Với sự chống lưng của Sir Alex, Solsa có cơ hội để chứng minh mình đủ khả năng đưa con tàu Man Utd đi đúng hướng trong 3 trận nữa. nếu thất bại, Solsa sẽ phải ra đi và Man Utd sẽ có một HLV mới mà rất có thể là Conte.
Khi xem một cuốn phim nào đó mà chúng ta được thấy một nhân vật luôn thoát hiểm trong gang tấc nhờ vào may mắn, chúng ta thường sẽ có 2 xu hướng tâm lý tuỳ thuộc vào đánh giá về nhân vật. Nếu đó là một người tốt, chúng ta chắc chắn sẽ xuýt xoa cho mỗi lần thoát hiểm của anh ta, hồi hộp theo từng bước dịch chuyển của anh ta để mong sao anh ta đừng gặp thêm vận nạn nào nữa. Ngược lại, nếu đó là một nhân vật phản diện, chúng ta sẽ có những phản ứng gần như cay cú với câu hỏi đi kèm “sao nó lại có thể thoát được nhỉ?”.
Solskjaer là nguyên nhân lớn nhất cho thất bại của MU trước Liverpool
Nhưng Solskjaer lại không phải là nhân vật chính diện hay phản diện. Ông đang được đánh giá không dựa trên phẩm chất cá nhân, trên lương tri và đạo đức cá nhân. Ông ở một soi chiếu khác, soi chiếu về năng lực đáp ứng cho một công việc có đòi hỏi cụ thể về tiêu chuẩn của nó. Vậy mà khi ông thoát hiểm lần này, vẫn có nhiều ấm ức của khán giả yêu bóng đá được thể hiện ra. Cơ bản, đa số họ không cho rằng ông đủ tầm dẫn dắt một CLB lớn như Man Utd.
Sau cuộc họp khẩn của lãnh đạo đội bóng, Solsa vẫn được đảm bảo có thời hạn. Ông có 3 trận để chỉnh sửa lại tất cả. Đó là trận gặp Tottenham, Atalanta trên sân khách và tiếp Man City trên sân nhà. Nếu Solsa thắng cả 3 trận thì sao? Họ sẽ có 20 điểm ở Premier League, ngang với Man City. Lúc ấy, có khi sóng gió cũng sẽ yên. Nhưng đã nói đến nếu thì cũng xoay ngược chiều lại. Thua cả 3 trận đồng nghĩa với gì? Man Utd có thể tụt xuống đến hạng 15 ở Premier League và hoàn toàn có thể là đội đứng thứ 3 ở bảng F của Champions League.
Như vậy, rõ ràng việc cho Solsa 3 trận để thử thách là một phí phạm có thể ảnh hưởng đến cả kết quả chung cuộc của cả mùa bóng. Nếu Man Utd thất bại cả 3 trận này, khoảng cách điểm của họ với Chelsea ở Premier League có thể lên đến con số 14, một khoảng cách có thể nói là không thể san lấp theo tình hình Premier League hiện nay.
Lịch thi đấu 3 trận tiếp theo của MU
Rất có thể, thực chất khả năng Man Utd chưa chốt được với người thế chỗ nên họ buộc phải câu giờ bằng việc cho Solsa một kỳ hạn. Được biết, sir Alex Ferguson và cựu giám đốc điều hành Martin Edwards đã cùng có mặt ở Carrington cho một cuộc họp chuẩn bị kế hoạch bổ nhiệm. Nhưng cũng có những nguồn tin cho thấy, đang có một xu hướng “bẻ ngược tình thế để duy trì tiếp tục vị trí của Solsa tại Man Utd”. Chiến dịch bảo vệ Ole này được cho rằng dựa trên một mộng tưởng về thành công của Solsa sẽ giúp duy trì văn hoá Man Utd vốn dĩ được thành hình rất vững chắc từ thời Ferguson còn nắm quyền.
Trước đó, cựu danh thủ Gary Neville cũng đã từng đăng đàn bảo vệ Solsa. Đại ý, Neville cho rằng CLB cần phải vững tâm và Man Utd không nên vì bất kỳ sự nóng vội nào mà đưa về một HLV cao thủ để thực hiện một dự án ngắn hạn 2 hay 3 năm mà thay vào đó cần kiên trì cho một dự án dài hơi thực sự và Solsa chính là người của dự án dài hơi ấy. Lập luận của Neville về phổ quát thì rất bắt tai, đặc biệt khi Neville lấy giai đoạn Van Gaal và Mourinho ra làm ví dụ. Nhưng về mặt thực tế, lập luận này chẳng hơn gì những chém gió có yêu-ghét vốn đầy rẫy. Man Utd đã kiên nhẫn với Solsa được mấy năm rồi? Chừng đó đã đủ thời gian để định hình một phong cách cho một dự án dài hơi hay chưa? Và Solsa đã định hình Man Utd như thế nào?
Tình thế của Man Utd hiện thời là cực khó khăn. Họ sẽ có một lịch thi đấu với toàn đối thủ khó trước mắt và cứ mỗi một tụt lại, Man Utd sẽ đánh mất rất nhiều ở cuối mùa giải như một trả giá thích đáng. Nên nhớ, cuộc đua lấy vé Champions League là so kè nhau từng điểm, thậm chí là cả so kè về hiệu số. Bỏ phí một trận nhiều khi sẽ thành bỏ phí cả mùa giải kế tiếp và kế hoạch tái thiết CLB vì thế lại mất thêm ít nhất 1 năm trong khi các trụ cột lại gần với tới hạn hợp đồng thêm 1 phần thời gian đáng kể.
Từ khi Ole đến, Man Utd cũng là đội chi ròng cao nhất xứ sương mù
Nếu Man Utd mạnh dạn sa thải Solsa sớm, dùng HLV tạm quyền trong khi chờ đợi hoàn tất thủ tục bổ nhiệm tân HLV, tâm lý của cả đội cũng sẽ khác. Ít nhất, việc tin vào chuyện sẽ có một thay đổi cũng đủ làm các cầu thủ bớt được 1 phần trì trệ. Và với một HLV tạm quyền, chuyện có thể kiếm được 2 điểm ở hai trận Tottenham, Man City là không phải quá khó. Còn với Solsa lúc này, có mấy ai dám tin Solsa có khả năng kiếm được 2 điểm ấy đây? Mà 2 điểm thì thực tế không ít chút nào khi cuối mùa chúng ta nhìn vào khác biệt vị trí trên bảng tổng sắp.
Chuỗi kết quả bi quan của Man Utd gần đây được nhiều nhà bình luận Anh quốc cho rằng do Solsa khá ngây thơ trong chiến thuật. Liệu có một HLV nào có thể xoá bỏ hoàn toàn cái ngây thơ về chiến thuật chỉ sau 3 trận hay không, nhất là khi ông ta bắt đầu không còn được lòng cầu thủ nữa? Với câu hỏi này, đủ để thấy tin Solsa thêm 3 trận là thêm 3 lần phí phạm và là một niềm tin còn ngây thơ hơn cả chiến thuật của Solsa.
Ole xưa kia nổi bật với biệt danh “sát thủ có gương mặt trẻ thơ”. Đúng là trẻ thơ thì hồn nhiên, và trong sáng. Để chơi bóng, người ta có thể rất hồn nhiên nhưng để làm bóng đá, đặc biệt là quản trị, thì không thể hồn nhiên được. Bởi thế, không ít người sau một vài năm làm huấn luyện tóc đã bạc phơ hoặc đã rụng hoàn toàn. Ở cương vị ấy, mỗi toan tính đều là những lần kiệt lực cả.
Ole đã già đi từ lúc nắm ghế
Solsa cũng có già đi, một chút, cái già thể lý đơn thuần và ở mức độ rất thông thường mà một người không cần vắt kiệt trí lực cũng già đi theo tốc độ tương tự. Ông vẫn giữ được cái hồn nhiên của kẻ chơi bóng. Điều đó thì tốt thôi, nhưng ông lại đang không chơi bóng nữa. Vậy thì tốt hơn cả, chính ông nên là người tự nguyện nói lời chia tay, và có lẽ, vị trí bình luận trên truyền hình là phù hợp với ông hơn cả. Ở đó, ngây thơ và hồn nhiên không thể bị chỉ trích. Thậm chí, nó còn có thể là một “đặc sản” không chừng.