Trang chủ     Bóng đá thế giới   /   [Góc Hà Quang Minh] Barca: Đằng sau cuộc hồi sinh

[Góc Hà Quang Minh] Barca: Đằng sau cuộc hồi sinh

Sau chu kỳ đỉnh cao, thường các đội bóng phải mất một thời gian chuẩn bị không ngắn để bắt đầu một chu kỳ chinh phục mới. Nhưng với Xavi, dường như Barca đang rút ngắn khoảng thời gian chuẩn bị ấy để cuộc hồi sinh của họ có thể đến sớm hơn rất nhiều…

Chuỗi 12 trận bất bại của Barca trở nên quá ấn tượng khi họ có một chiến thắng nổi bật với tỷ số 4-0 ngay trên thánh địa Bernabeu của Real. Và ở một trận đấu mà chính Ancelotti phải thừa nhận “đơn giản là họ chơi tốt hơn chúng tôi”, cái chất Xavi càng rõ rệt hơn nếu chúng ta so sánh với lối chơi của Barca ở các trận trước đó. Rõ ràng, Xavi đã đưa đội bóng đi đúng lộ trình và nếu Barca có những đầu tư khôn ngoan ở mùa Hè, năm sau họ có thể sẽ trở lại đầy lợi hại ở Champions League.

BLV Quang Huy nhận định “Barca quá hay, Real vắng Benzema là mất đi một đầu tàu”

BLV Quang Huy nhận định “Barca quá hay, Real vắng Benzema là mất đi một đầu tàu” Trong chương trình We Speak Football với chủ đề Hậu El Clasico và tương lai của Barca - Xavi diễn ra vào tối ngày 21/3 trên kênh Youtube Thể thao số 247.

Barca ăn mừng như thể vô địch sau khi chiến thắng trước đại kình địch

Barca ăn mừng như thể vô địch sau khi chiến thắng trước đại kình địch Các cầu thủ Barcelona đã có một đêm không ngủ khi đã bại đại kình địch với tỷ số không tưởng 4-0. tr

Hồi đầu mùa giải, ở trận gặp Granada, Barca đã trở thành tâm điểm chỉ trích khi họ đã tạt bóng đến 54 lần nhằm kiếm tìm bàn thắng. Nhiều người đã thốt lên “Bản sắc Barca đâu rồi?” và hướng mọi chỉ trích không chỉ về phía một Koeman đơn lẻ mà còn vào cả bộ sậu lãnh đạo Barca thời kỳ trước. Khách quan đều cho rằng Barca sở hữu một đội hình kém chất lượng và không thể nào có thể cạnh tranh bằng những nhân sự như thế trước các thế lực khác ở châu Âu.

QUẢNG CÁO

Nhưng cũng với Barca ấy thôi, tất nhiên là có thêm sự bổ sung Ferran Torres và Aubameyang hồi mùa Đông, Xavi đã làm đội bóng thay đổi rất nhiều. Mỉa mai thay, đường vào khung thành của Barca thời Xavi cũng có những pha tạt bóng. Nhưng điểm khác lạ so với Barca thời Koeman là các pha tạt bổng bây giờ chỉ là một trong vô vàn cách tiếp cận khung thành và hơn hết, đa số những cú tạt của Barca đều mở ra cơ hội nguy hiểm.

Sử dụng các pha tạt bổng để tiếp cận vốn dĩ là cách không phổ biến trong truyền thống chơi bóng của Barca nhưng việc Xavi kiếm tìm được hiệu quả từ đó đã cho thấy ông tạo ra một Barca thực dụng như thế nào. Và nhiều người chắc cũng sẽ lạ lẫm khi thấy một Xavi đúng nghĩa từ La Masia mà lớn lên lại không mang lại một Barca chơi tiki-taka như chúng ta từng thấy 10 năm trước. Lý do đơn giản thôi. Không phải là Xavi không thể tạo ra một Barca tiki-taka nhưng ông nhận thấy tính hiệu quả của nó không còn cao nữa khi bóng đá đã và đang thay đổi từng ngày. Ông vẫn giữ bản sắc Barca, nhưng chắt lọc hơn, tinh chỉnh nó hơn, để tạo ra một tập thể chơi trực diện và hiệu quả hơn.

Nếu quan sát kỹ, chúng ta dễ nhận thấy thứ Xavi không hề thay đổi ở Barca chính là các pha phối hợp nhóm để triển khai bóng từ sân nhà và ở giữa sân. Như ở trận gặp Real, các tổ hợp Alba - Torres - Pedri; Garcia - Busquets - Pedri - Alba; Busquets - Garcia - Pique; Araujo - de Jong - Busquets - Pique thực sự thiết lập thành các module gắn kết và nhờ đó, việc kiểm soát bóng của Barca cực kỳ hiệu quả. Các module này chủ yếu phối hợp nhỏ, ít chạm (đúng chất tiki-taka) nhưng có tính lưu tâm đến cơ hội rất thính nhạy. Chỉ cần một không gian được mở ra thuận tiện cho việc phát động, họ đưa bóng trực diện lên tuyến trên rất nhanh cho Ferran Torres và Ousmane Dembele tổ chức tấn công. Chính những đòn đánh bất ngờ này đã khiến Real Madrid gục ngã. Phải công nhận, ADN Barca vẫn rất bền chắc và nó chỉ được Xavi ngụy trang khéo để khách quan tưởng như Barca đang chơi một lối chơi khác hẳn mà thôi.

Cự ly đội hình của Barca chính là thứ mà Xavi đã lên kế hoạch rất kỹ. Nếu chúng ta để ý lại, chúng ta sẽ thấy khoảng cách bình quân giữa cầu thủ tấn công cao nhất và hậu vệ thấp nhất phía Barca không bao giờ quá 35-40m. Điều đó cho phép Barca có được khối nén đội hình rất hợp lý để khi không kiểm soát bóng, họ tổ chức pressing chặt chẽ hơn. Ngược lại, khi có bóng, với cự ly gần nhau giữa người với người, tuyến với tuyến, Barca dàn xếp bóng rất an toàn và đặc biệt nhất là tạo ra được không gian để tuyến tấn công tăng tốc bất ngờ. Đây cũng chính là lý do vì sao Aubameyang lại chơi hiệu quả như vậy ở Barca trong khi ở Arsenal thì không. Ở Arsenal, Aubameyang chơi quá gần cầu môn nên anh không có cơ hội bứt tốc cũng như đủ không gian để căn chỉnh thước ngắm. Còn ở Barca, Aubameyang thường xuyên di chuyển nhiều ở khu vực cách cầu môn 30m. Nhờ đó, anh tận dụng được tốc độ của mình, dâng lên đồng điệu với hai biên và cũng có thời gian cũng như không gian để việc dứt điểm trở nên chuẩn xác hơn.

Không thể phủ nhận, La Masia không chỉ tạo ra cầu thủ giỏi kỹ năng mà còn tạo ra những con người có bộ óc chiến thuật rất tốt. Họ lưu giữ được hệ thống vận hành của Barca tận sâu trong bộ não của mình và hoàn toàn có thể biến tấu từ cái hệ thống gốc ấy để tạo ra một bản sắc riêng của từng cá nhân huấn luyện. Xavi thành công, tính cho đến lúc này, với Barca là nhờ ông nắm chắc cái ADN của CLB và từ đó, ông thêm những gia vị lý thú cho nó dựa trên cơ sở kinh nghiệm cá nhân của mình.

Báo chí Anh đã khen ngợi Barca và so sánh với Man Utd. Vâng, Man Utd khác Barca vì họ không xây dựng CLB từ cái lõi của ADN chiến thuật. Nhưng có lẽ, từ những gì mà Barca đang thể hiện hôm nay, soi chiếu lại với những lần trở lại đỉnh cao của họ trong hơn 15 năm qua, Man Utd nên cân nhắc đến chuyện tạo dựng một ADN như thế. Đơn giản, một CLB vĩ đại luôn cần bí kíp riêng để duy trì sự vĩ đại của mình.

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Chuyên gia phân tích bóng đá

Có thể bạn thích