đồng hồ
Trang chủ     Bóng đá   /   Frank de Boer rồi sẽ phá hỏng Hà Lan?

Frank de Boer rồi sẽ phá hỏng Hà Lan?

Euro 2020, sân khấu lớn đánh dấu sự trở lại của tuyển Hà Lan sau 7 năm kể từ World Cup 2014, rất có thể sẽ chỉ mang đến nỗi thất vọng dành cho người hâm mộ Oranje. Người ta không lo về chất lượng đội hình (dù mất đi Virgil van Dijk), họ lo vì người ngồi trên ghế nóng là Frank de Boer.

Hà Lan trở lại sân khấu lớn

Dù không yêu Hà Lan, có lẽ tất cả cũng sẽ cảm thấy hào hứng khi sắc da cam cuối cùng cũng đã trở lại với sân khấu đỉnh cao. Cơn lốc đã thổi trở lại.

Sau lần về nhì ở World Cup 2010 trên đất Nam Phi và xếp vị trí thứ 3 sau đó 4 năm, cơn lốc ấy liền mất hút và rơi vào một thời kỳ khủng hoảng. Những Wesley Sneijder hay Arjen Robben nói lời chia tay đội tuyển và để lại những khoảng trống lớn không thể thay thế. Kết quả, Hà Lan ngồi nhà ở Euro 2016 và World Cup 2018.

Sự vắng mặt quá lâu ấy thật ra cũng là một nét rất… Hà Lan. Lần đầu tiên Hà Lan giành quyền tham dự World Cup kể từ năm 1938 là tận 1974. Họ vào chung kết hai kỳ liên tiếp, rồi lại hụt mất ba giải đấu lớn từ giai đoạn 1982 đến 1986.

QUẢNG CÁO

Ronald Koeman, Frank Rijkaard, Ruud Gullit và Marco van Basten

Rõ ràng, đâu đấy có một sự hoài niệm về những năm 80 này. Sau khi vắng mặt ở ba giải đấu lớn liên tiếp từ sau Euro ’80, Oranje vô địch Euro ’88. Đó cũng là danh hiệu đầu tiên và duy nhất đến nay của Hà Lan. Dàn “new kids on the block” ngày đó của Hà Lan có thể kể đến là Ronald Koeman, Frank Rijkaard, Ruud Gullit và Marco van Basten. Họ cũng giống như lứa thế hệ hiện tại, đều thành danh và giành được các danh hiệu ở cấp CLB trước khi đến với sân chơi lớn trên tuyển.  

Hà Lan của hiện tại là một dòng chảy của lứa thế hệ mới. Những Virgil van Dijk, Matthijs de Ligt, Frenkie de Jong và Memphis Depay từng là xương sống của đội tuyển khi họ vào đến chung kết của Nations League 2019 lúc giải đấu mới ra đời. Mô típ có vẻ giống, nhưng sự chia tay của người thuyền trưởng Ronald Koeman đã và đang thay đổi kịch bản, mang đến những nỗi hoang mang thật sự.

Với nỗi lo mang tên Frank de Boer

Nếu Euro 2020 diễn ra đúng vào mùa hè 2020, Ronald Koeman có lẽ đã ở trên băng ghế chỉ đạo tuyển Hà Lan. Quyết định đầu quân cho CLB cũ Barcelona đã mở ra cánh cửa dành cho một trong những hậu vệ huyền thoại với kỹ năng xử lý bóng đỉnh cao trong lịch sử bóng đá thế giới, Frank de Boer.

Sự ra đi của Koeman rõ ràng nằm ngoài dự tính của Liên đoàn Bóng đá Hà Lan (KNVB). Mọi thứ vốn dĩ đang vận hành trơn tru, nhưng lời đề nghị từ Barcelona khiến cựu hậu vệ Hà Lan không thể chối từ.

Bấy giờ, trong danh sách các ứng viên lấp chỗ Koeman để lại, Frank không phải ưu tiên hàng đầu. Peter Bosz đã được nhắm tới, nhưng ông chưa có ý định rời Bayer Leverkusen thời điểm ấy (sau cùng Bosz bị sa thải và giờ cập bến Lyon). Louis van Gaal thì vẫn đang dưỡng già ở Bồ Đào Nha. Frank Rijkaard thì đã rời xa nghiệp bóng banh quá lâu (lần cuối ông giữ vai trò huấn luyện là tại Ả Rập Saudi, tận năm 2013).

Frank de Boer từng là một thành viên trong đội ngũ trợ lý của Bert van Marwijk

Song, KNVB chọn cậu em nhà De Boer không hẳn là một nước đi khiến người Hà Lan bật khỏi ghế trong bất ngờ. Hồi World Cup 2010, Frank de Boer từng là một thành viên trong đội ngũ trợ lý của Bert van Marwijk; tuyển Hà Lan năm đó vào đến chung kết và chỉ để thua trước Tây Ban Nha ở hiệp phụ. Phần nào, tiểu sử ấy mang đến chút lợi thế trong đơn xin việc của Frank. Và thực tế, giám đốc thể thao Nico-Jan Hoogma của KNVB cũng đã có một buổi phỏng vấn kỹ càng với HLV 51 tuổi này trước khi lựa chọn ông.

Nhưng cũng trong bản CV của Frank, tồn tại quá nhiều cột mốc đáng lo những năm gần đây.

HLV người Hà Lan từng bị Inter sa thải sau 85 ngày, bị Crystal Palace sa thải sau 4 trận và đội bóng không ghi được bàn nào. Và nếu bạn vẫn chưa quên, Mourinho từng gọi Frank de Boer là “HLV dở nhất lịch sử Premier League.”

Chỗ dừng chân gần nhất trước khi tiếp quản ghế thuyền trưởng Hà Lan của Frank là ở giải đấu nhà nghề Mỹ (MLS), CLB Atlanta Utd. Ngoại trừ thời còn dẫn dắt Ajax những năm đầu thập niên cũ, Atlanta Utd chính là CLB mà Frank tại vị lâu nhất đến nay trong sự nghiệp huấn luyện (gần 2 năm), và cũng là nơi ông gặt hái nhiều danh hiệu nhất, lẫn duy nhất (sau Ajax).

Nhưng khoan! Người hâm mộ Atlanta Utd sẽ giận dữ khi bạn nhắc đến cái tên Frank de Boer.

Frank de Boer ở Atlanta United

Năm 2018, chỉ một ngày sau khi Atlanta Utd đăng quang MLS Cup, người thuyền trưởng được yêu mến của họ là Tata Martino ra đi trước lời mời của Liên đoàn Bóng đá Mexico. El Tata đã đưa Atlanta bấy giờ tới vinh quang chỉ sau đúng 2 năm CLB này ra đời. Sự ra đi của HLV người Argentina để lại một khoảng trống quá lớn đối với đội chủ sân Mercedes-Benz. Sai lầm lớn nhất của Atlanta là đã đặt niềm tin vào Frank de Boer.

Nếu nhìn lại 2 mùa giải cầm quân của cựu hậu vệ này ở Atlanta, người ta dễ dàng phản biện: “Chẳng phải ông đã mang về thêm 2 danh hiệu cho CLB?” Đúng, đó là Campeones Cup 2019 và U.S. Open Cup 2019. Song, đó là cách nhìn lướt sóng!

Campeones Cup giành được sau đúng 1 trận trước nhà vô địch giải đấu tương đương ở Mexico là Club America – lúc bấy giờ vẫn đang trong giai đoạn tiền mùa giải Clausura – nghĩa là không khác gì đang trong giai đoạn giao hữu. Còn U.S. Open Cup thì lại đến từ 5 chiến thắng trước những đối thủ hoặc chưa từng giành danh hiệu nào ở những giải đấu cao nhất nước Mỹ, hoặc có thứ hạng thấp của mùa giải bấy giờ, hoặc là đến từ giải hạng nhì USL.

Ngay cả khi tới Mỹ dẫn dắt Atlanta United, De Boer cũng bị sa thải

Cái đáng bị chỉ trích nhất đối với Frank là việc ông tìm cách “cải tạo” hoàn toàn Atlanta của Tata Martino, từ việc sử dụng con người trên sân cho tới những bản hợp đồng sau này. Ấy thế, hồi mới đến Atlanta, Frank tuyên bố ông sẽ không thay đổi lớn phong cách và văn hóa của đội bóng.

Dễ dàng nhận ra thứ bóng đá của Atlanta thời Frank de Boer: Kiểm soát bóng tận cùng nhưng luôn thiếu hiệu quả trong khâu tấn công. Đương nhiên, để chiều lòng HLV trưởng, ban lãnh đạo Atlanta cũng đã sai với chính sách mua sắm của họ. Và chỉ sau 8 trận đấu ở mùa giải thứ 2 dẫn dắt Atlanta, Frank mất ghế.

Cựu trung vệ của Atlanta, Leandro Gonzalez Pirez từng chỉ trích Frank: “Quá nhiều thứ thay đổi, gồm cả lối chơi của đội bóng và chúng tôi không thích như vậy.” Một vài nguồn giấu tên khác từng lên tiếng: “Frank rõ ràng thiếu đi sự chi tiết trong công việc của ông ấy”. Điều này trái ngược hoàn toàn với thời Tata Martino, khi học trò của Marcelo Bielsa cực kỳ chi tiết trong cách tiếp cận vấn đề, Frank thì lại thiếu định hướng cho các cầu thủ.

Frank de Boer cùng Hà Lan lúc này

Dù sao, quá khứ cũng chỉ là một nét để tham chiếu, thay vì trở thành thước đo cho cả hiện tại và tương lai. Giờ hãy cùng xem trên cương vị HLV trưởng Hà Lan lúc này, Frank đã đạt được gì?

Sau 10 trận dưới thời Frank, Oranje mới chỉ thắng 4, hòa 4 và thua 2. Những chiến thắng ấy diễn ra trước Bosnia & Herzegovina, Ba Lan, Latvia và gần nhất là Gibraltar ở các đấu trường Nations League và vòng loại World Cup. Trận đấu gần đây nhất, giao hữu trước thềm Euro 2020, Hà Lan hòa 2-2 trước Scotland. Trận hòa này, nếu không có sự xuất sắc của cá nhân Memphis Depay, Oranje có lẽ đã nhận thất bại.

Từ khi lên tiếp quản ghế nóng Hà Lan, Frank đã thay đổi liên tục các hệ thống chiến thuật. Sự lựa chọn ban đầu vẫn là 4-3-3 như dưới thời Ronald Koeman, rồi sau đó là 4-2-3-1 và giờ là 5-3-2 (hoặc 3-5-2). Trận hòa mới đây trước Scotland, Hà Lan đá 5-3-2 và họ thủng 2 bàn.

Sau trận đấu với Scotland, trên sóng truyền hình, cựu tuyển thủ Ibrahim Afellay của Hà Lan nhận xét: “Mọi người có thể nói chúng tôi đã quen với hệ thống 5-3-2, nhưng quen thì vẫn phải luyện tập. Hiện tại không có thời gian cho chuyện đó. Chúng ta là Hà Lan, chúng ta trở nên lớn mạnh nhờ 4-3-3.”

Hà Lan trở nên dẽ tổn thương bị thủng lưới 2 bàn trước Scotland

Trong hệ thống 5-3-2 ấy, vai trò của cặp cánh hết sức quan trọng, nhất là những wing-back, với nhiệm vụ vừa dâng lên tham gia tấn công, vừa lùi về kết hợp cùng 3 trung vệ tạo thành hàng thủ 5 người khi không kiểm soát bóng. Frank có nói rằng với hệ thống mới này, những điểm mạnh của những trung phong cắm như Luuk de Jong hay cầu thủ được triệu tập muộn là Wout Weghorst (người ghi 20 bàn ở Bundesliga mùa giải vừa rồi) sẽ được phát huy tối đa.

Luuk de Jong hoặc Wout Weghorst sẽ là những cái tên chia lửa với Depay trên hàng tấn công. Họ được xếp đá ở trung tâm trong khi Depay đá hơi dạt biên. Bấy giờ, để phát huy cái điểm mạnh của những mẫu tiền đạo có chiều cao tốt (lần lượt cao 1m88 và 1m97) và giỏi không chiến như thế này, cần những quả tạt từ hai biên. Nhưng trước Scotland, Weghorst đá chính nhận được bao nhiêu quả tạt? Zero.

Frank de Boer đang phải loay hoay và người Hà Lan lo sợ rằng những sự tinh chỉnh của ông rồi sẽ phá hỏng sự liền mạch vốn có mà Oranje đã duy trì từ thời Koeman. Bảng C của Hà Lan có sự góp mặt của Ukraine, Áo và Bắc Macedonia. Ngoại trừ Macedonia, cả Áo và nhất là Ukraine đều là những đội tuyển đáng gờm. Một chút sơ sẩy, Hà Lan phải về nước ngay từ vòng bảng là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Thảm họa nhớ nhầm và thất hứa

Song, khía cạnh lối chơi – chiến thuật chưa đáng lo bằng khả năng quản trị nhân sự hiện tại của cậu em nhà De Boer.

Frank đang thật sự là một thảm họa trên băng ghế huấn luyện của tuyển Hà Lan, khi liên tiếp mắc hết sai lầm này đến sai lầm nọ ở kỹ năng quản trị nhân sự. Ông không cho thấy được cái tầm và cái uy của một người huấn luyện.

Vừa qua, HLV người Hà Lan nói với truyền thông rằng ông đã gọi điện thông báo cho từng cầu thủ không được triệu tập vào đội hình tham dự Euro, nhưng hóa ra ông không làm. Cuối cùng, Frank đành phải thừa nhận cái sai của mình. Ví dụ cụ thể nhất cho việc Frank không hề gọi điện thông báo cho từng cầu thủ bị loại khỏi danh sách là khi Anwar El Ghazi đang thực hiện một show trò chuyện trực tiếp, tin nhắn từ ông thầy người Hà Lan được gửi đến, cầu thủ của Aston Villa liền lấy điện thoại ra xem ngay lúc ghi hình và người dẫn chương trình cũng được đọc tin nhắn ấy.

Chưa hết, Frank biết kết quả dương tính với Covid của thủ thành Jasper Cillessen nhưng bảo rằng anh vẫn sẽ có suất trong đội hình tham dự Euro, và giữ anh lại cho đến khi kết quả âm tính. Cuối cùng, ông loại Cillessen. Đích thân Cillessen mới đây đã lên tiếng bày tỏ sự bức xúc trên tờ De Telegraaf.

Frank De Boer tiếp tục làm người hâm mộ tuyển Hà Lan ngao ngán với phát ngôn của mình

Trong một cuộc họp báo hồi cuối tháng 5, Frank ca ngợi và đánh giá cao Van de Beek, khi tuyên bố cầu thủ này mùa giải vừa qua đã thi đấu hơn 4000 phút ở Man Utd. Nhưng đó là một sự nhầm lẫn tai hại, khi Van de Beek chỉ chơi hơn 1400 phút. Hóa ra, ông lầm Van de Beek với Davy Klaassen.

Và mới đây, sau trận hòa 2-2 trước Scotland, trong cuộc họp báo của mình, Frank khi được một phóng viên hỏi ‘Liệu ông có cân nhắc cho ra sân một cầu thủ thuần cánh phải?’ đã trả lời: “Yeah, Queensy Menig sẽ là phương án hoàn hảo cho vị trí ấy.” Lại một nhầm lẫn nghiêm trọng! Queensy Menig làm gì có tên trong danh sách triệu tập của tuyển Hà Lan. Frank nhầm lẫn Queensy Menig với Quincy Promes.

Frank de Boer, ông có thật sự biết rõ mình đã triệu tập những ai không? Sân khấu lớn đầu tiên sau nhiều năm của Oranje đang được đặt vào tay của một nhà cầm quân như thế này đây.

Hoàng Thông Le Foot

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Nhà phân tích bóng đá

Có thể bạn thích