Người cũ Jorge Valdano của Real Madrid từng kể lại một câu chuyện trên tờ El Pais như thế này: Trong một trận đấu nọ dưới kỷ nguyên Pep Guardiola ở Barça, BLV của trận đấu ấy nhận xét rằng Pedro gần như không có vai trò nào trong khâu tấn công, khi anh chỉ đứng rất cao, gần góc biên trên hàng công. Người tham gia bình luận chung cùng BLV ấy là một chuyên gia bóng đá, đã “chỉnh” lại rằng chính sự hiện diện ở khu vực đó của Pedro đã đóng vai trò quan trọng về mặt chiến thuật rồi.
Bản thân một tiền đạo cánh được bố trí đá cao sát biên trên hàng tấn công không chỉ trở thành một cửa thoát/điểm đến (outlet) cho một pha triển khai bóng hoặc thoát pressing, mà vị trí đứng của cầu thủ ấy thôi cũng đã lôi kéo sự quan tâm của 1 đến 2 cầu thủ phòng ngự đối phương, từ đó giúp kéo dãn hàng thủ đội bạn. Xavi đương nhiên biết rõ điều cơ bản ấy.
Từ thời còn dẫn dắt CLB Al-Sadd cho đến khi tiếp quản chiếc ghế nóng tại Camp Nou, Xavi đã luôn đề cao vai trò của những tiền đạo biên và tìm cách khai thác những cầu thủ ấy trở thành một đường nét chủ đạo trong cách vận hành lối chơi của Barça.
Adama Traore đã gây ấn tượng cực mạnh trong trận ra mắt
Cho đến trước trận thắng Atletico Madrid mới đây, ở LaLiga, Barça chỉ ghi được 32 bàn, thành tích xếp thứ 7 giải đấu. Còn tại vòng bảng Champions League trước đó, đấu trường mà thầy trò Xavi đã bị loại, họ chỉ ghi được đúng 2 bàn. Trong 6 lượt trận vòng bảng Champions League mùa này, có đến một nửa số trận là mức bàn thắng kỳ vọng của Barça dưới 0,4. Và có một con số còn gây sốc hơn, 9 trận đấu liên tiếp đã qua của Barça ở Champions League, họ chưa trải qua một trận nào ghi được nhiều hơn 1 bàn.
Với một đội bóng có truyền thống và thiên hướng luôn hướng đến bóng đá tấn công như Barça, chuyện hàng thủ dễ tổn thương hay hàng thủ không phải là điểm mạnh gần như trở thành điều tất yếu. Chọn tấn công hay phòng thủ là vấn đề về triết lý, tư tưởng. Kiểm soát bóng thật nhiều để hướng đến kiểm soát thế trận không chỉ là cách phát triển tấn công, mà còn là cách hạn chế và che giấu điểm yếu phòng ngự. Nói vậy để thấy rằng thứ mà Xavi muốn khắc phục nhất ở Barça không phải là tăng cường luyện tập những bài vở phòng ngự, mà là tìm cách giúp đội bóng ghi được bàn.
Trước kỳ chuyển nhượng mùa đông, cách tổ chức lối chơi của Barça thời Xavi cực kỳ phiêu lưu và chứa đựng nhiều rủi ro. Những tiền đạo cánh bám biên, cùng một số 9 và hai số 8 gần như được chỉ đạo tấn công vòng cấm, chưa kể một hậu vệ cánh – thường là Alba – cũng dâng cao tham gia tấn công, nghĩa là có từ 5 đến 6 cầu thủ luôn trong trạng thái đẩy lên tấn công. Đó có thể xem là hệ quả của việc lấy số lượng nhân sự bù đắp cho sự thiếu hụt chất lượng nhân sự trên hàng công, cũng là hoàn cảnh của Barça suốt thời gian qua.
Đẩy đông quân số và cũng đẩy cao cả khối đội hình khi tấn công là Barça thời Xavi. Tại LaLiga, không đội bóng nào có line hàng thủ dâng cao như Barça, với cự ly trung bình từ khung thành đến line phòng ngự là 40,9m.
Barca có hàng thủ dâng cao nhất LaLiga
Cách chơi như vậy dễ dàng khiến Barça trở nên dễ dàng tổn thương trước các tình huống chuyển tiếp phản công của đối thủ, khi cấu trúc rest defense (tạm mô tả là cấu trúc hỗ trợ, lót phía dưới khu vực 1/3 sân đối thủ khi tấn công, hòng chống phản công nếu để mất bóng) không được tổ chức tốt, cùng một Busquets khó lòng xoay sở trước tốc độ của đối thủ.
Bối cảnh chất lượng nhân sự thiếu hụt, xuất phát từ các ca chấn thương và gần đây là việc “tẩy chay” Ousmane Dembele vì vấn đề hợp đồng khiến những vấn đề của Barça càng trở nên nghiêm trọng. Bởi như đã nói, khi Xavi tìm cách tiếp cận các trận đấu qua lối chơi tấn công mạo hiểm, họ lại để hở ra quá nhiều khoảng trống ở sau lưng. Không những hàng công thiếu chất không khắc phục được yêu cầu ghi bàn, mà kéo theo cả hàng thủ không được đảm bảo. Vì lẽ đó, yêu cầu nâng cấp đội hình gấp rút được đặt ra ngay trong kỳ chuyển nhượng mùa đông. Kỳ chuyển nhượng mùa đông vừa qua, Barça mang về đến 3 tiền đạo, trong đó có hai tiền đạo cánh Adama Traore và Ferran Torres, cùng Dani Alves.
Vậy thì, hai vấn đề được đặt ra đối với Xavi là tấn công và phòng ngự, liệu đã được giải quyết sau những bổ sung nhân sự ở kỳ chuyển nhượng mùa đông? Chắc chắn là chưa hoàn toàn, nhưng ít nhất từ trận đấu trước Atletico, chúng ta nhìn thấy những đường nét dần được định hình và có thể trở thành nguyên tắc vận hành lối chơi thời gian tới của Barça thời Xavi.
Đông quân số khi tấn công và một đội hình đẩy cao tuy luôn ẩn chứa nhiều rủi ro, nhưng là một sự lựa chọn về mặt triết lý, tư tưởng/sở thích, thể hiện mong muốn đàn áp, bóp nghẹt đối thủ của Xavi. “Làn sóng thứ hai” có thể là một cụm từ phù hợp để mô tả cách chơi này: Đông người khi tấn công cũng có nghĩa là cũng ngần ấy quân số sẽ tham gia pressing, gây áp lực thu hồi bóng ngay trên 1/3 sân đối phương một khi để mất bóng, từ đó có thể tổ chức làn sóng tấn công tiếp theo ngay tức thì. Thực tế, ở LaLiga, tính trung bình cứ mỗi 1 phút, Barça tổ chức thu hồi bóng 4 lần ngay sau khi mất quyền kiểm soát bóng, đó là thống kê cao nhất giải đấu.
Con số trung bình ấy cao nhất không có nghĩa rằng trận đấu nào trước đây, cách chơi ấy của Barça cũng thành công. Gặp phải những đối thủ giỏi thoát pressing và khéo léo trong việc phản công, Barça sẽ liền bị tổn thương, mà trước Real Madrid ở Siêu cúp Tây Ban Nha là một bài học.
Có nhiều cách để giúp cấu trúc rest defense được cải thiện. Một trong số đó là kéo một hậu vệ cánh vào trong trung lộ, như cách làm của Pep Guardiola ở Bayern Munich hay Man City. Một hậu vệ cánh bó vào trung lộ được gọi là inverted full-back. Và Dani Alves trước Atletico Madrid mới đây chính là một cầu thủ kiểu như thế.
Về lý thuyết, Xavi vẫn lựa chọn hệ thống 4-3-3 trước Atletico. Nhưng thực tế trên sân, vị trí và tầm hoạt động của các cầu thủ Barça mang đến một cấu trúc khác, nó giống với 3-2-4-1 hơn.
Khi kiểm soát bóng, Alves sẽ di chuyển vào trung lộ, chơi bên cạnh hoặc ngay sau lưng Busquets, tạo thành cặp tiền vệ trung tâm. Hàng thủ còn lại cặp trung vệ Araujo – Pique, Alba tùy thời điểm Barça phát động tấn công qua biên trái sẽ dâng lên rất cao, có lúc như một tiền đạo cánh trái, nhưng yêu cầu phòng ngự vẫn cần được duy trì.
Gavi về lý thuyết chính là tiền đạo cánh trái của Barça trong hệ thống 4-3-3, nhưng trên sân, anh gần như hoạt động như một số 8, với xu hướng di chuyển từ biên vào hành lang trong cánh trái, kéo theo hậu vệ cùng cánh của Atletico, dọn đường cho những pha dâng lên của Alba. Đồng thời, Gavi cùng Frenkie de Jong có sự hoán đổi vị trí linh hoạt: nếu một người bám biên, người còn lại bó vào trong, nếu một người tấn công vòng cấm, người kia lùi về. Ngoài ra, tiền vệ người Hà Lan cũng thường xuyên giật lùi về sâu hỗ trợ các trung vệ và Busquets làm bóng. Ở hành lang trong cánh phải, số 8 còn lại là Pedri, với nhiệm vụ di chuyển vào khoảng trống giữa các tuyến đối thủ và tấn công vòng cấm.
Chiều ngang được kéo dãn bởi sự hiện diện của người còn lại là tiền đạo cánh phải Adama Traore. Trong khi, Ferran Torres là người chơi cao nhất trên hàng công, nhưng là một số 9 ảo với tầm hoạt động rộng, chủ yếu là các pha di chuyển lùi về kết nối bóng.
Sự hiện diện của Alves ở khu vực trung lộ là một điểm nhấn đặc biệt và mới lạ của Barça. Điều này không chỉ phù hợp cho độ tuổi của hậu vệ cánh người Brazil lúc này, khi anh khó lòng có thể lên xuống ở biên như thời trai trẻ, mà còn là một giải pháp hợp lý để tăng cường quân số nơi trung lộ, giúp cấu trúc rest defense của Barça trở nên vững hơn, chống phản công tốt hơn. Chưa dừng lại ở đó, khả năng chơi chân và làm chủ không gian của Alves hoàn toàn phù hợp để chơi ở trung lộ. Từ đó, Barça có thể tận dụng những tình huống thả bóng dài của Alves cho Alba thoát xuống ra sau lưng hàng thủ đối phương, như những gì được nhìn thấy trước Atletico mới đây.
Những điểm chạm bóng của Alves trước Atletico
Hai trong bốn bàn thắng Barça ghi được vào lưới Atletico, cụ thể là bàn quân bình tỷ số 1-1 và bàn nâng tỷ số lên 4-1 đều có dấn ấn từ Alves ở vị trí trung lộ. Cả hai tình huống này, Alves đều xuất hiện, tấn công vòng cấm Atletico, để kiến tạo cho Alba ghi bàn và tự mình dứt điểm thành bàn.
Đó là dấu ấn và đường nét trong lối chơi Barça từ vị trí mới của tân binh Alves. Vậy còn Adama Traore? Những gì được đặt ra cho cựu cầu thủ của Wolverhampton chính là câu chuyện đầu bài. Traore đơn giản chỉ cần đứng cao nhất theo chiều dọc đội hình Barça, bám biên thuần túy, từ đó sử dụng thế mạnh về tốc độ, sức mạnh và khả năng rê dắt để lao vào những cuộc đối đầu 1v1 hoặc 1v2.
Bàn thắng nâng tỷ số lên 2-1 của Barça đến từ cú đánh đầu thành bàn của Gavi sau quả tạt kiến tạo của Traore là kết quả chứng minh những gì bản hợp đồng mới này có thể mang đến. Nhưng nếu quan sát kỹ hơn tình huống dẫn tới bàn thắng, chúng ta sẽ thấy một mình Traore đã thu hút, kéo theo đến 3 cầu thủ Atletico ở rìa vòng cấm. Bấy giờ, bên trong vòng 16m50, Barça tạo ra một pha áp đảo quân số với thế 3v2 ở khu vực cột gần. Tầm ảnh hưởng của Traore còn được thể hiện khi chỉ sau bàn thứ hai của Barça, HLV Diego Simeone của Atletico liền phải điều chỉnh đội hình, yêu cầu Carrasco – người vốn dĩ đã tiền đạo cánh phải trong hệ thống 4-3-3 – giữ lấy vai trò hậu vệ cánh trái trong cấu trúc mới 5-4-1, nhằm hạn chế khả năng quấy phá của cầu thủ này.
Kỳ chuyển nhượng mùa đông thường là thời điểm tăng cường lực lượng cấp thiết của những đội bóng tồn tại những vấn đề. Barça là một cái tên như thế. Sẽ còn quá sớm để kết luận những tân binh được mang về có thật sự phù hợp và có ích với Barça hay không, khi mẫu số một trận là quá nhỏ, chưa kể Atletico giờ đây đã không còn là chính họ. Nhưng từ chiến thắng vừa qua tại Camp Nou, những đường nét về lối chơi của Barça thời Xavi càng trở nên rõ ràng hơn.