Bóng đá Việt Nam đã có nhiều sự tiến bộ trong vài năm gần đây, vậy nhưng vẫn còn đó nhiều vấn đề nhức nhối.
Pha triệt hạ làm rúng động làng túc cầu Việt của Ngô Hoàng Thịnh với Đỗ Hùng Dũng đến giờ đã không còn là tâm điểm nữa, nhưng một lần nữa, hình ảnh của nền bóng đá nước nhà lại bị bôi xấu. Mới đây, các cầu thủ CLB Hà Nội cũng có hành vi chơi xấu trước đội SHB Đà Nẵng.
Nó cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho các cơ quan ban ngành, rằng chúng ta vẫn còn một con đường rất dài phải đi trên hành trình phát triển môn thể thao vua trên dải đất hình chữ S. Và một trong số những điều cần làm, đấy là giải quyết triệt để mọi vấn nạn, không chỉ là bạo lực, mà còn là bán độ, dàn xếp tỉ số.
Theo Sportradar – Tập đoàn nổi tiếng chuyên thu thập, phân tích dữ liệu thể thao để cung cấp cho các liên đoàn, công ty và cả các nhà cái cho hay, Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia mà tại đó có nhiều trận giao hữu nằm trong diện “bị tình nghi”.
“Các đội bóng của Brazil, Việt Nam, Nga, Armenia và Cộng hòa Séc thường xuyên góp mặt trong các trận giao hữu đáng ngờ. Năm 2019, số trận giao hữu như vậy là 38, nhưng trong năm 2020, con số này đã tăng lên thành 62 trận.”
Và quả thực, chẳng phải ngẫu nhiên mà Sportradar lại điểm mặt chỉ tên nền bóng đá của chúng ta. Sự việc mới nhất liên quan đến câu chuyện tiêu cực trong thể thao diễn ra ngay hôm 29/1 năm nay. Trong trận đấu giữa U19 Hoàng Anh Gia Lai và U19 Phú Yên diễn ra trước đó 1 ngày, Lê Anh Quốc Việt của U19 Phú Yên đã bất ngờ thi đấu dưới sức, và điều này khiến anh bị VFF đình chỉ thi đấu ở giai đoạn vòng loại.
Cũng là U19 Phú Yên, trong năm 2019, họ từng bị cảnh cáo về thái độ thi đấu thiếu lửa đến mức đáng ngờ trong màn so tài với U19 Hà Nội ở giải U19 Quốc Gia.
Tháng 5 năm ngoái, 11 tài năng trẻ thuộc biên chế của U21 Đồng Tháp đã bị cấm thi đấu vì tham gia thực hiện hành vi bán độ, dàn xếp tỷ số do Huỳnh Văn Tiến khởi xướng. Tiền vệ này cùng một số đồng đội cùng nhau tham gia cá cược tài xỉu phi pháp trên mạng với số vốn bỏ ra lên đến 150 triệu đồng. Vì hành động này, Huỳnh Văn Tiến đã bị cấm tham gia hoạt động thể thao trong vòng 5 năm. Án phạt này chẳng khác nào đòn giáng mạnh mẽ phá tan sự nghiệp vốn còn rất rộng mở ở phía trước của Tiến.
Với các cổ động viên Đồng Tháp, có thể họ sẽ thấy tiếc nuối, nhưng động thái mạnh mẽ của VFF là cần thiết để tránh tình cảnh con sâu làm rầu nồi canh tái diễn trong tương lai. Và dĩ nhiên rồi, 10 cầu thủ còn lại của U21 Đồng Tháp tham gia vào vụ việc cũng đã phải trả giá cho sai lầm của mình.
Trong lịch sử, trường hợp bán độ kinh điển nhất có lẽ phải kể đến vụ việc của Phạm Văn Quyến – thần đồng một thời của bóng đá Việt Nam, người từng mất cả tương lai, sự nghiệp rẽ lối chỉ vì ham mê tiền bạc nhất thời. Vị thế của Văn Quyến khi ấy, báo chí rúng động thế nào, phản ứng của người hâm mộ ra sao thì ai cũng thấy.
Vì thế, thật đáng tiếc khi mà sau bao nhiêu năm, vẫn có những thành phần trong các thế hệ đi sau của bóng đá Việt mắc phải sai lầm tương tự của người đàn anh. Và điều này có một phần nguyên do không nhỏ tới từ cách xử lý sai phạm ngay từ cấp câu lạc bộ.
Như trong vụ việc của đội U21 Đồng Tháp, đại diện đến từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã không xử lý một cách nghiêm minh, quyết đoán các cầu thủ của mình cho đến khi các đơn vị báo chí vào cuộc và phanh phui vụ việc. Đây rõ ràng là một động thái khó lòng chấp nhận và cần lập tức sửa đổi.
Bạo lực, bán độ, dàn xếp tỷ số, tất cả những hành vi này đều do ý thức của các cầu thủ mà ra. Vì vậy, việc đưa ra án phạt có đủ sức nặng để răn đe, cảnh cáo là điều cần làm, nhưng chỉ là chữa phần ngọn mà thôi. Muốn chữa tận gốc cái ung nhọt của bóng đá Việt, chúng ta cần có sự vào cuộc một cách đồng loạt từ tất cả các cơ quan, ban ngành, tổ chức có liên quan nhằm nâng cao tư duy, nhận thức, ý thức cho các cầu thủ ngay từ khi còn nhỏ.
Song song với đó, đãi ngộ cho các cầu thủ cũng cần được nâng cao, bởi có một sự thật không thể phủ nhận: Một trong những lý do khiến các tài năng trẻ lầm đường lỡ bước, đấy là vì những khó khăn kinh tế.