đồng hồ
Trang chủ     Bóng đá thế giới   /   UEFA Nations League: Mô hình mẫu mực cho bóng đá thế giới

UEFA Nations League: Mô hình mẫu mực cho bóng đá thế giới

Pháp và Tây Ban Nha sẽ chạm trán trong trận chung kết ở lần thứ 2 UEFA Nations League được tổ chức. Một dịp hiếm hoi người hâm mộ được trải nghiệm trận cầu lớn giữa hai nền bóng đá hàng đầu ngoài thời điểm mùa hè quen thuộc của Euro hay World Cup. Dẫu vậy, người hâm mộ không phải là đối tượng hưởng lợi duy nhất từ hệ quả đến từ sự ra đời của Nations League. Sau hai mùa giải tổ chức, giải đấu được UEFA thai nghén đã chứng minh tính ưu việt và cho thấy sự mẫu mực về mô hình tổ chức thi đấu cho bóng đá thế giới.

UEFA Nations League ra đời vào năm 2018 với sự đồng thuận tuyệt đối của toàn bộ 55 liên đoàn thành viên bóng đá châu Âu. Sau những chu kì Vòng loại Euro và World Cup liên tiếp, hoặc quá dễ dàng cho các đội tuyển lớn, hoặc quá đau khổ với các đội tuyển nhỏ, UEFA cho rằng đã tới lúc một giải đấu mới, tổ chức thường quy với thể thức cân bằng hơn cần được đề ra. Ngoài ra, vào trước thời điểm năm 2018, các ĐTQG châu Âu không có nhiều cơ hội cọ xát chính thức ngoài những trận đấu Vòng loại vốn ít ỏi.

Kylian Mbappe: Người đi trong nhà gương

Kylian Mbappe: Người đi trong nhà gương Mbappe đã trở lại, sau bàn thắng trên chấm phạt đền trước bỉ. Đó chính là dấu hiệu hi vọng lớn nhất với Les Bleus và Deschamps, sau khi ngôi sao này trải qua một kỳ EURO đáng quên…

Dư âm Pháp - Bỉ: Đỉnh và Đẳng

Dư âm Pháp - Bỉ: Đỉnh và Đẳng Đỉnh và đẳng, đó là hai chữ ngắn gọn nhất để nhận xét về trận bán kết 2 của UEFA Nations League (UNL). cả Bỉ lẫn Pháp, họ đều đỉnh và đẳng…

QUẢNG CÁO

Phân chia bảng theo khu vực

Và thế là, Nations League xuất hiện và trở thành một mũi tên bắn trúng ba đích. Thứ nhất, thay thế những trận đấu giao hữu bằng thử thách mang tính chính thức và có ý nghĩa hơn. Thứ hai, thể thức phân chia theo trình độ có lên xuống hạng tạo ra sự cân bằng về chất lượng cặp đấu và thúc đẩy động lực phấn đấu cho mọi đội tuyển. Thứ ba, cuối cùng, trao thêm cơ hội doanh thu thương mại cho các liên đoàn dựa trên hoạt động chuyên môn thuần túy và tạo ra niềm vui cho người hâm mộ bóng đá trong thời gian giải đấu CLB tạm dừng.

Thay vì phải xem đi xem lại những cặp đấu quá chênh lệch như Anh gặp San Marino, Đức gặp Andorra hay Tây Ban Nha gặp Malta, người hâm mộ được chứng kiến Pháp chạm trán Ý, Hà Lan đối đầu Bồ Đào Nha trong khuôn khổ chính thức, vốn trước đây chỉ có thể xảy ra ở những ngày hội bóng đá lớn. Trong bóng đá, bất ngờ hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng xác suất cho những cuộc lật đổ khi thái cực trình độ quá lớn là gần như bất khả thi.

Các đội tuyển lớn và đa phần người xem thỏa mãn, vậy còn nhóm trung bình yếu thì sao? Với trung bình 10 trận trong mỗi chu kì Vòng loại Euro hoặc World Cup, khả năng cho nhóm đội tuyển này giành thành tích khả quan, thậm chí là một chiến thắng gần như rất thấp. Đặt họ vào hoàn cảnh Nations League, trong bảng đấu với toàn đối thủ đồng cân đồng lạng, Azerbaijan, Armenia hay Albania có thể mơ tới những thành tích họ chưa bao giờ có thể tưởng tượng được. Thắng lợi, đứng đầu bảng đấu hay thành tích lên hạng đầy vẻ vang mang tính chất không khác gì một chức vô địch nho nhỏ.

Bồ Đào Nha giành chức vô địch Nations League 2019

Đó là lợi ích chuyên môn trước mắt. Hãy nhìn rộng hơn về lợi ích dài hạn. Các đội tuyển trung bình yếu không có cơ hội thăng tiến nếu chỉ nếm trải những thất bại như thường lệ tại Vòng loại Euro/World Cup. Ngay từ trước khi bước vào trận đấu và biết rằng khoảng cách hai bên quá xa, cầu thủ đã không thể có được quyết tâm cao nhất. Chưa hết, triển vọng thăng tiến trên các bảng xếp hạng FIFA và UEFA để giành lợi thế về bốc thăm trong tương lai ở đâu, nếu không được trao cơ hội để giành điểm.

Hãy tưởng tượng một giải đấu tương tự được áp dụng tại môi trường châu Á, với sự tham dự của đội tuyển Việt Nam. Sau những thành công gần đây, chúng ta có định kiến rằng những đối thủ cùng khu vực đã bị Việt Nam vượt tầm, nhưng sự vươn cao ấy lại chưa đủ để đánh bại nhóm đội tuyển hàng đầu châu lục. Hiện thực này được chứng kiến rõ ràng nhất qua loạt trận Vòng loại World Cup đang diễn ra. Chúng ta may mắn khi nhận lá thăm dễ thở tại Vòng loại 2, khi 3/4 đối thủ tại Vòng loại 2 lại là những đội bóng quen thuộc tại Đông Nam Á. Nhưng tới Vòng loại 3, 5/5 đối thủ của Việt Nam lại đều sở hữu thứ hạng và đẳng cấp vượt trội so với chúng ta, vô tình để lại hệ quả tiêu cực về thành tích chuyên môn.

Đồng ý rằng, chỉ khi trải qua những thử thách chính thức chất lượng cao như vậy, cầu thủ Việt Nam mới có thể trưởng thành. Không phải lúc nào, và cũng không hề dễ dàng để các đội bóng lớn châu lục chấp nhận lời đề nghị giao hữu trong hoàn cảnh bình thường. Tuy nhiên, nhảy vọt không phải lúc nào cũng là biện pháp lí tưởng để có được sự phát triển bền vững. Quan trọng hơn, Việt Nam hay nhiều nền bóng đá trung bình yếu khác trên toàn cầu, cần một thể thức thi đấu thường xuyên để đánh giá đúng năng lực hiện tại.

Iceland đã không còn mang tới bất ngờ nào khi Nations League xuất hiện

Hãy nhìn vào ví dụ tiêu biểu của Iceland. Quốc gia này từng gây sốt với chiến tích tham dự Euro 2016 và World Cup 2018 dù chỉ sở hữu dân số là 300,000 người. Tuy nhiên, từ sau khi UEFA Nations League được kích hoạt, đẳng cấp thật sự của Iceland đã bộc lộ. Họ thất bại trong việc giành quyền tham dự Euro 2020, xếp cuối bảng nhóm A Nations League 2020-21 và phải xuống hạng ở chu kì tiếp theo. Ngoài ra, cơ hội tham dự World Cup 2022 của họ cũng đã chấm dứt, khi mới thắng 1 sau 7 trận Vòng loại đã đấu.

Thể thức mới của Nations League, đặt các đội tuyển vào hệ thống cùng đẳng cấp với chu kì tổ chức liên tục buộc mọi nền bóng đá phải đề ra sách lược dài hạn, nhằm duy trì bền vững vị thế của mình trong kim tự tháp thang bậc đẳng cấp. Vị trí của các đội tuyển được trả về đúng chỗ, thay vì bị phóng đại lên quá mức chỉ sau một hoặc hai thành tích tích cực mang tính ngắn hạn.

Quay lại với riêng trường hợp Việt Nam, chúng ta tự hào về ngôi vị số 1 Đông Nam Á và nuối tiếc khi thất bại trước những đối thủ hàng đầu châu lục. Nhưng đặt vào hệ quy chiếu và thể thức của Nations League, chúng ta liệu có đánh bại, hay đơn giản hơn, thi đấu sòng phẳng với những đối thủ có thứ hạng ngang bằng hoặc thấp hơn tại Châu Á? Hãy lấy ví dụ của Uzbekistan, Bahrain, Jordan hay Lebanon. Tất cả số đội tuyển này không thành công trong việc đi tiếp vào Vòng loại thứ 3 World Cup, nhưng đều là những chướng ngại không hề dễ chơi.

Đó là minh họa sinh động nhất về giá trị mà UEFA Nations League mang lại cho nền bóng đá châu Âu, cho những đội tuyển cấp độ trung bình yếu tưởng chừng bị quên lãng như Việt Nam. Một mô hình giải đấu có vẻ xa lạ và không liên quan, nhưng lại cực kì mẫu mực và cần thiết cho châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Chuyên gia phân tích

Có thể bạn thích