đồng hồ
Trang chủ     Bóng đá Việt Nam   /   Không thể giành điểm trước Trung Quốc, Việt Nam chỉ có thể tự trách mình

Không thể giành điểm trước Trung Quốc, Việt Nam chỉ có thể tự trách mình

90 phút giàu cảm xúc tại Sharjah đã trôi qua để lại đầy những tiếc nuối cho đội tuyển cũng như người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Toàn đội tiếp tục thể hiện tinh thần không bỏ cuộc khi gỡ hòa thành công dù bị đối thủ dẫn trước hai bàn. Rất đáng tiếc, bàn thua phút cuối đầy nghiệt ngã đã cướp đi cơ hội giành điểm của Việt Nam.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể lại trận đấu, phải khẳng định những gì đội tuyển đã trình diễn là dưới kì vọng. Trong một ngày Trung Quốc không thực sự trình diễn được sức mạnh, Việt Nam chỉ có thể tự trách mình khi không nắm bắt được thời cơ.

Xem Việt Nam đá với Trung Quốc, khán giả nên đi pha cà phê

Xem Việt Nam đá với Trung Quốc, khán giả nên đi pha cà phê Chạm trán với Trung Quốc nếu ĐT Việt Nam chơi thanh thoát, sáng tạo và tự tin như 2 trận thua Saudi Arabia và Australia thì đáng xem hơn.

Kết quả Trung Quốc vs Việt Nam: Gục ngã phút bù giờ

Kết quả Trung Quốc vs Việt Nam: Gục ngã phút bù giờ Cập nhật tỷ số, kết quả trận đấu Trung Quốc vs Việt Nam vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á.

Khởi đầu khó khăn

Tương tự như những gì thể hiện trước Australia và Nhật Bản, Trung Quốc nhập cuộc đầy tự tin trong khoảng thời gian đầu trận. Và cũng như từng phân tích, hai trận gặp Australia và Nhật Bản là hai lần Li Tie sử dụng những chiến thuật và cách tiếp cận khác nhau cho Trung Quốc. Với đối thủ được đánh giá dưới cơ như Việt Nam, Li Tie bổ sung thêm sức mạnh cho hàng công với sự xuất hiện của chân sút từng đầu quân cho Werder Bremen là Zhang Yuning nhằm hợp thành với Elkeson tạo nên bộ đôi lĩnh xướng phía trên.

QUẢNG CÁO

Wu Lei lúc này được tạo điều kiện di chuyển tự do hơn so với hai trận đấu hồi tháng 9 theo nửa dọc sân phía cánh phải, nhằm khai thác khoảng trống giữa hai tuyến phòng ngự và tiền vệ của Việt Nam, đồng thời di chuyển hút người tạo điều kiện cho hậu vệ phải Wang Gang băng cắt đón chuyền dài. Trong phần lớn thời gian của hiệp 1 và đặc biệt là trong 20 phút đầu, Trung Quốc với sự hưng phấn đã dễ dàng đẩy lùi Việt Nam về phần sân nhà. Sự xuất hiện bổ sung của Zhang Yuning cho phép đội chủ nhà tạo ra cân bằng quân số phía trên với sơ đồ 3-2-5 nhằm kéo giãn hàng thủ Việt Nam.

Cấu trúc triển khai bóng điển hình của Trung Quốc trong hiệp 1

Với việc cầu thủ bám biên dâng cao mở rộng tối đa chiều ngang sân, Trung Quốc thường xuyên sử dụng một trong hai tiền vệ trung tâm di chuyển kéo tiền vệ ngoài Việt Nam gần bóng ra khỏi vị trí, qua đó tạo lựa chọn triển khai trực diện ra sau lưng quen thuộc lên phía trên cho 5 mũi nhọn chạy chỗ đón lõng. Ngay trong những phút đầu trận, Trung Quốc đã liên tiếp thành công với mảng miếng phối hợp như vậy.

Zhang Xizhe di chuyển rộng ra biên tạo khoảng trống cho bản thân, đồng thời mở ra lựa chọn triển khai trực diện cho Wang Shenchao hướng tới Zhang Yuning sẵn sàng mở tốc độ, trong khi Elkeson di chuyển giật về hướng bóng khôn ngoan nhằm gây rối hàng thủ Việt Nam và tự biến mình thành lựa chọn hỗ trợ.

Tình huống dẫn tới pha dứt điểm đầu tiên của Trung Quốc, Zhang Xizhe nhận bóng từ Wang Shenchao

và dễ dàng vượt qua Quang Hải ở vào trạng thái 2v1 để phất dài điểm rơi ra sau lưng hàng phòng ngự Việt Nam

cho Liu Binbin và Elkeson chạy chỗ đón lõng, tạo tình huống 2v2

Cầu thủ phòng ngự Việt Nam dù phản ứng với tư thế chủ động trong hầu hết các tình huống nhưng vẫn gặp rất nhiều vất vả trước những cá nhân sở hữu lợi thế về tốc độ và thể chất phía đội bóng áo đỏ. Chỉ riêng trong 20 phút đầu tiên, 5 pha dứt điểm và 5 tình huống treo bóng sống đã được các cầu thủ Trung Quốc tung ra hướng vào phía khung thành Tấn Trường.

Biểu đồ thể hiện tình huống dứt điểm và tạt bóng của Trung Quốc
về phía khung thành Việt Nam trong 20 phút đầu trận
(Xanh: Thành công; Đỏ: Không thành công/Không trúng đích; Tròn: Dứt điểm; Vuông: Tạt bóng)

Quãng thời gian dễ thở

Sau 20 phút đầu hưng phấn, Trung Quốc rơi lại vào trạng thái từng khiến họ bại trận dưới tay Australia và Nhật Bản, đó là nền tảng thể lực suy giảm. Không rõ nguyên nhân cụ thể nào khiến các cầu thủ Trung Quốc không duy trì được thể trạng đáp ứng lối chơi hiện đại mà Li Tie mong muốn dù có thời gian tập luyện cùng nhau suốt 1 tháng, đội chủ nhà chủ động lùi cự li khối đội hình thấp hơn trong phần còn lại hiệp 1. Không còn những tình huống bứt tốc xuống biên thành công hay áp sát truy cản chính xác với cường độ dồn dập, Trung Quốc tạo ra nhiều không gian hơn cho Việt Nam cầm bóng triển khai từ phần sân nhà.

Cấu trúc phòng ngự không bóng và cự li đội hình của Trung Quốc trong thời gian nửa cuối hiệp 1

Có nhiều hơn rõ rệt thời lượng kiểm soát cũng như không gian và thời gian để xử lí bóng khi so sánh với hai trận đấu hồi tháng 9 gặp Saudi Arabia và Australia, đáng tiếc là các cầu thủ Việt Nam đã thực hiện không tốt khâu phối hợp tấn công với rất nhiều đường chuyền lỗi và sai địa chỉ. Đó là hệ quả đến từ sự vội vàng trong ra quyết định, sự thiếu ăn ý giữa các cá nhân tham gia tình huống, hay phổ biến hơn cả, kĩ thuật khống chế bóng cá nhân tự lỗi.

Hơn nửa tiếng đồng hồ từ phút 20 hiệp 1 tới thời điểm Trung Quốc mở tỉ số, Việt Nam vượt trội hơn về thời lượng kiểm soát bóng, nhưng đội khách không thể đưa bóng thành công vào những khu vực nguy hiểm như trong vòng cấm, trước vạch 16m50 (Zone 14) hay đơn giản hơn là xuống biên. Đã xuất hiện một vài pha dứt điểm, nhưng nó đều được thực hiện từ phạm vi ngoài vòng cấm địa với độ khó không cao, thậm chí là trong hoàn cảnh hết sức vội vàng.

Biểu đồ chuyền bóng của Việt Nam từ phút 20 tới phút 53, dù kiểm soát thời lượng bóng lăn,
đội khách không thể đưa bóng thành công vào những khu vực thật sự nguy hiểm

Chính từ việc làm không tốt trong những thời điểm có bóng, Việt Nam không thể biến lợi thế thành cơ hội và cuối cùng là bàn thắng. Ngược lại, đội quân của HLV Park Hang-seo còn bị trừng phạt bởi sự lãng trách và thiếu tổ chức trong những tình huống phối hợp. Bàn thắng mở tỉ số của Trung Quốc mở toang trận đấu xảy ra sau một pha bóng như thế.

Sai lầm những bàn thua

Hãy chú ý tới đường tạt bóng không thành công vào vòng cấm đối phương từ số 22 trong biểu đồ phía trên. Đường tạt không cho ai đó của Tiến Linh chính là khởi phát cho pha bóng phản công chất lượng của Trung Quốc để mở tỉ số. Một tình huống rất đáng trách của tiền đạo thuộc biên chế CLB Bình Dương, khi cấu trúc đội hình của Việt Nam đang dâng cao hỗ trợ tấn công trước đó và chỉ còn lại sự hiện diện của ba trung vệ, đối mặt với ba cầu thủ tấn công tốc độ và sở hữu khả năng tranh chấp bóng bổng tốt phía Trung Quốc.

Tình huống tạt bóng không cho ai của Tiến Linh, bất chấp có sự hiện diện đông đảo quanh bóng của đồng đội

Trung Quốc lập tức thu hồi bóng và triển khai đường chuyền dài vượt tuyến lên trên hướng tới
các mũi nhọn tiền đạo trong bối cảnh khối đội hình phòng ngự của Việt Nam lộn xộn và xa nhau
khi chưa kịp tái lập tổ chức

Dù sao vẫn phải công nhận, những pha chạm bóng bằng đầu tiếp theo của Elkeson và Zhang Yuning đều ở đẳng cấp cao và loại bỏ thành công số cầu thủ phòng ngự ít ỏi còn lại của Việt Nam, nhưng ít nhất ý đồ sử dụng họ từ đầu trận của Li Tie đã thành công. Về phía Việt Nam, những bài học lại cần được rút ra để cải thiện. Bài học nhỏ là về trạng thái chuyển đổi khối đội hình sang phòng ngự, còn bài học lớn là khả năng kiểm soát bóng phối hợp tổng thể của toàn đội.

Đối với hai bàn thua còn lại, dù khó tin nhưng đều đến từ chung một kịch bản. Trung Quốc xuống bóng phía hành lang trái theo hướng tấn công. Wang Shenchao ngoặt bóng vào trong sau pha phối hợp gần với Chi Zhongguo để rồi tạt bóng bằng chân phải, vốn là chân thuận của hậu vệ này vào khoảng trống sau lưng hàng phòng ngự Việt Nam cho Wu Lei cực kì khôn khéo chạy chỗ cắt mặt đánh đầu.

Tóm tắt diễn biến đồ họa về bàn thua thứ 2 và 3 của Việt Nam

Đẳng cấp của tiền đạo đang thi đấu tại La Liga lên tiếng với những tình huống chạy chỗ tấn công vào khe hở giữa các hậu vệ Việt Nam đầy cảm giác. Bản thân Nguyễn Thanh Bình chắc chắn là người có lỗi lớn nhất khi liên tiếp để xổng Wu Lei trong 3 pha bóng có tính chất gần tương tự. Cầu thủ trẻ nhất trong biên chế Đội tuyển Việt Nam hiện tại được HLV Park Hang-seo tung vào sân thay người đàn anh Bùi Tiến Dũng với mục đích kiềm tỏa khả năng sử dụng bóng bổng phía Trung Quốc. Tuy nhiên, như thực tế cho thấy, để giành lợi thế trong những tình huống trên không, chiều cao không phải là yếu tố duy nhất.

Tư thế phòng ngự và nhận bóng của Thanh Bình và Wu Lei trong ba tình huống tạt bóng tấn công,
hai trong số đó dẫn tới bàn thắng cho Trung Quốc

Lỗi trực tiếp dẫn tới bàn thua đến từ sự non nớt đáng trách (và đáng tiếc) của Nguyễn Thanh Bình, cầu thủ sinh năm 2000. Nhưng nếu quan sát kĩ lưỡng hơn từ tình huống tạt bóng, chúng ta đều có thể nhận ra áp lực mà các tiền vệ Việt Nam tạo lên cầu thủ tạt bóng là không đủ. Tình huống 1 và 2, Hồ Tấn Tài đều không nhận được sự hỗ trợ từ tiền vệ lệch biên gần bóng, vốn cần đảm bảo tổ chức không bóng 5-4-1. Tình huống 3, khi Việt Nam tất tay chuyển sang sử dụng sơ đồ 4-4-2 những phút cuối, Văn Toàn và Quang Hải lại dễ dàng để Wang Shenchao có cơ hội tạt bóng trong tình huống gần như là cuối cùng của trận đấu.

Điểm sáng tấn công cần phát huy

Sau khi phải nhận bàn thua đầu tiên, HLV Park Hang-seo lập tức đưa ra những sự điều chỉnh nhân sự, đồng thời thúc đẩy các học trò tự tin trong khâu triển khai bóng tấn công, yếu tố Việt Nam thực hiện không hề tốt trong khoảng 50 phút đầu trận và là nguyên nhân dẫn tới bàn mở tỉ số của Trung Quốc. Quả thật, đội bóng áo trắng đã cho thấy sự cải thiện vượt bậc về chất lượng với bóng, khi khả năng tiếp cận vòng cấm lẫn các khu vực nguy hiểm trước vạch 16m50 gia tăng đáng kể.

Biểu đồ chuyền bóng của Việt Nam từ phút 53 tới hết trận

Sự xuất hiện của Văn Toàn, Công Phượng hay Tấn Tài chắc chắn đem tới sinh khí mới cho Việt Nam, nhưng quan trọng hơn cả, đội bóng của chúng ta tiếp tục cho thấy họ hoàn toàn đủ khả năng chơi bóng mạch lạc và kiểm soát thế trận trước đối phương, bất chấp hoàn cảnh bị dẫn trước tới hai bàn. Hãy thử tưởng tượng các cầu thủ Việt Nam nhập cuộc ngay từ đầu với một tinh thần tích cực như vậy, thay vì căng cứng để rồi có những tình huống xử lí với bóng rất tệ.

Dù thừa hiểu mọi đối thủ trong bảng đều đẳng cấp và đồng đều hơn, nhưng nếu không dám tự tin khẳng định và vượt ngưỡng khả năng ở những trận đấu then chốt thế này, đội tuyển Việt Nam khó lòng có thể tự nâng tầm bản thân, qua đó vững vàng hơn trong tương lai. Chúng ta không thể cứ mãi chấp nhận tư thế cửa dưới, để rồi lúng túng khi bỗng bị đặt vào thế cửa trên. Bài học rút ra từ trận đấu gặp Trung Quốc sẽ rất dài và dày, nhưng trước mắt, sự tiếc nuối về điểm số bất thành sẽ còn đeo bám các cầu thủ trong những ngày tới, về một cơ hội ngàn vàng bị bỏ lỡ.

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Chuyên gia phân tích

Có thể bạn thích