Trong những ngày mùa Đông, khi mà các CLB khác tương đối sốt sắng trên thị trường chuyển nhượng thì Man Utd lại lặng lẽ hoàn toàn. Nhưng đó là một sự lặng lẽ vô cùng hợp lý…
Khi Ralf Rangnick nhận ghế HLV tạm quyền ở Old Trafford, bắt đầu có những đồn đoán về chuyện ai sẽ ở lại, ai sẽ ra đi vì không chịu nổi nhiệt từ vị HLV người Đức. Đồn đoán ấy ngày càng rõ rệt hơn khi trường hợp Paul Pogba vẫn chưa có hướng giải quyết và vụ căng thẳng mang tên Martial bắt đầu được đẩy lên cao trào.
Ở vào thế phải tái thiết Man Utd và gặp nhiều khó khăn về việc thống nhất nhân sự như vậy, một HLV thông thường sẽ tìm đến hướng giải quyết là thị trường chuyển nhượng mùa Đông. Có thể không phải người HLV ấy sẽ được mua sắm ồ ạt nhưng ít ra ông ta cũng sẽ có vài bổ sung cần thiết, hoặc ít nhất là cần trong ngắn hạn, để cứu vãn cả một mùa giải. Nhưng Ralf Rangnick lại không làm như vậy bất chấp ông bắt đầu nhận được rất nhiều áp lực sau chuỗi trận chưa thuyết phục vừa rồi. Song, sự im lặng mà Rangnick đang thể hiện trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông này mới chính là thứ để chúng ta cần phải nể trọng ông hơn nếu như lý giải chủ quan của chúng ta về sự im lặng ấy là đúng.
Thực tế, ai cũng hiểu rằng Man Utd không thể phình to bộ máy nhân sự thêm nữa vào lúc này vì vấn đề cân đối ngân sách lương. Nhưng nếu có một sự sốt sắng giải quyết những cá nhân không thể hiện sự thiết tha với CLB bằng các vụ cho mượn hoặc bán tháo, Man Utd vẫn hoàn toàn có thể bắt tay vào chuyện chiêu mộ cầu thủ. Khá lạ là không có một động thái nào được biểu hiện ra ngoài cả, kể cả bán, cho mượn lẫn hỏi mua, hỏi mượn. Man Utd giữ nguyên hiện trạng nhân sự của mình y như khi Rangnick còn chưa tới. Với các cá nhân vắng mặt không thể thi đấu do chấn thương, dịch bệnh hoặc thái độ, Rangnick thay thế họ bằng những nhân tố có sẵn như các cựu binh (Phil Jones) hay các cầu thủ trẻ (như Elanga). Rõ ràng, HLV người Đức đang cố sức cầm cự. Và ông cầm cự vì lẽ gì?
Rất có khả năng, Rangnick sẽ không tiếp tục ngồi ghế huấn luyện Man Utd sau khi mùa giải này chấm dứt. Ông sẽ lui về đúng nghĩa như một cố vấn cao cấp có thực quyền giống như đã ràng buộc trong hợp đồng. Và ông sẽ lựa chọn một HLV khác cho Man Utd. Việc lựa chọn ấy thậm chí có thể đã được ông cân nhắc ngay từ lúc này, nhất là khi ông có điều kiện tiếp xúc hàng ngày để hiểu tâm tư, nguyện vọng và cả thái độ của những cầu thủ Man Utd đang sở hữu.
Việc nhắm đến chuyện sẽ chọn một HLV khác cho Man Utd nhiều khả năng chính là nguyên nhân Rangnick không có động thái ở kỳ chuyển nhượng mùa Đông. Hơn ai hết, ông hiểu rằng mỗi HLV sẽ có một ý tưởng phát triển đội hình riêng của mình, và từ đó muốn kiếm tìm các nhân tố phù hợp với ý tưởng ấy. Rangnick không thể mạnh tay lựa chọn nhân sự tương lai cho Man Utd ngay từ lúc này bởi nếu ông làm vậy, nó đồng nghĩa với việc vị tân HLV của Man Utd ở mùa giải tới sẽ lại là một người chơi cờ thế tiếp nối và dẫn đến nguy cơ gặp phải những thất bại tiếp nối.
Ở điểm này, nếu đúng là Rangnick đang “để dành” chuyện mua mới cầu thủ cho vị tân HLV Man Utd trong tương lai gần, ông rất đáng được ngợi khen và nhận được sự kính trọng. Rõ ràng, không đẩy người kế tục mình vào thế đã rồi là cách tôn trọng công việc của họ nhất. Rangnick sẽ chỉ ở đó, đúng nghĩa trong vai trò tham mưu và hỗ trợ việc đàm phán để làm sao Man Utd sẽ có được những tiềm năng tốt nhất cho một kế hoạch lâu dài.
Thực tế, kể từ sau David Moyes, Man Utd trở nên hỗn loạn vì mỗi HLV lại mang về một vài cầu thủ kỳ vọng nào đó và kết cục là họ để cho người kế nhiệm mình phải giải quyết một đống tồn đọng quá lớn. Cuộc khủng hoảng ở Man Utd sâu sắc hơn người ta tưởng ở điểm đó. Nó không chỉ đội chi phí thường niên của đội bóng lên quá nhiều mà nó còn khiến doanh thu sút giảm khi thành tích thể thao là bất tương xứng.
Với cuộc đấu khẩu gần đây nhất với Anthony Martial của Rangnick, chúng ta mới nhận thấy ở Man Utd đang thiếu tính kỷ luật đến mức nào. Sự vô kỷ luật này đến từ việc đội bóng đã quá lâu rồi chỉ còn là tập hợp những cái tên sao số mà không có một người dẫn đầu đủ sức áp đặt mệnh lệnh của mình lên toàn bộ. Và giả sử như ở kỳ chuyển nhượng mùa Đông này, Rangnick đưa về 1-2 cái tên mới mẻ nữa, điều gì sẽ xảy ra với vị HLV mới của đội bóng kể từ tháng 6 tới? Rất khó có thể điều chỉnh được mối quan hệ quá phức tạp ở phòng thay đồ và hệ luỵ sẽ lại là một mùa giải nữa không hiệu quả, đầy rẫy những khúc mắc và tiếp tục là tâm điểm chỉ trích của số đông.
Tất nhiên, lý giải kể trên chỉ mang tính phỏng đoán bởi kỳ chuyển nhượng mùa Đông còn những 2 tuần nữa mới kết thúc. Song, khả năng Rangnick mua một ai đó lúc này là cực thấp bởi Man Utd gần như không có bất kỳ một động thái nào cho thấy họ sẵn sàng tham gia thị trường. Sự dậm chân tại chỗ này, cùng với khối nhân sự chưa được thống nhất với nhiều kiểu thái độ thể hiện khác nhau, sẽ trở thành thử thách rất lớn cho Rangnick ở giai đoạn lượt về của Premier League. Chắc chắn, ông sẽ còn bị chê bai dài dài, bị mang ra so sánh với các cái tên khác dài dài.
Người hâm mộ sốt ruột và họ mong thấy một Man Utd tráng lệ như nó đã từng. Nhưng “cảnh đẹp thì thường phải ngắm từ từ”. Man Utd hôm nay không phải là một kết cấu ổn định sẵn chỉ cần trùng tu là có thể hoá thành một lâu đài lộng lẫy. Họ cũng chẳng phải là một bãi đất trống mà kiến trúc sư có thể từ đó vẽ ra một công trình đầy sức hút. Đội bóng lúc này không khác gì một đống đổ nát mà Rangnick trước khi muốn xây cất gì thì việc trước tiên cần làm là ông phải dọn dẹp sạch sẽ cái đống xà bần, chắt lọc giữ lại những vật liệu còn tốt, đẹp, bền, chắc để tái sử dụng. Cái việc dọn dẹp ấy mất thời gian rất nhiều mà Rangnick thực tế chỉ còn có nửa năm nữa để hoàn tất mà thôi. Bởi thế, đừng vội thất vọng với những gì Rangnick đang có được với Man Utd lúc này. Cơ bản, ông chưa thể bắt tay vào xây mà ông cần phải xử lý gọn gàng những gì người ta đã phá trước mắt cái đã.
Nếu Man Utd tuyệt đối im lặng ở kỳ chuyển nhượng mùa Đông, hãy tin rằng đó là một im lặng tích cực…