Tính đến hết lượt trận sớm vòng 4 Premier League, Chelsea đang tiếp tục duy trì thành tích phòng ngự vượt trội khi mới để thủng lưới duy nhất 1 lần từ tình huống trên chấm phạt đền của Mohamed Salah. Trong 3 trận đấu còn lại, bao gồm cả 45 phút hiệp 2 trước Liverpool tại Anfield khi phải chơi thiếu người, Chelsea đều thể hiện sự chắc chắn đáng nể với không bàn thua nào. Liệu đội bóng nào có thể hóa giải hàng thủ vững chãi của Chelsea?
Tính kỉ luật của hệ thống phòng ngự không phải là yếu tố mới lạ xuất hiện tại Chelsea dưới thời Thomas Tuchel. Ngay sau khi tiếp quản đội bóng từ người tiền nhiệm Frank Lampard, Tuchel đã lập tức bắt tay điều chỉnh, với trọng tâm lớn nhất hướng tới hàng phòng ngự, qua động thái chuyển đổi từ hệ thống 4 hậu vệ sang 3 trung vệ trong sơ đồ 3-4-3.
30 trận đấu trong khuôn khổ Premier League và Champions League kể từ khi Tuchel nắm quyền, The Blues chỉ để thủng lưới 15 lần, tức là cứ trung bình hai trận mới ghi nhận một bàn thua. Chelsea cũng giữ sạch lưới tới 16 trận. 14 trận đấu còn lại bị dính bàn thua, đội chủ sân Stamford Bridge vào lưới nhặt bóng nhiều hơn 1 bàn/trận chỉ 2 lần. So sánh với các đội bóng lớn khác tại EPL cùng kì, Chelsea sở hữu thành tích phòng ngự vượt trội. Chính nền tảng chắc chắn đó là bàn đạp cho Thomas Tuchel và các học trò lột xác ấn tượng để kết thúc mùa giải năm ngoái đầy ấn tượng.
CLB | Trận giữ sạch lưới | Bàn thua phải nhận |
Manchester City | 9 | 18 |
Manchester United | 7 | 19 |
Liverpool | 4 | 20 |
Chelsea | 11 | 13 |
Thành tích phòng ngự của Top 4 EPL 2020-21 tính từ 27/01/2021, thời điểm Thomas Tuchel nhậm chức
Đã nhắc tới thành tích sạch lưới thì công đầu cần khen ngợi là thủ môn. Không thu hút quá nhiều sự chú ý khi được Chelsea đem về tròn một năm trước, nhưng Edouard Mendy đã lập tức xác lập vị trí số 1 trong khung gỗ bằng chuỗi những màn trình diễn ấn tượng. Bước vào mùa giải mới, thủ thành người Senegal đang tiếp tục duy trì phong độ ổn định với tỉ lệ cứu thua (trừ penalty) tại EPL tính đến nay là 100%. 16 lần đối mặt với các tình huống dứt điểm trúng đích, Mendy đều ngăn chặn thành công. Không thủ môn nào tại giải đấu hàng đầu nước Anh sở hữu thông số ấn tượng như thế.
Thành tích này được duy trì bất chấp thực tế rằng Chelsea đang là CLB top 4 bị đối thủ công phá khung thành dữ dội nhất, với số lượng và tỉ lệ tình huống bị dứt điểm trúng đích ở mức cao, nhỉnh hơn cả một số CLB thuộc nhóm trung bình dưới như Brentford, Crystal Palace hay Wolves.
Thông số |
Thứ hạng toàn giải |
|
Dứt điểm phải nhận | 51 | 9 |
Dứt điểm trúng đích phải nhận | 16 | 7 |
Tỷ lệ trúng đích phải nhận | 31.4% | 7 |
Bàn thua phải nhận | 1 | 20 |
Thành tích phòng ngự của Chelsea tại EPL 2021-22
Chelsea qua dữ liệu thô, có vẻ đang là đại gia gặp may mắn với mành lưới của mình. Nhưng hãy đi sâu hơn vào đánh giá chất lượng, thông qua Chỉ số kì vọng bàn thắng trên tình huống dứt điểm phải nhận, không bao gồm penalty (Non-Penalties Expected Goals - NPxG). Chỉ số của Chelsea hiện tại là 0.09, xếp hạng 14 toàn giải, ngang bằng Manchester United, và tốt hơn Liverpool lẫn Manchester City. Cụ thể hơn nữa, nếu chỉ xét chất lượng dứt điểm trúng đích và khả năng thành bàn dựa vào vị trí bóng tới khung thành, qua đó đánh giá được độ khó cho thủ môn khi thực hiện tình huống cản phá (Post-shot Expected Goals - PSxG), Chelsea đang là đội cản chân đối phương tốt nhất, khi có tới 92% khả năng bóng sẽ bị ngăn chặn.
Tức là gì, dù dựa theo dữ liệu thuần túy, Chelsea để đối phương tạo ra nhiều cơ hội dứt điểm. Tuy nhiên, điều kiện, vị trí, bối cảnh tình huống mà hệ thống phòng ngự The Blues tạo ra cho đối phương thực hiện dứt điểm ấy là không hề thuận lợi. Hệ quả gián tiếp từ hệ thống kỉ luật ấy, đó là thủ môn cũng thuận lợi hơn trong công việc cản phá hoặc bắt bóng.
Bàn thắng kỳ vọng của Chelsea và Aston Villa trong trận vừa rồi
Hàng phòng ngự được cải thiện về tính tổ chức trong phòng ngự, nhưng một khía cạnh khác mà Thomas Tuchel cũng đã nâng cấp rõ rệt cho các cầu thủ tuyến dưới cho Chelsea, đó là khả năng kiểm soát và triển khai bóng. Vốn luôn trung thành với phương châm chủ động cầm bóng, HLV người Đức tiếp tục duy trì tôn chỉ ấy khi tới làm việc tại London. Sự tự tin trong kĩ thuật cá nhân, cùng hỗ trợ đồng bộ giữa nhóm 5 cầu thủ trung vệ và tiền vệ trung tâm tuyến dưới cho phép Chelsea tịnh tiến bóng an toàn và chủ động trong hầu hết mọi tình huống.
Một mũi tên trúng hai đích, Chelsea làm tốt cả hai công việc, triển khai lối chơi lẫn tránh bị phản công. Trong bóng đá hiện đại, ai cầm bóng nhiều hơn, kẻ đó kiểm soát diễn biến trận đấu. Làm chủ trái bóng chính là lớp phòng ngự đầu tiên. Ngay cả khi để mất bóng, Chelsea vẫn duy trì được khối phòng ngự chặt chẽ nhờ vào khả năng chuyển đổi rất tốt, đặc biệt là các biên thủ nhằm tái lập sơ đồ 5-2-2-1 tạo nên bức tường hai lớp chắn trước khung thành.
Điều này đã được chứng minh trong cuộc đối đầu với Liverpool, khi The Blues trải qua cả hiệp 2 thiếu người, nhưng vẫn đủ khiến đội chủ nhà không thể tạo ra cơ hội ghi bàn rõ rệt. Ngược lại, khả năng triển khai bóng và phản công của Chelsea vẫn được duy trì với không ít lần bóng được đưa tới vòng cấm The Kop, khởi nguồn từ các tình huống tắc bóng chính xác, phán đoán ngăn chặn đường chuyền hoặc phá bóng giải vây có ý đồ của các cầu thủ tuyến dưới.
Hàng phòng ngự Chelsea được tổ chức lại khi thiếu người trong trận gặp Liverpool
Chất lượng cá nhân hàng đầu với chiều sâu đội hình dạn dày, được đặt vào trong hệ thống chiến thuật vừa kỉ luật nhưng cũng đầy linh hoạt, Chelsea rõ ràng đang nổi lên như là ứng viên hàng đầu ở mọi đấu trường đội bóng này tham dự. The Blues sẽ là cái tên mọi đối thủ phải dè chừng, với câu hỏi hóc búa trước mắt, đó là làm thế nào để hóa giải hàng phòng ngự của đội chủ sân Stamford Bridge.