Man Utd có vẻ đang rất nóng lòng chốt hợp đồng với Erik ten Hag. Và họ sẵn sàng thử một lần chơi lớn xem thiên hạ có trầm trồ…
Man Utd đang hi vọng có thể chốt lại hợp đồng với Erik ten Hag trong tuần sau. Vị HLV người Hà Lan từng được mệnh danh là “Tiểu Pep” do thời gian làm việc cùng Guardiola ở Bayern Munich được kỳ vọng sẽ là người kiến tạo ADN chiến thuật cho Man Utd sau khi CLB trải qua những năm tháng thiếu bản sắc chiến thuật và chỉ dựa trên ADN quản trị mà sir Alex Ferguson để lại.
Để thuyết phục ten Hag, ban lãnh đạo Man Utd đã cam kết rằng kể cả việc Man Utd không được dự Champions League mùa giải tới đi nữa thì ngân sách chuyển nhượng cho tân HLV trưởng cũng sẽ rất dồi dào. Rõ ràng, cam kết này cho thấy Man Utd thực sự muốn chơi lớn, muốn đầu tư lớn để ten Hag có thể mang lại một kỷ nguyên thành công mới cho Man Utd giống như Pep và Klopp đã và đang làm được ở Man City và Liverpool.
Tuy nhiên, chơi lớn chưa chắc đã là chơi đẹp bài. Man Utd cần phải biết chơi đẹp bài nếu không muốn biến tân HLV của mình trở thành một nạn nhân nữa như Solsa, Mourinho… đã từng. Được biết, trọng tâm của Man Utd trong kỳ chuyển nhượng mùa hè này sẽ là 2 tiền vệ trung tâm và 1 tiền đạo. Họ nhắm tới Declan Rice, Kalvin Phillips, John McGinn, Kane, Bellingham… Sẽ lựa chọn ai trong số các cái tên ấy không phải là câu hỏi. Câu hỏi lớn chính là “Để chơi đẹp bài, họ có chịu lựa chọn trên cơ sở Erik ten Hag có cần những cái tên kể trên hay không?”.
Thực tế, quyền lực chuyển nhượng ở Man Utd nhiều năm qua nằm trong tay hai lực lượng cân bằng nhau về quyền lực là HLV trưởng và đội ngũ tuyển trạch. Hai thế lực này có quyền phủ quyết ngang nhau nhưng thực chất, rất nhiều lần HLV trưởng đã phải thoả hiệp với nhóm tuyển trạch quyền lực kia vì mục đích thương mại của CLB. Man Utd trả giá vì sự thoả hiệp này và chính HLV cũ của họ là Louis Van Gaal đã phải cảnh báo Erik ten Hag rằng “đó là một CLB thương mại”.
Muốn chơi lớn để thiên hạ trầm trồ thực sự, Man Utd phải giải quyết được vướng mắc kể trên. Giới phân tích ở Anh đã đưa ra 5 điểm trọng yếu mà ten Hag cần cải tổ ở Man Utd nếu muốn đi tới thành công. Điểm đầu tiên chính là không được thoả hiệp trong chuyển nhượng. Ten Hag được nhắc nhở rằng ông phải quyết liệt và chỉ mua cầu thủ nào mà ông muốn, ông cần. Thứ hai, ten Hag cần phải cho cầu thủ biết ai mới là ông chủ. Đây cũng là việc cấp bách bởi ở một đội hình quá nhiều cái tôi ngôi sao như hiện nay, chỉ có mệnh lệnh thép của HLV trưởng mới có thể đưa tất cả đi vào quy củ. Muốn vậy, phải có những ví dụ mang tính tiền lệ về chuyện kỷ luật, trảm ngôi sao đủ để phần còn lại phải ngồi im trật tự. Thứ ba, cải thiện thể lực cầu thủ. Thứ tư, cải thiện kỷ luật chiến thuật. Và cuối cùng, cải thiện tư duy di chuyển toàn khối đội hình.
Thực tế, các phân tích kể trên đều vô cùng xác đáng và 3 nhiệm vụ cuối là những thứ trong tầm tay đối với một HLV cực kỳ chi tiết như Erik ten Hag. Chỉ có 2 nhiệm vụ đầu mới là khó nhằn nhất. Và thực tế, hai nhiệm vụ đầu ấy chỉ cần được giải quyết bằng một động thái duy nhất: xử lý gọn ghẽ thế lực của đội ngũ tuyển trạch.
Sự vô tổ chức của Man Utd đến từ chính vai trò quá lớn của nhóm tuyển trạch này. Họ tạo ra một chỗ dựa phi chuyên môn cho cầu thủ và do đó, trong mối quan hệ HLV - cầu thủ, sự tôn trọng sẽ mai một đi rất nhiều do cầu thủ ỷ lại vào thế lực tuyển trạch viên, những người có thể mang lại cho họ những bản hợp đồng mới mà không cần quá quan tâm đến ý kiến của HLV trưởng. Erik ten Hag phải “đè bẹp” nhóm thế lực này thì ông mới rảnh tay để tạo dựng một ADN cho Man Utd sau này.
Tình hình hiện tại ở Man Utd có vẻ đang thuận lợi cho cuộc cách mạng mà ten Hag có thể sẽ tiến hành. Việc Ed Woodward từ chức mang lại rất nhiều lợi ích khi nó có thể thay đổi hệ thống chuyển nhượng và hợp đồng ở Man Utd. Nếu Ralf Rangnick được cất nhắc lên vị trí “trùm tuyển trạch”, lợi thế của ten Hag càng lớn hơn nữa khi Rangnick là người chủ trương chọn ten Hag cho Man Utd và lối làm việc của họ cũng rất tương đồng với nhau. Nếu họ hợp nhất được quyền lực của HLV với quyền lực của nhóm tuyển trạch, mà nói cụ thể là nhóm tuyển trạch quy thuận dưới trướng HLV trưởng, chắc chắn Man Utd sẽ khởi sắc, không chóng thì chầy.
Thử một lần chơi lớn xem thiên hạ có trầm trồ, Man Utd cần chơi theo cách cải tổ chính bộ máy chứ không chỉ sẵn sàng chi tiền chuyển nhượng đơn thuần. Và nếu họ cam kết thêm với Erik ten Hag về quyền tự quyết của ông, chắc chắn ông sẽ dễ bị thuyết phục hơn. Nên nhớ, ở kỷ nguyên thành công của Man Utd đã qua, không một ai có quyền vượt qua sir Alex Ferguson về chuyên môn cả. Man Utd cố gắng gìn giữ ADN quản trị mà sir Alex đã tạo dựng thì họ cần nghĩ đến cách mà sir Alex đã làm, quyền hạn của ông như thế nào để từ đó tạo ra một vị thế tuyệt đối cho tân HLV của mình.