đồng hồ
Trang chủ     Bóng đá thế giới   /   Chelsea: rồi sẽ ổn thôi

Chelsea: rồi sẽ ổn thôi

Chiến tranh và hệ luỵ của nó cuối cùng cũng “oanh tạc” lên bóng đá mà tâm điểm chính là Chelsea. Nhưng có lẽ, đòn oanh tạc khốc liệt này sẽ không làm Chelsea yếu đi mà sẽ làm CLB ấy mạnh hơn bao giờ hết. Đơn giản, người hâm mộ đứng bên họ và càng có nhiều người yêu mến, một CLB sẽ càng bền bỉ, mạnh mẽ hơn…

“Chính phủ Anh đối xử với Chelsea ác quá. Xin đừng để một đội bóng hy sinh vì một cuộc chiến tranh. Fans Man Utd phản đối đánh đổ Chelsea”. Đó là một dòng trạng thái của một ủng hộ viên Man Utd đăng tải trên facebook khi những thông tin về khó khăn của Chelsea được tung ra sau lệnh đóng băng tài sản của tỷ phú Abramovich và khiến Chelsea rơi vào cảnh chỉ còn có khả năng thanh khoản để thanh toán trong 17 ngày trước mắt.

Chỉ là lời nói của một ủng hộ viên Man Utd, điều đó khó có thể đại diện cho toàn bộ ủng hộ viên Man Utd nhưng có lẽ, lúc này, rất nhiều người yêu bóng đá đã dẹp bỏ thái độ hâm mộ 1 CLB cụ thể sang một bên để đứng về một phía duy nhất: phía của bóng đá, mà ở đó, Chelsea đang là nạn nhân của bàn cờ chính trị bẩn thỉu.

Tờ Daily Mirror số ra ngày 11/03 chạy trên trang nhất dòng tít “Blood Brother” để ám chỉ mối quan hệ giữa Putin và Abramovich. “Blood brother” là cách chơi chữ của họ, khi vừa có nghĩa đen là “anh em ruột” và vừa có nghĩa bóng ám chỉ “đẫm máu”. Họ kết tội Abramovich là “bàn tay nhuốm máu” khi cho rằng ông có các nhà máy ở Nga chuyên gia công những thiết bị phục vụ việc sản xuất khí tài của Nga. Họ vĩnh viễn không thể tách bạch được “người quyết định khởi chiến” và “người mang quốc tịch của quốc gia khởi chiến”. Lệnh trừng phạt đối với các oligarch Nga được đưa ra, Abramovich đã chấp nhận, không bất kỳ một phản ứng nào. Ông thậm chí còn lên một kế hoạch hoàn hảo cho Chelsea, để giữ cho CLB ấy trọn vẹn thanh danh. Nhưng chính phủ Anh vẫn không tha. Họ truy cùng diệt tận mà quên mất rằng chính Chelsea đã góp 1 phần không nhỏ cho cả một ngành công nghiệp bóng đá Anh quốc bùng nổ suốt gần 20 năm qua.

QUẢNG CÁO

Và họ cũng chẳng thèm quan tâm tới những người lao động ở Chelsea, vốn dĩ không phải là người Nga. Khi Abramovich đã sẵn sàng chấp nhận mất trắng tài sản mang tên Chelsea ấy, lẽ ra chính phủ Anh phải xem như vậy là đã tới giới hạn bởi nếu đẩy tiếp sự việc đi quá xa, ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều cá nhân vô tội liên quan là quá lớn. Nhưng chính phủ ấy thì sá gì đến câu chuyện một thiểu số nạn nhân ở Chelsea. Họ, với ngọn cờ chủ nghĩa dân tuý dâng cao, đang muốn làm hài lòng một số đông coi sự trừng phạt phải là vô tận, như cách mà họ từng trừng phạt cả… Tchaikovsky khi không chơi các tác phẩm kinh điển của ông nữa. Không ai ngờ, sự xuẩn ngốc lại có thể được phơi bày nhanh như vậy ở một quốc gia được xem là văn minh nhất thế giới, nơi rao giảng giá trị nền tảng của dân chủ đi toàn cầu.

Những người hâm mộ Chelsea đang rất buồn. Nhưng hãy an tâm, Chelsea rồi sẽ ổn thôi. Cái gì không giết được ta nó sẽ chỉ càng làm ta mạnh lên và chắc chắn Chelsea sẽ không chết. Các cầu thủ trẻ của họ sẵn sàng chơi bóng không lương để giúp CLB đi qua giai đoạn khó khăn này và họ sẽ nêu gương để chính những đàn anh, những ngôi sao và cả giới chức điều hành CLB làm gì đó thiết thực cho màu áo xanh đã nuôi dưỡng họ cả vật chất lẫn khát vọng. Và ngay cả Abramovich, ông cũng đã sẵn sàng cho mọi phương án tốt nhất cho Chelsea, kể cả phương án cuối cùng là nó sẽ trở thành tài sản công trong tay chính phủ theo đúng luật. Khó khăn là có nhưng không phải là tận thế. Nếu Chelsea tập trung chơi thật tốt ở Premier League và Champions League, tiền thưởng sẽ là một bù đắp không nhỏ trong giai đoạn eo hẹp này.

Chiến tranh rồi cũng sẽ qua đi, những trừng phạt rồi cũng sẽ được rút lại dần dần vì bản chất của các chính phủ đều chỉ là lợi ích mà quốc gia họ đại diện sẽ thu được là gì. Biết đâu đó, chính khó khăn hôm nay lại là điều tốt cho Chelsea bởi việc Abramovich không thể bán được Chelsea lại đồng nghĩa với việc ông sẽ vẫn là chủ tịch của đội bóng sau khi ông đã cùng nó vượt qua những trừng phạt mang đầy thù hận hôm nay.

Chỉ có một câu hỏi mà mối chúng ta hẳn sẽ không thể nào bỏ qua chính là “Nếu coi Abramovich là kẻ xấu, là quỷ dữ, là bàn tay nhuốm máu thì tại sao suốt 19 năm qua, chính phủ Anh lại câm như hến khi ông ta đầu tư mạnh tay cho một đội bóng Premier League và biến nó trở thành một biểu tượng toàn cầu?”. Phải chăng, trong tất cả các quyết định 19 năm nay, từ quyết định chấp nhận cho đầu tư cho tới quyết định tịch biên tài sản hôm nay, tất cả đều được cấu thành trên những tâm địa thực sự nhuốm máu, vô luân, phi đạo đức và vượt trên hết là đề cao chủ nghĩa vụ lợi bất chấp các tiêu chuẩn của con người?

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Chuyên gia phân tích bóng đá

Có thể bạn thích