4-1 là một tỷ số hợp lý cho trận derby Manchester. Nó hợp lý xét trên với sự vượt trội của chủ nhà và nó cũng hợp lý ở chỗ chừng đó là vừa đủ để Man Utd không bị tổn thương quá mức.
Nhìn vào con số thống kê quyền kiểm soát bóng toàn trận, với 68% dành cho Man City, nhiều người sẽ thấy tỷ số 4-1 là chính xác. Nhưng thực tế, quyền kiểm soát bóng không nói lên hết được bản chất của trận đấu. Vượt trên hết là “quyền chơi bóng”. Man City đã không cho phép Man Utd chơi bóng hoặc nói khác hơn, Man Utd không có cửa nào để chơi bóng trước Man City.
Tất cả đều cho thấy Man City vượt trội Man Utd thế nào. Và đừng vội nghĩ về câu chuyện so sánh cá nhân với cá nhân, nhất là khi chúng ta lôi những cái tên dưới tầm rõ rệt phía Man Utd như Wan-Bissaka hay McTominay ra để làm dẫn chứng. Nó là câu chuyện của cả một hệ thống, về lối vận hành. Man City vượt trội nhờ vào việc họ là một tập thể thống nhất, nhuần nhuyễn những ý tưởng của HLV và thể hiện được các ý tưởng ấy bằng những ý đồ và hành vi trên sân. Nhiều năm liền gắn bó với nhau dưới sự chỉ đạo của một HLV tài năng đã tạo cho Man City sự ổn định ở chất lượng cao như thế. Còn Man Utd, họ rời rạc, thiếu ý đồ rõ rệt và thiếu sự nhịp nhàng cũng bởi một phần lớn sự xáo trộn ở ghế huấn luyện suốt từ thời Ferguson giải nghệ.
Đầu tiên, phải thừa nhận ý đồ của Ralf Rangnick là khá hay khi ông không dùng 1 tiền đạo mũi nhọn khi CR7 không thể ra sân. Thay vào đó, ông sử dụng Pogba và Fernandes thay nhau chơi luân chuyển giữa hai vị trí mũi nhọn và hộ công. Lựa chọn này của ông không sai khi cả hai đều có khả năng dứt điểm khá tốt. Nhưng học trò của ông lại không thể hiện được ý tưởng này bằng các ý đồ và hành vi chiến thuật trên sân. Pogba lẫn Fernandes khi dâng lên chơi ở vị trí cao nhất đều mất tích. Nguyên nhân cơ bản: hàng thủ Man City tổ chức quá tốt và bản thân hai “ông thần” này của Man Utd cũng vẫn còn lúng túng, chưa có sự ăn ý với nhau ở vai trò mới và gần như không hề có một liên lạc nào với nhau suốt thời gian trên sân.
Man Utd, trừ pha gỡ hoà 1-1, không có một pha bóng nào đáng được xem là có ý tưởng tốt. Cú đột phá vào vòng cấm của Fred là một điển hình. Ở tình thế bất ngờ đó, nếu Fred thay vì cố gắng dứt điểm qua tay thủ thành Ederson (và bất thành) mà đưa bóng trở ra cho Pogba thì sao? Khả năng, cơ hội ăn bàn của Man Utd sẽ cao hơn nhiều bởi tư thế bóng, vị trí đón bóng của Pogba là vị trí mở. Và nếu xem lại trận cầu, chúng ta sẽ nhận ra rất nhiều lần Pogba ở vị trí trống trải nhưng đồng đội không đưa bóng cho anh, nhất là ở vài tình huống trước mặt vòng cấm của Man City. Có hay chăng việc các cầu thủ Man Utd không còn muốn hợp tác với Pogba nữa? Nếu nghi ngờ này là có thật, Rangnick cũng nên không để Pogba ra sân dù anh là cầu thủ có chất lượng và quan trọng đến mức nào bởi đằng nào thì anh cũng chưa quyết định việc đi hay ở của mình.
Cái vượt trội lớn nhất của Man City so với Man Utd chính là định hướng vị trí của các cầu thủ Man City cực tốt. Mỗi khi họ có bóng, họ luôn mở ra được các đường tiếp cận vòng cấm Man Utd rất nguy hiểm, kể cả khi nhân sự của họ ít hơn so với đối thủ. Cơ bản, cách chọn vị trí của các cầu thủ Man City rất thông minh, bất ngờ và nhuần nhuyễn như thể một bài tập. Luôn có ít nhất một cầu thủ Man City ở vị trí trống trải, không bị đối phương kiểm soát và ở rất gần cầu thủ đang cầm bóng. Trong khi đó, ngược lại, mỗi khi Man Utd có bóng, các vệ tinh của cầu thủ cầm bóng đều không thể thoát ra khỏi vị trí quản lý của đối phương, dẫn tới đường chuyền của họ rất dễ bị dẫn vào tuyệt lộ. Cái vượt trội này chính là bài đánh, một thứ cần phải được tập luyện trên sân tập và cọ sát bằng thực chiến kéo dài. Khi đã nhuần nhuyễn, nó trở thành một thứ phản xạ có điều kiện và nhờ đó, Man City luôn làm chủ cuộc chơi trước bất kỳ đối thủ nào chứ không chỉ một Man Utd yếu kém và rời rạc. Chính vì thế, ở 15 phút cuối trận, Man City mới cầm bóng lên tới 92%, một con số áp đảo đáng hổ thẹn đối với những người yêu mến Man Utd.
Cái vượt trội thứ hai của Man City so với Man Utd là khả năng hỗ trợ. Bàn thắng thứ hai của họ cho thấy rõ nhất tính hỗ trợ ấy. Một pha dứt điểm không thành ư? Có ngay cá nhân thứ hai lao vào đúng vị trí cần góp mặt để bồi thêm. Cú bồi thêm không thành ư? Lại có một cá nhân thứ ba xuất hiện. Nhiều tình huống Man City dứt điểm dồn dập như thế dù nhân sự tấn công của họ không lấn lướt. Nó đến từ ý thức tương hỗ của một cá nhân nằm trong tập thể. Man Utd chưa tạo ra được ý thức chơi bóng này vì bản thân đội bóng ấy hiện nay chưa cho thấy nó là một tập thể thực thụ.
Ngoài hai vượt trội tiêu biểu kể trên, Man City còn nhiều điểm vượt trội khác nữa như khả năng phán đoán trong phòng ngự sớm, cách tổ chức các pha cố định vv và vv. Điều đó cho thấy, sự ổn định thượng tầng của một đội bóng là quan trọng đến mức độ nào. Và vượt trên hết, sự ổn định nhân sự cũng là thứ mà Man City có được. Nó tạo nên một đội bóng không bị tác động nhiều vì các yếu tố tâm lý và từ đó, nó giúp các cầu thủ của Pep mỗi lần ra sân đều thể hiện quyết tâm rất cao. Việc Man Utd chỉ có thể cầm bóng được 8% ở 15 phút cuối trận cũng do một phần từ tâm lý bạc nhược, buông xuôi của vài cá nhân khi đã bị dẫn tới 4-1. Rangnick có thể không phải là một HLV thực chiến trên sân giỏi nhưng ông cũng không phải là một người kém cỏi. Cái kém cỏi đến từ ngay căn cốt của Man Utd, một tập thể có sự bất tương xứng trong chất lượng nhân sự so với nhau, có sự thiếu thống nhất khi chơi bóng cùng nhau, có sự thiếu tin tưởng lẫn nhau khi cùng tham gia tình huống. Tất cả đã góp phần tạo nên một Man Utd với 11 cá nhân rời rạc, bị chia cắt một cách dễ dàng và tổn thương cũng rất dễ dàng.