Cuộc chiến Nga - Ukraine đã khiến diện mạo xã hội đương đại bộc lộ quá nhiều méo mó mà chỉ cần nhìn qua lĩnh vực thể thao, chúng ta sẽ hiểu rõ méo mó đến mức độ nào…
Chủ tịch Abramovich quyết định chia tay Chelsea sau 19 năm gắn bó và đó là một quyết định đúng đắn. Xét ở cương vị ngoài thể thao, ông dù sao vẫn là một tài phiệt trong nhóm tư bản thân hữu (oligarchs) của Kremlin. Những dính dáng của ông tới chính quyền của tổng thống Putin là không thể phủ nhận. Trong các đòn trừng phạt kinh tế từ EU và liên minh, chắc chắn ông không thể thoát khỏi. Buông tay cho CLB mình gắn bó cũng là để mở cho nó đường sống dù có phải đánh đổi lại những khó khăn cá nhân mà mình Abramovich phải gánh chịu.
Sòng phẳng, việc nào ra việc đó, chúng ta cần hiểu có 2 con người Abramovich trong 1 cơ thể. Thứ nhất là một “Abramovich oligarch”, chắc chắn dính đến chính trường Nga. Thứ hai là một “Abramovich bóng đá”, chỉ làm bóng đá đơn thuần với CLB tinh hoa có tên Chelsea. Khi phân định rạch ròi được 2 Abramovich như thế, ta sẽ có phản ứng phù hợp với từng hoàn cảnh, từng câu chuyện khác nhau.
John Terry đã làm được cái điều cần làm ấy, tức là phân định rạch ròi con người Abramovich mà anh quan hệ là Abramovich Chelsea. Và khi Abramovich quyết định chia tay Chelsea, Terry đăng tải tấm ảnh chụp chung với ông cùng chiếc cúp vô địch Premier League ngày nào kèm theo chú thích “The Best”. “The Best” có thể được hiểu là “vị chủ tịch xuất sắc nhất”, cũng có thể được hiểu là “Mong mọi điều tốt đẹp nhất cho ông” theo cách người ta chúc nhau khi chia tay. Và nó cũng có hàm nghĩa “Khoảnh khắc đẹp nhất” mà Terry và Abramovich từng có. Thông điệp của Terry không có bất kỳ một quan điểm chính trị nào ở đó. Nó đơn thuần chỉ là cảm xúc giữa con người với con người. Nhưng đổi lại là gì? Rất nhiều chỉ trích.
Chris Bryant, Chủ tịch uỷ ban tiêu chuẩn của Vương quốc Anh, một chính khách đảng Lao động, đã chia sẻ lại dòng tweet của John Terry với bình luận “Tôi nghĩ rằng John Terry nên gỡ bài đăng này ngay lập tức. Người dân Ukraine thì đang bị tấn công, đánh bom trong khi cậu ta lại ăn mừng kỷ niệm với Abramovich”. Và đó chỉ là một trong số vô vàn những lời nặng nề hướng tới John Terry lúc này. Rất nhiều trong số những lời nặng nề kia đến từ những nhân vật có uy tín, những người có sức dẫn dắt cộng đồng.
Sự việc liên quan đến John Terry vừa rồi chỉ là 1 hạt cát nhỏ so với hàng vạn phản ứng chống người Nga hiện nay. Cấm nhập khẩu mèo Nga; cấm các đội thể thao Nga; nữ danh ca opera Nga Anna Netrrebko không được diễn ở Nhà hát Metropolitan Opera ở New York chỉ vì từ chối phản đối Putin… cả một phong trào toàn cầu đang nhắm đến những gì có dính dáng tới Nga. Tất cả bắt nguồn từ sự cảm thương dành cho Ukraine và những người Ukraine đang là nạn nhân của cuộc chiến thảm khốc. Mọi hành động đều bắt nguồn từ một giá trị trung tâm mà châu Âu gìn giữ hàng thế kỷ nay là chủ nghĩa nhân văn. Song, dường như đang là một thứ chủ nghĩa nhân văn quá đà, hay nói khác đi là chủ nghĩa nhân văn có chọn lọc. Đối tượng Nga bị đánh đồng với chính phủ Nga đang gây chiến và đó chính là sự chọn lọc dựa trên nguồn gốc dân tộc. Những nhà thể thao, những nghệ sỹ Nga thì có liên quan gì tới cuộc chiến này? Khác với các oligarch, những người có thể là xương sống nền kinh tài của Nga, giúp cho chính phủ có nguồn lực phát động chiến tranh, các công dân Nga bình thường cũng chỉ là những cá nhân bình thường như bất kỳ ai trên thế giới này. Họ có quyền được lao động, được đi lại chứ không thể nào bị kỳ thị như thể họ chính là tội phạm chiến tranh. Còn nhớ, ở thế chiến thứ II, khi chế độ Quốc xã còn đáng ghê tởm hơn nhiều, cả thế giới đâu có đóng cửa với những người Đức muốn rời bỏ chế độ ấy mà đi, như trường hợp của Einstein chẳng hạn. Và cả thế giới cũng không kỳ thị những người gốc Đức đang sống ở các quốc gia khác một khi những người Đức ấy không biểu đạt sự ủng hộ Đệ tam đế chế. Rõ ràng, trong phong trào nhân văn bùng phát hôm nay, người Nga là một chọn lựa có mục đích và những người yêu hoà bình, yêu chủ nghĩa nhân đạo vô tư sẽ xấu hổ khi bị xếp chung vào phong trào thái quá này.
Nhìn hình ảnh những vận động viên khuyết tật Nga và Belarussia bị đuổi khỏi Paralympic chúng ta không thể không thắt lòng. Những con người ấy thì có tội gì? Hay tội lỗi duy nhất chỉ vì họ mang một dòng máu Nga, dòng máu mà ai cũng đang đánh đồng là hiếu chiến như tổng thống của họ.
Chợt nghĩ, cùng chung với phong trào nhân văn thái quá dẫn đến đấu tố toàn cầu, ở Việt Nam cũng có những tiếng nói quá khích như vậy. Không hiểu, trong cơn say cuồng kỳ thị những gì dính đến Nga, họ có đi đến mức độ “chặn” hoặc “huỷ bạn bè” với cả những người tên là Nga nữa hay không? Trần gian này điên rồ quá mức rồi.
Trước một sự kiện như một cuộc chiến, mỗi người đều có quan điểm riêng, có yêu-ghét, có bênh-chống theo nhận thức của mình. Nhưng nếu đứng trước một con người, chúng ta có lẽ nên bình tĩnh lại để suy nghĩ thấu đáo như một con người. Và đặc biệt là ở những lĩnh vực như bóng đá, thể thao, âm nhạc, nghệ thuật, yếu tố chính trị nên bị xoá bỏ đúng nghĩa, y như cái cách FIFA giương cao ngọn cờ bao nhiêu năm nay. Nhưng xem ra, trong cách hành xử của mình với bóng đá Nga, ngay chính FIFA cũng đang làm một việc đi ngược với tiêu chí của họ là “Fair Play”. Có “Fair Play” với vận động viên Nga hay không? Nếu tự tách mình ra khỏi chiến cuộc căng thẳng này, bạn sẽ tự trả lời được câu hỏi.