Bàn giao Chelsea cho một quỹ, dường như Abramovich đang tìm cách cứu lấy CLB mà ông hết mực yêu quý và đã dồn rất nhiều cho nó. Nhưng nhiều khi, chừng đó cũng chưa đủ. Rất có thể ông sẽ phải bán Chelsea và đó là cách thể hiện tình yêu mãnh liệt nhất, bằng hành động dứt khoát cuối cùng…
Trước các phóng viên đến dự buổi họp báo trước trận Chelsea gặp Luton Town ở FA Cup, HLV Thomas Tuchel tỏ ra rất thoải mái dù đội bóng của ông mới vừa thất bại ở chung kết Carabao Cup. Ông sẵn sàng đón nhận tất cả những chất vấn liên quan đến trận thua ấy, kể cả quyết định đưa Kepa vào thay Edouard Mendy. Nhưng hướng về ông lại là những câu hỏi khác, về Abramovich, về Nga, về Ukraine.
“Dừng lại, dừng lại. Nghe này, các bạn phải dừng lại. Tôi không phải một chính trị gia. Các bạn phải dừng lại, tôi thật lòng đấy. Và tôi cảm thấy cực khó chịu khi cứ phải lặp đi lặp lại yêu cầu này vì đời tôi chưa từng phải trải qua cảnh chiến tranh. Tôi ngồi đây, giữa hoà bình và làm tốt nhất việc mình có thể làm. Nhưng các bạn phải dừng ngay các câu hỏi kiểu ấy lại. Tôi không có câu trả lời nào cho các bạn cả.”. Tuchel đã phải thốt lên như thế. Ông cần thoát ra khỏi vấn đề không liên quan đến ông, không liên quan đến bóng đá, không liên quan đến FA Cup. Thương cảm các nạn nhân chiến tranh là việc cần làm, và nên làm. Mỗi người sẽ có cách thể hiện riêng, Tuchel cũng vậy. Và không ai có quyền đẩy người khác vào tình thế phải trả lời họ đã làm gì, cảm nhận như thế nào. Sự cực đoan này là vô cùng quá đáng.
Chỉ một vị trí HLV trưởng của Tuchel thôi đã đủ quá mệt mỏi với câu chuyện chiến tranh Nga - Ukraine rồi. Thế thì ở cương vị ông chủ của Chelsea, Abramovich sẽ còn mệt mỏi nhường nào. Và hơn hết thảy, vai trò của Abramovich trong lòng nước Nga hiện đại là không nhỏ. Việc ông có mặt ở Belarussia trong cuộc hoà đàm Nga - Ukraine nói lên tất cả. Và trước khi ông sang Belarussia, ông đã kịp buông một tay khỏi Chelsea. Ông không muốn đội bóng mình yêu quý nhất bị nhìn bằng ánh mắt khác khi dính đến những bàn tay Nga.
Trong hệ thống những tài phiệt đầu lĩnh (oligarch) của nước Nga hậu Soviet, Abramovich thực tế chỉ là người nổi lên sau nhưng lại có quan hệ mật thiết với Kremlin. Trước ông, những người như Berezovsky (cổ đông chiến lược của ông ở Sibneft), Gusinsky, Khodorkovsky, Smolensky, Tatyana Dyachenko (con gái Yeltsin), Valentin Yumashev… đã là những đầu lĩnh quan trọng của Yeltsin. Abramovich khi đó chỉ là một nhà buôn dầu mỏ ít nói, trẻ trung và có phần khiêm tốn. Nhưng trong mắt của những chính trị gia Nga, họ nhìn thấy ở Abramovich một con người giàu năng lượng, giàu ý tưởng táo bạo, quyết đoán và khôn ngoan. Để rồi kể từ khi Putin lên tiếp quản ghế tổng thống, vị thế của Abramovich ngày càng lớn hơn. Đặc biệt là sau cuộc đối thoại thẳng thắn giữa Putin với Berezovsky về tập đoàn truyền thông ORT, vốn lúc đó phủ sóng 98% nước Nga. Putin muốn kiểm soát ORT. Berezovsky từ chối, cả bằng lời lẫn bằng một lá thư ngắn. Sau lá thư ấy, Berezovsky tự hiểu. Ông ta phải lặng lẽ rút lui, bán toàn bộ cổ phần ở ORT của mình cho Abramovich, người đã được tổng thống Putin như cánh tay nối dài.
Với những quan hệ chặt chẽ như thế với Putin, Abramovich đoán được rất rõ kết cục của mình ở Chelsea sẽ như thế nào nếu cuộc chiến còn leo thang. Và việc ông bắt đầu chia tay nó cũng là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến còn leo thang thêm nữa. Sẽ có những trừng phạt nặng nề lên những tài phiệt Nga, các công ty Nga, các nhãn hiệu Nga. Điều đó đang diễn ra và chắc chắn còn tăng cường độ hơn nữa khi hiện nay, ngay cả công dân Nga cũng bắt đầu bị hạn chế bởi quốc tế. Abramovich sẽ không thể đưa Chelsea đi xa với một lý lịch như thế. Ông sẽ phải tách mình rời khỏi CLB ấy, để nó có một không gian sinh tồn tự do hơn, không nằm dưới bất kỳ ách hạn chế nào. Nhưng nếu việc tách mình ấy được thực thi quá trễ, nó nhiều khả năng sẽ không thể xảy ra. Đơn giản, khi đòn trừng phạt đã lên đến mức độ tối đa, Abramovich thậm chí không thể bán bất kỳ thứ tài sản nào của ông trên đất Anh và EU. Chelsea sẽ rơi vào một giai đoạn bế tắc nghiêm trọng.
“Tôi không phải là một chính trị gia”, Abramovich hoàn toàn có thể nói điều đó, ít ra là trong những công việc liên quan đến Chelsea. Nhưng sẽ không ai tin ông cả. Mối quan hệ giữa ông và điện Kremlin là quá mật thiết, dù toà án tối cao Anh và xứ Wales hồi 2012 từng tuyên bố những tác động của ông tới tổng thống Putin là vô cùng hạn chế. Nhưng đó là 10 năm trước, khi không có chiến tranh. Còn hôm nay, cách suy nghĩ đã khác khi bị tác động bởi những điều rất khác.
Chính vì lẽ đó, Abramovich quyết định phải ra đi, sau 19 năm gắn bó với CLB thành London. Ở đó, ông đã tạo dựng một nền tảng quá vững chắc, bằng một hệ thống có chiều sâu và bằng cả những thành tích trên sân cỏ. Tác động của chính trị lên các hoạt động của đời sống bóng đá đã quá lớn, lớn hơn mức độ tưởng tượng, khi những chiến xa đầu tiên vượt qua biên giới phía Đông Ukraine. Người Anh chắc chắn sẽ trừng phạt cả Abramovich theo cái cách họ trừng phạt chung cả nước Nga. Nhưng chắc chắn, họ cũng hiểu, họ sẽ mất đi một chủ tịch cừ khôi, người đã góp phần rất lớn vẽ lại dung mạo Premier League gần 20 năm qua.
Còn ủng hộ viên Chelsea, họ sẽ luôn nhớ ông, ở tư cách một ông chủ đội bóng không nguồn gốc, không quốc tịch, không lý tưởng chính trị, không gì cả. Với họ, ông chỉ là Abramovich, người vẫn ngồi ở góc đó trên khán đài Stamford Bridge, người mang một cuốn hộ chiếu duy nhất: bìa màu xanh, có hai chữ CHELSEA.