Kurt Zouma cuối cùng cũng không được ra sân ở trận West Ham hoà Leicester 2-2 vừa rồi. Rõ ràng, HLV David Moyes không thể vượt qua áp lực dư luận bất chấp ông đã luôn kêu gọi dành cho học trò của mình một sự tha thứ.
Nếu ai đã từng xem video Kurt Zouma “hành hạ” một chú mèo, có lẽ chúng ta sẽ hiểu rõ hơn câu chuyện. Việc Zouma làm là không thể chấp nhận được, đặc biệt là với những người yêu động vật. Song, sự việc ấy nếu được nhìn qua đôi mắt của những người đến từ các vùng văn hoá khác nhau sẽ nhận được các đánh giá khác nhau. Nặng nề hay không, mỗi chúng ta có cách phán xét riêng cho mình.
Zouma tóm lấy chú mèo bằng tay trái, đi từ phòng khách xuống phòng bếp, thả nó xuống và đá chân trái (không hết lực, chỉ như một cú đỡ bóng hờ hững cho thả trôi chứ không khống chế) nhưng cú đá nhẹ nhàng ấy cũng đủ khiến chú mèo lướt trên sàn vào góc bếp. Một lúc sau, sau một hồi Zouma không thấy con mèo đâu, một chú bé bế con mèo lên, đặt nó lên bàn bếp, Zouma lấy tay tát lên đầu nó, cũng không hết lực, chỉ như một cú vẩy tay thông thường. Với những người nuôi chó, mèo ở nhiều nơi, điển hình như ở Việt Nam, hành động ấy có thể không bị xem là “ngược đãi, hành hạ”. Nhưng với những người yêu động vật đến mức độ xem những con vật bình đẳng với con người như ở phương Tây, đó là một hành vi đáng lên án. Và Zouma bị lên án. Người người kêu gọi tẩy chay, người người kiến nghị West Ham phải trừng phạt, không cho Zouma ra sân. Kết cục, Zouma phải lên tiếng xin lỗi, bị CLB phạt 2 tuần lương và đồng thời bị Adidas cắt hợp đồng.
Nhưng chừng ấy vẫn là chưa đủ. David Moyes dù khẩn thiết xin một chút tha thứ cho học trò của mình cũng vẫn chưa đủ. Souness, một HLV kỳ cựu ở Premier League, đã lên tiếng rằng việc Zouma làm là đáng hổ thẹn và không thể nào cảm thông được. Souness gay gắt đến nỗi ông cho rằng Zouma đừng nên quay lại chơi bóng ở mùa giải này nữa. Và nếu khán giả, giới chuyên môn, truyền thông Anh quốc cứ tiếp tục phản ứng gay gắt như thế này, có lẽ Zouma nên tìm đường rời khỏi nước Anh thì hơn.
Thực ra, việc Zouma làm là không thể biện minh. Souness nói có lý của Souness ở chỗ sự hổ thẹn nằm ở chỗ cái video ấy lại được ngang nhiên tung lên mạng xã hội. Lập luận của Souness dựa trên cơ sở đại ý “nếu anh làm điều sai quấy mà anh còn công khai nó thì điều đáng lên án không chỉ là hành vi sai quấy mà là thái độ bất chấp”. Và có lẽ, sự tức giận của dư luận dành cho Zouma nằm ở điểm này. Họ xem thái độ tung video lên mạng xã hội là sự bất chấp, sự ngang nhiên cho mình cái quyền vi phạm đạo đức khi mình là một ai đó có vị thế xã hội.
Cái giá Zouma phải trả quá đắt. Ngoài những án phạt kể trên, ngoài việc có thể khó được ra sân trở lại sớm, anh sẽ nhiều khả năng không được gọi lên ĐT Pháp một thời gian. Deschamps cũng nói hành vi của Zouma là khó có thể được chấp nhận và ông vẫn theo nguyên tắc của mình mấy năm nay là nếu một cầu thủ có vấn đề về đạo đức, anh ta sẽ bị cấm vận đội tuyển một thời gian tuỳ mức độ vi phạm. Cơ bản, Deschamps vẫn tuân thủ mục đích lớn là mỗi vận động viên thể thao Pháp phải là một tấm gương tiêu biểu cho thanh niên đất nước lục lăng.
Nhưng có một vấn đề từ câu chuyện của Zouma mà chúng ta cần phải suy ngẫm. Trên sân bóng, đã có không biết bao nhiêu lần, khi một cầu thủ đã nằm sân rồi nhưng anh ta vẫn phải nhận một cú đá cố ý và ác tâm của đối thủ lên cơ thể mình. Những hành vi ấy chắc chắn dính thẻ đỏ, và có thể kéo theo án phạt vài trận của ban tổ chức giải đấu. Song, tuyệt nhiên không một phong trào nào được dấy lên để yêu cầu HLV của người phạm lỗi không được cho người ấy ra sân như áp lực dành cho David Moyes với trường hợp Zouma cả. Và càng không có những đồng nghiệp đăng đàn tuyên bố về sự “không thể nào thông cảm được” như cách Souness đã nói gần đây. Phải chăng, trong một xã hội văn minh xem vạn vật bình đẳng nhau, con người lại đang phải chịu sự thiếu công bằng hơn so với con vật chỉ vì con người… thông minh hơn?
Và không chỉ là câu chuyện phổ cập ở trên để so sánh giữa con người với động vật mà còn cần nói đến cả chuyện con người với con người. Trường hợp gần nhất là của Mason Greenwood, dù chưa bị toà án kết tội nên được xem là chưa có tội, nhưng cũng đã nhận đủ trừng phạt từ nhà tài trợ (Nike) giống như Zouma sau khi có hình ảnh nghi ngờ anh hành hung và hiếp dâm. Có một phong trào nào được dấy lên để chống Greenwood mạnh như chống Zouma hay không? Hay như khi Luis Suarez cắn người khác, có phong trào nào đòi hỏi HLV không được sử dụng Suarez hay không? Nghi vấn về phán xét bị chi phối bởi vấn đề chủng tộc rất đáng được xem xét ở các so sánh này. Phải chăng, màu da và quốc tịch cũng quyết định một phần hệ quả câu chuyện, nhất là khi ở Anh, người ta vốn dĩ vẫn không ưng lắm những gì thuộc về Pháp?
Chỉ biết, ngày 14/02/2022, chính trên trang nhất của tờ The Guardian bản báo in có một bài điều tra tiết lộ rằng “báo cáo cho thấy có một sự phân biệt đối xử bất công về dịch vụ y tế công đối với những chủng tộc thiểu số ở Anh”. Những bất công này bao gồm chất lượng điều trị nghèo nàn, thiếu chăm sóc, thiếu hụt cơ sở dữ liệu trong hệ thống y tế công và chậm trễ trong các trợ gúp y tế dành cho các cộng đồng chủng tộc thiểu số. Và chúng ta hãy thử chờ xem vấn đề lớn của cả một xã hội ở một cường quốc văn minh phương Tây như The Guardian đưa ra có gây nên một phong trào mạnh mẽ như những gì đã xảy ra với Kurt Zouma hay không? Có lẽ là không. Và chúng ta sẽ biện minh rằng “vì bóng đá là bề nổi nên được quan tâm nhiều hơn” như biết bao chuyện từng xảy ra nhiều năm qua.
Để kết, chỉ xin kể lại một sự kiện mới nhất. Được mời diễn ở Super Bowl trong khuôn khổ NFL, rapper Eminem đã được Ban tổ chức yêu cầu đừng thực hiện hành động quỳ gối ủng hộ phong trào Black Matters trước phần trình diễn của mình như anh đã ngỏ ý trước đó. Và để đồng ý với điều kiện của BTC, Eminem đã không quỳ gối “trước phần trình diễn” như họ gợi ý. Song, điều anh muốn làm, anh vẫn cứ làm. Anh quỳ một chân đúng theo biểu tượng ở phần kết của ca khúc “Lose yourself” để không vi phạm thỏa thuận nhưng vẫn hoàn thành tâm nguyện của mình.
Tại sao người ta yêu cầu Eminem đừng làm điều đó? Tại sao người ta đòi hỏi phải ngưng không cho Zouma ra sân? Những thứ ấy, hầu như, là một nghịch lý.
Còn con mèo, nó đã tìm được sự công bằng cho mình chưa?