Đội tuyển Việt Nam rốt cuộc đã phải chấp nhận nếm trải mùi vị thất bại trong cả 4 trận đấu đã qua tại Vòng loại 3 FIFA World Cup. Dù trải qua những thời điểm dẫn trước đối thủ về mặt tỉ số, khoảng cách về chất lượng cá nhân rốt cuộc đã định đoạt kết quả chung cuộc.
Hàng loạt chấn thương của những trụ cột thường xuyên thi đấu càng nhân khó khăn lên gấp bội cho chúng ta. Tuy nhiên, trong đêm đông mới thấy đèn rạng, chính số lượng nhân sự vắng mặt đó đã buộc HLV Park Hang-seo phải cậy nhờ tới những phương án thay thế. Nổi bật trong số đó là điểm sáng mang tên Hồ Tấn Tài.
Dù xuất hiện trong danh sách ĐTQG từ gần 3 năm trước, khi có tên tham dự AFC Asian Cup 2019, phải tới Vòng loại 3 FIFA World Cup hiện tại, Hồ Tấn Tài mới được HLV Park Hang-seo trao cơ hội sau rất nhiều lần triệu tập. Nếu quãng thời gian ngắn ngủi cầu thủ thuộc biên chế CLB Bình Định vào sân trước Trung Quốc để lại dấu ấn duy nhất nhưng rõ nét nhất qua tình huống xâm nhập vòng cấm để đón bóng và dứt điểm thành bàn đầy táo bạo, trận đấu gặp Oman cho thấy một cái nhìn toàn cảnh hơn về tiềm năng ở trần rất cao của Hồ Tấn Tài.
Như đã đề cập trong nhiều phân tích trước trận, đội chủ nhà nhập cuộc với sơ đồ 4-4-2 kim cương quen thuộc với tổ chức không bóng tập trung quân số đông đảo phòng ngự khu vực trung lộ. 4 hậu vệ và 4 tiền vệ Oman đều quây xung quanh bóng với mục tiêu là bóp chặt không gian xử lí của người cầm bóng, qua đó có thể đoạt bóng thu hồi chuyển trạng thái nhanh lên phía trên cho hai tiền đạo đang chực chờ.
Lỗ hổng trong cấu trúc phòng ngự của Oman
Dẫu vậy, có một nguyên nhân hiển hiện khiến sơ đồ 4-4-2 kim cương ngày càng trở nên thất sủng trong bóng đá, đặc biệt là ở đẳng cấp cao. Với việc không sở hữu cầu thủ chạy cánh thuần túy nào ở phía trên, các khu vực xa bóng, đặc biệt là hành lang biên thường xuyên bị hở. Oman, như trong hình, đẩy cấu trúc không bóng lên ngưỡng cực đoan khi cố gắng bịt kín tối đa phạm vi trước mặt khung thành và bỏ qua hoàn toàn hai biên trống trải.
Đây là vấn đề mà cả Saudi Arabia và Australia đã tích cực khai thác và là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới thất bại của Oman trong hai trận đấu trước. Những tình huống chuyển hướng và giãn biên tới vị trí của hậu vệ cánh dâng cao là yếu tố tối cần thiết nhằm khoan phá hệ thống phòng ngự áo đỏ. Tuy nhiên, đội tuyển Việt Nam chỉ làm được một nửa yêu cầu đó, khi có người dâng cao mà lại quá ít đường chuyền.
Sự chủ động của Hồ Tấn Tài trong hỗ trợ triển khai tấn công
Khác với sự do dự của Vũ Văn Thanh trong trận gặp Trung Quốc và Nguyễn Phong Hồng Duy bên cạnh đối diện, Hồ Tấn Tài với sự năng nổ và xông xáo luôn cho thấy sự sẵn sàng lao lên hỗ trợ khâu triển khai tấn công. Tuy nhiên, trong một ngày vùng mạnh và yếu của Oman dường như bộc lộ rất rõ với cách thức không đổi so với 3 trận trước, các cầu thủ tuyển Việt Nam lại quá thường xuyên chọn phương án đâm vùng mạnh hơn là tìm tới tấn công vùng yếu, nơi Tấn Tài đã chực chờ.
Thậm chí, có khá nhiều lần trong trận đấu, cầu thủ sinh năm 1997 đã giơ tay xin bóng khá rõ ràng, nhưng rốt cuộc vẫn không có tình huống đảo biên kéo giãn hệ thống đối phương nào được thực hiện. Thống kê sau trận cho thấy, không có bất kì đường chuyền nào được thực hiện tới vị trí của Tấn Tài đến từ nhóm cầu thủ thi đấu theo nửa dọc trái sân và trung lộ, gồm Nguyễn Phong Hồng Duy, Nguyễn Quang Hải, Quế Ngọc Hải và Phạm Đức Huy. Một hiện thực rất kì lạ, khi với khả năng dâng cao tấn công cực tốt, Hồ Tấn Tài luôn để lại đột biến trong mỗi tình huống tăng tốc. Bàn thắng vào lưới Trung Quốc hay tình huống tắc bóng dứt điểm dẫn tới pha mở tỉ số của Nguyễn Tiến Linh là những ví dụ quá rõ ràng.
Hồ Tấn Tài liên tục bị các đồng đội bỏ qua
Không phải tới bây giờ, khả năng hỗ trợ tấn công tốt của Hồ Tấn Tài mới được khai phá. Bản thân khi còn là một tân binh đội tuyển U19 Quốc gia dưới thời HLV Hoàng Anh Tuấn, bất chấp ưu thế thể hình phù hợp cho vị trí trung vệ, chiến lược gia người Khánh Hòa vẫn kiên quyết điều chỉnh Tấn Tài trở thành một cầu thủ bám biên.
Trên thực tế, trong 4 mùa giải chuyên nghiệp vừa qua tại V League trong màu áo Bình Dương và Bình Định, Hồ Tấn Tài luôn ghi ít nhất một bàn với đa dạng tư thế, từ đánh đầu tới dâng cao xâm nhập vòng cấm. Ngoài ra, khả năng hỗ trợ tấn công tốt giúp Tấn Tài cống hiến cho đội nhà số lượng đáng kể kiến tạo cơ hội và bàn thắng. Riêng tại V League 2021, Tấn Tài đã có 3 bàn thắng và 2 tình huống làm bàn sau 11 lần ra sân, thành tích cao nhất trong số toàn bộ các hậu vệ đang thi đấu trong hệ thống bóng đá quốc nội Việt Nam.
Nhiệt huyết trong hỗ trợ tấn công, nền tảng thể lực sung mãn còn cho phép Hồ Tấn Tài đủ khả năng lên về liên tục trong 90 phút để đảm bảo cấu trúc phòng ngự. Biểu đồ nhiệt hoạt động trong trận đấu cho thấy khả năng bao sân ấn tượng theo chiều dọc của hậu vệ Bình Định, bất chấp những sức ép đều đặn được Oman tạo ra từ cánh trái theo hướng tấn công, khi có tới 53.4% số lần lên bóng của đội chủ nhà thực hiện qua hành lang này.
Bản đồ nhiệt chỉ dấu tầm hoạt động năng nổ của Hồ Tấn Tài trước Oman
Đương nhiên, không cầu thủ “trẻ” nào mà không có thiếu sót, nhất là với trường hợp mới có lần đá chính đầu tay ở cấp độ ĐTQG. Chúng ta không thể quên tình huống vung tay rất vô duyên của Tấn Tài đối với cầu thủ tấn công phía Oman dẫn tới penalty và suýt chút nữa đã khiến Việt Nam phải nhận bàn thua từ sớm.
Có thể tại môi trường V League, nơi mà chất lượng trọng tài có hạn lẫn thói quen tiểu xảo vẫn được dung thứ, Tấn Tài sẽ nhận sự bỏ qua. Thế nhưng, ra tới bể lớn World Cup, nơi tốc độ phản ứng của trọng tài sát diễn biến hơn rất nhiều, cộng với cặp mắt theo dõi từng cử chỉ của VAR, mọi cái vung tay thừa thãi cần được hạn chế tối đa. Thống kê cho thấy, trong 4 mùa giải V League từ 2018-2021, Hồ Tấn Tài đã phải nhận tổng cộng 15 thẻ vàng và buộc vắng mặt 4 trận vì án treo giò. Cẩn trọng và biết kiểm soát hơn hành vi phòng ngự cá nhân, đó là những vấn đề mà Tấn Tài cần thực sự lưu tâm.
Trong bối cảnh vị trí hậu vệ phải vẫn đang thiếu vắng những cái tên thật sự chất lượng khi Trọng Hoàng nghỉ thi đấu vô thời hạn, đây chắc chắn là thời cơ ngàn vàng cho Tấn Tài nắm lấy và khẳng định chỗ đứng trong màu áo ĐTQG.