Lại là hàng thủ với 3 trung vệ; lại là loay hoay chuyển đổi trở về 4-2-3-1 sau khi thay người ở đầu hiệp 2, Man Utd không còn một ý tưởng nào khác để thể hiện và họ chơi như những đứa trẻ trước một Man City già jeu hơn, tinh quái hơn, khoa học hơn và hệ thống hơn.
Fred và McTominay dường như ngoài tranh chấp ra họ không còn biết làm việc gì khác. Chính vì thế, Man Utd không thể triển khai bóng từ tuyến dưới khi mà 3 trung vệ của họ không biết chỗ nào thuận lợi để mà chuyền. Và khi Man Utd chủ trương đá phòng ngự phản công, Man City đã chống phản công quá hiệu quả khi tổ chức phòng thủ sớm cực kỳ chặt chẽ. Gần như toàn bộ bóng 2 rơi vào chân các cầu thủ Man City và mỗi khi Man Utd hiếm hoi có bóng để phản công, họ cũng mất bóng quá nhanh bởi sự vụng về, phản ứng chậm và thiếu ý tưởng của những người cầm bóng.
Solskjaer không phản ứng gì nhiều trong trận đấu
Trong một tình thế khó khăn vô vàn như thế, Solsa đã làm gì? Ông ta không có bất kỳ một hành vi chỉ đạo nào cho các cầu thủ trên sân suốt 90 phút cả. Chỉ là những trao đổi thầm kín với trợ lý. Sau đó là những truyền đạt lại cho cầu thủ sắp vào sân thay người. Gần như không tồn tại một đường dây thông tin nào giữa Solsa với các học trò của mình cả. Và người duy nhất thúc đẩy các cầu thủ Man Utd dường như chỉ có một mình Bruno Fernandes lúc nào cũng tỏ ra bực bội mà thôi.
Trong khi đó, ở phía bên kia, Pep Guardiola đã làm gì? Dù Man City đã có bàn thắng sớm; dù Man City đang có một thế trận trên chân đối phương, Pep vẫn liên tục có những chỉ đạo, nhắc nhở ngay lập tức đối với những Cancelo, Foden, Silva… mỗi khi họ bộc lộ một sai lầm dù rất nhỏ. Đối với một người cầu toàn như Pep, ông nhìn nhận cỗ máy của mình với ánh mắt cảnh giác thường trực. Ông cảnh báo ngay cho học trò mỗi khi thấy cỗ máy ấy vận hành chưa ổn. Với ông, tinh chỉnh là hành vi phải được thực hiện xuyên suốt trong cả trận cầu chứ không phải chờ tới 15 phút nghỉ giữa hiệp hay là cuộc họp rút kinh nghiệm khi trận cầu đã kết thúc.
Pep vẫn hò hét suốt cả trận dù đội ông dẫn bàn
Và dưới cơn mưa tầm tã của thành Manchester, hình ảnh Solsa và Pep bên đường biên lại càng tương phản hơn, đối lập hơn. Sức sống của đội bóng dưới cơn mưa lạnh bắt đầu từ vị trí ngoài đường biên đó. Từ độ khác biệt về sức sống ấy, cái thắng, cái thua là quá rõ.
“Trận thắng Tottenham là một bước tiến rất lớn nhưng chúng tôi còn phải cải thiện mình ở mọi khía cạnh trong các trận cầu”, chính Solsa đã phát biểu như thế ở cuộc họp báo trước trận. Nhưng sự cải thiện mà ông thực hiện là gì? Tại sao nó không phải là những cải thiện ngay trong từng phút diễn biến trên sân, khi mà các cầu thủ đang bị cuốn vào nhịp chơi bóng và dễ bộc lộ sự mất tỉnh táo và cần nhất những hướng dẫn của một cái đầu lạnh ở phía bên ngoài? Tại sao cái đầu lạnh không tồn tại ở Solsa mà chỉ có một gương mặt lạnh như vô cảm với từng gian khó mà cầu thủ của mình đang phải đối diện.
So sánh năng lực Pep và Solsa là một so sánh khập khiễng nhưng cách làm việc thì chúng ta có thể mang ra để so sánh được. Những nhắc nhở, chỉ đạo của Pep nó mới đúng cái tinh thần công việc của một HLV, và hơn hết, nó thể hiện tinh thần chịu trách nhiệm bằng hành động. Còn phát biểu nhận lỗi về mình sau mỗi cuộc họp báo thì chỉ là nhận trách nhiệm bằng lời. Và cuộc đời cầu thủ thì không bao giờ giành danh hiệu bằng lời cả.
Hai thế cực đối nghịch
Man Utd đã thua Man City từ ngay bên ngoài đường biên. Còn họ có thể thắng đối thủ trên thương trường bởi bề dày lịch sử thành tích của họ là quá lớn. Nhưng hãy dè chừng. Thời gian trôi nhanh lắm. Từ ngoài đường biên vào tới sân cỏ cũng có ngày dẫn luôn tới thị trường. Khi Man City vượt mặt Man Utd trên thị trường rồi, lúc ấy nhà Glazer có nhận ra sai lầm của hôm nay (đã trở thành hôm xưa ở thời điểm đó) thì có khi cũng đã quá muộn.