Trước giải, người ta nói đến Pháp, Anh như những ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch. Vào vòng bảng, họ bắt đầu nhắc tới Ý. Nhưng giờ đây, khi đã chuẩn bị bước vào vòng 1/16, hãy dè chừng với Bồ Đào Nha. Đó mới là ứng cử viên xứng đáng và tiềm tàng.
Có hai Bồ Đào Nha đã trình diện khán giả hâm mộ. Thứ nhất là một Bồ Đào Nha tan nát trước Đức với thái độ thi đấu đáng trách của hàng tiền vệ và một hệ thống thi đấu đầy khiếm khuyết, sơ hở. Nhưng dường như, đó lại là một Bồ Đào Nha “đánh lừa” khán giả, đánh lừa các đối thủ khác. Và ở vào khoảnh khắc “sinh tử” ở lượt cuối vòng bảng với Pháp, Bồ Đào Nha thứ hai đã xuất hiện. Đó là một gương mặt khác hẳn, lì lợm hơn, khoa học hơn, chắc chắn hơn, nguy hiểm hơn. Nếu cứ duy trì phong độ như trước Les Bleus, Bồ Đào Nha ấy có thể thắng bất kỳ đối thủ nào để bảo vệ thành công chức vô địch mà họ đang nắm giữ.
Nhìn lại vòng bảng, chúng ta thấy rất rõ Bồ Đào Nha có 2 hướng tiếp cận tuỳ theo đánh giá đối thủ. Nếu họ đánh giá đối thủ không mạnh, họ sẽ xuất quân với sơ đồ 4-2-3-1. Ngược lại, nếu đánh giá đối thủ đáng gờm, họ sẽ xuất quân với sơ đồ 4-1-4-1. Trận gặp Đức và Pháp, Bồ Đào Nha đều xuất quân 4-1-4-1 nhưng kết cục lại khác nhau hoàn toàn. Cơ bản của sự khác nhau ấy nằm ở sự vận hành của hàng tiền vệ khi nhân sự được thay đổi cho phù hợp hơn.
Đội hình ra sân trận Đức và Bồ Đào Nha
Ở trận gặp Đức, cơ cấu tiền vệ của Bồ Đào Nha bao gồm Danilo - Carvalho - Fernandes chơi ở trung tâm và Bernardo Silva - Diogo Jota chơi ở biên. Khi tấn công, Silva và Jota có thể trở thành những tiền đạo cánh khi cần. Và trong một trận cầu mà người Đức phong toả rất tốt trung tuyến, đẩy cuộc chơi ra hai biên, hình khối tổ chức của Bồ Đào Nha đã bị phá vỡ. Lý do cơ bản: sự yếu kém của Carvalho và sự mờ nhạt của Fernandes đã không giúp Bồ Đào Nha có thể “cân” lại tuyến giữa trước địch thủ.
Sang trận gặp Pháp, HLV Fernando Santos không còn dùng Carvalho, Fernandes nữa. Ông sử dụng Renato Sanches và Moutinho, hai tiền vệ có tính tranh chấp tốt hơn rất nhiều. Ngay cả khi thay họ ra ở hiệp 2, ông cũng không đưa những cái tên nổi danh như Fernandes hay William Carvalho vào sân mà thay vào đó là những chiến binh cơ động như Ruben Neves hay Oliveira. Bản thân Fernandes cũng chỉ được sử dụng để thay Bernardo Silva, vị trí được cho phép chơi ở hàng công nhiều hơn để hỗ trợ Ronaldo.
Bồ Đào Nha trước Pháp là một Bồ Đào Nha vô cùng khoa học. Diogo Jota, vốn dĩ được xem như một tiền đạo, lại hoạt động rất gần hàng tiền vệ và giúp Bồ Đào Nha luôn có một nhóm 4 người để tranh chấp với các tiền vệ giỏi của Deschamps. Và sơ đồ thực chiến của Bồ Đào Nha cũng không còn là 4-1-4-1 nữa mà gần như là 3-5-2 với việc Danilo chơi rất gần cặp trung vệ trong khi hai hậu vệ biên chơi như hai tiền vệ cánh. Nhiệm vụ ở tuyến trên dồn cho Silva và Ronaldo và họ cũng đã khiến cầu môn của Lloris phải mấy phen lao đao.
Đội hình ra sân trận Pháp và Bồ Đào Nha
Ở trận gặp Pháp, dường như Fernando Santos đã tìm ra cách sử dụng Fernandes cho dù anh chỉ vào sân từ phút 72. Ông đặt anh ở trên hàng công nhiều hơn, như một người hỗ trợ cho Cristiano Ronaldo. Thực sự, đây là một quyết định đúng đắn. Ngay cả ở Man Utd cũng vậy thôi, Fernandes chưa bao giờ là một tiền vệ giỏi về tranh chấp và khống chế trung tuyến. Việc đó thuộc về Fred - McTominay và một phần nào là Pogba.
Bồ Đào Nha đã thể hiện một hệ thống chặt chẽ, cân bằng thực sự khi họ hoá giải thành công sức mạnh Pháp. Việc luôn luôn có ít nhất từ 2 đến 3 cầu thủ “quây” Mbappe khi tiền đạo này có bóng đã khiến Mbappe trở thành “phế nhân” thực sự. Được chỉ huy bởi Pepe, “đội đánh bắt Mbappe” của Bồ Đào Nha hoạt động vô cùng hiệu quả với các nhân tố hỗ trợ luôn là Semedo, Danilo hoặc Renato Sanches.
Có vẻ như ở thế “sống còn” ở lượt cuối vòng bảng, Bồ Đào Nha đã buộc phải lộ diện sớm thì phải? Giả sử như họ có một trận hoà trước Đức, nhiều khả năng ở trận gặp Pháp ông Santos sẽ lại giấu bài để dành cho các cuộc đấu căng thẳng ở vòng loại trực tiếp sau này.
Sanches là quân bài mà HLV Santos buộc phải dùng đến để đảm bảo tấm vé đi tiếp
Một điểm nữa chúng ta cũng cần phải nhìn nhận là cách Bồ Đào Nha chống phản công rất tốt. Họ để thua Đức trong một trận cầu kỳ lạ mà chúng ta có thể nói là “như đánh lừa khán giả” nhưng hãy nhìn vào cách họ đối phó Hungary chúng ta sẽ hiểu. Hungary là đội bóng phòng ngự phản công hay nhất vòng bảng. Chính họ đã nã 1 bàn vào lưới Pháp, 2 bàn vào lưới Đức nhờ vào thứ bóng đá phản công trác tuyệt ấy. Nhưng trước Bồ Đào Nha thì sao? Sự già dặn của hàng thủ Bồ Đào Nha đã không cho phép sai số xảy ra. Còn sai số trước Đức, hàng thủ Bồ Đào Nha không đáng trách. Đáng trách là hàng tiền vệ vô trách nhiệm và vô hồn của họ mà thôi.
Đối thủ trước mắt của Bồ Đào Nha là Bỉ, một đội bóng mạnh tương đương Pháp nhưng không có hàng tiền vệ đồng đều như Pháp. Nhân vật nổi trội chỉ là Kevin de Bruyne mà thôi. Và nếu vượt qua Bỉ, đối thủ kế tiếp của Bồ Đào Nha rất có thể là Ý. Lúc đó, chúng ta sẽ được kiểm chứng thực sự sức mạnh của Bồ Đào Nha là gì.
Trước khi bóng lăn, giới chuyên môn đánh giá cao Pháp, Anh, Bỉ… Bắt đầu vào vòng bảng, họ đề cao tuyển Ý. Nhưng có lẽ, giờ là lúc nên gọi tên Bồ Đào Nha với những gì họ đã thể hiện. Tất nhiên, Bồ Đào Nha vẫn còn vài nhược điểm mà đơn cử là tuổi tác đã không còn giúp CR7 có được tốc độ cũng như sự sắc bén của mình nữa. Song, làm gì có đội bóng nào không có nhược điểm? Quan trọng nhất là đối thủ của Bồ Đào Nha sẽ đối phó với ưu điểm của họ như thế nào khi sự thực đã cho thấy, ngay cả một đội bóng chất lượng như Pháp còn phải vất vả trước một hàng tiền vệ được tổ chức quá tốt bởi những Danilo - Sanches - Moutinho.
- Thể Thao 247 -
Thethaoso247 & BLV Anh Quân cùng hợp tác để mang đến mùa hè Euro sôi động cho khán giả.