đồng hồ
Trang chủ     Bóng đá thế giới   /   CR7 và chuyện số áo cầu thủ

CR7 và chuyện số áo cầu thủ

Manchester Utd đã thông báo rằng Cristiano Ronaldo trong lần trở về này sẽ vẫn tiếp tục khoác lên mình chiếc áo số 7 huyền thoại của sân Old Trafford. Đằng sau những số áo các cầu thủ mang trên người là cả một dòng chảy phát triển thú vị.

Trước khi Ronaldo tiếp tục là CR7 ở Man Utd từ mùa giải này, chiếc áo số 7 vốn thuộc về Edinson Cavani trong mùa giải trước và cũng đã được tiền đạo người Uruguay mặc trong trận đấu trước Wolverhampton ở mùa giải 2021/22. Tuy vậy, từ giờ trở đi, El Matador sẽ được chỉ định số áo mới là 21 – vốn là số áo còn trống sau khi Daniel James chuyển sang khoác áo Leeds Utd – cũng là số áo anh mặc ở tuyển quốc gia Uruguay. Vì lẽ đó, Ronaldo được chỉ định chiếc áo số 7 mà Cavani chấp nhận nhường lại. Song, kết quả này đến sau một quy trình không mặc nhiên, tức là có sự can thiệp từ ban tổ chức Premier League.

Ronaldo thừa nhận Messi là đối thủ lớn nhất

Ronaldo thừa nhận Messi là đối thủ lớn nhất Đối với Lionel Messi, Ronaldo không chỉ thừa nhận tài năng và còn coi tiền đạo người Argentina là đối thủ lớn nhất trong suốt sự nghiệp của mình.

Cristiano Ronaldo:

Cristiano Ronaldo: "Ai nói ở Manchester không có mặt trời?" Cristiano Ronaldo mới đây đã đã có bài đăng chia sẻ những hình ảnh mới nhất của anh ấy tại Manchester kèm theo dòng trạng thái: "Ai nói ở Manchester không có mặt trời".

Trong quá khứ, khi lần đầu đặt chân đến Old Trafford vào năm 2003, Ronaldo có ý định muốn mang chiếc áo số 28, như anh từng mặc tại đội bóng cũ Sporting. Song, sau khi được Sir Alex Ferguson thuyết phục và trao gửi niềm tin, Ronaldo đã lựa chọn chiếc áo số 7.

QUẢNG CÁO

Ronaldo đã định mặc số áo 28 khi vừa đến Man Utd

Ronaldo đã định mặc số áo 28 khi vừa đến Man Utd

Kể từ mỗi mùa giải sau đó, qua những Real Madrid hay Juventus và trong lần trở lại Man Utd này, chiếc áo số 7 đã trở thành một biểu tượng gắn liền với Ronaldo và là một thương hiệu toàn cầu. “CR7” đã luôn là một “trademark” bất di bất dịch. Ngoại lệ duy nhất là mùa giải 2009/10 khi mới đầu quân cho Los Blancos, Ronaldo trở thành CR9, khi chiếc áo số 7 bấy giờ vẫn còn thuộc sở hữu của “chúa nhẫn” Raul. Đến khi Raul chia tay CLB Hoàng gia Tây Ban Nha, Ronaldo trở lại làm CR7 ngay mùa giải kế tiếp.

Man Utd phải xin phép Premier League

Theo quy định của Premier League, được ghi trong “Cẩm nang Premier League 2021/22”, ở mục M có tên “Players’ Identification and Strip”, điểm M1 nêu như sau: “Trước khi mùa giải bắt đầu, từng CLB sẽ phải chỉ định số áo khác nhau cho từng thành viên trong đội một”. Trong khi điểm M4 chỉ rõ: “Nếu một cầu thủ vẫn ở lại CLB, cầu thủ ấy sẽ chiếm giữ số áo được chỉ định trong xuyên suốt mùa giải”. Điều này có nghĩa, về cơ bản, Cavani đã được chỉ định chiếc áo số 7 từ trước khi mùa giải 2021/22 bắt đầu, và vì El Matador vẫn ở lại Man Utd sau kỳ chuyển nhượng hè 2021, về luật định, anh sẽ tiếp tục mang chiếc áo số 7 đến hết mùa giải.

Tuy nhiên, luôn có những trường hợp ngoại lệ và luật cũng có các quy định tương ứng, không “đá” nhau. Trong cẩm nang nói trên, điểm M20 quy định: “Trang phục được đăng ký cho cầu thủ sẽ được mặc và không có bất kỳ sự thay đổi nào trong cả mùa giải, trừ khi có sự cho phép từ Premier League; bất kỳ yêu cầu thay đổi nào cũng phải được gửi lên giải đấu ít nhất 14 ngày trước trận đấu kế tiếp mà CLB muốn có sự thay đổi về trang phục cầu thủ”.

Cavani đã được đăng ký áo số 7 từ đầu mùa

Cavani đã được đăng ký áo số 7 từ đầu mùa

Điều đó có nghĩa, không phải không có cách để Ronaldo được mặc chiếc áo số 7 vốn được nắm giữ bởi Cavani. Ở đây, chỉ cần Man Utd gửi đơn yêu cầu lên Premier League và được giải đấu chấp thuận là “done”.

Thế nên, không có chuyện mặc nhiên Cavani chấp nhận nhường chiếc áo số 7 và thế là Ronaldo liền được trao ngay, mà kết quả ấy chỉ được thừa nhận từ Premier League thông qua yêu cầu thay đổi về trang phục cầu thủ đến từ Man Utd.

Theo trang tin talkSPORT của Anh, Man Utd đã thật sự gửi đơn yêu cầu lên Premier League. Tờ Telegraph cũng nói rằng, ban lãnh đạo CLB chủ sân Old Trafford từ trước khi chính thức chiêu mộ Ronaldo cũng đã tính chuyện tìm cách trao cho anh chiếc áo số 7, và tìm kiếm phương án để được Premier League cho phép.

Thực tế, trong quá khứ, không phải không có những tiền lệ. Cụ thể như mùa giải 2012/13, sau khi Van der Vaart – cầu thủ mang áo số 10 của Tottenham – được bán cho Hamburg vào ngày cuối chuyển nhượng hè 2012, Emmanuel Adebayor được chuyển từ chiếc áo số 25 sang chiếc áo số 10, còn tân binh Hugo Lloris mang áo số 25.

Adebayor từng chuyển từ số áo 25 sang 10 ở mùa giải 2012/13

Adebayor từng chuyển từ số áo 25 sang 10 ở mùa giải 2012/13

Ký giả Dale Johnson của ESPN bổ sung thêm rằng, chi phí phát sinh từ việc thay đổi số áo cầu thủ, CLB sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm – bao gồm việc hoàn trả tiền hoặc thay thế cho các CĐV đã mua áo số 7 của Cavani nếu như họ có yêu cầu.

Việc Man Utd hay bất kỳ một CLB nào khác cần được sự cho phép của Premier League khi muốn thay đổi số áo cầu thủ có lẽ không quá phức tạp và nhiêu khê. Đơn cử, cho phép Ronaldo mặc tiếp chiếc áo số 7 lại còn là một điều có lợi đối với giải đấu, ở tính nhận diện và truyền thông.

Dòng chảy phát triển của những số áo cầu thủ

Khi bóng đá và sự ra đời của những CLB bóng đá dần phổ biến ở Anh vào thế kỷ 19, các cầu thủ ra sân mà không có số áo. Thay vào đó, họ được nhận diện bằng vị trí thi đấu trên sân. Các đội bóng Anh thời này luôn chơi với sơ đồ 2-3-5, gồm 2 hậu vệ, 3 tiền vệ, 5 tiền đạo và đương nhiên là 1 thủ môn. Quyền thay người lúc này chưa tồn tại, do đó việc “theo dấu” các cầu thủ cũng trở nên dễ dàng.

Đến tháng 8 năm 1928, những trường hợp các cầu thủ ra sân với số áo cụ thể được ghi nhận lần đầu, khi Arsenal và Chelsea lần lượt đối đầu với Sheffield Wednesday và Swanse Town.

Tuy nhiên, phải đến năm 1937, đội tuyển quốc gia Anh mới cho phép các cầu thủ ra sân với những áo đấu có in chữ số, trong chiến thắng 6-0 trước Na Uy ở Oslo. Để rồi vào năm 1939, Ủy ban Quản lý Bóng đá Anh (Football League Management Committee) bỏ phiếu thông qua quyết định bắt buộc tất cả các CLB phải in số áo cầu thủ từ 1 đến 11. Từ năm 1965 trở đi, cầu thủ vào sân thay người từ ghế dự bị mặc chiếc áo số 12, trong khi quyền thay người thứ hai chỉ được cho phép từ năm 1987 và cầu thủ này mặc chiếc áo số 14 (vì số 13 được xem là không may mắn).

Quy định số áo cầu thủ từ 1 đến 11 phản ánh chính sơ đồ 2-3-5 được đăng trên các ấn bản báo chí thời kỳ này. Thứ tự cụ thể như sau: thủ môn mang áo số 1, hậu vệ phải số 2, hậu vệ trái số 3,… cho đến tiền đạo cánh phải số 7, trung phong số 9 và tiền đạo cánh trái số 11.

Mối quan hệ giữa số áo và vị trí từng mang tính ràng buộc

Mối quan hệ giữa số áo và vị trí từng mang tính ràng buộc

Tuy nhiên, khi sơ đồ 4-4-2 dần thay thế 2-3-5, số áo cầu thủ cũng bắt đầu thay đổi. Với hệ thống mới gồm 4 hậu vệ, 4 tiền vệ và 2 tiền đạo, mối liên hệ giữa số áo cầu thủ và các vị trí trên sân không còn mang tính ràng buộc như xưa. Chưa kể, mỗi một nền bóng đá, mỗi một quốc gia cũng có cách lựa chọn số áo khác nhau.

Ví dụ như đội tuyển quốc gia Hungary vào thập niên 50 của thế kỷ trước xếp số áo các hậu vệ từ 2 đến 4 qua sơ đồ gồm 3 hậu vệ, khác hẳn với nền bóng đá Anh. Năm 1953, tuyển Anh để thua Hungary với tỷ số 3-6 trong một trận cầu mà các cầu thủ Tam Sư gặp khó khăn trong việc nhận diện đối thủ, bởi số áo của họ không đồng nhất với vị trí trên sân như trong quan niệm người Anh. Trong khi đó, đội hình tham dự World Cup 1978 của Argentina thì lại được đánh số áo theo ký tự abc, thế nên một tiền vệ như Norberto Alonso mới mang áo số 1 mà vốn dĩ thược được mặc định là dành cho các thủ môn.

Vào năm 1993, bóng đá Anh dưới kỷ nguyên Premier League bãi bỏ quy định cũ và bắt buộc từng thành viên của một đội bóng phải giữ nguyên số áo trong xuyên suốt cả mùa giải, không quan trọng vị trí thi đấu của họ là gì, nhằm hướng đến việc xác định cầu thủ dễ dàng hơn. Mùa giải năm đó ghi nhận đến 37 số áo khác nhau được đăng ký.

Số 7 của Ronaldo là một trong những thương hiệu lớn nhất của bóng đá

Số 7 của Ronaldo là một trong những thương hiệu lớn nhất của bóng đá

Các giải đấu khác của châu Âu cũng dần học tập theo mô hình của Premier League. Tại một giải đấu cấp đội tuyển, như World Cup chẳng hạn, mỗi cầu thủ cũng được chỉ định số áo cố định trong cả chiến dịch. Các HLV thường có xu hướng muốn những số áo có giá trị thấp được dành cho những cầu thủ xuất sắc nhất trong đội hình, dựa trên di sản đội hình ra sân 11 người, tức những cá nhân nào nổi bật nhất sẽ thường ra sân thường xuyên.

Với một cầu thủ như Cristiano Ronaldo, anh là minh chứng tiêu biểu cho truyền thống trên, khi phát dương quang đại chiếc áo số 7 huyền thoại trên sân lẫn ngoài đời, khi biến nó trở thành một thương hiệu từ đồ lót, giày thi đấu, sản phẩm khử mùi cơ thể cho đến chuỗi mạng lưới khách sạn gắn liền với tên tuổi bản thân.

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Nhà phân tích bóng đá

Có thể bạn thích