Koeman vẫn chỉ đạo ở trận hành quân đến Cadiz. Đó là thông điệp chính thức từ BLĐ Barca. Nhưng đằng sau thông điệp này là gì? Sau Cadiz, liệu có khả năng cho HLV người Hà Lan tồn tại?
Không cần trả lời câu hỏi ấy nữa khi báo chí Catalonia đã bắt đầu bàn đến những ứng viên kế tục chiếc ghế huấn luyện. Ứng viên số 1 là Xavi, người đang là việc ở Qatar nhưng chắc chắn sẽ sẵn sàng trở lại Barcelona nếu Laporta đề nghị. Và từ Nhật Bản, đồng đội cũ của Xavi là Iniesta cũng đã khẳng định “Xavi đã được đào tạo và chuẩn bị kỹ lưỡng. Và anh ấy hoàn toàn tự tin để đảm nhận thử thách này”. Kế sau Xavi, Barca còn vài lựa chọn khác như Roberto Martinez, Conte, Cocu, Pirlo và Erik Ten Hag nhưng có vẻ như nếu phải thay tướng, cơ hội này khó thoát khỏi tay Xavi.
Trận hòa Granada khiến ghế nóng Barca còn nóng hơn
Việc Barca bị Granada cầm chân ở Nou Camp ngay sau thất bại trước Bayern có lẽ đã khiến niềm tin của lãnh đạo đội bóng dành cho Koeman đi đến điểm tới hạn. Được biết, Jordi Cruyff, người đang giữ cương vị giám đốc tuyển trạch kiêm trợ lý của Laporta đã có những liên hệ với Xavi suốt thời gian gần đây. Ở Barca hiện nay, Cruyff là một nhân vật thuộc dạng “quyền lực” khi ông có nhiều hoạt động được xem là không khác gì một giám đốc điều hành.
Khá trớ trêu là trận Granada lại là trận Barca có số đường chuyền vào vòng cấm đối thủ cao nhất trong 5 năm qua. Kể từ sau trận hoà Malaga hồi tháng 11/2016 tới nay, đây là lần đầu tiên Barca có tới 54 đường chuyền vào vòng cấm. Ở tháng 11/2016 ấy, khá trùng hợp là Barca cũng ra sân mà không có Messi, Suarez và họ có tới 55 đường chuyền vào vòng cấm, một kỷ lục chưa bị chinh phục. Nhưng những dữ liệu ấy thực sự không có ý nghĩa gì với Ban lãnh đạo Barca lúc này. Nhìn vào tình thế, họ có thể nhận ra rằng Barca gần như không có cơ hội nào cạnh tranh danh hiệu ở mùa giải này với một lối chơi thiếu thuyết phục và không hiệu quả.
Và bản chất là vấn đề không nằm ở chỗ Koeman. Ở mùa Hè vừa qua, chính Laporta đã có một cuộc họp riêng với Koeman, cho ông biết kế hoạch tương lai của Barca là như thế nào và cho ông 15 ngày cân nhắc xem mình có thể theo đuổi kế hoạch ấy hay không. Đó là một kế hoạch trẻ hoá, xây dựng lại Barca từ đầu. Và Koeman đang theo rất sát với kế hoạch này. Chỉ có điều, kết quả trên sân đã không đủ để làm hài lòng cả một bộ sậu điều hành đang vô cùng sốt ruột.
Koeman đã nhận nhiệm vụ xây lại Barca từ móng
Nếu sa thải Koeman và đưa Xavi (hoặc ai khác) về, liệu Barca có thể thay đổi thành tích một cách chóng vánh hay không? Đây là một câu hỏi rất đáng được đặt ra lúc này. Xavi có thể thấu hiểu Barca hơn hẳn Koeman, đặc biệt là Barca của kỷ nguyên hiện đại này, nhưng bản thân Xavi sẽ có gì trong tay để đưa con tàu đã lệch hải trình quá xa trở lại đúng với lộ trình ban đầu của mình? Tất cả các tiềm năng trẻ trong tay Barca lúc này, trừ Pedri, đều chưa ai vượt qua được hai chữ “tiềm năng” cả. Họ cần thời gian, và cần cả kinh nghiệm san sẻ từ những thủ lĩnh bản lĩnh. Mà ở Barca hiện nay, nếu nói về bản lĩnh dẫn dắt thì ngoài Busquets và Pique ra, họ còn ai nữa? Đặc biệt là ở hàng công, nơi mà chúng ta từng chứng kiến suốt hơn 15 năm qua đã có những thế hệ dìu dắt người trẻ trưởng thành, bắt đầu từ Ronaldinho, Eto’o, Henry cho tới Lionel Messi, Iniesta… Phải có những nhân tố như thế, hàng công non trẻ của Barca mới có thể tích luỹ kinh nghiệm một cách nhanh nhất. Còn lúc này, họ chỉ có thể “tự lớn cùng nhau” khi cái tên được xem là đình đám nhất trên hàng công Barca là Memphis Depay cũng chỉ là một cầu thủ hạng khá không hơn không kém.
Có lẽ, điều mà Laporta cần nhận ra là tái thiết Barca hôm nay cần một kế hoạch lâu dài, ít nhất là 2-3 năm, chứ không phải là câu chuyện thay một HLV trưởng và lập tức chờ hái quả ở mùa giải đầu tiên này. Thứ mà Bartomeu để lại cho Laporta không phải là một toà biệt thự bỏ hoang với nhiều rác rưởi, chỉ cần dọn sạch, chỉnh trang lại là có thể ung dung vào sinh sống, hưởng thụ. Thực chất, Bartomeu đã để lại một căn nhà nát ngổn ngang xà bần mà cách duy nhất Laporta phải là đập bỏ đi, và bắt đầu căn nhà mới bằng việc đào móng từ đầu.
Laporta và Koeman có mối quan hệ khá phức tạp
Với căn nhà nát như thế, nếu Laporta cũng tính Koeman vào trong đống “xà bần” kia thì việc sa thải ông cũng chẳng có gì là lạ. Còn nếu Laporta vẫn xem trọng Koeman, coi ông như một tài sản quý, một vật liệu cơ bản để xây lại căn nhà, sa thải ông cũng chỉ là động thái để tự mình thấy an lòng hơn và kéo theo đó, tất nhiên, sẽ là tốn kém hơn.