Hoãn hay không hoãn. Huỷ hay không huỷ. Có mỗi một cái chuyện rất nhỏ trong khi cả xã hội đang lo chuyện quá lớn là dịch bệnh thôi mà cuối cùng v-league đã biến tướng thành một cuộc chiến thượng tầng như phim. Nhưng nó không phải là kiểu phim “stars war” mà là phim “stôi war”, cuộc chiến của những cái tôi to đùng…
Cuộc họp giữa VPF với đại diện các CLB kết thúc bằng 2 chi tiết. Thứ nhất, huỷ giải V-League 2021 do dịch bệnh. Và thứ hai, một đoạn ghi âm đã được ném ra cho một bộ phận báo chí, phục vụ mục đích rất cá nhân chứ không phải vì mục đích chung. Đòn cũ nhưng hữu dụng. Bóng đá Việt lại ồn ào. Có những cá nhân lại bị hạ bệ và vài cá nhân khác lại được tôn vinh. Chỉ khán giả bóng đá là không nắm sự thật nên họ yêu ai sẽ bênh người ấy hết mực và ghét ai sẽ “chửi” người ấy ra trò.
Thực sự, V-League 2021 có nên tiếp tục hay không thì đến đứa trẻ lên mười cũng có thể trả lời được. “Đá bằng niềm tin à”, câu nói rất “xã hội” ấy hợp với hoàn cảnh V-League lúc này. Giữa thời nước sôi lửa bỏng, người cách ly người, nhà cách ly nhà và nhiều địa phương áp dụng CT16, các ông đòi đá tiếp được thì cũng thật đáng nể trí tuệ siêu việt của các ông thật.
Nếu như để giải chờ tới một thời hạn nào đó rồi đá tiếp mà các CLB không có bất kỳ nhiệm vụ tài chính nào với cầu thủ chẳng hạn, có lẽ nhiều vị chủ tịch CLB cũng đồng thuận hoãn hẳn đến 2023 chứ chả chơi. Mọi kêu ca gần đây thực ra chẳng có ý kiến nào đúng nghĩa là đóng góp phát triển V-League cả. Đại đa số toàn nói chuyện tiền với lý do nghỉ thi đấu dài hạn CLB chịu gánh nặng tài chính quá.
V.League đã chính thức dừng lại nhưng giờ vẫn đang tìm người chịu trách nhiệm
Một sự thật mà tất cả nên hiểu là VFF hay VPF chẳng có bất kỳ một nghĩa vụ nào về cam kết tài chính đối với cầu thủ của các CLB cả. Nghĩa vụ ấy là của các CLB, và căn cứ trên hợp đồng. Rạch ròi ra, dịch bệnh là bất khả kháng nên giải đấu không thể tiếp tục như tiến độ đề ra và từ đó phát sinh rủi ro cho CLB. Rủi ro ấy tự CLB phải chịu. Việc đòi hỏi VFF phải chịu trách nhiệm chung là trò trẻ con đúng kiểu thằng cu làm nư dỗi mẹ đòi kẹo vậy.
Và thật ra, các ông chủ tịch CLB có vì cầu thủ hay không, hay họ đang mượn cái khổ của cầu thủ để gây sức ép nhằm đạt mục đích của mình? Nếu họ quan tâm tới cầu thủ thì đã không có cái cảnh tan nát như CLB Quảng Ninh lúc này. Chính nghĩa thật ra không nằm ở lời, mà nó nằm ở hành động.
Sau cuộc họp, ông Đoàn Nguyên Đức đăng đàn (trên tờ Thanh Niên) cho rằng “Nhìn lại từ năm 2018 đến nay, bóng đá Việt Nam bước vào giai đoạn hoàng kim, đoạt rất nhiều thành tích chói sáng, nhận được sự yêu thương trở lại của nhân dân cả nước và người hâm mộ các doanh nghiệp cũng đầu tư ủng hộ mạnh trở lại... nhưng VPF đã làm tròn nhiệm vụ chưa? Cơ hội vàng như thế mà không kiếm tiền được gấp 2-3 lần thì đừng nói mình làm tốt.”. Và từ chính ý kiến này của ông Đức, có lẽ chúng ta cũng hiểu ra phần nào về cách nhìn vào bóng đá Việt Nam của các ông bầu.
Bóng đá Việt đúng nghĩa đang rất hấp dẫn, đúng như ông Đức nói. Kể từ khi lứa U19 của ông Đức tạo nên cơn sốt, cái hấp dẫn ấy được duy trì liên tục mấy năm trời. Nhưng đó là hấp dẫn của bóng đá hệ đội tuyển chứ không phải cái hấp dẫn của bóng đá ở cấp CLB. Đừng chỉ nhìn vào một vài trận CLB HN gặp HAGL cháy vé mà cho là V-League đang hấp dẫn lắm. Nói thẳng, V-League đang là một sản phẩm khó bán được và phần nào nó còn giữ được chút khả năng thương mại là nhờ hiệu ứng ĐTQG mà thôi.
V.League thực tế vẫn là sản phẩm kén khách
Sự hấp dẫn của một giải đấu trước tiên phải đến từ sức hấp dẫn của CLB cái đã. Một CLB không thể làm thương mại được, doanh thu thương mại gần như không có thì liệu CLB có hấp dẫn khán giả hay không? Và một khi, giải đấu quy tụ đa số các CLB không hấp dẫn khán giả, nó lấy cái gì làm điểm mạnh để bán mình?
Mà cái việc một CLB không thể hấp dẫn khán giả thì trách nhiệm thuộc về ai? Nói thẳng, nó là nghĩa vụ của ông bầu, ông chủ tịch CLB. Bán cái thương hiệu CLB của mình chưa xong, các ông chủ vẽ ra viễn cảnh bán được giải đấu gấp 2 gấp 3 lần thì ai mà tin nổi. Ông Đoàn Nguyên Đức tài ba là thế, giỏi giang là thế, yêu bóng đá là thế mà bản thân doanh nghiệp của ông còn chật vật và phải nhờ đến hỗ trợ từ “đồng đội” thì thử hỏi ông có sách lược nào đáng tin cậy cho V-League đây? Nên nhớ, ông Đức cũng trải qua cương vị Phó CT phụ trách tài chính của VFF rồi và hiệu quả thế nào thì cũng đã rõ.
Nhưng khi ông Đức đã mạnh miệng tuyên bố vậy, có lẽ ông Tú cũng nên cân nhắc nghỉ, nhường cho ông Đức quán xuyến. Tất nhiên, nếu trường hợp ấy xảy ra, cũng nên làm theo nguyên tắc cam kết trách nhiệm và mục tiêu cụ thể vì VPF là công ty cổ phần. Hiện thời, VPF do ông Tú lãnh đạo mang lại được dự kiến 104 tỷ doanh thu trong năm 2021. Nếu ông Đức cam kết kiếm được gấp 3 lần thì VPF nên để ông Đức điều hành cho xuôi chèo mát mái. Không kiếm ra ngần ấy, ông Đức phải có trách nhiệm cụ thể chứ không phải lúc ấy lại kệ cho lời hứa trôi vào lãng quên.
Nhân nhắc đến chuyện công ty cổ phần, chúng ta cũng cần nhìn rõ hơn vào nội tình VPF lúc này. Đã là công ty cổ phần thì nó phải có quy chế, có quy định mà mỗi cổ đông phải tuân thủ. Khi đã thống nhất nguyên tắc và tin tưởng giao phó cho một cá nhân lãnh đạo, nhất nhất mọi thành viên phải tuân thủ. Đó là mệnh lệnh chứ không phải chuyện dân chủ quá trớn. Chính các ông chủ CLB cũng toàn là doanh nhân cả thì lẽ ra các ông phải hiểu rõ hơn ai hết.
Bầu Đức cho rằng VPF vẫn chưa khai thác triệt để giá trị của V.League (Ảnh: Quang Minh - VTC News)
Mỉa mai hơn nữa là trong cuộc họp giữa VPF và đại diện các CLB, ông Văn Trần Hoàn lại phát biểu cứ như mình là đại diện của cổ đông góp vốn khi đòi tổ chức lại đại hội cổ đông. CLB Hải Phòng có gửi công văn thay đổi người đại diện góp vốn cho VPF hay chưa? Nếu có công văn ấy thì có tên ông Văn Trần Hoàn không? Tương tự là trường hợp của Phố Hiến với ông Vũ Tiến Thành? Nếu chưa đủ tư cách đại diện cổ đông góp vốn mà đòi tổ chức Đại hội cổ đông bất thường thì rõ ràng, chủ toạ phiên họp của VPF quá hiền. Phải ông chủ toạ nào “độc tài” hơn, họ có quyền đuổi thẳng những người không phải đại diện cổ đông góp vốn mà nói chuyện như cổ đông. Theo nguồn tin riêng, ông Văn Trần Hoàn của Hải Phòng và ông Trương Sỹ Bá của CLB SLNA chưa có đăng ký tư cách đại diện cổ đông góp vốn với VFF.
Trong HĐQT của VPF hiện nay, thực sự số người có tư cách cổ đông đầy đủ như ông Đoàn Nguyên Đức là rất hiếm. Đặc biệt là các CLB địa phương như Hải Phòng, Nghệ An, Nam Định, những chủ tịch CLB ấy thật ra chỉ là chủ tịch làm thuê cho địa phương và là người đại diện cho cổ đông góp vốn ở VPF mà thôi. Họ cũng không khác gì ông Tú, đại diện cổ đông của VFF. Vậy thì ý kiến của họ có phải là ý chí của người chủ đích thực của đội bóng hay không, hay chỉ là ý kiến cá nhân nói cho đã nư không khác gì mấy bình luận viên đi chém gió truyền hình?
Nhân chuyện này, cũng nên nói luôn là quy định của AFC là các đội bóng cần là các công ty. VFF vẫn đang còn “nhân nhượng” việc này bởi để chuyển đổi cơ cấu không phải ngày một ngày hai. Nhưng nếu như VFF mạnh tay, và yêu cầu các CLB phải chuyển đổi trong thời hạn 1-2 năm, và bắt đi theo xu thế của mô hình Đức là 51% cổ phần phải thuộc về các hội viên của CLB chẳng hạn. Có lẽ, lúc đó không ít CLB giải tán vì lấy đâu ra hội viên khi mà lượng CĐV của họ èo uột vô cùng.
Mới bỏ phiếu bầu lãnh đạo VPF 9 tháng, các CLB đòi thay ngay
Quay đi quay lại, tất cả chỉ là cuộc chiến của những cái Tôi khi ông bầu này không ưa ông bầu kia. Ông Trần Anh Tú mà nghỉ, đặt bất kỳ ông nào lên ghế ấy ở VPF thì việc vẫn rách bươm như vậy. Chung quy chỉ khổ mỗi cầu thủ. Có ai quan tâm đến họ không? Mọi tranh đấu của cuộc “STôi War” kia có hướng đến quyền lợi cầu thủ không?
Rồi lứa cầu thủ vàng của ĐTQG cũng sẽ qua đi thời đỉnh cao của họ. Lúc ấy, lứa kế cận mà không tạo được sức hút cho hệ đội tuyển, chẳng biết các ông bầu sẽ nghĩ gì? 20 năm họ làm cái gọi là bóng đá chuyên nghiệp nhưng ngay từ các CLB đã chẳng tồn tại sự chuyên nghiệp thì các ông lại đòi đi đảo ngói căn nhà. Móng chưa bền, đảo ngói làm gì cho tốn kém nhỉ? Hay các ông bầu cũng nghĩ bóng đá Việt Nam chộp giật y như cách làm kinh tế xu thời kiểu cứ đánh bóng vẻ ngoài lên rồi bán cho nhanh, chạy cho gấp, kiếm miếng đất khác đầu tư phân lô ta lại bán từ đầu?