Sau khi kết quả bốc thăm Vòng loại thứ 3 FIFA World Cup 2022 thành hình, cùng đẳng cấp và thứ hạng vượt trội, ba đội tuyển Australia, Nhật Bản và Saudi Arabia đều được cho là vượt trội so với tầm vóc của Việt Nam.
Cơ hội giành điểm của chúng ta sẽ hướng tâm điểm vào hai đối thủ yếu hơn, trong đó có Trung Quốc. Dẫu phải nhận những kết quả không khả quan trong hai trận ra quân, với những gì đã thể hiện về phương pháp bài binh bố trận, đoàn quân của HLV Li Tie hứa hẹn sẽ không phải là đối thủ dễ chơi như đồn đoán.
Trước hai đối thủ mạnh là Australia và Nhật Bản, Li Tie đã chọn hai phương án tiếp cận không bóng khác nhau. Với Australia, Trung Quốc chủ động đẩy cao khối đội hình áp sát đối phương ngay từ bước triển khai bóng đầu tiên. Nhân sự đội bóng áo đỏ được bố trí theo khối 4-1-2-3, với phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng khu vực và bắt người tương ứng phía Australia.
Cấu trúc phòng ngự của Trung Quốc thời điểm Australia triển khai bóng từ sân nhà
Trong 20 phút đầu tiên của trận đấu, cấu trúc ổn định và cường độ áp sát liên tục của Trung Quốc đã khiến Australia gặp vô vàn khó khăn khi tìm cách đưa bóng sang nửa sân bên kia. Thống kê cho thấy, trong khoảng thời gian này, chỉ 13% số lần chạm bóng của Socceroos được thực hiện bởi 4 cầu thủ tấn công. Ngoài ra, phải sau hơn 4 phút kể từ hồi còi khai cuộc trận đấu được vang lên, Australia mới có lần đầu tiên đưa bóng thành công sang phía sân nhà Trung Quốc.
Phải thừa nhận, Li Tie đã có sự tìm hiểu kĩ lưỡng phong cách chơi bóng quen thuộc của đối phương nhằm chuẩn bị và tập dượt kĩ lưỡng hệ thống pressing nhằm kiềm tỏa sức mạnh. Rõ ràng, nó đem lại hiệu quả đáng kể cho Trung Quốc trong những phút đầu trận gặp Australia. Cách bài binh bố trận nhằm kiềm tỏa đối thủ tiếp tục được tái lập trong cuộc đối đầu gặp Nhật Bản. Chỉ khác, thay vì lựa chọn lối đá pressing tầm cao hiện đại nhưng tiềm ẩn rủi ro, Li Tie đưa ra sân đội hình với khối phòng ngự lùi sâu chủ động trong sơ đồ 5-3-2.
Cấu trúc phòng ngự thường thấy của Trung Quốc trước Nhật Bản
Với việc sử dụng hai phương án tổ chức không bóng khác nhau trước hai đối thủ mạnh trong vòng chỉ 5 ngày, Li Tie cho thấy bản thân là một HLV dù trẻ, nhưng sở hữu sự linh hoạt đáng kể trong bố trí chiến thuật. Đáng chú ý, lựa chọn sơ đồ đều đến từ sự phân tích tìm hiểu đối thủ nhằm đưa ra phương án phù hợp. Trước Australia là khóa chặt cặp đôi tiền vệ trụ, vốn là nguồn sống luân chuyển bóng. Trong trận đấu còn lại gặp Nhật Bản, hệ thống phòng ngự số đông cho phép Trung Quốc hạn chế tối đa không gian xử lí của những cầu thủ tấn công kĩ thuật khéo léo phía Blue Samurai.
Tuy nhiên, chiến thuật đề ra được thực hiện và duy trì tốt tới đâu, còn phụ thuộc vào chất lượng cá nhân cầu thủ. Đó mới đang là vấn đề lớn nhất Li Tie phải đối diện. Mới sau 20 phút, các cầu thủ Trung Quốc dường như đã thấm mệt, bất chấp việc được thi đấu trên SVĐ hiện đại tại Qatar với điều hòa nhiệt độ. Khối đội hình dâng cao của đội bóng áo đỏ không còn được giữ vững, họ chủ động điều chỉnh cự li lùi về phần sân nhà, qua đó tạo điều kiện cho Australia dễ thở hơn trong khâu triển khai bóng bước đầu.
Khối đội hình phòng ngự lùi sâu của Trung Quốc trước Australia
Về lí thuyết, khối đội hình lùi sâu với cự li thu hẹp giữa các tuyến giúp Trung Quốc đảm bảo được sự chắc chắn hơn trước khung thành. Thế nhưng, sự suy giảm về nền tảng thể lực khiến cường độ áp sát của Trung Quốc không còn xuất hiện tính liên tục. Khi bóng được Australia luân chuyển qua lại, những cái bóng áo đỏ tỏ ra chậm chạp khi quay về ổn định lại tổ chức không bóng kỉ luật. Ngoài ra, sự yếu kém về hành vi phòng ngự cá nhân lại khiến Li Tie trả giá.
Cụ thể nhất là trong bàn thua đầu tiên, khi cặp trung vệ Yu Dabao (22) và Tyias Browning (6) dễ dàng bị Awer Mabil đánh lừa với động tác chạy giật tạo khoảng trống sau đó bứt tốc về phía trước tấn công vào khe hở giữa hai cầu thủ phòng ngự Trung Quốc nhằm đón lõng đường phát động vào sau lưng từ Trent Sainsbury.
Tình huống dẫn tới bàn thua thứ 1 của Trung Quốc trước Australia
Đáng chú ý, đó không phải là lần duy nhất Australia tích cực tấn công khai thác vào yếu điểm này của Trung Quốc. Ngay trước đó chỉ 1 phút, tại thời điểm 21:22 của trận đấu, đường bóng xuyên khe tương tự được Jackson Irvine tung ra cũng hướng tới vị trí của Mabil như là điềm báo về kết cục sau đó.
Tình huống tấn công của Australia khai thác yếu điểm cặp trung vệ Trung Quốc
Sự chậm chạp trong tốc độ phản ứng xử lí lẫn thiếu thông tin liên kết ở hàng phòng ngự Trung Quốc tiếp tục lặp lại ở bàn thua duy nhất trận gặp Nhật Bản. Dù có ít nhất 3 áo đỏ theo kèm Yuya Osako khi bóng đang triển khai xuống biên, lại là bộ đôi Dabao – Browning thất bại trong việc ngăn chặn đối phương ghi bàn bất chấp sở hữu lợi thế về số người theo kèm lẫn khoảng cách đi trước trong tình huống.
Tình huống dẫn tới bàn thua của Trung Quốc trước Nhật Bản
Trong cả hai trận đấu gặp Australia và Nhật Bản, Trung Quốc đều cho thấy sự lép vế về thời lượng kiểm soát bóng với tỉ lệ lần lượt chỉ ở mức 38-62 và 30-70. Phương án triển khai thường thấy của Trung Quốc sẽ dựa trên nền tảng của ba tiền vệ trung tâm, với biến đổi tùy thuộc vào các giai đoạn chuyển đổi quyền kiểm soát bóng. Khi đoạt bóng thành công các cầu thủ Trung Quốc sẽ ưu tiên tìm cách triển khai trực diện lên trên theo cách nhanh nhất, thay vì giữ bóng phối hợp cự li ngắn, hệ quả đến từ hai nguyên nhân.
Thứ nhất, Trung Quốc dù tuân thủ khá tốt cấu trúc không bóng tĩnh được Li Tie đề ra, nhưng lập tức xảy ra xô lệch về kỉ luật chiến thuật một khi đối phương vốn có đẳng cấp cao hơn luân chuyển bóng hoán đổi vị trí. Do đó, các hành vi đoạt bóng của Trung Quốc thường đến từ nỗ lực tranh chấp cá nhân hoặc xử lí lỗi của đối phương, hơn là hệ quả của áp lực hệ thống đồng bộ nhằm chuyển đổi tấn công tốt nhất.
Pha bóng trong trận gặp Australia phút 18:02 là một tình huống điển hình, khi Zhang Xizhe (10) đoạt bóng thành công nhưng đưa ra quyết định quá vội vàng cho Elkeson (9), bất chấp tiền đạo người Brazil đã rơi vào bẫy việt vị, trong khi Wu Lei (7) đang ở vị trí trống trải để đẩy bóng tịnh tiến lên phía trước. Dẫu vậy, từ thời điểm Zhang đoạt bóng tới khi quyết định chuyền bóng được ra, 3 giây xử lí đã trôi qua nhưng trước mặt chỉ tồn tại một phương án khả dĩ, rõ ràng là quá ít lựa chọn.
Tình huống triển khai của Trung Quốc trước Australia (1)
Thứ hai, trong rất nhiều tình huống cầm bóng không phải nhận áp lực từ đối thủ, bố trí nhân sự của Trung Quốc là không đủ tốt để thực hiện các tình huống triển khai. Một xu hướng phổ biến trong giai đoạn triển khai bóng được Li Tie đề ra, đó là tận dụng khả năng lên xuống rất tốt của hậu vệ phải dâng cao nhằm tạo thành hệ thống 3-3-4. Nhiệm vụ này thuộc về Zhangmos (5) trong hiệp 1 trận gặp Australia và Wang Gang (20) trong thời gian còn lại.
Với bốn cầu thủ tấn công thường trực, trải đều trên bốn khu vực theo chiều dọc sân, Trung Quốc sở hữu đủ số lượng nhân sự nhằm kéo giãn hàng thủ Australia và Nhật Bản, vốn đều sử dụng hệ thống 4 hậu vệ. Tuy nhiên, như đã đề cập, các quyết định triển khai bóng lên trên của Trung Quốc thường được đưa ra quá vội vàng và đơn điệu trong cả điểm đến, với Elkeson là mục tiêu số 1, qua đó giúp đối thủ dễ dàng phán đoán ý đồ hóa giải. Như trong hình dưới, hậu vệ trái Australia đã đọc được ý đồ triển khai bóng dài ra sau lưng để chủ động xoay người vào tư thế áp sát.
Tình huống triển khai của Trung Quốc trước Australia (2)
Trong trường hợp Trung Quốc quyết định triển khai ngắn nhỏ ở phần sân nhà nhằm thu hút đối phương, qua đó tạo ra khoảng trống giữa hai tuyến trước mặt hàng thủ, các tiền vệ áo đỏ lại rất thụ động trong tư thế hỗ trợ đồng đội. Ba tiền vệ cùng trùng vị trí trong không gian hẹp giữa vòng vây áo vàng, đồng thời có cự li với hai tuyến hậu vệ và tiền đạo rất xa nhau.
Tình huống triển khai của Trung Quốc trước Australia (3)
Sự yếu kém trong chuyển đổi tấn công này khiến Trung Quốc gần như không thể đưa bóng thuận lợi vào phạm vi 1/3 phần sân đối phương, bất chấp cắm hàng loạt cầu thủ phía trên, trong đó phần nhiều là những ngoại binh nhập tịch. Thống kê trong trận gặp Australia cho thấy, top 4 cặp đôi có số lần chuyền bóng thành công cho nhau nhiều nhất là các hậu vệ và tiền vệ trụ Wu Xi (15). Chưa hết, top 1 phương án phối hợp chuyền bóng của Trung Quốc trước Nhật Bản đến từ những pha phất dài trực diện của thủ môn Yan Juling (1) tới tiền đạo cắm Elkeson (9). Không có phương án chơi bóng hiệu quả, trong hiệp 1 trước Blue Samurai, Trung Quốc chỉ kiểm soát bóng với thời lượng 22% và tung ra được duy nhất 1 pha dứt điểm.
Phương án triển khai bóng số 1 của Trung Quốc trước Nhật Bản, trực diện từ thủ môn lên tiền đạo
Sau những phân tích khá cụ thể về lối đá của Trung Quốc trước hai đội tuyển mạnh hơn là Australia và Nhật Bản, câu hỏi đặt ra là, Việt Nam cần làm gì để hướng tới mục tiêu 3 điểm? Đương nhiên, Việt Nam không sở hữu chất lượng nhân sự hay hệ thống chiến thuật cấp tiến như hai đội bóng lớn châu lục. Đoàn quân của HLV Park Hang-seo đã xây dựng thương hiệu thành công những năm qua nhờ vào hình ảnh sở trường về lối đá phòng ngự phản công. Đây là cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt với Socceroos và Blue Samurai. Như đã đề cập, một HLV luôn điều chỉnh chiến thuật đội bóng nhằm thích ứng với lối đá đối phương như Li Tie chắc chắn sẽ có phương án riêng giành cho Việt Nam.
Trong khâu triển khai bóng, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ trung thành với hệ thống 4-3-3 chuyển đổi 3-3-4 đã áp dụng tại nhiều thời điểm cả hai trận qua. Trước một Việt Nam chủ động duy trì khối đội hình lùi sâu, Trung Quốc cần tạo ra áp lực thường trực hơn bên sân đối thủ, đồng thời giữ đủ quân số tuyến dưới chống phản công. Với cách bố trí như vậy, 5-3-2 sẽ là lựa chọn lí tưởng hơn cho HLV Park Hang-seo trong việc kiềm tỏa sức mạnh đội chủ nhà.
Vẫn là cấu trúc phòng ngự 5 người quen thuộc nhằm hạn chế tối đa khả năng kéo giãn chiều ngang của Trung Quốc, nhưng bổ sung thêm một nhân sự phía trên sẽ giúp đỡ rất nhiều trong khâu tạo áp lực lên các hậu vệ áo đỏ. Hai tiền đạo thường trực chắc chắn sẽ gây khó khăn đáng kể trong khâu triển khai bóng, nhất là khi phương án phổ biến của Trung Quốc là phất dài bổng lên phía trên hướng tới tiền đạo giữ bóng làm tường hoặc chạy chỗ ra sau lưng. Ngoài ra, khi Li Tie luôn trung thành với cấu trúc ba người tại trung lộ, hệ thống theo kèm đối xứng về nhân sự của Park Hang-seo là vẫn đủ để Việt Nam an tâm về lá chắn trước mặt hàng thủ.
Với tổ chức quân số hợp lí và điều phối áp sát nhịp nhàng, cộng thêm trình độ xử lí kĩ thuật của cầu thủ Trung Quốc vốn không cao, Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng vào những thời cơ phản công sẽ tới. Đây chắc chắn là cơ hội không thể tốt hơn cho những cầu thủ sở hữu tốc độ tốt lẫn sự năng nổ trong áp sát không bóng như Văn Toàn hay Đức Chinh tỏa sáng, đặc biệt là khi chúng ta đặt vào bối cảnh các trung vệ Trung Quốc không quá mạnh trong xoay trở và bứt tốc.
Tại Vòng loại thứ 2, Trung Quốc đã gặp rất nhiều khó khăn trước đội bóng cũng đến từ khu vực Đông Nam Á là Philippines, khi bị cầm hòa 0-0 ở lượt đi và chỉ giành thắng lợi 2-0 ở lượt về nhờ vào tình huống penalty. Trong cả hai trận đấu đó, Philippines đã duy trì hệ thống chiến thuật đầy kỉ luật và kiềm tỏa gần như tối đa khả năng tấn công của Trung Quốc, vốn dĩ không sở hữu mảng miếng triển khai phối hợp nào thật sự bài bản.
Trong cả hai trận đấu đó, Li Tie đều sử dụng hệ thống 4-3-3/3-3-4. Về phía Philippines, hãy đoán xem họ sử dụng hệ thống nào? Chính là 5-3-2. Với sự chắc chắn hơn về tổ chức phòng ngự và tài năng hơn về chất lượng tấn công, tại sao không phải là 3 điểm trọn vẹn cho Việt Nam?