Trên ngực áo Man Utd là logo hình quỷ vương tay cầm đinh ba. Và Man Utd cũng từng có những đinh ba quỷ vương như thế trên hàng công. Còn hôm nay, họ có thể có được cây đinh ba ấy không và ai sẽ tạo dựng…
Trước ngày châu Âu bừng lửa derby giữa Barca với Real, giữa Inter với Juve, giữa Marseille với PSG và tất nhiên, giữa Man Utd với Liverpool, tạp chí FourFourTwo bản in chạy một chuyên đề có tên “The Greatest Strike Trios” (những bộ 3 tấn công vĩ đại nhất) nhân việc họ mổ xẻ bộ 3 MNM của PSG. Và những bộ 3 vĩ đại nhất mà FourFourTwo bình chọn bao gồm cả ở CLB lẫn ở ĐTQG, đủ để một người ở tuổi trung niên lật giở lại tất cả những trang ký ức bóng đá đậm đầy của mình.
Họ là ai trong biệt nhãn của FourFourTwo? Đó là BBC (Benzema - Bale - Cristiano Ronaldo) của Real mấy năm về trước; là Pele - Garrincha - Vava, Ronaldo - Rivaldo - Ronaldinho của Selecao; là Cruyff - Johnny Rep - Rensenbrink của cơn lốc màu da cam; là Muller - Hoeness - Rummenigge của tuyển Đức; là Maradona - Giordano - Careca của Napoli năm nào; là Puskas - Gento - Di Stefano của galacticos Real đời đầu; là Salah - Mane - Firmino của Liverpool thời Klopp; là Messi - Henry - Eto’o của Barca đỉnh cao và tất nhiên, là cả Best, Charlton, Law của Man Utd thập niên 60, Tevez - CR7 - Rooney của Man Utd 2008. Những bộ 3 ấy quả nhiên lẫy lừng, đáng kính nể và đầy thành tựu. Nhưng khi lướt qua những trang về hai bộ 3 hai thời của Man Utd, hẳn sẽ có những ủng hộ viên của họ ngậm ngùi. Đâu rồi cây đinh ba của Quỷ vương và nếu đón tiếp bộ 3 của Liverpool cuối tuần này, Man Utd sẽ lấy gì để đáp lễ?
Cây đinh ba một thời của Quỷ Đỏ
Thực sự, xây dựng một bộ 3 tấn công lừng lẫy không phải là chuyện đơn giản chút nào. Nếu nhìn vào lựa chọn của FourFourTwo chúng ta sẽ thấy rất rõ là suốt từ thập niên 50 của thế kỷ trước, với khởi đầu từ bộ 3 thần sầu của Real, trải qua 70 năm rồi, số bộ 3 danh chấn thiên hạ của các CLB bóng đá cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi. Nhưng nếu đọc tất cả các cái tên trong các bộ 3 kể trên, chúng ta cũng sẽ hiểu rằng không cứ gì cứ phải có đủ 3 siêu sao ở đẳng cấp thế giới (world class) thì mới cấu thành được 1 bộ 3 tấn công. Có khi, chỉ cần một cái tên siêu sao đẳng cấp thế giới đi cùng 2 cái tên ngôi sao hạng giỏi là đủ. Cơ bản là phải có người tạo dựng ra một bộ 3; có người dẫn dắt bộ 3 ấy trên sân, giống như cái cách mà Maradona luôn hỗ trợ cho Giordano và Careca vậy.
Và tình hình hiện thời ở Liverpool phản ánh đúng quan điểm này. Firmino, Mane có phải là siêu sao đẳng cấp thế giới hay không? Chắc chắn là không. Họ là những ngôi sao lớn, những cầu thủ rất cừ nhưng chưa ở tầm đẳng cấp siêu sao. Song, Mo Salah lại chính là con người “world class” của The Kops và chính anh là người dẫn dắt bộ 3 Liverpool đi đến đích. Bởi thế, nếu thay Firmino bằng Jota đi nữa, bộ 3 của Liverpool vẫn được cấu thành chặt chẽ và hiệu quả. Nhưng vượt trên hết, để Mo Salah có thể dẫn dắt bộ ba này, ngoài khả năng của chính anh, cần phải có một Jurgen Klopp đã tạo dư địa cho họ phát triển, khuyến khích họ, mở các bài phối hợp cho họ cũng như xây dựng một hệ thống đủ làm bệ phóng cho họ.
Bộ ba hủy diệt của Liverpool đang thăng hoa
Quay trở về Old Trafford, chúng ta có thể nhìn thấy ở đó tương lai của một bộ 3 nào hay không? Thực sự, với những gì mà Greenwood, Rashford đã và đang thể hiện, nói họ vươn tầm lên đẳng cấp siêu sao là cực khó, thậm chí là không thể. Nhưng khi có sự góp mặt của Cristiano Ronaldo, khả năng họ hoà mình vào để tạo thành mũi đinh 3 của Quỷ vương là có, nếu không nói là rất cao. Chỉ có điều, Solsa có tạo tác được cây đinh ba ấy hay không, kể cả là chỉ trong một thời gian ngắn hạn vì CR7 đã có tuổi rồi?
Cái cách cắt từ biên phải vào trung lộ của Greenwood và tung ra các cú dứt điểm rất “búa” cho thấy anh có một tiềm năng cực lớn. Tất nhiên, anh không thể so sánh với Ronaldo nhưng nhìn cách chơi mạnh mẽ, tốc độ ấy của anh, nhiều người cũng sẽ nhớ tới cái nhanh, nhạy và mạnh của Ronaldo ngày trẻ. Còn Rashford, anh chính là cầu thủ tạo ra rất nhiều tranh cãi xoay quanh năng lực của mình nhưng khó có thể phủ nhận rằng ở anh tiềm năng thực sự rất lớn. Băn khoăn duy nhất là dường như có một cái “gông” vô hình nào đó còn đè nặng để anh không thể bùng nổ hết thế mạnh của mình mà thôi. Và cái gông ấy nếu còn duy trì dài dài, nó sẽ khiến dồn nén lâu ngày đủ để một tiềm năng trở thành một thần đồng vĩnh viễn.
Hãy thử đặt một câu hỏi rằng “Giả sử, ở Man Utd có một HLV biết cách khơi gợi cho những tài năng trẻ phát triển thì suốt mấy năm qua, Rashford và Greenwood đã vươn tới mức độ nào?”. Chúng ta hãy tạm dẹp những thiên kiến chủ quan dựa trên yêu-ghét để nhìn nhận thực tế là bản thân Rashford hay Greenwood vẫn luôn là những cá nhân có tên trong danh sách dự kiến của ĐTQG và điều đó cho thấy những khách quan có chuyên môn thật sự đề cao khả năng của họ. Vậy thì tại sao, và lý cớ nào, để họ không đáng được xem là xứng tầm tạo ra một đinh ba tốt bên cạnh CR7 cho Man Utd trong thời gian ngắn hạn trước mắt đây?
Rashford và Greenwood có tiếp tục ra sân từ đầu?
Nhìn vào con số thống kê, ở hai mùa giải gần nhất, cả Greenwood lẫn Rashford đều được ra sân ở Premier League trên 30 trận (cả chính thức lẫn từ ghế dự bị) và điều đó đồng nghĩa là họ được trao cơ hội ở Man Utd chứ không phải vẫn bị coi là cầu thủ trẻ. Nhưng về cảm giác, chúng ta vẫn ngỡ như sự có mặt của họ chỉ là thoáng qua và lý do cơ bản để cái cảm giác ấy tồn tại chính là họ không luôn trở thành tâm điểm thực sự của Man Utd. Vậy thì muốn họ trở thành tâm điểm, Man Utd cần phải làm gì? Rất dễ để trả lời. Man Utd cần một hệ thống thực sự phù hợp, một hệ thống mà mọi tuyến đều phải phục vụ 3 cầu thủ tấn công của họ chứ không phải một đội bóng suốt ngày chỉ được nhắc đến bởi các tiền vệ (khi CR7 chưa trở lại).
Hãy nhớ, các tiền vệ hiện tại của Man Utd chưa một ai có đủ tầm vóc cống hiến nhiều cho đội bóng sánh được với Paul Scholes trước đây. Nhưng ở thời của sir Alex, giá trị của Scholes là miễn bàn nhưng tâm điểm không bao giờ là Scholes cả. Tâm điểm dịch chuyển từ Andy Cole, York tới Nistelrooy, kéo dài một thời gian cùng Ronaldo, Rooney và thậm chí còn tới cả thời của Van Persie. Luôn luôn phải là những người đóng đinh cuối cùng trong trận đấu chiếm lấy sân khấu. Tất cả phần còn lại đều phải ý thức được rằng họ ở đó để phục vụ những cá nhân mang trọng trách duy nhất: ghi bàn.
Chỉ khi các cầu thủ tấn công được đặt làm trọng tâm, cây đinh ba mới bắt đầu thành hình, và trở nên sắc bén nhờ vào sự tự tin và tự tôn được các cầu thủ tấn công ấy nuôi dưỡng. Chính sự tự tin và tự tôn mới góp phần cơ bản để tạo nên đẳng cấp, biến một cầu thủ có khả năng trở thành một chuyên gia nhuần nhuyễn kỹ năng. Di Stefano, người săn bàn lừng danh của bộ 3 galacticos thập niên 50 từng nói một câu cực shock rằng “Ghi bàn giống y như làm tình. Ai cũng có thể làm được hết nhưng không ai làm tốt hơn tôi cả”. Đó là câu nói hàm chứa sức tự tin kinh khủng. Nhưng để có sự tự tin đó, Di Stefano bắt đầu từ đâu? Phải từ chính niềm tin mà lãnh đạo Real cũng như HLV của CLB ấy dành cho ông cái đã.
Trở lại với Greenwood và Rashford, chúng ta sẽ dễ nhận ra suốt mấy năm qua họ chơi bóng như thế nào? Vị trí của họ là không cố định. Lúc thì bên trái, lúc sang bên phải, lúc lên mũi nhọn. Việc một cầu thủ chơi đa vị trí là bình thường nhưng ở tuổi đang định hình chính mình, xáo trộn này lại làm hại họ rất nhiều. Và những xáo trộn ấy đến từ đâu? Từ việc để dành vị trí tốt nhất cho những cầu thủ mới được bổ sung trong một hệ thống chưa bao giờ định hình bởi Solsa cả.
Pogba có lại dự bị như trận Atalanta?
Man Utd bấy lâu nay quen đá 4-2-3-1 với Pogba chơi bên trái. Vâng, Pogba rất hay trong thoát pressing, chuyền bóng, kiến tạo nhưng để tạo ra một đinh ba săn bàn, Pogba không bao giờ đủ khả năng đóng vai 1 trong 3 mũi nhọn cả. Dám hi sinh Pogba hay không? Bản thân câu hỏi ấy với Solsa đã khó rồi. Hi sinh Pogba và nếu Man Utd có thành tích tạm thời chưa tốt, dám tiếp tục thử nghiệm không? Câu hỏi ấy càng khó hơn nữa.
Hôm 22/10, trên tờ Guardian có 1 chú thích ảnh rất hay là “Ủng hộ viên các đội kình địch với Man Utd cảm thấy rất vui nếu Solsa càng trị vì lâu”. Chưa biết Solsa sẽ còn trị vì lâu nhường nào nhưng trước mắt, đón Liverpool ở trận siêu kinh điển nước Anh này, không mấy ai tin rằng hàng công Man Utd đủ sánh ngang tầm bộ 3 của Liverpool cả. Nhưng thực tế thì rất trớ trêu nếu tách từng con người ra để đánh giá. Bộ 3 Liverpool có một siêu sao (là Salah), Man Utd có CR7. Mane, Firmino hay Jota có hay đến mấy thì không thể quá vượt trội Rashford và Greenwood đến mức bên 10 bên 4 được. Và thực tế này chỉ rõ ra rằng, Solsa còn trị vì lâu, Quỷ vương Man Utd cũng còn tay không bắt giặc chứ không thể cầm cây đinh ba như trên logo của mình.