đồng hồ
Trang chủ     Bóng đá thế giới   /   Abramovich bị đóng băng tài sản: Tương lai Chelsea vẫn sẽ có hướng giải quyết

Abramovich bị đóng băng tài sản: Tương lai Chelsea vẫn sẽ có hướng giải quyết

Ngày Chelsea đón sinh nhật thứ 117 đã khép lại trong những nỗi lo lắng và bất an, thay vì những hy vọng và niềm lạc quan. Nhưng mọi thứ rồi sẽ có cách giải quyết.

Từ vài tuần lễ trước, những lệnh cấm từ chính phủ Anh đối với Roman Abramovich đã bắt đầu manh nha. Thế nên, trong bối cảnh đó, hành động rút hoàn toàn khỏi Chelsea thông qua tuyên bố sẽ rao bán CLB này đến từ Abramovich là có thể hiểu được. Một mặt, đó là cách mà ông chủ người Nga này tránh những vấn đề của bản thân gây ảnh hưởng xấu đến CLB mà ông yêu quý, sở hữu, xuất phát từ lợi ích tốt nhất đối với Chelsea. Mặt khác, đó cũng là cách ông tránh một phần tài sản của mình tại Anh rơi vào tình trạng bị đóng băng bởi chính phủ nước này. 

Thomas Tuchel vẫn vui vẻ ở lại CLB bất chấp Roman Abramovich bị trừng phạt

Thomas Tuchel vẫn vui vẻ ở lại CLB bất chấp Roman Abramovich bị trừng phạt HLV người Đức cho biết ông vẫn đang hạnh phúc với vai trò thuyền trưởng của đội bóng này.

Bật khóc với hành động của CĐV Chelsea dành cho Roman Abramovich sau lệnh phong toả

Bật khóc với hành động của CĐV Chelsea dành cho Roman Abramovich sau lệnh phong toả Roman Abramovich mới đây bị chính phủ Anh đã ban lệnh phong toả toàn bộ tài sản (bao gồm Chelsea) tại Anh Quốc, ngay lập tức CĐV Chelsesa làm điều này.

Cũng không phải đến tận ngày hôm qua, 10 tháng 3 năm 2022, Ngoại trưởng Liz Truss mới thay mặt chính phủ Anh thông báo lệnh cấm lên những nhân vật mà họ gọi là “oligarch” (tức “đầu sỏ chính trị”), cụ thể là “có khối tài sản và nhiều tầm ảnh hưởng nhất của Nga, với các đế chế kinh doanh, sự giàu có và mối liên hệ chặt chẽ với Điện Kremlin”. Thông báo từ cổng thông tin điện tử của chính phủ Anh cho biết, trước thời điểm đó, họ đã ban bố lệnh cấm đối với hơn 200 cá nhân, thực thể và công ty có giá trị cao và quan trọng nhất của Nga, với hơn 500 hiện nằm trong danh sách trừng phạt của Anh.

QUẢNG CÁO

Nghĩa là, đã có những lời cảnh báo được đưa ra từ trước và vấn đề chỉ là thời gian trước khi lệnh cấm ấy “tràn” tới Roman Abramovich. Nhưng nó đến ngay vào cái ngày Chelsea mừng thọ 117 tuổi thì có lẽ chẳng một CĐV nào của đội bóng này có thể nghĩ tới. Nhất là khi rất nhiều người đang hy vọng quá trình rao bán/đổi chủ Chelsea sẽ có những bước tiến mới.

Abramovich cùng với 6 nhân vật người Nga khác chính thức bị chính phủ Anh đóng băng toàn bộ tài sản trên lãnh thổ Vương quốc Anh. Kèm theo đó là những lệnh cấm khác: Cấm đi lại (bao gồm nhập cảnh hay lưu trú), không được thừa nhận quyền công dân Anh, và các công ty Anh không được phép làm ăn với những nhân vật này. 

Hành động này rồi sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tương lai Chelsea? 

Mang chính trị vào bóng đá?

Trước tiên, cần phải rạch ròi và làm rõ vấn đề: Liệu hành động của chính phủ Anh đối với Abramovich, để rồi từ đó ảnh hưởng tới Chelsea có phải là mang chính trị vào trong bóng đá/thể thao hay không? Ở đây, chúng ta coi như không đề cập đến tính minh bạch và trong sạch về khối tài sản mà Abramovich có được/làm ra. 

Bóng đá hay thể thao xưa nay vốn dĩ luôn có yếu tố chính trị xen vào, đó là thực tế không thể phủ nhận. Bản chất khơi nguồn cho động thái từ chính phủ Anh là câu chuyện liên quan tới Nga – Ukraine. Đó hoàn toàn là về chính trị, xuất phát từ động cơ làm suy yếu và triệt tiêu mọi nguồn lực ở mọi mặt có thể đối với Nga. Dựa trên đánh giá của chính phủ Anh rằng Abramovich là một phần nguồn lực liên quan tới Kremlin, biện pháp trừng phạt được đưa ra. 

Song, những tác động tới CLB Chelsea từ biện pháp trừng phạt lên Abramovich lại là câu chuyện của những quy định về pháp luật và thương mại. Nói cách khác, nguyên nhân của cả vấn đề là về chính trị, nhưng quá trình tác động lên Chelsea là về pháp luật và thương mại. 

Vì sao? Trong mối quan hệ giữa các bên liên quan dưới con mắt của chính phủ Anh, Chelsea là một khối tài sản (như một công ty, một doanh nghiệp) của Abramovich. Và vì thế, xuất phát từ mục đích đặt ra của lệnh phong tỏa tài sản từ chính phủ Anh cùng những quy định từ pháp luật, với tư cách là một tài sản, Chelsea lẽ đương nhiên bị đóng băng, với mọi giao dịch liên quan đến tài sản này bị chặn lại, tránh hành vi tiêu tán. 

Giả sử Chelsea không phải là một CLB bóng đá như chúng ta quan niệm, thay vào đó là một công ty có tên thương mại là “Chelsea”, chắc chắn, mệnh đề mang chính trị vào bóng đá sẽ không được nhắc tới và gây tranh cãi. Bởi bấy giờ, mọi thứ đơn giản chỉ là một doanh nghiệp hay một tài sản bị phong tỏa. Nhưng vì Chelsea là một CLB bóng đá và chủ đề chính trị/phi chính trị thể thao giai đoạn vừa qua được bàn bạc thường xuyên, thế nên dễ dẫn tới sự lẫn lộn này.

Tương lai Chelsea sẽ như thế nào?

Giờ, hãy đến với câu hỏi quan trọng nhất: Tương lai Chelsea rồi sẽ ra sao, hay cụ thể là quá trình rao bán/đổi chủ CLB sẽ ảnh hưởng như thế nào?

Một cách ngắn gọn, quá trình ấy sẽ diễn ra phức tạp và khó khăn hơn, không đơn giản chỉ là mối quan hệ “thuận mua vừa bán” hoặc tìm kiếm người mua phù hợp như mong muốn của Abramovich. Vì giờ đây, chính phủ Anh sẽ can thiệp và kiểm soát toàn bộ. Nhưng không có nghĩa là tương lai Chelsea sẽ chẳng thể đi về đâu. 

Ở đây, Chelsea được hưởng một đặc ân, một ưu đãi đặc biệt từ chính phủ Anh. Tình cảnh Chelsea vốn đã lầm than như vậy, cớ sao lại nói rằng họ vẫn được “ưu ái”? Lẽ thông thường, khi một công ty/doanh nghiệp bị đóng băng, mọi hoạt động sản sinh ra giá trị hay thặng dư đều sẽ bị dừng lại. Tức là nếu như vậy, Chelsea sẽ đóng cửa, không thể tham gia các trận đấu. Nhưng sau khi có lệnh cấm lên Abramovich, Bộ Tài chính Anh (HM Treasury) thông qua Văn phòng Thi hành các Biện pháp Trừng phạt Tài chính (Office of Financial Sanctions Implementation) đã phê duyệt một văn bản đặc biệt có tên “General Licence INT/2022/1327076”, có thể hiểu là một “giấy phép” với hiệu lực đến hết tháng 5 năm nay, cho phép CLB Chelsea vẫn tiếp tục tiến hành các hoạt động liên quan đến bóng đá.

Vì sao lại có quy định riêng cho Chelsea, trong khi những công ty/doanh nghiệp khác thuộc sở hữu hoặc được sở hữu đa số (về cổ phần/vốn) của Abramovich trên lãnh thổ Anh lại không thuộc diện như vậy? Vì giá trị và vị thế của bóng đá, của Chelsea đối với nước Anh. Với góc nhìn của chính phủ Anh, họ coi trọng bóng đá và Chelsea như một phần tài sản văn hóa, cũng như cách thức xuất khẩu văn hóa ra thế giới, có ảnh hưởng lên đại chúng. 

Cụ thể, văn bản từ chính phủ Anh ghi như sau: “Chelsea vẫn sẽ được phép tiếp tục tham gia các trận đấu và các hoạt động khác liên quan đến bóng, nhằm bảo vệ lợi ích của giải đấu Premier League, của hệ thống kim tự tháp bóng đá của Anh, của người hâm mộ và các CLB khác. Giấy phép này sẽ chỉ cho phép một số hoạt động nhất định, nhằm đảm bảo các nhân vật nằm trong danh sách không thể lách khỏi lệnh trừng phạt của chính phủ Anh. Việc thực thi các quy định trong giấy phép này sẽ được chính phủ Anh kiểm soát và theo dõi liên tục, chính phủ cũng sẽ làm việc với các cơ quan quản lý bóng đá để có những biện pháp phù hợp.”

Đương nhiên, vẫn sẽ có những hạn chế trong giấy phép ấy, khiến mọi hoạt động thường nhật và bình thường của Chelsea bị đảo lộn hoặc buộc CLB này phải tìm cách thắt lưng buộc bụng. Cho đến khi có những quy định hay biện pháp tiếp theo từ chính phủ Anh, Chelsea sẽ:

  • Không thể thực hiện các thương vụ chuyển nhượng cầu thủ. Nếu CLB đã thực hiện các thương vụ chuyển nhượng trước ngày 10 tháng 3 năm 2022 và còn những khoản chưa thanh toán liên quan đến các giao dịch này, CLB vẫn sẽ được phép;
  • Không thể gia hạn hợp đồng với các cầu thủ;
  • Vẫn được phép tiếp tục chơi các trận đấu ở những giải đấu mà CLB tham gia, nhưng chỉ những CĐV sở hữu vé cả mùa của CLB mới được dự khán, CLB không được phép bán ra các vé mới;
  • Toàn bộ nhân viên của CLB, gồm các cầu thủ vẫn sẽ được trả lương;
  • Vẫn được phép chi tiêu cho các hoạt động tổ chức trận đấu trên sân nhà Stamford Bridge (trả tiền cho công tác chuẩn bị sân bãi, an ninh, phục vụ ăn uống,…) cũng như chi tiêu cho việc di chuyển đến các trận đấu trên sân khách. Tuy vậy, với các trận đấu trên sân nhà, Chelsea chỉ được chi tiêu tối đa 500.000 bảng Anh; còn với các trận đấu trên sân khách, Chelsea chỉ được phép chi tiêu tối đa 20.000 bảng Anh. Mức trần chi tiêu này được cho là có thể linh hoạt, nhưng CLB phải chứng minh các khoản chi phí này là hợp lý;
  • Không được phép tiếp tục các hoạt động sinh lời từ buôn bán các mặt hàng liên quan đến đội bóng (merchandise) cũng như không được phép sản xuất các mặt hàng mới, nghĩa là phải đóng cửa các cửa hàng (store trên thực địa lẫn store trên online) của mình. Tuy vậy, Chelsea vẫn được phép bán các mặt hàng thông qua bên thứ ba (chẳng hạn bán áo đấu theo thỏa thuận với Nike), cũng như được nhận doanh thu từ bản quyền truyền hình và các khoản tiền thưởng từ những giải đấu họ tham gia, dù dòng tiền này sẽ được chính phủ Anh kiểm soát (nói cách khách là cũng bị đóng băng).

Quan trọng nhất, Chelsea sẽ không được phép rao bán/đổi chủ, mà cụ thể là như thông báo trước đây của đích thân Abramovich trên trang chủ CLB. Nghĩa là, Chelsea vẫn có thể được rao bán/đổi chủ, nhưng với điều kiện phải dựa trên một “giấy phép” khác do chính phủ thông qua và toàn bộ quá trình này phải được chính phủ toàn quyền giám sát. 

Phát ngôn viên của thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết: “Quá trình đổi chủ Chelsea sẽ cần một giấy phép khác, và do đó cần những cuộc thảo luận mới với Bộ Tài chính. Chính phủ sẽ tìm cách hạn chế tối đa những tác động đến người hâm mộ, những biện pháp được đưa ra chỉ là nhằm trừng phạt những người thân với Điện Kremlin.” 

Tới đây, chúng ta có thể hình dung một viễn cảnh là Chelsea vẫn được rao bán/đổi chủ, nhưng toàn bộ số tiền thu được sẽ không thuộc về Abramovich. Ông chủ người Nga khả năng vẫn sẽ được phép xúc tiến giao dịch sang tay CLB, nhưng phải chứng minh rằng bản thân mình không được hưởng lợi gì từ quá trình đó. 

Abramovich có 2 lựa chọn, hoặc đấu tranh đòi quyền lợi cho bản thân, hoặc lẳng lặng không mang theo gì rời khỏi Chelsea. Nhưng có lẽ trong bối cảnh này, và vì tình yêu lớn lao ông dành cho Chelsea, Abramovich sẽ chỉ còn một phương án mà thôi. 

Nhưng như đã nói, ngay cả khi Abramovich chấp nhận từ bỏ mọi thứ, công cuộc rao bán/đổi chủ Chelsea cũng sẽ cần được chính phủ Anh ra một giấy phép mới. Và những câu hỏi khác sẽ tiếp tục được đặt ra: Mức giá bán Chelsea sẽ còn lại bao nhiêu (kỳ vọng khoảng 3 tỷ bảng Anh của Abramovich có lẽ sẽ không còn tồn tại)? Hình thức rao bán/đổi chủ ấy là gì? Đấu giá chăng? Các phương thức lựa chọn nhà đầu tư/nhà thầu sẽ như thế nào? Số tiền thu về từ hoạt động đó sẽ được xử lý ra sao? Xét trên góc độ phong tỏa tài sản, nếu Chelsea được đổi chủ qua hình thức đấu giá, số tiền thu được có thể vẫn ở nguyên đó, nhưng bị đóng băng và chờ vào những diễn biến thời cuộc trong tương lai. 

Sẽ phức tạp và khó khăn, nhưng câu chuyện tương lai Chelsea không phải không có hướng giải quyết. Người hâm mộ Chelsea hãy tin rằng, chính phủ Anh sẽ không để một biểu tượng văn hóa của London, của đất nước họ bị hủy hoại. Dù có lẽ, với những người yêu The Blues, một phần trong tim họ đã bị hủy hoại. 

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Nhà phân tích bóng đá

Có thể bạn thích