Luôn tự hào với truyền thống riêng biệt vùng miền và bản sắc cây nhà lá vườn tự đào tạo La Masia từng giúp đội nhà thống trị trời Âu trong nhiều năm liên tiếp, Barcelona tiếp nối niềm hãnh tiến ấy trong mùa giải 2021-22 với sự xuất hiện dày đặc của gà nhà trong biên chế đội 1. Ảnh hưởng từ biến cố tài chính lẫn sự trở lại nắm quyền của Joan Laporta, một người con xứ Catalonia trên cương vị Chủ tịch CLB càng gia tăng thêm vị thế quan trọng của nhóm cầu thủ La Masia. Thế nhưng, những đóng góp của họ lại chưa hề tương xứng với kì vọng.
Sau 9 trận đấu tại La Liga 2021-22, Barcelona xếp thứ 9 trên bảng xếp hạng chỉ với 15 điểm. Cùng lúc đó tại mặt trận châu Âu, 2 thảm bại dưới Bayern Munich và Benfica chỉ được tạm thời cứu vớt bằng chiến thắng sát nút trước Dynamo Kiev trên sân nhà Camp Nou. Xét tổng thể về thành tích thắng trên mọi mặt trận, Barcelona đang sở hữu khởi đầu tệ nhất trong lịch sử CLB sau hơn 30 năm qua. Trong bối cảnh ấy, dấu ấn của những cầu thủ tự đào tạo đóng vai trò nổi bật, cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực.
Điểm sáng tới từ sự nổi lên của một số tài năng trẻ như Nico và Gavi, hay sự trở lại của Ansu Fati sau thời gian dài dưỡng thương. Dẫu vậy, đó chỉ là những đốm sáng le lói trong bức tranh toàn cảnh có màu sắc u tối. Với việc tung vào sân tới 8 cầu thủ gốc gác Barcelona trong trận thua bạc nhược trước kình địch Real Madrid hôm Chủ nhật vừa qua, vấn đề tới từ sự sủng ái quá mức nhóm cầu thủ này không thể làm ngơ lâu hơn.
Vinicius và Busquets ở trận El Clasico vừa rồi
Gerard Pique và Sergio Busquets là những cựu binh hiếm hoi còn sót lại của thế hệ vàng Barcelona trong thập niên 2010. Trong vai trò của những cận vệ già, hai cầu thủ này được kì vọng như những gạch nối nâng đỡ và tiếp tục bản sắc “Mes que un club”. Đẳng cấp của họ vẫn được thể hiện trong thời gian trên sân, với những tình huống nhả nhứ qua người đầy ma thuật của Busquets, hay những pha chuồi tắc bóng ngay trong chân đối phương bất chấp thua thiệt về khoảng cách của Pique.
Tuy nhiên, tác động của thời gian lên đôi chân Pique và Busquets đang ngày càng lộ rõ. Ngay trước thềm El Clasico, trong phần trả lời phỏng vấn đầy chân thật với nhật báo El Pais, Pique đã thừa nhận yếu điểm tốc độ giảm sút do lão hóa là một phần khiến lối đá đẩy cao đội hình của Barcelona trở nên mạo hiểm. Với cự li dâng cao gần như qua vạch giữa sân, trung vệ như Pique phải quán xuyến một khoảng không gian rộng lớn trước mặt và sau lưng, đồng thời sẵn sàng cho mọi tình huống phản công tốc độ tới từ đối thủ. Đẳng cấp Pique vẫn còn đó, nhưng thể trạng chắc chắn không thể như xưa.
Tương tự là trường hợp của Busquets. Áp lực đặt lên cặp trung vệ Barcelona lớn thế nào, Busquets ở vai trò số 6 có lẽ cảm nhận được sức nóng tương đương. Những tình huống chạm bóng và xử lí đầy ma thuật vẫn hiện hữu, bằng chứng là màn trình diễn đẳng cấp tại VCK UEFA Nations League đem về danh hiệu MVP cho số 5. Thế nhưng, khi đeo bám và rượt đuổi đối phương vốn chưa bao giờ là điểm mạnh của Busquets, tiền vệ này lại phải thực hiện những hành động phòng ngự với tần suất dày đặc hơn, bởi khả năng kiểm soát bóng giảm sút của những vệ tinh xung quanh lẫn áp lực thiếu đồng bộ của nhóm đồng đội phía trên giúp đối thủ đủ thời gian triển khai phản công.
Eric Garcia vẫn chưa chứng tỏ được mình
Giữa hoàn cảnh ấy, người trẻ được đem về hoặc ưu ái với kì vọng san sẻ gánh nặng cho đàn anh. Dẫu vậy, màn trình diễn của Eric Garcia, Oscar Mingueza hay Riqui Puig lại khiến người ta phải thất vọng. Trở về mái nhà xưa sau gần 4 năm du học trên đất Anh, Eric Garcia nhận về những ánh mắt ngưỡng mộ về tầm vóc của một thủ lĩnh sân Camp Nou trong tương lai, nhất là sau phong độ tích cực trong màu áo Tây Ban Nha tại Euro 2020. Nhưng càng chơi, Eric lại càng bộc lộ nhiều hơn những điểm yếu. Giống với Busquets, hệ thống kiểm soát bóng hoàn hảo tại cấp độ ĐTQG đã che mờ nhược điểm cố hữu trong khả năng cá nhân Garcia. Về với môi trường Barcelona, khi đẳng cấp cá nhân buộc phải thể hiện giữa một hệ thống thiếu tính chặt chẽ, Eric Garcia liên tiếp mắc sai lầm về mặt phòng ngự. Phán đoán tình huống sai, để lỏng đối phương khi theo kèm, cộng với bất lợi về thể hình khiến cựu đội trưởng các đội trẻ La Masia thường xuyên thua thiệt trong tranh chấp tay đôi.
Đối với Mingueza và Puig, ngoài điểm chung là những học viên tốt nghiệp từ trung tâm Joan Gamper, tên chính thức của cơ sở đào tạo trẻ Barcelona, năng lực của bộ đôi này đều dưới tầm trung bình so với tầm vóc lớn lao của CLB xứ Catalonia. Trên thực tế, trong nỗ lực duy trì bản sắc truyền thống, Barcelona luôn sở hữu số lượng nhất định những cầu thủ như Mingueza hay Puig trong biên chế đội 1. Nhưng khác với Marc Bartra, Carles Alena hay Carles Perez vốn an phận với vị trí dự bị hoặc xoay tua, đã có thời điểm Barcelona hiện tại phải cầu viện tới Mingueza và Puig như những lựa chọn hàng đầu.
Mingueza vốn không phải cầu thủ đủ năng lực chơi cho Barca
Tre đã già, măng chưa kịp mọc, số trụ cột trung tuổi như Jordi Alba hay Sergi Roberto cũng cho thấy sự sa sút đáng kể về phong độ. Trong khi Roberto đánh mất chính mình từ lâu, khi giờ chỉ là lựa chọn số 3 nơi hành lang cánh phải sau hai đàn em Sergino Dest và Oscar Mingueza, Alba dù vẫn miệt mài cày ải phía cánh trái, nhưng sự quá tải về mật độ thi đấu lẫn sức ép thời gian về tuổi tác đang dần khiến số 18 tụt lại. Hình ảnh cầu thủ 32 tuổi thở dốc sau khi bị rút ra ngoài trong trận thua Bayern Munich chỉ sau 70 phút trên sân là ví dụ tiêu biểu cho thấy, đã tới lúc Barcelona cần tìm kiếm sự thay thế.
Không sở hữu chất lượng tài năng tương ứng, nhưng kì vọng về một lối đá đúng chất Barcelona thuở nào là còn nguyên. Tuy nhiên, tiki-taka đâu phải là bóng đá dễ chơi? 8 cầu thủ tự đào tạo cũng từng là con số Barcelona vỗ ngực tự hào sử dụng trong trận chung kết UEFA Champions League 10 năm trước. Nhưng hãy lần lượt điểm danh số cá nhân tham gia trận đấu ấy. Carles Puyol, Andres Iniesta, Xavi Hernandez hay Pedro Rodriguez, những tài năng xuất chúng Barcelona khó lòng sản sinh ra đồng loạt thêm lần nữa.
La Masia thời hoàng kim
Bức tranh ảm đạm ấy lại càng khiến người ta đau lòng khi điền thêm sự ra đi của hình ảnh tiêu biểu La Masia, cầu thủ vĩ đại nhất lò đào tạo này từng sản sinh, “poster boy” Leo Messi trong hè vừa qua. Đó không chỉ là sự rời bỏ của một cá nhân cầu thủ, mà là đại diện cho sự đứt gãy của cả một thế hệ tài năng Barcelona từng tự sản sinh cũng như triết lí mà đội bóng này luôn tự hào. Dù tài năng của Fati hay Gavi phần nào khơi gợi lên những hi vọng, nhưng như vậy vẫn là quá ít để vực dậy danh tiếng đã mất của La Masia.