Dù là mục tiêu săn đuổi của Manchester United từ mùa hè 2020, Jadon Sancho chỉ có thể cập bến Old Trafford một năm sau đó với mức phí chuyển nhượng thuộc nhóm kỉ lục. Dẫu vậy, những gì cựu tiền vệ Manchester City thể hiện từ đầu mùa tới nay chỉ đem tới sự thất vọng cho người hâm mộ nửa đỏ thành Manchester. Tuy nhiên, màn trình diễn dưới sức của Sancho có thực sự tới từ riêng cá nhân cầu thủ này, hay đó là hệ quả lớn hơn của sự thất bại trong vận hành chiến thuật tập thể dưới thời Ole Gunnar Solskjaer?
Mọi thông số đầu ra tấn công của Jadon Sancho sau 10 lần ra sân trong màu áo Manchester United trên mọi đấu trường mùa giải 2021-22 tới nay đều chỉ dừng lại ở số 0 tròn trĩnh. 0 bàn thắng và 0 kiến tạo sau gần 500 phút thi đấu, Sancho đang trải qua chuỗi thành tích cá nhân tệ nhất từ khi tiến lên sự nghiệp chuyên nghiệp, bất chấp sự ưu ái đáng kể của Solskjaer trong việc tạo điều kiện vào sân cho tân binh đến từ Borussia Dortmund.
Trong phần lớn thời gian xuất hiện, Jadon Sancho được bố trí thi đấu với nhiệm vụ của một tiền đạo bám biên trái thuần túy trong sơ đồ 4-2-3-1 quen thuộc của United dưới thời Ole. Trên lí thuyết, nửa trái theo chiều dọc sân là khu vực hoạt động sở trường của cầu thủ sinh năm 2000 xuyên suốt những thời gian chơi bóng tại Đức. Dẫu vậy, chúng ta nên nhớ rằng, 3/4 mùa giải Sancho thi đấu tại Signal Iduna Park xảy ra dưới thời Lucien Favre, chiến lược gia ưa chuộng sơ đồ 3-4-3.
Trong hệ thống này, Sancho được tạo điều kiện chơi cao hơn, tự do hơn và gần khung thành hơn với vai trò là một trong hai tiền đạo lùi sau lưng tiền đạo cắm, vốn có nhiệm vụ rất khác biệt với với những gì đang được tổ chức tại Manchester. Dưới kì vọng của Ole, vị trí nhận bóng của Sancho thường có điểm xuất phát sát đường biên dọc nhằm kéo giãn cự li hàng phòng ngự đối phương, đồng thời tận dụng khoảng trống thực hiện các tình huống qua người 1-đấu-1 để đưa bóng vào vòng cấm ra quyết định phối hợp hoặc dứt điểm.
Sancho không chơi bám biên ở Dortmund
Tại Dortmund, với tổ chức 3-4-3, nhiệm vụ này thuộc về biên thủ dâng cao thường trực. Sancho với vị trí xuất phát tại hành lang trong sẽ di chuyển không bóng khá rộng nhằm hút hậu vệ ra khỏi vị trí, đồng thời tổ chức phối hợp nhanh theo tam giác cự li hẹp với biên thủ và tiền vệ trung tâm nhằm thoát bóng xuống cuối sân. Khi thi đấu tại Đức, Sancho được đặt vào trong một hệ thống vận hành với vai trò quy hoạch rõ ràng nhằm đề cao tính liên tục tập thể hơn là phát huy năng lực cá nhân.
Ngay cả trong trường hợp Dortmund muốn Sancho qua người, cách sử dụng cầu thủ này cũng rất khác những gì Ole đang yêu cầu. Lucien Favre đưa tuyển thủ người Anh sang cánh phải, nơi tốc độ và khả năng dốc bóng qua người trong một nhịp đẩy của Sancho đem lại lợi thế chết người cho Dortmund khi mỗi lần xuống biên. Cộng với sự hỗ trợ nhịp nhàng từ tuyến dưới của người đồng đội Achraf Hakimi, Sancho hình thành quy luật phối hợp di chuyển không bóng cực kì đồng bộ với hậu vệ người Morocco.
Trong khi đó tại Old Trafford, Sancho khi bị đẩy ra xa khung thành và bám biên trái, buộc phải dựa chủ yếu vào kĩ thuật rê dắt cá nhân trong quãng ngắn để qua người, vốn không phải là lợi thế của cầu thủ 21 tuổi. Muốn đẩy bóng tốc độ nhằm vặn sườn đối phương để tấn công vào khoảng trống sau lưng tương tự những gì thực hiện bên cánh phải, Sancho lại gặp khó khăn khi phải dùng tới chân trái không thuận, hoặc góc độ ngoặt bóng lại thuận lợi cho hậu vệ bắt bài.
Trên thực tế, tỉ lệ qua người thành công của Jadon Sancho trong màu áo Manchester United đang ở mức thấp nhất trong 5 mùa giải chuyên nghiệp, chỉ ở mức 50.0%. So sánh với hai đồng đội và đối thủ cạnh tranh trực tiếp cho vị trí đá chính trong vai trò tiền đạo cánh ở sơ đồ 4-2-3-1 của United là Marcus Rashford và Mason Greenwood, tỉ lệ thành công trung bình của Sancho trong 3 mùa gần nhất thậm chí có phần thua kém. Đó là còn chưa đề cập tới hiện thực rằng, cả Rashford và Greenwood trên thực tế đều làm tốt vai trò bản thân trong kì vọng hệ thống của Ole, ít nhất ở hai mùa giải đã qua. Sở hữu khả năng qua người, 1-đấu-1 và cắt trong cứa lòng dứt điểm từ xa hoặc cự li trung bình tốt, rõ ràng hai gà nhà Carrington mới là những cầu thủ nắm giữ lợi thế trong cuộc đua tranh suất đá chính.
Tỉ lệ qua người thành công (%) |
Cự li dứt điểm trung bình (m) |
|
Jadon Sancho 2019-2021 |
54.2 | 15.9 |
Mason Greenwood 2019-2021 |
64.5 | 17.1 |
Marcus Rashford 2018-2021 |
54.7 | 19.0 |
So sánh tỉ lệ qua người thành công và cự li dứt điểm trung bình 3 mùa giải quốc nội gần nhất
của Sancho, Rashford và Greenwood
Như đã thể hiện qua những con số thống kê, bất chấp có chút giảm sút ở đầu mùa giải 2020-21 khi phải chia tay người đồng đội ăn ý Achraf Hakimi gia nhập Inter Milan, Sancho vẫn duy trì được đầu ra tấn công ổn định trong màu áo Dortmund. Đồng ý rằng, cựu học viên lò đào tạo Man City đã được đặt vào một hệ thống đủ đầy điều kiện để tỏa sáng, nhưng đó chẳng phải mục tiêu và nhiệm vụ của mọi người HLV hay sao?
Cầu thủ sở hữu phẩm chất cá nhân xuất sắc tới đâu, cũng không thể một mình tự gánh vác thành công của cả đội bóng trong môn thể thao đề cao tính đồng bộ tập thể lên hàng đầu như bóng đá. Rời bỏ nước Đức nhằm tìm kiếm sự khẳng định tại Anh, những gì Sancho đang trải qua tại Old Trafford là sự lạ lẫm, về hòa hợp đồng đội và định hướng huấn luyện. Hãy cứ nhìn vào rất nhiều khoảnh khắc thực tế trên sân, khi Sancho bối rối trong khâu ra quyết định, rằng sẽ sút hay chuyền, và chuyền cho ai khi các đồng đội không tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ?
Sancho có phần bối rối trong chuyện đưa ra quyết định
Ngược lại trong nhiều tình huống khác, Sancho ở vào vị thế đối nghịch khi thực hiện các hành động bứt tốc chạy chỗ không bóng quen thuộc nhưng rốt cuộc bị đồng đội bỏ qua hoàn toàn. Cần thêm thời gian để thích nghi? 10 trận và 500 phút thi đấu đã qua, “tuần trăng mặt” như vậy có lẽ đã quá đủ. Sancho có lỗi, nhưng xứng đáng nhận phần chỉ trích lớn hơn là BHL Manchester United, với người chịu trách nhiệm chính là Solskjaer. Kiên quyết theo đuổi từ rất lâu, nhưng chính HLV người Na Uy cũng đang loay hoay chưa tìm ra cách lắp ghép Sancho vào bức tranh xếp hình của mình.
Từ hình ảnh của riêng Sancho, chúng ta có thể coi đó là đại diện cho thành tích dưới kì vọng của Man United từ đầu mùa tới nay. Dựa dẫm và phụ thuộc quá nhiều vào bản năng xuất sắc cá nhân mà chưa cho thấy sự đồng bộ gắn kết trong lối chơi tập thể, bất chấp số tiền mua sắm khổng lồ được ban lãnh đạo ưu ái cấp cho Ole sử dụng. Trong số 4 HLV nắm quyền tại Old Trafford kỉ nguyên hậu Sir Alex Ferguson, Solskjaer chính là người chi tiêu nhiều nhất với số lượng tân binh mang về lớn nhất.
Huấn luyện viên |
Thời gian tại vị |
Số tiền mua vào (Bảng) |
Số tân binh đội 1 |
Ole Gunnar Solskjaer |
19/12/2018 - nay |
390,000,000 |
13 |
Jose Mourinho |
01/07/2016 - 19/12/2018 |
374,000,000 |
11 |
Louis van Gaal |
01/07/2014 - 30/06/2016 |
251,000,000 |
13 |
David Moyes |
01/07/2013 - 22/04/2014 |
70,000,000 |
3 |
Thành tích mua sắm của 4 HLV Manchester United hậu Sir Alex Ferguson
Mua nhiều nhưng chưa chắc đã hiệu quả. Manchester United từng đối mặt với vấn đề này dưới thời hai người tiền nhiệm lão làng là Louis van Gaal và Jose Mourinho. Chấp thuận phương án Ole Gunnar Solskjaer, có lẽ ban lãnh đạo The Red Devils muốn tìm lại về nét truyền thống với một môn đồ của Sir Alex thuở nào, được trao niềm tin và quyền uy để ổn định lại phòng thay đồ sau quãng thời gian bão táp dưới trướng hai HLV cá tính. Dẫu vậy, sự tin tưởng tới đâu cũng cần được đền đáp bởi thành tích chuyên môn, thứ mà Ole tới nay chưa thể thành công và thậm chí đang cho thấy dấu hiệu ngày càng xa vời.
Sancho hay không Sancho. Ole hay không Ole. Những câu hỏi mang tính chất cá nhân đơn lẻ nhưng là tấm gương phản chiếu cho vô vàn vấn đề đang tồn tại trong nội bộ Manchester United. Tổng hòa mọi khía cạnh từ cá nhân tới tập thể, bộ óc chiến thuật tới người thầy đắc nhân tâm, chi tiêu mua sắm tới thành tích chuyên môn, nếu không thể gỡ rối được mớ bòng bong tồn tại ở mọi cấp độ, sân Old Trafford sẽ còn phải chìm sâu trong nỗi thất vọng dài.