Ai có lỗi trong việc Messi phải ra đi? Mỗi người sẽ có cách lý giải riêng để quy trách nhiệm cho một nhân vật cụ thể nào đó. Nhưng nếu phải nhắc tên một kẻ huỷ hoại đúng nghĩa, rất có thể nhiều người sẽ đồng tình lựa chọn Josep Maria Bartomeu.
Tháng 02/2021, khi Joan Laporta bước vào chặng cuối của cuộc chạy đua vào ghế chủ tịch Barcelona, ông đã tuyên bố đại ý rằng một mình Messi mang lại 1/3 doanh thu cho Barcelona và ông sẽ kiên quyết giữ chân Messi. Thậm chí, còn có phép tính cho rằng mỗi năm riêng Messi mang lại 300 triệu euro cho CLB. Và bây giờ, khi Messi ra đi, bắt đầu có những tính toán về mất mát tiềm tàng về tài chính mà Barca sẽ phải gánh chịu. Tính toán ấy chưa chắc đã chính xác, vì nó thiên về cảm tính nhưng chắc chắn, việc để mất Messi là một đòn đau thực sự với Barca khi cầu thủ Argentina chính là biểu tượng lớn nhất của CLB.
Thực tế, Laporta đưa ra thông tin Messi kiếm về 1 phần 3 doanh thu cho Barca không phải chỉ để ca ngợi Messi đơn thuần. Nó là một đòn công kích vào bộ sậu lãnh đạo cũ, nhất là Bartomeu, khi Laporta dùng từ “mất kiểm soát” để lý giải việc doanh thu Barca sụt giảm ghê gớm đến mức độ 1 phần 3 trong số đó được mang lại từ giá trị của một cầu thủ duy nhất. Cái ước tính 1 phần 3 của Laporta cũng chỉ là đánh giá bằng cảm quan, chứ không cơ quan kiểm toán nào khẳng định bằng con số và giấy tờ sổ sách cụ thể. Bởi thật sự, nếu Messi có khả năng mang lại cho Barca ngần ấy doanh thu, Laporta chẳng dại gì lại để anh ra đi khi bản thân Messi vẫn là một trương mục có thể sinh lời.
Tờ El Mundo từng tiết lộ con số gây sốc
Chỉ có con số 555 triệu euro mà Messi kiếm được từ Barca trong 4 năm 2017-2021 là con số có thật. Bản hợp đồng 30 trang bị tiết lộ từ đầu năm 2021 này đều không bị cả Messi lẫn Barca phủ nhận. Chi phí là có thật. Doanh thu chỉ có thật một phần, còn một phần vẫn luôn là ước tính. Mà tất cả chúng ta đều thấy đời sống biến động kinh khủng thế nào? 2 năm Covid-19 hoành hành là 2 năm mọi ước tính đều sụp đổ.
Và còn một thứ có thật nữa là hiện trạng của Barca lúc này. 1,4 tỷ nợ ngắn hạn trong số 1,7 tỷ nợ mà Barca đang gánh đến từ sự mất kiểm soát của thời kỳ Bartomeu. Trước mắt, để giải quyết nó, Laporta đã được hội đồng thông qua cho phép ký kết 1 khoản vay 1 tỷ euro trong 15 năm để xử lý. Và bên cạnh món nợ ấy còn là một đống những ngôi sao lương cao mà Barca phải chi trả cho họ ít nhất là cho tới khi kiếm tìm được bên mua phù hợp. Mà đòi hỏi với Barca lúc này vẫn phải là thành tích bởi bóng đá là một ngành kinh doanh dựa trên nền tảng thành tích khá nhiều.
Chúng ta không cần nhắc lại những phi vụ mua Dembele, Coutinho và Griezmann nữa bởi các dữ kiện xoay quanh đó đã quá rõ ràng rồi. Nợ của Barca phần nhiều cũng đến từ các ca chuyển nhượng này. Chúng ta cần nhìn vào cách quản trị tổ chức của Bartomeu để hiểu hơn Barca hôm nay trọng thương là do đâu. Và chắc chắn, nhiều người sẽ vô cùng tiếc khi biết rằng lẽ ra đã tồn tại một Barca thế nào mà không cần chi đến hơn 1 tỷ euro cho chuyển nhượng trong giai đoạn 2014-2019.
Ngày Barca công bố chủ tịch mới - Bartomeu
Bartomeu tiếp quản ghế chủ tịch từ Rosell, trong vai trò tạm quyền nhưng sau đó đã chiếm được cảm tình lớn nhờ vào chức vô địch Champions League 2015 và do đó được bầu chính thức. Khi Bartomeu nhận Barca, giám đốc thể thao lúc ấy là cựu danh thủ Zubizarreta, người đã mua Luis Suarez, Neymar để tạo nên bộ ba MSN quyến rũ. Nhưng Bartomeu đã bãi nhiệm vị GĐTT này và trong suốt thời kỳ ông ta nắm quyền, ông ta còn sử dụng thêm 4 người khác ở vị trí trọng yếu này.
Việc không có một GĐTT giỏi và làm việc đủ dài hơi đã khiến Barca gặp những thảm hoạ trên thị trường chuyển nhượng. Năm 2017, Neymar sang PSG. Để thay thế Neymar, một nhà môi giới người TBN là Junior Minguella đã giới thiệu cho Barca một cầu thủ trẻ mới nổi có tên Mbappe. Minguella chẳng thấy Barca hồi âm gì trong một thời gian khá dài. Cuối cùng, ông nhận được tin nhắn từ Javier Bordas, một uỷ viên của Barca, đại ý “cả HLV lẫn chủ tịch đều không thích cậu này”.
Và không chỉ Mbappe bị từ chối. Sau này, chính Javier Bordas còn tiết lộ rằng Erling Haaland cũng bị chê vì “không phải kiểu Barca”. Có lẽ, đây chính là sai lầm lớn nhất mà bộ sậu Bartomeu đã mắc phải. Nó không chỉ đơn thuần gây hậu quả về tài chính khi Barca thay vào đó đã mua các cầu thủ cao giá mà họ khó sử dụng hơn mà nó còn khiến Barca mất cơ hội tạo dựng một đội hình có tính cạnh tranh cho một tương lai lâu dài, khi Messi giải nghệ.
Bây giờ, ngoài khoản nợ, khoản lố và những mất mát tài chính có thể đến do hiệu ứng Messi ra đi, Laporta còn phải đối diện với nhiệm vụ gầy dựng lại Barca như thế nào, có đủ sức cạnh tranh ở cả La Liga lẫn Champions League hay không. Trong cái rủi đã thế lại có thêm cái xui. Aguero mới đặt chân đến Nou Camp đã dính chấn thương và có thể sẽ chỉ trở lại vào tháng 11 tới. Trong tay Bartomeu cũng không còn tiền để xoay xở thêm. Khoản vay 1 tỷ euro mà hội đồng thông qua cho ông có quy định rất rõ ràng là không được dùng cho chuyển nhượng cũng như bù đắp quỹ lương.
Sai lầm của Bartomeu là quá lớn
Thực sự, sai lầm của một cá nhân Bartomeu đã khiến cả một tổ chức phải lao đao. Nhưng nói gì thì nói, Barca vẫn là một thương hiệu toàn cầu và là một thương hiệu thể thao trong tốp dẫn đầu. Ngay cả lò La Masia của họ cũng vậy thôi. Bản thân cái tên La Masia cũng đã là một thương hiệu rồi. Tất cả những sức mạnh đó sẽ giúp Barca như con phượng hoàng hồi sinh sau khi tắm trong biển lửa và tro tàn. Chỉ có điều, con phượng hoàng ấy rất cần sự ủng hộ kiên nhẫn của các cules bởi để vượt qua thời đoạn khó khăn này không chỉ là chuyện một sớm một chiều.
Tất nhiên, trong sâu thẳm, họ vẫn luôn có một điều ước. Giá như đừng bao giờ có một chủ tịch như Bartomeu…