Thất bại của Đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan ở AFF Cup đã là câu chuyện cũ nhưng có những điều không cũ nên được nhắc lại từ câu chuyện đó. Một trong những điều không cũ ấy có thể được nhìn từ tương quan Chanathip - Quang Hải…
Đội tuyển Việt Nam thua Thái Lan 1 trận cầu nhưng có thể nói Quang Hải đã không thua Chanathip trong cuộc đối đầu nảy lửa này. May mắn không nằm ở phía cầu thủ sáng tạo của CLB Hà Nội. Nếu không có xà ngang và cột dọc, rất có thể Hải đã tạo được bước ngoặt và được vinh danh là cầu thủ hay nhất trận ít nhất là ở một trong hai lượt của bán kết.
Nhưng có một điểm chúng ta cần phải nhìn nhận thật kỹ từ cuộc đụng độ giữa hai nguồn cảm hứng của hai đội tuyển. Quang Hải có thời gian tập trung với ĐT lâu hơn là Chanathip. Ở điểm này, Hải có thể có lợi thế hơn vì được tập luyện với đồng đội nhiều hơn Chanathip. Song, Hải cũng có những yếu thế hơn Chanathip bởi thời gian tập trung đội tuyển kéo dài và liên tục mấy tháng qua đã bào mòn Hải phần nào đó. Nó không phải là sự bào mòn thể chất mà là bào mòn về cảm hứng nhiều hơn. Sống trong một vòng lặp khá nhàm chán, chắc chắn một cá nhân sáng tạo như Hải sẽ ít nhiều bị mất đi động lực. Trong khi đó, Chanathip lại vẫn được duy trì nhịp độ thi đấu cạnh tranh ở J League và việc trở về khoác áo ĐTQG càng làm Chanathip hưng phấn hơn, dồi dào năng lượng tinh thần hơn.
''Messi Thái'' đang thi đấu thành công tại Nhật Bản
Sau AFF Cup, Chanathip đang trên đà thăng tiến khi có tin anh chuẩn bị chuyển sang Kawasaki Frontale, nhà ĐKVĐ J League 1. Nhìn vào bước tiến ấy của Chanathip, ắt hẳn nhiều khán giả Việt Nam chạnh lòng. Nói gì thì nói, sòng phẳng, khách quan, Quang Hải đủ sức để chơi bóng ở một môi trường tương đương Chanathip. Nhưng tại sao Quang Hải nói riêng và các cầu thủ Việt Nam nói chung vẫn chưa có được cơ hội xuất ngoại? Đó vẫn là câu hỏi day dứt mà chúng ta rất khó có thể trả lời.
Nếu có một CLB của J League 1 đề xuất mua Quang Hải với mức giá hợp lý, chắc chắn CLB Hà Nội không bao giờ cản trở việc ra đi của cầu thủ con cưng này. Hà Nội, hay bất kỳ CLB nào ở V - League, đều chung một quan điểm là nếu tạo được cơ hội để xuất khẩu cầu thủ Việt, họ sẵn sàng chịu thiệt một chút để mở rộng cánh cửa. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ các CLB nước ngoài vẫn chưa thực sự mặn mà với cầu thủ Việt Nam. Có thể nhiều người sẽ nghĩ về câu chuyện thể lực, ngoại ngữ nhưng thực tế đây không phải rào cản. Nhiều cầu thủ đến với 1 CLB mới, ở một quốc gia mới, với vốn ngôn ngữ là con số 0. Họ sẽ được học để hoà nhập sớm về mặt ngôn ngữ và ở môi trường yêu cầu sử dụng một thứ tiếng chung cho cả đội bóng, cọ xát hàng ngày sẽ giúp họ học hỏi nhanh thôi. Còn thể lực, cầu thủ Việt Nam vốn không được xem là có sức mạnh, sức bền nhưng thế hệ hiện nay đã bắt đầu có thể tiệm cận với châu lục và do đó, hoàn toàn có thể bồi đắp được. Khả năng lớn là nghi ngại của các CLB nước ngoài về ý thức chiến thuật của cầu thủ Việt và thêm vào đó là việc tiếp thị cầu thủ Việt vẫn còn quá yếu.
Khả năng tiếp thị của cầu thủ Việt còn thấp
Không thể không kể đến những lần xuất ngoại bất thành của cầu thủ Việt trước đó cũng tạo ra ấn tượng chưa tốt cho các nhà tuyển trạch. Ở khía cạnh này, phải nói thẳng là cầu thủ Việt quá thiệt thòi. Việc lựa chọn điểm đến cho họ không nặng mục đích chơi bóng mà thay vào đó là mục đích thương mại, hình ảnh của các đơn vị tài trợ đã khiến cầu thủ Việt trở nên không sáng giá. Trong khi đó, khi thể hiện trên sân, ngay cả ở các trận thua tại vòng loại World Cup 2022 vừa rồi, vẫn có một số cầu thủ Việt được vài người trong giới chuyên môn nước ngoài đánh giá rằng họ hoàn toàn đủ sức đáp ứng một môi trường thi đấu tốt hơn V League nhiều.
Trở lại với chuyện Quang Hải, anh hiện nay đang ở dạng có thể đàm phán tự do với bất kỳ CLB nào. Hợp đồng của Hải với CLB Hà Nội tới hạn vào tháng 04/2022. Năm nay Hải cũng tròn 25 tuổi. Nếu không tìm đường ra nước ngoài ngay lúc này, Hải rất có khả năng sẽ bỏ lỡ cơ hội xuất ngoại trong sự nghiệp của mình bởi khi đã đến tuổi 27, Hải không còn nhiều giá trị cạnh tranh trên thị trường quốc tế nữa do anh sẽ chững lại cả về thể chất lẫn trình độ chơi bóng.
Hiện tại, CLB Hà Nội vẫn muốn Hải gia hạn hợp đồng. Thông tin cho rằng nếu ký tiếp với Hà Nội thì cửa đi nước ngoài của Hải sẽ sáng hơn là vô cùng khiên cưỡng. CLB ký với cầu thủ là để phục vụ quyền lợi CLB chứ không phải để CLB tìm cách bán cầu thủ ấy sang một môi trường tốt hơn. Việc tìm môi trường tốt hơn ấy là trách nhiệm của người đại diện cầu thủ chứ không phải là trách nhiệm của một CLB chủ quản của anh ta.
CLB Hà Nội vẫn muốn giữ Hải
Hồ sơ cá nhân của Hải, bao gồm cả dữ liệu và hình ảnh video, đã được chuyển đến tay vài nhà môi giới khá uy tín nhưng kín tiếng ở châu Âu. Thực tế, nếu có duyên và một CLB nào đó tại châu Âu muốn có Hải, thời điểm ra đi của anh sẽ vô cùng thuận tiện theo lịch thi đấu chung của lục địa già. Hết hợp đồng với Hà Nội vào tháng 04, Hải có hẳn 2 tháng để chuẩn bị mọi nền tảng cơ bản để có thể ký kết và ra mắt một CLB mới ở châu Âu vào tháng 06, ngay trước thềm mùa giải 2022/23. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là đích đến. CLB nào để mắt tới Hải mới là điều tiên quyết. Chỉ sợ, nếu không có cơ hội nào, Hải sẽ tiếp tục ký kết với Hà Nội và lúc đó đường sang châu Âu của Hải cũng sẽ hẹp lại nhiều.
Còn các CLB J League thì sao, như con đường Chanathip đã đi? Thực tế, Thai League học từ mô hình của J League rất nhiều nên do đó có sự tương đồng nhất định. Chính sự tương đồng này khiến các CLB Nhật ưa chuộng thị trường Thái Lan hơn. Và đó là điểm mà các CLB V League nên suy nghĩ, đặc biệt là khi số lượng đội bóng ở Việt Nam rất ít nên có hạn chế về đầu ra cho các học viện.
Có một thực tế mà chúng ta phải nhìn nhận là các ông bầu lớn ở Việt Nam hơi… mơ mộng quá. Khi nói chuyện hợp tác với quốc tế, họ luôn đặt những cái tên thương hiệu lớn như Barca, Man Utd, Liverpool, Arsenal, Man City như cái đích phấn đấu. Họ quên mất rằng CLB có thương hiệu lớn chưa chắc đã mang lại lợi ích chuyên môn cho việc hợp tác. Và vì thế, họ bỏ qua rất nhiều các CLB hạng trung bình ở châu Âu, bất chấp rằng các CLB ấy có lò đào tạo rất tốt và có nhiều điểm tương đồng có thể sử dụng nguồn cầu thủ đào tạo ở Việt Nam. Và tuyệt nhiên, không một ông chủ nào ở Việt Nam nghĩ đến việc trở thành một CLB “chư hầu” (feeder club) của những CLB châu Âu. Là một CLB dạng này, khả năng trao đổi cầu thủ là rất lớn và nó cũng là cánh cửa mở ra con đường xuất ngoại cho các lứa cầu thủ Việt trong tương lai.
Hy vọng Quang Hải sẽ làm nên kỳ tích
Hi vọng, vận may sẽ mỉm cười với Quang Hải để anh là cầu thủ Việt đầu tiên ra châu Âu để được thi đấu một cách đúng nghĩa. Nó sẽ đòi hỏi nỗ lực cực lớn của Hải để cạnh tranh vị trí. Nhưng nếu Chanathip của Thái Lan đến được với CLB ĐKVĐ J League thì tại sao Quang Hải lại không thể chơi ở một CLB ở tầm trung bình của Ligue 1 hoặc giải VĐQG Áo, Bỉ, Thuỵ sỹ? Mỗi người mỗi thế mạnh khác nhau nhưng thực tế Chanathip cũng chẳng hơn gì Quang Hải về tổng thể.
V.League thực tế là vẫn chưa chuyên nghiệp ở rất nhiều khía cạnh và do đó, muốn tạo ra một thế hệ cầu thủ chuyên nghiệp thực sự, chúng ta cần phải tìm mọi cách để cầu thủ Việt phải được chơi bóng ở những nền bóng đá tiến bộ hơn. Hãy nhìn vào cái cách ĐTQG Thái Lan không cần tập trung dài ngày như Việt Nam và sự hoà nhập lập tức của Chanathip khi vừa từ Nhật quay về Singapore tham dự AFF Cup là ta hiểu. Nếu Quang Hải chơi bóng ở một nền bóng đá tương đương như thế, chắc chắn anh cũng sẽ hòa nhập với ĐTQG cực nhanh ngay sau khi rời CLB để trở về. Hãy nhìn vào các Đặng Văn Lâm đã làm mỗi lần sau khi từ Nhật trở lại ĐTQG là chúng ta hiểu. Ở một trình độ cao hơn, cầu thủ chắc chắn sẽ học được nhiều hơn, và chính họ sẽ là những viên gạch đầu tiên để sau này tạo ra một V League chuyên nghiệp đúng nghĩa.