FIFA và UEFA đã ra những quyết định trừng phạt bóng đá Nga, vì lý do duy nhất mà ai cũng biết: Nga xâm lược Ukraine.
Không ai có thể bênh vực được hành động mang quân đội vượt biên giới và tấn công một nước láng giềng. Nước Nga trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận, đặc biệt là sau những tố cáo bằng hình ảnh trên mạng xã hội từ phía Ukraine. Có thể nói, trong cuộc chiến này, không phải một mình Ukraine chống lại Nga mà là cả châu Âu, cả thế giới cũng đang quay lưng lại với họ.
Đêm 23/02/2022, trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến với lãnh đạo EU, tổng thống Zelensky đã nói lời cuối khiến cả hội nghị chết lặng: “Đây có thể là lần cuối cùng quý vị thấy tôi còn sống. Vĩnh biệt châu Âu”. Một ngày sau, Nga tràn qua biên giới Ukraine và bắt đầu tiến lại gần Kiev, Kharkiv. Gennady, thị trưởng Kiev nói qua skype trong một phỏng vấn của phương Tây: “hãy giúp chúng tôi khi chúng tôi còn sống”.
Đó chỉ là hai trong số vô vàn những tuyên bố, những hình ảnh mà Ukraine cho thế giới thấy sự đáng thương của mình. Họ đã dùng mạng xã hội cực hiệu quả, đúng cái cách mà ông Zelensky đã dùng mạng xã hội để thắng cử. Họ tấn công thẳng vào trái tim châu Âu, nơi vẫn luôn cố gắng níu giữ giá trị lớn nhất mà cựu lục địa luôn tự hào: tinh thần nhân bản, chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa vị tha.
Và cả châu Âu phát động những phong trào chống lại nước Nga. Áp lực của công chúng lên các chính phủ là quá lớn. Các đòn trừng phạt kinh tế, văn hoá cũng như các viện trợ vật chất cho Ukraine cho thấy châu Âu hậu thuẫn Ukraine chơi sát ván với Nga như thế nào. Ở cảnh huống ấy, UEFA và FIFA không đứng ngoài cuộc. Nhưng dường như, cách phản ứng của hai định chế bóng đá lớn nhất hành tinh này lại không đúng với tinh thần nhân văn trong sáng. Thay vào đó, nó đang nhuốm màu của chủ nghĩa nhân văn vụ lợi và chủ nghĩa vị tha đỏm dáng, điệu đà.
Sau khi tước quyền đăng cai chung kết Champions League 2021/22 của Moscow, một hành động được xem là đúng đắn khi khu vực ấy đang căng thẳng vì chiến sự, UEFA đi đến một quyết định cứng rắn hơn là cấm các CLB bóng đá Nga tham dự các cúp châu Âu. Spartak, đội bóng cuối cùng của Nga ở các cúp châu Âu mùa này, coi như đã bị loại khi họ còn chưa đá với Leipzig. FIFA cũng không chịu thua. Sau khi đưa ra quyết định không cho ĐT Nga được đá ở sân nhà và không được phép cử quốc thiều trong các trận tranh vé đi World Cup 2022, FIFA dấn thêm một bước: cấm ĐT Nga tham dự các giải đấu quốc tế trong thời gian này.
Bóng đá và chính trị là thứ vẫn gây tranh cãi suốt nhiều năm qua và hành động của FIFA ban đầu (bắt đá sân trung lập, tham dự với danh nghĩa đại diện LĐBĐ chứ không phải đại diện 1 quốc gia) là tương đối hợp lý. Nó giải chính trị (depoliticize) khỏi bóng đá, cụ thể hơn là để ĐT Nga không còn là một thực thể gắn liền với một nước Nga thể chế hiện tại, được lãnh đạo bởi Putin. Nó chỉ còn là một đội bóng của những người yêu bóng đá Nga, những người đến với bóng đá đơn thuần là bóng đá, là một trò thể thao, là một nghề nghiệp chứ không mang bất kỳ một sức nặng màu cờ sắc áo hay tinh thần ái quốc nào. Quyết định đến chừng đó là đủ đẹp, đủ để thế giới hiểu rằng FIFA không đứng ngoài phong trào nhân đạo chung toàn cầu và bóng đá cũng đảm lãnh những trách nhiệm xã hội chứ không thờ ơ ngoài cuộc. Nhưng khi FIFA và UEFA ra tay nặng hơn, bằng việc cấm các đội bóng Nga, hoá ra họ lại chính trị hoá (politicize) một câu chuyện thể thao đơn thuần. Và họ đã rơi vào mâu thuẫn với chính mình, rơi vào một tiêu chuẩn kép thực sự.
Những người dân thường hiền lành của Ukraine rõ ràng đang là nạn nhân của chiến tranh, kể cả những người không bị thương vong gì. Mất việc làm, mất đời sống ổn định, buộc phải tha hương xứ người trong phận lưu vong, họ chẳng phải là nạn nhân lớn nhất ư? Nhưng cách xử lý của FIFA và UEFA cũng là đòn trừng phạt lên các nạn nhân. Ai dám chắc các cầu thủ bóng đá Nga và ở Spartak Moscow không phải là những nạn nhân của án phạt khi họ không có chút dính dáng nào tới chiến tranh nhưng vẫn phải trả giá? Ai dám chắc trong số các cầu thủ là nạn nhân của án phạt ấy không có một cá nhân nào chống chiến tranh Ukraine? Và khi bị cấm thi đấu, điều đó cũng đồng nghĩa công việc của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mỉa mai thay, chính cái nghiệp đoàn lớn nhất của họ lại là những người khiến việc làm của họ trực tiếp bị ảnh hưởng.
Chúng ta không cần so sánh cách hành xử của FIFA với những đợt tấn công trước đây nữa làm gì để lộ rõ bản chất của tiêu chuẩn kép ở đây. Nhưng chúng ta cần nhắc lại với nhau rằng, khi mà rất nhiều nước ngưng bắt tay làm ăn với Nga, rất nhiều nhãn hàng cũng chống lại hành vi chiến tranh, cái mà FIFA và UEFA sợ và ngại nhất không phải là việc bị cộng đồng xem là “thờ ơ với thời cuộc” mà là họ sợ không có được sự hỗ trợ tài chính của các đối tác như thường lệ nếu mình không trừng phạt bóng đá Nga đúng như mong muốn của toàn cầu. Rõ ràng, ở đây, FIFA và UEFA đã vào cuộc với tinh thần vụ lợi, và giương cao ngọn cờ nhân văn. Bản chất của họ đã lộ rõ: những kẻ tôn thờ chủ nghĩa nhân văn giả tạo và vụ lợi.
Khi một nước mạnh xé bỏ mọi ước thúc quốc tế để đánh một nước khác một cách phi nghĩa, chúng ta lên án mạnh mẽ. Còn hành động của UEFA và FIFA với bóng đá Nga có phải là hành vi của kẻ mạnh, kẻ cậy vào quyền lực, để xé bỏ mọi nguyên tắc mà chính nó tạo ra hay không? Hãy trả lời nó với tâm thức của người yêu bóng đá đơn thuần và dẹp bỏ toàn bộ những quan điểm riêng, những thiên kiến, những yêu-ghét vị kỷ liên quan đến chính trị. Nói chuyện bóng đá Nga lúc này, tốt nhất, chính chúng ta cần “giải chính trị” (depoliticize) trước đã.