90 phút ấn tượng trước Malaysia giúp chúng ta tự tin hơn bao giờ hết về khả năng bảo vệ ngôi vương của Việt Nam tại AFF Cup 2020. Tuy nhiên, 90 phút ngay sau đó gặp Indonesia dường như khiến chúng ta trở lại mặt đất, khi Việt Nam dù áp đảo về chỉ số thống kê, đã đối diện với muôn vàn khó khăn trong việc tìm đường tiếp cận khung thành đối thủ.
Việt Nam đã giành trọn 6 điểm trong hai trận đấu mở màn. Dẫu vậy, đó là hai chiến thắng đến từ hai cách tiếp cận khác nhau của đối thủ. Ba bàn thắng vào lưới Malaysia đến có chung một kịch bản, Việt Nam tổ chức áp sát tầm cao đồng bộ, đoạt bóng thành công và chuyển đổi trạng thái nhanh. Cả ba tình huống làm tung lưới Harimu Malaya đều đến trong vòng chỉ 15 giây những bóng áo đỏ cướp bóng. Malaysia cố gắng thi triển lối đá áp đặt chủ động nhất định bất chấp sự thiếu vắng nghiêm trọng của những trụ cột, nhưng rõ ràng điều đó là không đủ trước Việt Nam sở hữu lực lượng và chuẩn bị tốt nhất.
Ngược lại, dù áp đảo hoàn toàn thế trận trước các cầu thủ Lào, khi tung ra tới 23 tình huống dứt điểm và kiểm soát 77% thời lượng bóng lăn, Việt Nam đã rất khó khăn trong việc nâng cao số lượng những cơ hội có chất lượng thực sự. Tới lượt Indonesia, những con số thống kê gần tương đồng được lặp lại, với 20 pha dứt điểm cầu môn và tỉ lệ kiểm soát bóng 70%, nhưng đoàn quân của HLV Shin Tae-yong không phải Lào. Cũng là tổ chức phòng ngự lùi sâu với số đông theo cấu trúc 5-4-1, nhưng trình độ phán đoán và thái độ áp lực của Indonesia dĩ nhiên ở mức độ quyết liệt và vượt trội hơn so với những người đồng nghiệp phía Lào.
Chính vì lẽ đó, những khó khăn Việt Nam đối mặt trước Lào nhưng được tạm bỏ qua bởi kết quả thắng lợi chung cuộc đã lộ diện rõ nét khi đối đầu Indonesia. Trên thực tế, làm thế nào để xử lí và triển khai bóng một cách hiệu quả đã là dấu hỏi cho Việt Nam từ Vòng loại 3 FIFA World Cup. Chúng ta nỗ lực tổ chức hệ thống phòng ngự chặt chẽ phía dưới, nhưng lại chưa có nhiều giải pháp nhằm triển khai tấn công.
Indonesia chủ động cho phép áp đảo quyền kiểm soát cho tới phạm vi 1/3 cuối sân, buộc
Việt Nam phải đưa bóng ra biên, nơi họ sẵn sàng phương án khóa
Indonesia trong bối cảnh còn trận chung kết tranh tấm vé vào bán kết gặp Malaysia ở lượt đấu cuối đã chủ động tiếp cận thực dụng nhằm tìm kiếm lợi thế điểm số. Đúng như HLV Park Hang-seo phát biểu sau trận đấu, bản thân Việt Nam khi đối đầu với những đối thủ mạnh hơn cũng phải phòng ngự, nên chúng ta không thể đánh giá hoặc có cái nhìn hạ thấp lựa chọn của Shin Tae-yong. Có thể nói, đây là cách tiếp cận khôn ngoan của Indonesia, khi mặt bằng trình độ cầu thủ trong tay HLV người Hàn Quốc chưa đủ để tìm kiếm kết quả có lợi trước Việt Nam nếu duy trì lối đá dâng cao thường lệ. Thất bại 0-4 tại UAE hồi tháng 6 có lẽ là bài học lớn cho đội bóng Xứ Vạn đảo.
Indonesia hiểu rằng, Việt Nam là đội bóng sở trường trong tổ chức chuyển đổi từ không bóng sang có bóng, đồng thời sở hữu vũ khí bổ trợ lợi hại từ những tình huống cố định. 5 trận đối đầu giữa Việt Nam và Indonesia ở mọi cấp độ dưới thời HLV Park Hang-seo, chúng ta đều ghi bàn phạt góc. Tuy nhiên, Shin Tae-yong đã chọn cho Indonesia đấu pháp hóa giải sức mạnh của Việt Nam.
Họ chủ động trao cho chúng ta quyền kiểm soát bóng, tất nhiên là trong phạm vi họ muốn. Đó là ở phạm vi nửa sân nhà với áp lực tạo ra rất ít, và ở cả hai biên, nơi mũi khóa kép của hai cầu thủ bám cánh sẵn sàng phản ứng sớm trước mọi ý đồ chuyển hướng hay phát triển của Việt Nam. Hơn nữa, tổ chức phòng ngự cố định của Indonesia cũng được cải thiện rõ rệt. Không còn hệ thống kèm 1v1 ngây thơ vốn dễ dàng bị áp đảo về chiều cao như hồi tháng 6, Indonesia phiên bản tháng 12 tổ chức phòng ngự hệ lai, với một hàng ngang dưới đứng vị trí theo định hướng khu vực nhằm tạo ra bức tường hai lớp.
Phan Văn Đức vội vàng tung ra tình huống dứt điểm dưới áp lực của vô số cầu thủ
đối phương và góc sút không lí tưởng, trong khi giải pháp phối hợp vẫn còn đó
Indonesia hợp lí, nhưng có phải Việt Nam không có cơ hội? 20 tình huống dứt điểm hướng về phía khung thành Nadeo Argawinata là minh chứng cho thấy, khoảng trống và thời cơ là vẫn có. Vấn đề nằm ở chỗ, phần lớn số cơ hội này hoặc có chất lượng thấp, hoặc được thực hiện ngoài phạm vi vòng cấm cách xa cầu môn, hoặc là cả hai. Thống kê cho thấy, tính từ đầu Vòng loại 3 đến nay, 9 trận đấu đã qua, Việt Nam luôn kết thúc 90 phút thi đấu với số lượng tình huống sút xa nhiều ít nhất là gấp đôi với số pha kết thúc trong vòng cấm.
Không có biện pháp thật sự cấp tiến để dồn ép và tăng cường áp lực xuyên phá khối phòng ngự đối phương, Việt Nam đang cảm nhận rõ sự khó chịu mà chính mình thường tạo ra trước những đối thủ cửa trên. Với ba trung vệ ở tuyến dưới, chúng ta có thừa sự an toàn để mạnh dạn đẩy cao hơn nhân tố cầm bóng nhằm tạo thêm áp lực lên hệ thống đối phương, đồng thời thu hút người kèm ra khỏi vị trí. Bàn thắng thứ 2 vào lưới đội tuyển Lào, khi Đỗ Duy Mạnh sẵn sàng có mặt trong phạm vi 1/3 cuối sân để hỗ trợ Hồ Tấn Tài là một ví dụ điển hình, nhưng điều này cần được thực hiện thường xuyên hơn.
Phút 90 gần cuối trận nhưng Việt Nam vẫn không thực sự đẩy cao đội hình bất chấp ý đồ muốn thắng
Ngoài ra, sự non nớt và vụng về trong khống chế tình huống của các cầu thủ Indonesia vẫn tạo ra không ít cơ hội phối hợp cho nhân tố tấn công phía Việt Nam. Dẫu vậy, các cầu thủ áo đỏ lại thường quá vội vàng trong quyết định cuối cùng, thường là tung ra pha sút xa quá dễ đoán bất chấp còn đó sự hỗ trợ gần bóng của những vệ tinh. Đây đã là vấn đề tồn tại ngay từ Vòng loại World Cup. Trước những đối thủ đồng cân đồng lạng hoặc cao hơn về trình độ, cơ hội tiếp cận vòng cấm vốn đã ít, nên càng cần được chắt chiu.
Sau thắng lợi trước Malaysia, hầu hết quan điểm cho rằng chúng ta sẽ dễ dàng giành vé đi tiếp và trông đợi sẵn vào một kết cục có hậu với trận chung kết trong mơ gặp Thái Lan. Tuy vậy, đừng quên trước đó có thể là thử thách không hề dễ chịu mang tên Singapore tại bán kết, với lợi thế chủ nhà và cách tiếp cận có khả năng tương đồng những gì Lào và Indonesia thể hiện, nhưng tốt hơn trong công tác tổ chức chuyển đổi phản công.