Dường như chưa bao giờ trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại, ngay sau khi một mùa giải kết thúc, băng ghế huấn luyện các CLB châu Âu – nhất là những CLB lớn – lại chứng kiến sự thay đổi ồ ạt như hiện tại. Đặt vào bối cảnh bóng đá thời đại dịch, chúng ta không khỏi có những liên hệ.
Ngay từ trước khi mùa giải 2020/21 thật sự đóng lại, những cánh cửa ra đi dành cho các HLV đã được mở. Phát súng lớn đầu tiên nằm tại Bundesliga, khi Hansi Flick đã bày tỏ nguyện vọng chia tay Bayern Munich một khi kết thúc mùa giải. Cuối cùng, Hansi chia tay thật và sẽ tiếp quản ghế nóng tuyển Đức thay Joachim Low sau Euro 2020. Julian Nagelsmann từ RB Leipzig sang dẫn dắt Bayern. Người lấp ghế HLV trẻ tuổi này là Jesse Marsch từ Salzburg, cùng thuộc mạng lưới các CLB Red Bull.
Mùa giải chấm dứt, Serie A dậy sóng khi Antonio Conte và Inter Milan bất ngờ đường ai nấy đi. Cuộc tình 2 năm với quả ngọt Scudetto kết thúc theo cách khó tin với nhiều người. Không lâu sau đó, Andrea Pirlo cũng bị trảm ở Juventus sau một mùa giải thất vọng.
Tại Tây Ban Nha, nếu tương lai của Ronald Koeman ở Barcelona vẫn trong tình trạng lấp lửng suốt vài tháng qua, thì Zinedine Zidane một phát kết thúc sớm hợp đồng với Real Madrid. Mọi thứ nhanh, gọn đến nỗi Zidane chỉ chào tạm biệt trực tiếp được đúng mỗi Lucas Vazquez (khi các học trò cũ khác đều đã nghỉ hè hoặc lên tuyển tập trung) và không có lấy một cuộc xuất hiện trước giới truyền thông để ra thông báo nào từ cả hai phía. Song, dư luận cũng không quá sốc, bởi tương lai Zizou đã được đồn đoán từ nhiều tháng trước đó.
Những HLV trong bức ảnh này đều chẳng còn ở đội bóng cũ của họ
Đó là chưa kể những trường hợp tại Tottenham khi mùa hè này, Daniel Levy cũng đang phải tìm kiếm người thuyền trưởng mới, sau khi đã sa thải Jose Mourinho ngay trước thềm chung kết League Cup và Ryan Mason chỉ là người tạm quyền quá non kinh nghiệm. Và để đủ bộ “top 5” giải đấu châu Âu, chúng ta có thể kể thêm trường hợp của Christophe Galtier ở Lille: Chấm dứt xong sự thống trị của PSG thì cựu trưởng Sainte liền ra đi.
Đấy là những sự kiện bề nổi khắc họa một mùa hè nhộn nhịp trên băng ghế huấn luyện ở nhiều CLB lớn và có số má của bóng đá cựu lục địa. Vậy phần chìm bên dưới tảng băng ấy là gì? Chúng ta tìm thấy một điểm chung mà cuộc khủng hoảng bóng đá thời đại dịch đã và đang gây ra.
Thoạt tiên, việc Antonio Conte rời Inter những tưởng chỉ tô đậm cái “vết” xưa nay của HLV người Italia, như khi ông rời Juventus hay Chelsea, nhưng vấn đề không đơn thuần nằm ở Conte. Nguyên nhân nằm ở cuộc khủng hoảng tài chính mà những nhà tân vô địch Serie A đang phải đối mặt, và đó lại chính là vấn đề chung của rất nhiều những CLB lớn lúc này.
Hồi tháng 3, mức nợ của Inter được báo chí khắc họa là khoảng 630 triệu euro. Giới chủ Tô Ninh (Suning) của Inter phải tìm kiếm một khoản vay khẩn cấp chừng 275 triệu euro từ quỹ Oaktree Capital Management của Mỹ. Nhưng sơi dây vẫn còn bị kéo căng, do đó Inter phải có những động thái cắt giảm quỹ lương đến 20% trong mùa hè này và cần bán ít nhất một ngôi sao trong đội hình để trang trải.
Conte có lẽ đã bất mãn với việc đội hình của anh nhanh chóng bị bóp méo vì những lý do kinh tế
Bản thân tập đoàn Tô Ninh – gã khổng lồ bán lẻ của Trung Quốc với chuỗi cửa hàng bách hóa hiện đại hiện diện khắp các thành phố của đất nước này – dù tầm cỡ cách mấy cũng đang phải lao đao vì đại dịch. Tô Ninh trước đó đã buộc phải rút ống thở với CLB bóng đá Giang Tô mà họ làm chủ ngay trong chính quốc. Vậy nên, dù có nghiêm túc làm bóng đá cách mấy, họ cũng không thể duy trì một trạng thái sung mãn dành cho Inter.
Trong khi, Conte thì không muốn dự án mà ông xây dựng ở Inter nhanh chóng bị bóp méo đến vậy. Conte ngược lại muốn Inter được đầu tư thêm nguồn lực để cạnh tranh mạnh mẽ hơn vào mùa giải tới. Scudetto đã đạt được, nhưng đó là bàn đạp chứ không phải là cái đích hướng tới cuối cùng. Khi mà góc nhìn về tiền bạc có sự khác biệt lớn, Conte và Inter đành chia tay nhau.
Vậy còn Hansi Flick ở Bayern Munich? Phải chăng chỉ vì Hansi thật sự thích chiếc ghế ở tuyển Đức? Nếu đúng như vậy thì quả là khá bất ngờ, bởi HLV 56 tuổi này nếu không tự ràng buộc mình với chiếc ghế ở đội tuyển quốc gia, ông sẽ là một gương mặt được săn đón ở nhiều CLB lớn sau những gì đã gặt hái với Bayern.
Hansi Flick ra đi vì những mâu thuận với nội bộ Bayern Munich
Đằng sau cuộc chia tay của Hansi ở Allianz Arena là những mâu thuẫn nội bộ vốn đã tồn tại với giám đốc thể thao Hasan Salihamidzic xoay quanh việc để những cầu thủ như Thiago Alcantara, David Alaba hay Jerome Boateng ra đi. Bayern vốn chẳng gặp khó nếu muốn sở hữu một bản hợp đồng nào đó ở các CLB khác thuộc Bundesliga. Họ mang đến cảm giác rằng mình vẫn là một thế lực sống khỏe mà không cần lao đầu vào những cuộc đua đắt giá trên thị trường chuyển nhượng. Song, một vài chính sách của CLB khiến Hansi không hài lòng.
Ký giả chuyên về bóng đá Đức, Raphael Honigstein từng nhận định: “Flick ra đi sau khi bất đồng chính kiến với ban lãnh đạo CLB xoay quanh vấn đề chuyển nhượng và bối cảnh liên quan đến tình hình tài chính thời đại dịch. Bayern không thể chi tiêu những khoản tiền lớn như Flick muốn và thế là mâu thuẫn nảy sinh.”
Ở Barcelona, dù chuyện đi hay ở của Koeman xuất phát từ góc nhìn thành tích và khía cạnh thể thao, nhưng những quyết định liên quan đến tương lai của HLV người Hà Lan lại bị phụ thuộc về mặt thời gian bởi vấn đề tài chính.
Sau khi Joan Laporta đắc cử chức chủ tịch Barcelona, ông lập tức chỉ đạo một cuộc kiểm tra sổ sách quy mô để có được bức tranh chi tiết về tình hình tài chính tồi tệ của CLB. Đầu năm nay, báo chí cho biết đội chủ sân Camp Nou gánh khoản nợ lên đến hơn 1 tỷ euro. Đến nay, cuộc rà soát kế toán – tài chính ấy vẫn chưa hoàn tất và điều này khiến mọi động thái lên kế hoạch cho mùa giải tới của Barcelona bị ngưng trệ.
Koeman vẫn được tại vị tại Barca vì Laporta chưa tìm được người phù hợp với ông
Laporta sẽ chưa thể gửi một lời đề nghị gia hạn hợp đồng chính thức và cụ thể tới Messi chừng nào ông nắm trong tay kết quả báo cáo tài chính. CLB vẫn đang liên tục có được những tân binh trong vài ngày qua, nhưng tất cả đều là những thương vụ chuyển nhượng tự do (Aguero, Eric Garcia) hoặc lấy lại cầu thủ sau quãng thời gian cho mượn (Emerson Royal).
Laporta thật sự muốn thay thế Koeman, nhưng tìm được người ưng ý chấp nhận “đặt đâu ngồi đấy” vào một dự án vẫn chưa có hình thù e là không dễ. Trong khi một HLV mới giàu tham vọng và có cái tôi lớn (như Conte chẳng hạn) sẽ muốn mọi thứ theo ý ông ta, gồm cả khâu chuyển nhượng, nhưng chi tiêu mạnh tay lúc này lại là thứ Barcelona không thể làm. Vì lẽ đó, chuyện tương lai ghế nóng ở Camp Nou đang bị… delayed.
Với trường hợp của Zinedine Zidane ở Real Madrid, khó có thể “ép khung” vào bức màn hoàn cảnh kinh tế thời đại dịch để giải thích cho sự ra đi của ông. Song, đại dịch cũng thật sự đã để lại những tác động dẫn đến quyết định này.
Trong lá tâm thư gần 1000 chữ mà Zizou gửi đến tờ nhật báo thể thao AS cách đây vài ngày, nhà cầm quân người Pháp nhấn mạnh đến việc ông không còn cảm nhận được sự ủng hộ của ban lãnh đạo Real Madrid như bản thân mong muốn. Đó là khía cạnh nhân bản: sự tôn trọng công sức, mà Zizou muốn CLB ghi nhớ.
Zidane ra đi cũng bởi mâu thuẫn trong cách vận hành tương lai của đội bóng
Nếu lật lại toàn bộ những vấn đề trong cả mùa giải đã qua của Los Blancos, dấu ấn đại dịch để lại vết không hề nhỏ. Đại dịch khiến nhiều cầu thủ Real Madrid phải cách ly trong mùa giải này, đến cả Zizou cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
“Tôi như thể bị nhốt trong lồng” là phát biểu nổi tiếng của Zizou sau khi trở lại, khắc họa cảm giác bức bách khi chứng kiến phong độ đi xuống thời điểm đó của đội bóng, đồng thời là những xì xào từ trong ra ngoài về tương lai của ông ở CLB.
Câu chuyện cắt giảm lương cầu thủ và việc gia hạn hợp đồng với Sergio Ramos cũng xuất phát từ bối cảnh tài chính thời đại dịch. Điều này khiến nội bộ đội chủ sân Santiago Bernabeu càng thêm xào xáo và bầu không khí “tụt mood”. Đó cũng là lúc truyền thông dự báo về những sự ra đi sau mùa giải 2020/21.
Trong lúc ấy, chủ tịch Florentino Perez thì bận rộn chiến đấu với UEFA và các thế lực chống đối dự án Super League để giải cứu nền tài chính CLB nói riêng, lẫn nền bóng đá nói chung – như chính ông tuyên bố. Tất cả khiến Zidane cảm thấy ông và tập thể của mình cô độc, không còn nhận được sự tôn trọng và niềm tin vốn có.
Nhưng như đã nói, nếu xâu chuỗi mọi diễn biến ấy để kết tội hoàn cảnh tài chính thời đại dịch thì không hợp lý lắm. Thật may là câu chuyện sau đó cho phép chúng ta được đặt Real Madrid vào chủ đề của bài viết này.
Khi Real Madrid lựa chọn Carlo Ancelotti để ngồi vào chiếc ghế nóng đội bóng từ mùa giải tới, quyết định này cho thấy đội chủ sân Santiago Bernabeu đang thật sự phải thắt lưng buộc bụng. Giải pháp Carletto mang đến sự an toàn về nhiều khía cạnh.
Trước tiên là sự thân quen khi ông từng dẫn dắt và giành được thành công với CLB, thông qua danh hiệu Decima. Lương của nhà cầm quân người Italia được cho là cũng chỉ ở mức 6 triệu euro/mùa – thấp hơn đến gần một nửa so với Zidane. Carletto chắc chắn cũng sẽ không đòi hỏi ban lãnh đạo Florentino Perez phải đáp ứng những nguyện vọng chuyển nhượng, cứ cho ông gì thì ông sẽ “xài” nấy. Và Real Madrid sẽ trải qua một mùa hè với nhiều sự thay đổi trong đội hình, họ cần một người chịu chấp nhận và xoay sở được.
Ancelotti hoàn toàn chấp nhận những gì mà Real Madrid đang 'cung cấp' cho ông
Với những mảng màu còn lại trong bức tranh, chúng ta có Christophe Galtier rời Lille vì ông hiểu rõ CLB cũng đang trong tình trạng tài chính không đảm bảo (ông chủ cũ Gerard Lopez đã phải bán CLB cho những quỹ đầu tư và cuối cùng phải ra đi vào cuối năm ngoái vì tình hình nợ nần không được giải quyết của đội bóng). Galtier hiểu rõ, Lille sau chức vô địch Ligue 1 mùa giải vừa rồi sẽ chẳng thể tiếp tục làm nên kỳ tích hay có được sự ổn định ở mùa giải tới. Nice – đội bóng tương lai của Galtier – lại mang đến một sức hút dự án và sự đảm bảo hơn về nguồn viện trợ cho những kế hoạch được thực thi.
Tương lai ghế nóng ở Tottenham cũng đáng bàn. Những thông tin mới nhất cho hay CLB thành London đang tiếp cận Antonio Conte. Đó sẽ là một sự kết hợp hấp dẫn, nhưng trong ngắn hạn. Bởi dài hạn, câu hỏi đặt ra là liệu Daniel Levy có “nuôi” nổi tham vọng của Antonio Conte? Conte chẳng phải rời Inter vì không được đáp ứng mong muốn đầu tư lực lượng để duy trì và gia tăng sức mạnh cạnh tranh? Trong khi, Levy là ông chủ thế nào thì chúng ta cũng đã rõ.
Ngẫm lại mới thấy, Florentino Perez từng nói một câu không sai, đại ý: Trừ khi bạn là những CLB được chống lưng bởi những nguồn tài chính quốc gia (ý ám chỉ PSG hay Man City), bằng không bạn sẽ chẳng thể ổn định và bền vững mãi. Điều đó xem ra đúng với cả chuyện trên băng ghế huấn luyện. Dù rõ ràng, bạn phải đảm bảo giúp đội bóng mang về những danh hiệu, nhưng ít ra, ngồi trên ghế “nóng” của những CLB như thế cũng thoải mái hơn nhiều.
Hoàng Thông Le Foot