“Ai đánh bại được Chelsea?”, “Làm thế nào để khuất phục hàng thủ The Blues?”. Đó là hai câu hỏi được đặt ra gần đây và dường như nó có vẻ còn tiếp tục thành đề tài bình luận trong những ngày tới, sau khi Chelsea đánh bại Tottenham 3-0 ngay trên sân khách. Nhưng thực sự, qua trận thắng ấy, không phải là không có câu trả lời về việc làm thế nào để đánh bại Chelsea. Song, tồn tại bên cạnh đó là một câu hỏi khác “Ai đánh bại Tuchel?”.
Thật ra, không phải là Chelsea đã có một trận cầu dễ dàng trước Tottenham. Hiệp 1 của trận đấu, thế trận tương đối giằng co và Tottenham không phải đã thúc thủ hoàn toàn trước một Chelsea chơi chặt chẽ, giữ cự ly đội hình rất hợp lý. Hệ thống của Tuchel vẫn có điểm yếu và Tottenham đã nhìn ra điểm yếu đó nhưng họ khai thác nó chưa tốt.
Điểm yếu của Chelsea bộc lộ từ việc hai biên thủ (wingback) chơi dâng cao sẽ luôn khiến hàng thủ trở nên thưa thớt mỗi khi đối thủ phản công nhanh. Với chiều rộng sân là 50m, việc đảm bảo phong toả tốt khoảng không gian ấy là không thể khi nhân sự phòng ngự chỉ còn 3 người. Về lý thuyết, mỗi cầu thủ đều chỉ có thể đảm bảo phòng vệ tốt một bán kính 10m xoay quanh mình mà thôi. Và khi Tottenham phản công vào khoảng trống sau lưng của hai biên thủ Chelsea, bắt buộc một trong hai tiền vệ trung tâm của họ phải trám lấy vị trí mà biên thủ chưa kịp lui về trấn giữ. Điều đó khiến hàng tiền vệ của Chelsea bị mỏng đi nên dẫn tới việc khi có bóng 2 dội ra, Tottenham luôn chiếm được ưu thế kiểm soát.
Son Hueng-min đã có nhiều tình huống có thể làm nên chuyện trước Chelsea
Điểm yếu kiểu này của Chelsea là một thực tế tất nhiên mà những đội bóng theo đuổi sơ đồ 3-4-3 và các biến thể của nó với hai biên thủ dâng cao hỗ trợ tấn công. Về lý thuyết, chẳng có một sơ đồ nào là hoàn chỉnh tới mức không có nhược điểm cả. Cơ bản là đối thủ khai thác nhược điểm ấy ra sao và đội bóng biết che lấp khiếm khuyết như thế nào mà thôi. Rất may cho Chelsea, Tuchel là một HLV thực chiến quá giỏi. Chính những điều chỉnh của ông đã mang lại cho Chelsea sự cân bằng hơn ở hiệp 2 và từ đó, họ thống trị hoàn toàn hiệp đấu, đẩy đội quân của Nuno Santo vào bế tắc hoàn toàn.
Quyết định thay Mason Mount bằng Kante của Tuchel phải được gọi là một điều chỉnh bậc thầy. Với điều chỉnh này, Chelsea biến đổi từ 3-4-2-1 sang sơ đồ 3-5-1-1 với vai trò tự do dành cho Kai Havertz. Mục tiêu rất lớn mà Tuchel đặt ra khi tung Kante vào là sử dụng quân số vượt trội để áp đặt toàn bộ tuyến giữa. Với Kante, Jorginho chơi tiền vệ trụ và Kante, Kovacic chơi như hai tiền vệ con thoi ở hai phần sân. Chính sự tham góp không ngừng nghỉ của họ ở dọc hai nội biên (half-space) đã tạo nên một Chelsea giàu sức mạnh. Và cũng nhờ sự góp mặt của Kante, mỗi khi cần tiền vệ trám vào vị trí sau lưng mà Alonso hay Azpilicueta để lại, Chelsea không bị thiếu hụt nhân sự tuyến giữa và họ thắng trong tranh chấp bóng 2 hoàn toàn.
Kante đã làm dày hàng tiền vệ Chelsea và giải quyết bài toán
Thực sự, Tuchel đã vượt trội Santo ở đẳng cấp đọc và xoay chuyển tình thế trận đấu, Ông lập tức khắc phục được điểm yếu của Chelsea, đặc biệt là ở vị trí sau lưng của Azpilicueta khi cầu thủ này đã có tuổi nên khó đua sức và tốc độ với Reguilon, Alli và Son Heung-min. Với Kante, phòng thủ biên phải của Chelsea chắc chắn hơn và mỗi khi dâng lên phản công, Chelsea luôn có thêm một nhân sự cầm bóng tốt, chuyền bóng tốt và chọn vị trí rất tốt ở phía phải này.
Để đánh bại Chelsea không phải là không có cách. Nhưng đó là cách để đánh bại một Chelsea được lập trình trước. Còn với một Chelsea có thể thay đổi mình tuỳ theo cục diện trên sân thì tìm cách đánh bại họ rất khó. Muốn đánh bại họ, phải đánh bại được Tuchel, đoán trước được nước cờ của Tuchel và từ đó đi những nước cờ tiên nhằm ngăn chặn mục tiêu thay đổi của HLV người Đức này.
Pep Guardiola cũng sẽ là thử thách tiếp theo của Tuchel
“Ai đánh bại được Tuchel?”. Đây là câu hỏi dành cho Pep Guardiola ở tuần sau và sẽ tiếp tục dành cho các HLV khác trong tương lai. Còn Pep, nếu như ông cũng thất bại trong việc “đọc vị” Thomas Tuchel ở vòng đấu tới, rất có thể câu hỏi này sẽ còn ám ảnh ông thêm lâu dài.