đồng hồ
Trang chủ     Bóng đá thế giới   /   CLB lớn nhất Trung Quốc trên bờ giải thể: Giấc mơ hằng đại hay là chiếc bong bóng

CLB lớn nhất Trung Quốc trên bờ giải thể: Giấc mơ hằng đại hay là chiếc bong bóng

“Grande” trong ngôn ngữ Rô-măng có nghĩa là to lớn, là vĩ đại. “Evergrande” từ đó có nghĩa là “mãi mãi vĩ đại”, hay “hằng đại”. Song, Quảng Châu Evergrande nói riêng hay quả bong bóng của nền bóng đá Trung Quốc không thể cứ mãi thổi căng phồng. Đến lúc, nó cũng vỡ và ever thành never.

CLB thành công nhất trong lịch sử nền bóng đá Trung Quốc, Quảng Châu hay trong quá khứ là Quảng Châu Hằng Đại hoặc Quảng Châu Evergrande, đang trên bờ vực giải thể khi công ty nắm quyền sở hữu cổ phần đa số của CLB này là tập đoàn bất động sản Evergrande đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Thậm chí, truyền thông Trung Quốc còn cho hay, CLB Quảng Châu muốn chuyển nhượng tất cả những cầu thủ trong đội bóng trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm huy động tiền mặt.

Báo Trung Quốc: “Vì bộ mặt quốc gia phải đánh bại ĐT Việt Nam”

Báo Trung Quốc: “Vì bộ mặt quốc gia phải đánh bại ĐT Việt Nam” Truyền thông Trung Quốc đang hô hào khẩu hiệu và tuyên bố sẽ đánh bại đội tuyển Việt Nam bằng mọi giá vì danh dự của bóng đá nước nhà.

Với 3 yếu tố này, tuyển Việt Nam sẽ tự tin đánh bại Trung Quốc

Với 3 yếu tố này, tuyển Việt Nam sẽ tự tin đánh bại Trung Quốc Ban huấn luyện của ĐT Việt Nam cùng các cầu thủ đã có những phân tích và đánh giá sơ bộ về đội tuyển Trung Quốc trong đấu sắp tới tại vòng loại World Cup 2022.

Trước tiên, cần nắm sơ qua bối cảnh nền tài chính của tập đoàn Evergrande, đây cũng là câu chuyện kinh tế - tài chính nổi cộm những ngày qua. Những năm qua, Evergrande liên tục phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản trầm trọng xuất phát từ các khoản nợ quá hạn. Tổng cộng, các khoản nợ quá hạn của tập đoàn bất động sản có doanh thu lớn thứ hai Trung Quốc này là khoảng 300 tỷ USD.

QUẢNG CÁO

Giá cổ phiếu của Evergrande đang giảm liên tục

Những ngày gần đây, giá cổ phiếu của Evergrande liên tục giảm trên sàn giao dịch Hongkong. Giá trị thị trường của tập đoàn này cũng đã giảm kỷ lục vào hôm 20 tháng 9 ở mức chỉ còn 3,54 tỷ USD.

Đúng ngày mai, 23 tháng 9, là thời điểm Evergrande phải thanh toán lãi suất trái phiếu của tập đoàn này. Theo hãng tin Reuters cho biết, Evergrande cam kết sẽ thanh toán hai loại trái phiếu phát hành trong nước đúng thời hạn. Mặc dù vậy, với các khoản tiền lãi trái phiếu sẽ đáo hạn khác trong tương lai, vẫn chưa rõ liệu Evergrande có khả năng chi trả hay không.

Nhưng những câu hỏi lớn nhất lúc này được đặt ra là liệu chính phủ Trung Quốc có can thiệp hay không và can thiệp bằng cách nào? Evergrande cũng sẽ chỉ là một trường hợp “too big to fail”? Nó có được tái cấu trúc? Hoặc Bắc Kinh lần này sẽ quyết định mạnh tay, để mặc cho một cuộc sụp đổ và lấy đó làm tấm gương cho các doanh nghiệp khác trong nước? Và liệu nền tài chính thế giới sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

Giấc mơ hằng đại tan tành

Trở lại với câu chuyện tương lai của CLB Quảng Châu. Tập đoàn Evergrande hiện tại đang nắm giữ hơn 56% cổ phần của CLB này, sau đó đến lượt gần 38% vốn cổ phần của tập đoàn Alibaba và phần còn lại thuộc về các cổ đông khác.

Theo Bloomberg, chính quyền tỉnh Quảng Đông muốn tiếp quản từ 10 đến 15% cổ phần của CLB Quảng Châu sau khi người đứng đầu Hiệp hội bóng đá của tỉnh này đã yêu cầu chính quyền tỉnh giúp đỡ. Một nguồn tin khác nói thêm, một doanh nghiệp nhà nước sẽ mua lại phần cổ phần còn lại của CLB.

Fabio Cannavaro trong vai trò HLV trưởng của Quảng Châu Evergrande

Nhiều ngôi sao nhận lương cao trong đội hình của Quảng Châu rõ ràng đang tìm cách ra đi, nhất là khi lương của họ đã không được trả vào tháng trước. Nên nhớ, Fabio Cannavaro, HLV trưởng của CLB là một trong những vị HLV được trả lương cao nhất trên thế giới.

Vào năm 2010, tập đoàn Evergrande đã mua lại CLB Quảng Châu, bấy giờ vẫn còn chơi ở giải hạng hai của Trung Quốc, với giá 100 triệu Nhân dân tệ, tức là khoảng 15,5 triệu USD. Suốt một thập kỷ đó đến nay, Quảng Châu Evergrande đã luôn đi đầu trong chính sách mua sắm rầm rộ của các CLB Trung Quốc. Nền bóng đá Trung Quốc như một chiếc bong bóng được thổi đến mức cực căng.

Năm 2011, Quảng Châu Evergrande khiến cả làng túc cầu xôn xao khi tuyên bố họ trả lương cho cầu thủ U20 của Argentina ngày đó là Dario Conca ở mức cao thứ ba trên thế giới, chỉ sau Ronaldo và Messi.

Vào năm ngoái, CLB này thông báo bắt đầu quá trình xây dựng một SVĐ với sức chứa hơn 105.000 chỗ ngồi, lớn nhất thế giới, trị giá 1,7 tỷ USD và có biểu tượng của một hoa sen. Giờ, không rõ liệu dự án đầy tham vọng ấy có hoàn thành đúng tiến độ cho kỳ AFC Asian Cup năm 2023 hay không. Cũng có khi, câu chuyện ấy chẳng còn quan trọng.

Dự án siêu sân vận động của Quảng Châu Evergrande

Trong dòng chảy bùng nổ làn sóng đầu tư vào bóng đá đó, Quảng Châu Evergrande cũng trở thành lá cờ đầu thúc đẩy việc nhập tịch các cầu thủ nước ngoài, hòng tạo nên sức mạnh cho đội tuyển quốc gia Trung Quốc, với nhiều cái tên như Elkeson, Aliosio, Alan Carvalho từ Brazil, hay Ty Browning từ Anh. Rất có thể, những cầu thủ này cũng sẽ khăn gói ra đi. Ngay cả khi CLB Quảng Châu vẫn tiếp tục tồn tại và được một nhà đầu tư khác mua lại, thắt chặt chi tiêu chắc chắn sẽ là vấn đề được đặt ra. 

Đến nay, CLB Quảng Châu đã giành được 8 chức vô địch Trung Quốc Super League – nhiều nhất lịch sử giải đấu, cũng như từng 2 lần lên ngôi ổ AFC Champions League vào các năm 2013 và 2015 – chỉ xếp sau thành tích của những Al-Hilal và Pohang Steelers. Năm ngoái, CLB Quảng Châu, lúc này còn mang tên Quảng Châu Hằng Đại Đào Bảo, đã để thua trong trận chung kết Trung Quốc Super League 2020 trước CLB Giang Tô Tô Ninh (hay Jiangsu Suning).  

Để rồi, vài tháng sau đó, chính Giang Tô Tô Ninh giải thể, vào ngày 28 tháng 02 năm 2021. Lý do của Giang Tô, không khác câu chuyện Quảng Châu lúc này là bao.

Quảng Châu Hằng Đại chỉ là một trong rất nhiều

Mới trước đó 3 tháng, Giang Tô Tô Ninh còn đang ăn mừng chức vô địch Trung Quốc Super League, nhưng vào cuối tháng 02 năm nay, CLB này bị tuyên bố dừng hoạt động. Nhưng Giang Tô không phải là CLB đầu tiên ở giải đấu cao nhất của Trung Quốc tuyên bố dừng vận hành.

Tháng 5 năm 2020, CLB Thiên Tân Thiên Hải (Tianjin Tianhai) – đội bóng từng có Cannavaro, Pato và Axel Witsel trong đội hình – đã tuyên bố phá sản sau khi ông chủ Thúc Dục Huy (Shu Yuhui) phải vào tù. Năm 2020, cũng vì vấn đề tiền bạc, cụ thể là nợ lương, CLB Liêu Ninh (Liaoning) phải dừng hoạt động.

Tất cả đều phản ánh rõ thực trạng bấp bênh và chủ nghĩa ngắn hạn của rất nhiều CLB tại Trung Quốc. Riêng trong năm 2020, đã có đến 16 CLB khắp 3 giải đấu cao nhất đất nước này biến mất khỏi bản đồ bóng đá thế giới.

Các CLB Trung Quốc liên tiếp biến mất vì vấn đề tài chính

Hãy nhớ lại cách đây một thập kỷ, chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình (Xi Jinping), từng tuyên bố đã tới lúc nền bóng đá Trung Quốc phải bứt phá, đã tới lúc các tập đoàn và các doanh nghiệp thuộc khối nhà nước chung tay đầu tư vào nền bóng đá trong nước. Để rồi giờ đây, khi các doanh nghiệp đỡ đầu này lận đận hoặc gặp khó khăn, cũng là lúc các CLB bóng đá thuộc sở hữu của họ lâm vào cảnh lụi tàn.

Bài học của Giang Tô Tô Ninh là rõ như ban ngày. Suning (Tô Ninh) – chủ quản của CLB Giang Tô, gã khổng lồ bán lẻ của Trung Quốc với chuỗi cửa hàng bách hóa hiện diện đầy tự hào khắp các thành phố của đất nước này – tuy gia nhập cuộc chơi bóng đá khá muộn (vào năm 2015), nhưng lại nhanh chóng bắt kịp làn sóng tiêu tiền. Ramires đến từ Chelsea, Alex Teixeira từ chối Liverpool để sang Trung Quốc, và sau đó là cả HLV Fabio Capello. Trước khi giành chức vô địch quốc gia, CLB Giang Tô cũng từng gây chú ý khắp các mặt báo phương Tây vào năm 2019 khi suýt tí nữa thì chiêu mộ thành công Gareth Bale.

CLB Giang Tô từng có lượng khán giả trung bình đến sân theo dõi các trận đấu của họ vào khoảng 27.000 người (theo thống kê năm 2019), thường xuyên rơi vào cảnh thua lỗ. Cuối mùa giải 2020, Teixeira từ chối ký vào bản hợp đồng mới, trong khi HLV Cosmin Olaroiu thì được cho là từ chối trở về dẫn dắt CLB. Từ đó những câu hỏi về nền tài chính của Giang Tô được đặt ra.

Dẫu vậy, tập đoàn Suning – đơn vị mua lấy phần lớn cổ phần của CLB Inter vào năm 2016 – thì lại có rất nhiều tiền. Nhưng đó là trước khi Covid ập tới.

Suning đã từng ở vị thế rất lớn trước Covid-19

Để rồi cuối cùng, Suning không thể tìm ra được đối tác chấp nhận mua lấy CLB Giang Tô – vốn thời điểm đầu năm nay gánh khoản nợ 91 triệu USD – cho dù chào bán với giá chỉ… 1 xu. Không còn nhận được sự hậu thuẫn từ chính quyền thành phố, Suning đành phải rút ống thở đối với Giang Tô.

Đó là câu chuyện của Giang Tô. Hãy đến với một trường hợp khác. Tháng 02 vừa qua, CLB Sơn Đông Lỗ Năng (Shandong Luneng) cũng đã bị Liên đoàn Bóng đá châu Á loại khỏi AFC Champions League vì nợ lương (CLB thế chỗ là Thượng Hải Thượng Cảng – Shanghai Seaport hay tên cũ là Shanghai SIPG, đội bóng xếp thứ 4 ở giải vô địch quốc gia năm 2020).

Không phải những người làm bóng đá ở Trung Quốc không lường trước hậu quả. Từ lâu, Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) đã muốn các CLB bóng đá trong nước bớt đi tính “doanh nghiệp”, thế nên quy định cấm các CLB đặt tên gắn với các doanh nghiệp, hay “phi thương mại tên CLB” được đặt ra (vì thế mà CLB Thiên Tân Teda được đổi tên thành Thiên Tân Tigers, hay như chính Quảng Châu Hằng Đại trở thành Quảng Châu). CFA trên hết muốn các CLB Trung Quốc không còn phải lệ thuộc hoàn toàn vào dòng tiền đầu tư của những doanh nghiệp trong nước, các CLB phải tự nuôi sống chính họ và trở nên chuyên nghiệp hơn.

Thế nên vào năm 2017, mới có quy định đánh thuế chuyển nhượng 100% vào các thương vụ chiêu mộ cầu thủ ngoại quốc có giá trị lớn, trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc lo ngại thất thoát nguồn tiền, còn CFA thì đau đầu với bài toán tiêu tiền quá mức của các CLB.

Tháng 4 vừa qua, khi mùa giải mới 2021 của Trung Quốc Super League khởi tranh, mức lương trần được áp dụng. Chưa hết, theo lời của ông Trần Tuất Nguyên (Chen Xuyuan), chủ tịch CFA, người đã và đang cố gắng uốn nắn lại đường hướng lệch lạc mà các CLB Trung Quốc đang đi, thì chi phí vận hành của các CLB ở Trung Quốc Super League cao gấp 10 lần so với mặt bằng ở K-League (Hàn Quốc) và cao gấp 3 lần so với tại J-League (Nhật Bản).

Ông Trần Tuất Nguyên (Chen Xuyuan), chủ tịch CFA

Nhưng dễ nhận thấy, tuyển quốc gia Trung Quốc thì vẫn đang chậm chạp bị bỏ lại phía sau một khoảng cách lớn. Người Hàn và Nhật đã thành công trong việc xã hội hóa bóng đá, nhưng Trung Quốc thì chưa. Ông chủ tịch CFA chốt lại: “Quả bong bóng không chỉ gây ảnh hưởng xấu lên nền bóng đá Trung Quốc hiện tại, mà còn cả tương lai.”

Suốt quãng thời gian cả thế giới lâm vào hoàn cảnh đại dịch, mọi nền bóng đá đều chịu ảnh hưởng và Trung Quốc Super League cũng không là ngoại lệ. Khác ở chỗ, những nền bóng đá phát triển, đủ chuyên nghiệp và biết cách tự nuôi sống, vẫn có cách để cầm cự vượt qua giông bão. Riêng Trung Quốc Super League thì không thể, sau một giai đoạn phát triển chóng mặt nhưng thiếu tính bền vững. Covid bao trùm thế giới, những vết đứt gãy của Trung Quốc Super League mới bộc lộ rõ ràng hơn bao giờ hết. Căn bệnh chủ nghĩa ngắn hạn buộc bóng đá Trung Quốc sẽ cần phải tự soi xét lại bản thân. Quả bong bóng đã vỡ sớm hơn dự kiến nhiều lần, giấc mơ hằng đại hẵng còn xa lắm.

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Nhà phân tích bóng đá

Có thể bạn thích