Thất bại không phải là thảm hoạ. Thất bại là cơ hội để nhìn thấy được những gì cần cải tổ. Và ĐTVN vẫn còn dư địa phát triển chứ không phải đã đến ngưỡng tới hạn. Nhưng muốn cải tổ, rất cần ông Park phải mạnh dạn hơn.
Ngày ông Park Hang-seo mới sang Việt Nam làm việc, khi mà cái tên của ông còn xa lạ và chưa được xem là thần tượng “quốc dân” như hôm nay, đã có những hình ảnh ngộ nghĩnh của ông tạo được cảm tình ngay từ ban đầu với những khán giả yêu bóng đá Việt Nam. Điển hình là cái cách ông nép mình ở cabinet huấn luyện he hé mắt nhìn cầu thủ của mình đá phạt đền ở VCK U23 châu Á năm nào. Khi ấy là một ông Park rón rén vô cùng.
Rồi sau đó, ông xuất hiện quen dần với nhiệt tâm thể hiện ngay trên đường chỉ đạo. Nhiều khi ông còn nhiệt hơi quá, tới mức độ cư dân mạng chế ảnh ông thành những hình ảnh rất “gấu ó”, thể hiện đúng tinh thần bảo vệ màu cờ sắc áo, bảo vệ cầu thủ của mình hết mực. Ông cũng mạnh mẽ hơn trong việc tiếp xúc truyền thông và có được một uy thế khó có thể xâm phạm nhờ vào tình cảm lớn mà người hâm mộ dành cho ông.
Một ví dụ điển hình
Nhắc lại những câu chuyện tương phản ấy thực ra là để đi tìm một chân dung thực nhất về ông. Park Hang-seo là một người dũng cảm, dám liều lĩnh thử thách hay là một người cẩn trọng? Trả lời câu hỏi này theo cách nào cũng đều mang tính võ đoán cả. Chỉ những ai làm việc sát bên cạnh ông lâu dài may ra mới hiểu ông như thế nào. Nhưng theo như nhìn nhận chung của một số người, có vẻ như ông Park thuộc mẫu người cẩn trọng.
Nếu quay lại với ĐTVN ở giai đoạn 2018 chúng ta sẽ thấy khi đó ông Park luôn tạo ra bất ngờ mỗi khi lựa chọn đội hình ra sân. Nhiều tay bút thể thao thời đó đã nhận xét rằng ông Park toan tính rất khó đoán trước. Nhưng ở thời hiện tại thì mọi việc có vẻ lại khác hẳn. Nhân sự ông Park lựa chọn không còn khó đoán nữa. Ông gần như giữ một bộ khung cố định đến mức độ đội hình ra sân có thể được chúng ta đoán trúng phóc trước khi bóng lăn 2-3 ngày.
Hai khác biệt kể trên thật ra rất dễ lý giải. Khi mới bắt tay vào làm việc với ĐTVN, dĩ nhiên ông Park đang trong quá trình tìm đường, và do đó ông chấp nhận tất cả các thử nghiệm có thể. Đến khi đã có được đáp án cho mình rồi, và đáp án ấy mang lại những thành tích đủ để dựa lưng vào đó mà tin cậy, ông Park cảm thấy không còn cần phải mạo hiểm cho các thử nghiệm nữa.
Đội hình Việt Nam hiện đã dễ đoán hơn rất nhiều
Nhưng đời sống vốn dĩ được tạo dựng trên nền tảng của những vận động. Không có gì đứng yên cố định. Càng không có gì là thường hằng. Và một khi đội bóng của ông Park đứng yên trong cái khung định sẵn, tiến bộ sẽ khó có thể đạt được hoặc nếu có thì cũng chậm chạp vô cùng.
Hãy nhìn vào trường hợp của ứng cử viên giải thưởng Quả bóng vàng 2021 Nguyễn Hoàng Đức. Thật ra, Đức mới chỉ chiếm được suất đá chính như một trụ cột của ĐTQG khoảng từ tháng 06/2021 mà thôi. Trước đó, khi Đỗ Hùng Dũng còn chưa dính chấn thương, mặc định một suất chính ở hàng tiền vệ phải thuộc về Dũng. Và khi ông Park bất đắc dĩ không thể dùng được Hùng Dũng, cuối cùng ông có gì? Đó là một Hoàng Đức vững vàng, chững chạc, xứng vai trò của một chủ chốt. Nói không ngoa, chính những người thành danh ở ĐTQG trước Đức nhiều năm như Xuân Trường, Tuấn Anh giờ còn phải cạnh tranh mệt mỏi mới có vị trí trong khi Đức luôn là lựa chọn số 1. Không khó để hình dung, khi Hùng Dũng quay lại và ở phong độ tốt nhất của mình, chắc chắn cặp tiền vệ trung tâm của ĐTVN sẽ phải là Hùng Dũng - Hoàng Đức chứ không phải ai khác.
Nhưng nếu Hùng Dũng không chấn thương và vẫn sừng sững ở đó thì sao nhỉ? Hoàng Đức sẽ đi tới đâu trong cuộc chơi vị trí này? Rõ ràng, “món quà” ông Park nhận được không đến từ việc ông mạnh dạn, liều lĩnh đánh cược vào một tiềm năng mà nó đến từ các biến cố khách quan nhiều hơn.
Mãi người ta mới thấy Tấn Tài ở AFF Cup
Ở AFF Cup năm nay, ai cũng nhận thấy Văn Thanh không có được phong độ như ý muốn. Nhưng phải đến trận cuối cùng của ĐTVN ở giải đấu, Hồ Tấn Tài mới được chính thức ra sân. Câu hỏi bây giờ là nếu tiếp tục giữ tương quan phong độ như hiện nay, đợt thi đấu trở lại ở vòng loại World Cup 2022 tới đây ông Park sẽ dùng ai: Văn Thanh hay Tấn Tài? Nội câu hỏi này cũng đủ để chúng ta cãi nhau như mổ bò bởi quyết định của ông Park có thể sẽ khác với cách ta nghĩ rất nhiều.
Rồi kế đó là những câu hỏi tương tự cho vị trí Hồng Duy. Khi Văn Hậu chấn thương, gần như cánh trái của Việt Nam do Hồng Duy độc chiếm. Chẳng lẽ ở Việt Nam ngoài Hồng Duy ra, lúc này không còn một ai có thể chơi hậu vệ trái hoặc biên thủ trái (left wingback) tốt hay sao? Ở đây, câu chuyện niềm tin nổi lên rõ rệt nhất. Khi ông Park chưa tin tưởng, ông sẽ không dùng. Và việc không tin tưởng cùa ông chắc cũng có lý do.
Nhưng sau trận bán kết lượt về gặp Thái Lan, chúng ta nhận ra rằng không phải các trụ cột kể trên của ông Park là không thể thay thế. Nếu mạnh dạn cho các nhân tố mới cơ hội, rất có thể họ sẽ bộc lộ tốt như Hoàng Đức hay Tấn Tài đã làm. Nói thẳng, ở ĐTVN hôm nay đúng là có những vị trí không thể nào thay thế mà điển hình là vai trò của Quang Hải. Nhưng còn lại các vị trí khác thì sao? Dường như tính cạnh tranh vị trí trên đội tuyển đang mai một dần. Mà một khi tính cạnh tranh mai một, cầu thủ cũng sẽ mai một.
Khi ông Park mới sang Việt Nam, Hà Đức Chinh là tiền đạo được ông dùng tương đối nhiều. Tiến Linh khi đó ở đâu? Nhưng chính vì tính cạnh tranh lúc ấy tốt, Tiến Linh mới bật lên như vậy. Song, khi. đã cố định Tiến Linh là trung phong số 1, nhất là khi Anh Đữc đã chia tay, cả Tiến Linh lẫn Hà Đức Chinh đều có dấu hiệu chững lại chính vì thiếu đi cái cạnh tranh lành mạnh cần có.
Hà Đức Chinh đã có một trận đấu rất tốt
Đấy là nói về nhân sự. Còn nói về lối đá, có lẽ cũng cần bàn thêm. Vẫn biết, mỗi HLV sẽ theo đuổi một triết lý riêng nhưng một khi triết lý ấy đã trở nên quá dễ bắt bài với các đối thủ, chính HLV phải tự làm mới mình hoặc nếu không HLV ấy sẽ bị thay thế. Đó là quy luật chung rồi, bóng đá cũng chỉ là một khía cạnh chịu sự chi phối của quy luật ấy mà thôi. Và ĐTVN suốt mấy năm qua định hình lối chơi phản công rất rõ nhưng giờ này, dường như lối chơi ấy không còn phù hợp nữa. Đơn giản, muốn chơi phản công, hàng tấn công rất cần tốc độ. Ở ĐTVN hiện nay, tốc độ chính là thứ hàng công đang yếu nhất và thiếu nhất.
Khi không có một yếu tố tiên quyết để chơi phản công, việc theo đuổi lối chơi phản công có còn hợp lý? Sẽ có người chắc chắn bẻ lại câu hỏi này bằng lập luận “Ta yếu, đối thủ mạnh không chơi phản công thì chơi cách gì?”. Đừng vội nghĩ kẻ yếu chỉ có một đường lối là chơi phản công và phải là kẻ mạnh mới có thể chơi tấn công. Tấn công trong bóng đá đa dạng lắm. Chưa mạnh thì không thể chơi tấn công tốc độ cao, cường độ cao nhưng vẫn có thể chơi một thứ bóng đá kiểm soát tốt với thiên hướng tấn công chủ động. Nhiều đội bóng trung bình vẫn làm cách này và hiệu quả. Quan trọng là con người phù hợp hay không, rồi sau khi đã có con người phủ hợp thì tập các bài đánh nhuần nhuyễn đến mức nào mà thôi.
Với 4 năm trời làm việc ở Việt Nam, gặt hái rất nhiều thành tích rồi, ông Park chắc thừa hiểu cái cỗ máy ông đang vận hành nó bắt đầu rơi vào trạng thái ì. Và có lẽ, đã đến lúc ông cần mạnh dạn tiến hành các đại tu cần thiết để nâng tầm bộ máy ấy. Các tuyển thủ VN vẫn còn ở độ tuổi sung sức, có thể phát triển và họ rất cần ông phát triển họ để không những chính bản thân họ mà cả tập thể cũng tiến bộ hơn. Tuy nhiên, vấn đề là ông Park có muốn tiến hành một cuộc cải tổ hay không mà thôi. Cơ bản, ông là đầu tàu kéo cả con tàu đi trên đường ray. Sức ì của đầu máy mới đáng ngại. Nhưng với những thay đổi nho nhỏ mới tiến hành ở mấy trận vừa rồi và kết quả nó mang lại, ông Park có thể tin rằng việc cải tổ của mình sẽ khả quan. Vả lại, ông cũng cần nhớ rõ ông có một vũ khí vô cùng tối ưu. Đó chính là chỗ dựa ở phía nguời hâm mộ, những người vẫn luôn ủng hộ quyết định của ông tuyệt đối.