp ứng được đòi hỏi cường độ vận động quá cao. Về hệ thống, họ tạo ra lớp phòng ngự sớm đón lõng bóng dội ra cực hữu hiệu. Phía Man City là những Cancelo, Rodri, Silva, de Bruyne thay nhau lấp các vị trí giăng bẫy sẵn. Trong khi đó, phía Liverpool là Alcantara, Fabinho, Henderson, Andrew Robertson và Alexandre- Arnold. Và họ cũng có các cá nhân biết chậm lại một nhịp khi cần như Rodri, de Bruyne hay Alcantara, Fabinho, Keita. Sự chậm lại một nhịp này vô cùng quan trọng bởi nếu bị cuốn vào tốc độ của tiếp nối quá sâu mà không tạo ra được pha dứt điểm cần thiết, đòn phản công rất dễ có thể khiến đội bóng tổn thương ngược trở lại.
Và trong một thế trận cả hai bên đều có ngón đánh tốc độ của tiếp nối quá nhuần nhuyễn, phải thừa nhận họ cũng sở hữu một hàng thủ quá tỉnh táo. Nếu không phải là Liverpool (hoặc Man City) mà là một đội bóng khác đối diện họ, rất có thể hàng thủ đội bóng ấy sẽ xộc xệch rất nhiều lần để phải đón nhận những pha dứt điểm nguy hiểm từ những đôi chân của Salah, Mane, Jota hay de Bruyne, Jesus, Sterling…
Đã bắt đầu có những đội bóng khác theo đuổi lối chơi này và khả năng nó trở thành thời thượng trong thời gian ngắn trước mắt là rất cao. Đây là lối đá mà HLV buộc phải có những toan tính sắp xếp định hướng vị trí cực chuẩn xác, như thể họ chơi cờ vây vậy. Đặt một cầu thủ ở vị trí nào để có thể đón lõng được bóng dội ra tốt nhất luôn là toan tính cực khó khăn bởi nó không chỉ đơn thuần là một công thức mà còn cần cả khả năng phân tích hành vi của từng cầu thủ phòng ngự đối phương. Pep và Klopp đã đi trước những đồng nghiệp của mình một bước và do đó, việc Man City và Liverpool giờ này cùng song đua đến ngôi vô địch Premier League cũng không còn quá ngạc nhiên. Đơn giản, khi họ đã biến lối chơi khó ấy trở thành tập quán, họ làm chủ thế trận dễ dàng hơn và từ đó, luôn tạo ra các kết quả khả quan hơn.