Chắc vé vượt qua vòng bảng Champions League, Man Utd không dồn hết nhân lực cho trận gặp Young Boys… Và đó cũng là dịp để Rangnick thử sức các nhân tố ông đang có trong tay mình.
Hai trận chưa đủ để nhận xét gì về một con người, về một hướng đi nhưng nếu chỉ khu biệt lại trong những gì chúng ta thấy trong 2 trận thôi, nhiều người hẳn dám mạo muội đánh giá rằng Rangnick đang là một HLV thú vị nhất của Man Utd kể từ thời kỳ sir Alex Ferguson về hưu cho tới nay. Việc ông mạnh dạn thay đổi hoàn toàn đội hình xuất phát ở 2 trận kế tiếp và sử dụng tới 26 cầu thủ trong 180 phút làm việc đầu tiên của mình ở Old Trafford đã đủ cho thấy người đàn ông Đức mạnh dạn và quyết liệt đến thế nào.
Có thể trận hoà Young Boys khiến khách quan có chút thất vọng về Man Utd nhưng phải thừa nhận, đó là một trận hoà thành công. Ở đây, sự thành công không đo trên điểm số, vị trí trong bảng hay số bàn thắng ghi được bởi nếu lấy thước đo ấy thì có thể nói là Rangnick đã thất bại. Thành công nên được đánh giá trên tiêu chuẩn rộng hơn: diện mạo của một kế hoạch lâu dài.
Ở Champions League, mỗi trận đấu mỗi HLV được quyền thực hiện tối đa 5 lần thay người và Rangnick không bỏ phí bất kỳ một lần thay người nào của mình bất chấp ông đã đổi toàn bộ đội hình xuất phát so với trận gặp Crystal Palace. Hai trong số 5 lần thay người của ông rơi vào phút 89, cụ thể là Iqbal và Savage, có thể không mang tính thử nghiệm bởi lẽ chỉ vài phút chót trên sân chưa đủ để cầu thủ thể hiện mình nhưng hai sự thay người ấy lại mang động lực lớn cho hai cầu thủ trẻ lần đầu tiên được ra mắt Man Utd. Đó cũng là một lợi ích tinh thần mà chúng ta không nên bỏ qua.
Những cầu thủ trẻ của MU đã có cơ hội được ra sân vào đêm qua
Rõ ràng, Rangnick đang muốn dùng chính những trận đấu chính thức để sát hạch toàn bộ cầu thủ của mình. Việc đánh giá chất lượng cầu thủ theo cách này sẽ mang lại cho Rangnick cái nhìn sâu sắc hơn về nhân sự ông có trong tay, và từ đó, ông hoàn toàn có thể tạo dựng một Man Utd theo đúng hình dung của mình với những cá nhân được đặt vào đúng vị trí sở trường.
Và dù kết quả hoà có thể được xem là không thể chấp nhận được nhưng Man Utd phiên bản Rangnick đã thực sự lộ diện. Đó là một đội bóng đúng nghĩa đang ở tình trạng “hệ thống tổ chức đã định hình nhưng cá nhân con người thì vẫn còn nhiều tồn đọng cần tinh chỉnh”.
Không khó để nhận thấy ý tưởng mà Rangnick áp đặt lên Man Utd là gì. Đó chính là một lối chơi trực diện, pressing có tổ chức bài bản và liên tục, tổ chức các phòng tuyến đa tầng để đón lõng các tình huống bóng một cách hiệu quả nhất. Sự trực diện đến từ một thay đổi mang tính bản lề so với Man Utd của suốt thời sir Alex Ferguson và kéo dài cho tới tận lúc Solskjaer còn làm việc. Đó chính là biến đổi từ một Man Utd chủ trương dàn xếp và phát động từ hai biên sang một Man Utd dàn xếp và phát động từ hai nội biên (half-space) và trung lộ.
Vị trí trung bình của các cầu thủ Man Utd trận này
Nếu chúng ta chia chiều ngang sân bóng ra làm 5 phần bằng nhau thì sẽ được 3 hành lang cụ thể là: trung lộ (nằm chính giữa), hai biên và hai nội biên (chuyển tiếp giữa biên và trung lộ). Khung thành nằm ở vị trí nào thì chẳng cần phải giải thích nữa nhưng câu hỏi nên đặt ra là để ghi bàn, tức uy hiếp trực tiếp khung thành, con đường ngắn nhất là đâu? Theo thứ tự, nó sẽ là trung lộ, nội biên rồi mới đến hai biên. Từ đó suy ra, việc dàn xếp phát động từ hai biên không khác gì đi đường vòng để đến khung thành trong khi dàn xếp và phát động từ trung lộ và nội biên là con đường trực tiếp nhất, hiểu nghĩa đen thì không khác gì “đường chim bay”.
Hệ thống của Rangnick tạo ra cho Man Utd là luôn “tạo hình” một tứ giác ở khu vực nội biên. Tứ giác này vừa hiệu dụng trong tổ chức pressing và vừa hiệu dụng khi dàn xếp bóng, phát động tấn công. Ở trận hoà Young Boys vừa rồi, tứ giác của Man Utd cấu thành bởi 4 cái tên Diallo - Mata - Lingard - Elanga trong khi Van de Beek chơi phía sau họ như một chốt chặn cũng như một nút luân chuyển bóng giải toả. Với tứ giác kể trên, ở hai nội biên, Man Utd luôn có tối thiểu 2 nhân sự quản lý chặt chẽ và do đó tạo không gian cho hai hậu vệ biên dâng lên tham gia tấn công. Ý đồ của Rangnick đặc biệt thể hiện rõ ở cách mà các cầu thủ kể trên lôi kéo phòng tuyến của đối phương và để hai hậu vệ biên lợi dụng không gian sơ hở khoét xuống đáy biên trà ngược bóng vào trung lộ. Nhưng cái độc đáo là họ không máy móc trong việc tổ chức để ai sẽ khoét xuống đáy biên mà trong nhiều trường hợp, chính bóng từ biên được chuyền đón đầu di chuyển của tiền vệ để chính tiền vệ là người tạo cơ hội từ đáy biên theo kiểu này.
Đóng băng quá lâu khiến Juan Mata sa sút
Với hệ thống này, Man Utd quản lý tốt hơn vùng cơ hội và do đó cũng hạn chế để đối thủ gây khó dễ cho khung thành của mình trong khi họ có thể tạo ra nhiều đột biến hơn ở khâu tổ chức tấn công. Tuy nhiên, vấn đề của họ vẫn còn tồn đọng rất lớn. Đó chính là việc hệ thống đã hình thành nhưng cá nhân con người thì chưa đáp ứng tốt cho hệ thống ấy.
Các pha bỏ lỡ cơ hội của Man Utd, đặc biệt ở hiệp 1 gặp Young Boys, đã chứng minh cho thấy ở Man Utd hiện nay tồn tại 2 lực lượng. Thứ nhất là những cầu thủ còn non nớt kinh nghiệp như Elanga, Diallo và thứ hai là những cựu binh đang tụt lại rất nhiều so với mặt bằng cạnh tranh chung do vấn đề tuổi tác và sự “đóng băng” quá lâu trên ghế dự bị dẫn tới mất cảm giác bóng mà cụ thể nhất là Juan Mata, Matic…
Ngay cả bàn gỡ của Young Boys thực tế cũng đến từ các lỗi cá nhân chứ không phải đến từ lỗi hệ thống. Nó cho thấy Rangnick còn phải làm rất nhiều việc để cải thiện các cá nhân nhằm mục đích họ có thể phục vụ tốt hệ thống mà ông đang tạo dựng. Tất nhiên, Man Utd vẫn còn những lá bài chủ chốt không ra sân trận này như Varane, Fernandes, Ronaldo, Cavani… nhưng cơ bản, việc tạo dựng một đội bóng không nhiều chênh lệch giữa chính thức và dự bị vẫn phải là mục tiêu hàng đầu nếu như muốn đội bóng ấy có thể đi xa trên những chặng cạnh tranh gập ghềnh.
Hai trận mà bộc lộ được ý tưởng và cũng đồng thời lộ diện các điểm yếu, có thể nói đó là cơ hội tuyệt vời để Rangnick thực hiện nhiệm vụ của mình. Khi đội bóng lộ diện điểm yếu, HLV mới có thể có hướng để cải thiện. Song song đó, nếu đội bóng chơi có ý tưởng, các cầu thủ cũng có mục đích phấn đấu cụ thể chứ không rơi vào trạng thái mơ hồ. Và nhìn cái cách mà những nhân tố trẻ như Diallo, Elanga thể hiện, chúng ta có thể tạm tin rằng Man Utd đã bắt đầu vào đúng đường ray của mình. Nếu những người trẻ ấy được trao cơ hội, được chỉ bảo tận tình, chính họ sẽ là điểm bất ngờ mà Man Utd có thể sẽ mang tới trong tương lai gần.