Giroud tự ái vì không được nhồi bóng nhiều, Morata bị CĐV nhà la ó vì bỏ lỡ những cơ hội mười mươi, Harry Kane bị truyền thông Anh chỉ trích vì từ bỏ đi thứ vũ khí lợi hại nhất của mình, Lewandowski nhớ Bayern Munich và tuyển Đức thì thiếu một nhân tố như chân sút người Ba Lan,… Euro 2020 đến nay là một câu chuyện thú vị về những “số 9”.
Hồi giữa tháng 5, ngay trước thời điểm kỷ lục số bàn thắng trong một mùa giải Bundesliga đã tồn tại gần nửa thế kỷ của chồng mình bị Robert Lewandowski xô đổ, vợ của chân sút huyền thoại Gerd Muller là Uschi Muller có đưa ra một phát biểu.
Trên Sport BILD, bà Uschi Muller nói: “Gerd chồng tôi chắc sẽ rất vui vì một ai đó cuối cùng cũng đánh đổ được kỷ lục của ông ấy. Gerd (nếu còn trong tình trạng sức khỏe tốt) sẽ là người đầu tiên chúc mừng Robert. Chồng tơi từ lâu đã khá ngạc nhiên bởi kỷ lục 40 bàn của ông ấy sao chưa thể bị phá vỡ, nhất là kể từ thời chiến thuật phòng ngự khu vực xuất hiện.”
Hãy gạt qua những định kiến về việc phụ nữ nói chuyện bóng đá vốn vẫn luôn tồn tại ở mọi diễn đàn, bà Uschi đã truyền tải lại một quan điểm thú vị từ chồng bà: Sự ra đời của chiến thuật phòng ngự khu vực đáng lẽ ra chỉ giúp các mũi nhọn trên hàng công, những số 9, dễ dàng ghi bàn hơn.
Nếu nhìn vào thành tích săn bàn của những cầu thủ vua phá lưới Bundesliga trong lịch sử, chúng ta sẽ thấy phải đến năm 2016, Lewandowski mới chạm đến mốc 30 bàn sau 39 năm. Rất dễ để chứng minh quan điểm của Gerd Muller là không đúng.
Phòng ngự một-kèm-một vốn là vũ khí phòng ngự tối thượng của các đội bóng trong giai đoạn từ thập niên 20 đến 60 của thế kỷ trước. Nếu ở Nam Mỹ, chiến thuật này nhanh chóng biến mất, thì ở châu Âu, một vài đội bóng lớn nhất vẫn còn sử dụng nó cho tới tận thập niên 70.
Phòng ngự khu vực bắt đầu nổi lên thật sự vào những năm 80, tức là ngay sau thời của Gerd Muller. Nghĩa là “vua dội bom” thi đấu trong giai đoạn phòng ngự một-kèm-một vẫn còn thịnh hành.
Thậm chí, theo nghiên cứu của Rene Maric – từng là blogger chiến thuật và sau này trở thành trợ lý của HLV Marco Rose ở Gladbach – chiến thuật phòng ngự một-kèm-một được duy trì ở nền bóng đá Đức đến tận những thập niên 90.
Phòng ngự một-kèm-một
Khi nói về phòng ngự một-kèm-một, điểm mạnh là trong một thế giới lý tưởng, bạn gần như bắt chết đối thủ trên sân, nếu cầu thủ của bạn có một ưu thế thể chất vượt trội. Chiến thuật này cũng không đòi hỏi sự phức tạp, ít có vấn đề trong truyền đạt thông tin khi chuyền bóng và di chuyển, không cần luyện tập gì quá đặc biệt. Nhưng đổi lại, hạn chế lớn nhất của nó theo thời gian, khi các đội bóng tấn công được kỹ-chiến thuật hóa hơn, và khi thể trạng không còn là một thế mạnh hiển nhiên thuộc về một nền bóng đá nhất định nào, đối phương ngày càng dễ dàng gây xáo trộn hệ thống, dễ dàng mở ra các khoảng trống để khai thác. Đó là lúc phòng ngự khu vực ra đời để vá lỗi. Nhưng bản thân phòng ngự khu vực ở mức độ cơ bản cũng có những điểm hạn chế, chẳng hạn đối phương tìm cách áp đảo quân số ở một khu vực nhất định.
Vậy tại sao Gerd Muller lại cho rằng khi phòng ngự khu vực ra đời, các tiền đạo lại dễ dàng ghi được nhiều bàn thắng hơn?
Phải chăng Muller tin rằng phòng ngự khu vực sẽ cho các tiền đạo nhiều khoảng trống hơn – dù rõ ràng là ông chưa có cơ hội để trải nghiệm bóng đá trong thời đại thay đổi – khi các cá nhân đơn lẻ được dịp tỏa sáng và ghi bàn nhiều hơn? Phải chăng ông tin rằng các tiền đạo sau này ngày càng tiến hóa, khôn ngoan hơn để đánh hơi và khai thác khoảng trống – họ biết lúc nào và ở đâu một cách nhạy bén hơn, thay vì chỉ giỏi trong những tình huống một-đấu-một như ngày trước?
Phải chăng Muller tin rằng sẽ có những vùng không gian nhất định phát sinh trong phòng ngự khu vực, từ đó mà việc một tiền đạo giỏi sẽ dễ dàng khai thác chúng thường xuyên và ghi bàn đều đặn hơn? Muller tin rằng phòng ngự một-kèm-một buộc các tiền đạo ngày xưa ít rỗi chân hơn và vì thế phải luôn tìm cách phối hợp, chuyền bóng với các đồng đội để thoát theo kèm nhiều hơn, nhất là khi đối thủ sẽ chọn ra cầu thủ mạnh khỏe tốc độ nhất để theo kèm chân sút nguy hiểm nhất?
Đoán bắt suy nghĩ của Gerd Muller không khác gì phân tích tác phẩm trong môn tập làm văn. Nhưng có lẽ, ông đang nói về sự khác biệt trong cách tập trung và phân hóa bàn thắng vào các cá nhân trong đội hình ở hai thời kỳ.
Trở lại với thời điểm hiện tại, bóng đá vẫn tồn tại song song cả hai chiến thuật phòng ngự kể trên. Chúng được sử dụng một cách kết hợp nhau, biến hóa, thêm bớt, cách điệu,… chứ không phải cái cũ bị triệt tiêu hoàn toàn. Về cơ bản, vì mỗi chiến thuật có ưu nhược điểm riêng, nên theo thời gian, sự kết hợp mang tính “thỏa hiệp” là hoàn toàn có thể nắm bắt được.
Cũng bóng đá thời kỳ hiện đại chứng kiến sự lên ngôi của những “số 9 ảo” (hay False 9). Chỉ là chứng kiến sự lên ngôi, chứ không phải sự ra đời. Bởi những số 9 ảo đã xuất hiện từ những năm 30 và 50 của thế kỷ trước, thời kỳ mà những tiền đạo như Matthias Sindelar của Áo hay Nandor Hidegkuti của Hungary thi đấu lùi sâu, thoát khỏi vòng cấm để khiến các hậu vệ phải tiến thoái lưỡng nan.
Messi chính là người tiên phong cho sự trở lại mạnh mẽ của các số 9 ảo
Chính sự thành công của Barcelona kỷ nguyên Pep Guardiola trong việc vận dụng thiên tài chơi bóng Lionel Messi ở vị trí số 9 ảo đã mở ra một trào lưu, mà thành công lớn nhất ở cấp độ đội tuyển được nhìn thấy thông qua tuyển Tây Ban Nha của Vicente Del Bosque. Mùa giải vừa rồi, Man City của Pep Guardiola lên ngôi Premier League qua những hệ thống không có một số 9 điển hình càng đưa trào lưu ấy lên một tầm cao mới.
Nhiều đội bóng tuy không phải ai và không phải lúc nào cũng sử dụng những số 9 ảo, nhưng họ tỏ ra ưa thích những số 9 chịu khó di chuyển khỏi vòng cấm với một tầm hoạt động rộng và có khả năng kết nối tốt với các cầu thủ làm bóng. Khi Chelsea của Thomas Tuchel vô địch Champions League, Timo Werner – tiền đạo mà cả mùa giải khiến các CĐV Chelsea ôm đầu tiếc nuối nhiều hơn ôm đầu trầm trồ – trên giấy tờ là người chơi cao nhất hàng công, nhưng anh lại là một cầu thủ với xu hướng di chuyển những theo những đường chéo từ biên vào phía trong. Tại Porto, Timo Werner đá chính, còn Olivier Giroud – một kiểu trung phong cắm điển hình – thì ngồi dự bị cả trận.
Song, luôn có ngoại lệ của những dòng chảy cũ. Đó là Robert Lewandowski, vua phá lưới Bundesliga lẫn chủ nhân của chiếc giày vàng châu Âu. Hay như một Cristiano Ronaldo vốn rườm rà hay múa may ở sát đường biên dọc, dần trở thành một số 9 và dù đã ở tuổi 36, nhưng vẫn ẵm danh hiệu vua phá lưới Serie A mùa giải vừa rồi.
Khi thế giới được san phẳng, không còn chỗ trũng để nước chỉ biết chảy vào đó.
Cuộc giằng xé giữa những số 9 thực thụ và những số 9 biến thể đương nhiên không thể không xuất hiện tại kỳ Euro 2020. Có những đội bóng, những HLV chịu ảnh hưởng của trào lưu, trong khi số khác tin vào những điều đơn giản: việc của số 9 là có mặt trong vòng cấm để nhận bóng và ghi bàn.
Ngay trước thời điểm đá trận đầu giải đấu, tuyển Pháp chứng kiến một căng thẳng không đáng có khi Giroud than thở rằng anh không được các đồng đội chuyền bóng cho, Mbappe thì bức xúc trước những phát biểu trên truyền thông của người đồng đội.
Nhưng thay vì đào sâu bằng những thuyết âm mưu về mối quan hệ của cả hai, câu trả lời xác đáng nhất nằm ở sự khác biệt về phong cách giữa Giroud với người vừa trở lại tuyển Pháp là Benzema. Họ đều là những số 9, những chân sút, nhưng Benzema luôn có tầm di chuyển rộng, vì thế dễ dàng cho và nhận đường chuyền với các đồng đội như Mbappe nhiều hơn.
“Karim là kiểu tiền đạo toàn diện, người luôn chơi tập thể,” Mbappe nói hôm 13 tháng 6. “Phong cách của anh ấy khác với Olivier, người vốn thường tĩnh hơn động. Karim thích di chuyển, lúc thì bên trái, lúc thì bên phải và họ là hai cầu thủ khác nhau hoàn toàn. Karim chạm bóng mỗi trận khoảng 80 lần, Olivier thì ít hơn nhiều vì phong cách khác biệt. Karim thường lùi sâu 40 khỏi khung thành đối phương để nhận bóng, Olivier thì thích thường trực có mặt trong vòng cấm để chờ đường chuyền cuối. Do đó, nếu so sánh số đường chuyền tôi dành cho họ và kết luận tôi không thích Olivier thì thật không công bằng.”
Benzema đã có những tình huống phối hợp rất tốt với người đàn em
Hôm Pháp đánh bại Đức 1-0, Benzema vẫn chưa bình phục chấn thương, Giroud thì không được sử dụng, còn Mbappe được xếp đá cao nhất trên hàng công nhằm phát huy tối đa tốc độ trong một thế trận mà Les Bleus sẵn sàng trao quyền làm chủ bóng cho đối thủ.
Cũng ở trận đấu ấy, tuyển Đức thật sự thiếu đi một cầu thủ biết săn bàn trong vòng cấm. Cả trận, họ thực hiện 23 quả tạt từ hai cánh, gấp 4 lần so với Pháp, tạo ra 11 pha dứt điểm nhưng chỉ 1 lần đi trúng đích. Trong khi, Ba Lan để thua 1-2 trước Slovakia và người đội trưởng Lewandowski của họ chạm bóng 5 lần trong vòng cấm đối phương (tức chỉ chiếm 12,8% tổng số lần chạm bóng). Ở Bundesliga mùa giải vừa rồi, cứ mỗi 5 pha chạm bóng, Lewandowski có 1 lần chạm nó trong vòng cấm đối thủ. Lewandowski nhớ những gì giống ở Bayern Munich, còn tuyển Đức thì thiếu một cầu thủ giống Lewandowski trong đội hình.
Tại nước Anh, sau trận thắng 1-0 của Tam Sư trước Croatia, truyền thông nước này đặt dấu hỏi về vai trò thật sự của Harry Kane – người giành giải vua phá lưới lẫn vua kiến tạo Premier League mùa giải trước. Tại Wembley, Harry Kane chỉ có 2 lần chạm bóng trong vòng cấm Croatia, anh chủ yếu hoạt động ở đường ranh giới giữa khu vực 1/3 sân giữa và 1/3 sân cuối.
Bản thân Harry Kane theo thời gian ngày càng bắt đầu thi đấu lùi sâu hơn, từ thời Pochettino vẫn còn tại vị ở Tottenham. Anh thích vai trò đó, khi tuyên bố việc bản thân lùi về giúp các đồng đội khác dễ đánh chiếm khoảng trống sau lưng các hậu vệ đối phương đã bị anh hút theo hơn. Báo chí Anh thì nghĩ ngược lại, họ nói Gareth Southgate đang phung phí phẩm chất tốt nhất của Kane, đấy là săn bàn.
Morata bị chỉ trích vì bỏ lỡ cơ hội ngon ăn
Trong khi, người hâm mộ Tây Ban Nha đã huýt sáo chính tiền đạo của đội tuyển là Alvaro Morata trong trận hòa 0-0 của La Roja trước Thụy Điển, sau khi tiền đạo của Juventus bỏ lỡ ít nhất 2 cơ hội ngon ăn. Trong cách chơi của Tây Ban Nha, Morata không phải là một trung phong cắm, mà với tầm hoạt động rộng. Dù Morata chạm bóng trong vòng cấm Thụy Điển nhiều nhất, nhưng những phương án tiếp cận khung thành đối phương còn đến từ những tình huống xâm nhập vòng 16m50 của những Dani Olmo, Koke và cả Diego Llorente.
Morata bị ném đá và ông thầy Luis Enrique của anh thì đơn giản nói rằng: “Morata đóng góp nhiều hơn những gì các bạn nghĩ. Chắc họ (các CĐV) biết về bóng đá hơn tôi rồi.” Nhưng giải bài toán hàng công là một thực tế Enrique phải đối mặt.
Cuộc tranh luận về những số 9 thực thụ và những số 9 biến thể rồi sẽ còn tiếp diễn, không chỉ gói gọn trong mỗi kỳ Euro mùa hè này. Bóng đá cấp tuyển đơn giản hơn bóng đá cấp CLB, nhưng còn có một thứ đơn giản hơn trong bóng đá nói chung: Thắng thì khen, thua thì chê, tiền đạo cứ ghi bàn thì chẳng ai bận tranh cãi xem anh ta là số 9 thực hay số 9 ảo.
Hoàng Thông Le Foot
Thethaoso247.com & BLV Anh Quân cùng hợp tác để mang đến mùa hè Euro sôi động cho khán giả.