Bàn thắng gỡ hoà từ tình huống cố định của Manchester United trong trận đấu gặp Villarreal, chắc chắn là pha bóng bản lề thay đổi toàn bộ cục diện trận đấu. Bàn thắng đại diện cho chất lượng và độ dày cầu thủ của đội chủ sân Old Trafford hiện tại.
Bruno Fernandes tinh quái chỉ tay chỉ đạo đồng đội trong vòng cấm chạy chỗ gây rối đánh lừa hút đối phương, rồi bấm bóng chuẩn xác cho Alex Telles được hưởng lợi từ khoảng trống tạo ra lăng mu một chạm dứt điểm. Bàn thắng đẳng cấp của một cầu thủ thường chỉ vốn đóng vai trò dự bị trong màu áo United.
Thế nhưng, kể cả khi sở hữu những cá nhân hàng đầu, nếu không có HLV chất lượng định hướng, sẽ không có sự hiệu quả tập thể. Tập thể nghe to tát, nhưng hành động Bruno chuyền bóng cho Telles đã được tính là hành vi đồng đội phối hợp giữa hai cá nhân. Công bàn thắng cố định có thể nhường Eric Ramsay, HLV chuyên trách tình huống cố định được chính Ole Gunnar Solskjaer tuyển mộ bổ sung hè qua. Vậy còn lối chơi rời rạc trước bàn gỡ là “công” ai?
Pogba trở thành một trong những điểm yếu của MU trước Villarreal
Phải thừa nhận, 60 phút đầu tiên tại Old Trafford trước Villarreal, Manchester United đã có một màn trình diễn tệ hại. Đội chủ nhà để đội khách lấn lướt về số cơ hội ăn bàn và khả năng sử dụng bóng có ý nghĩa với số lượng đường chuyền trong phạm vi 1/3 cuối sân vượt trội. United không tạo ra được một cấu trúc triển khai bóng hợp lí, khi cự li giữa tuyến dưới và tuyến trên là quá xa nhau.
Dù tung vào sân những nhân sự cho sơ đồ 4-2-3-1 trên lí thuyết, Paul Pogba đặt vị trí bản thân rất cao cùng Bruno Fernandes như là một “số 8” thứ hai, nhằm theo kèm hai tiền vệ trung tâm Villarreal sử dụng 4-4-2. Tuy nhiên, Pogba với thói quen “lười di chuyển không bóng”, đã không thường xuyên lùi xuống hỗ trợ cho Scott McTominay trong khâu triển khai bước đầu, dẫn tới hệ quả là United gặp rất nhiều khó khăn để đưa bóng vào 1/3 phần sân đối phương.
Lúc này, cấu trúc đội chủ nhà trở thành 4-1-5, với hàng thủ bốn người gần như giăng ngang khi bị hai tiền đạo và hai tiền vệ biên phía Villarreal đẩy lùi. Sự tham gia của McTominay nhằm tạo lợi thế quân số 5v4 là không đủ để vượt qua lớp áp lực phía đội khách, khi cường độ áp sát là liên tục và rất cao. Kể cả khi cấu trúc giăng ngang của United có sự biến đổi nhỏ khi Diogo Dalot bó trong nhiều hơn trở thành một inverted fullback nhằm hỗ trợ McTominay và hút tiền vệ biên Villarreal là khỏi khu vực, United vẫn hoàn toàn thiếu liên kết để đưa bóng cho tuyến trên. Ngược lại, sự điều chỉnh này còn đem tới hệ quả tiêu cực, khi khoảng trống Dalot để lại liên tục bị đội khách nhắm tới khoét vào phản công.
Cánh của Dalot liên tục bị khoét
Ai cũng chỉ ra vấn đề nằm ở vị trí HLV, rằng Ole yếu nọ kém kia. Nhưng chẳng phải trong quá khứ, Manchester United thành công nhờ vào Sir Alex Ferguson, người được cho là “không huấn luyện bao giờ” hay sao? Một yếu tố rất đặc thù và tiên phong của bóng đá Anh, đó là chuyên biệt hoá vai trò nhân sự trong BHL. Mô hình này khác biệt với tổ chức BHL truyền thống, khi HLV trưởng là “thái dương toàn năng”, không chỉ phụ trách mà còn can thiệp sâu vào mọi mảng công việc trong đội.
Ở Anh khoảng hơn 20 năm nay, Technical Coach chỉ làm chuyên môn, Conditioning Coach chỉ làm thể chất, Analyst chỉ làm phân tích hay Sport Scientist chỉ làm dữ liệu. Chuyên ngành công việc được biệt lập hoá với sự tôn trọng chuyên môn cao cấp của nhau. Đừng kì vọng nhận được phản hồi của một Conditioning Coach người Anh về việc ông nghĩ sơ đồ chiến thuật sử dụng có phù hợp không. Làm như thế trong mắt họ là hành vi thiếu chuyên nghiệp và xem thường đồng nghiệp. HLV trưởng - Manager khi ấy phải trở thành người quản lí, giám sát và điều phối công việc.
Mô hình vây cánh này vào tay HLV lục địa châu Âu lại lí tưởng, với nền tảng Head Coach sẵn có can thiệp toàn diện về chuyên môn tại điểm khởi đầu sự nghiệp. Đó là lí do những HLV hàng đầu luôn muốn làm việc tại Premier League và biến giải đấu này trở thành số 1. Ở những giải đấu còn lại, không phải CLB nào cũng đủ năng lực tài chính đáp ứng bộ sậu BHL khoảng 15-20 người. Trong khi đó, số lượng này là phổ thông tại bóng đá Anh.
Thế nhưng, sự đủ đầy và chuyên biệt hoá rạch ròi tại Anh lại gián tiếp khiến những HLV trưởng thành từ môi trường bản địa thiếu đi năng lực toàn diện cho công việc. HLV lớn nào cũng cần bộ sậu thân tín, nhưng mức phụ thuộc cộng sinh ở Anh còn được nâng lên cấp độ cao hơn. Thuở trước, Ferguson “không huấn luyện” vì có trong tay những Assistant Coach hiểu ý đồ mình muốn và triết lí đội bóng muốn hướng tới để phân quyền chuẩn bị bài tập nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Steve McClaren, Carlos Queiroz hay Rene Meulensteen.
Mike Phelan và Solskjaer
Dài dòng như thế để nêu ra một hiện trạng đối với những mô hình đặc thù kiểu Anh giống United hay chính ĐTQG Anh đang áp dụng, với HLV “kiểu Anh” như Ole Gunnar Solskjaer hay Gareth Southgate nắm quyền, đó là kì vọng lên HLV trưởng dù lớn, nhưng “Manager” lại phụ thuộc rất nhiều vào vây cánh để đứng vững được hay không.
Ferguson vĩ đại vì hoàn thành hoàn hảo vai trò Manager, duy trì tốt sự nhịp nhàng của các mắt xích hệ thống, nhưng quan trọng nhất, sở hữu trong tay nhân sự BHL tốt. Manchester United hậu Sir Alex vẫn là CLB lớn còn lại của Premier League có mô hình thượng tầng và BHL thuần Anh nhất. Không phải vô tình mà một trong những thời điểm tệ nhất của United trong triều đại Ferguson đến vào mùa giải 2003-04, khi đội chủ sân Old Trafford chỉ về thứ 3 tại EPL và bị loại tại vòng knockout đầu tiên UCL. Đó chính là mùa giải mà Carlos Queiroz rời bỏ United để tới cầm quân Real Madrid.
Vì sao bóng đá Anh với HLV Anh, dù luôn sở hữu những cầu thủ và cá nhân làm chuyên môn hàng đầu thế giới về các lĩnh vực khác nhau trong BHL, trong nhiều năm liền vẫn thất bại liên tiếp ở giải đấu lớn trong những thời khắc định đoạt? Bởi đó là khi bản lĩnh và điều chỉnh đúng đắn từ cá nhân Manager cần được thể hiện, và không phải HLV nào cũng đáp ứng được yêu cầu ấy, nhất là người không có nhiều trải nghiệm đỉnh cao như Ole.
Hiện tại, nhóm trợ lí chuyên môn của Ole gồm Kieran McKenna, Michael Carrick và Mike Phelan. Về nhiệm vụ và trật tự, McKenna dù trẻ nhất và mới nhất trong tổ chức United, lại luôn thường trực ngồi cạnh Ole và chỉ đạo thay mặt sát đường biên. Carrick cũng luôn bên cạnh Ole, nhưng vai trò có vẻ hạn chế ở mức ổn định phòng thay đồ nhờ vị thế lâu năm tại Old Trafford, cộng với truyền đạt phân tích trong trận qua tai nghe từ Analyst. Phelan lão luyện nhất, từng là một phận bộ sậu của Sir Alex, nhưng ngồi xa hơn, ít trao đổi thường xuyên với Ole, trong cương vị như một mentor được cài cắm vào BHL để tạo ảnh hưởng (hoặc theo dõi báo cáo) hơn là can thiệp thực tế.
Bộ sậu của Ole
Trách nhiệm nội tình phân bổ thế nào, nhiệm vụ công việc ra sao, chúng ta khó lòng rõ tỏ. Manager đương nhiên là người chịu trách nhiệm cuối cùng về thành tích chuyên môn, nhưng nếu không tạo được vây cánh với bộ sậu mạnh, nhất là về mảng chuyên môn, thật khó để một đội bóng hàng đầu như Manchester United có thể bắt kịp với thời đại. Một mình Ole không thôi, một tay không thể khỏa lấp cả bầu trời.