Trận đấu giữa Thụy Sĩ vs Tây Ban Nha đã khép lại với phần thắng nghiêng về đội bóng xứ bò tót sau màn đấu súng cân não trên chấm luân lưu. Hãy cùng điểm qua 5 điểm nhấn đáng chú ý của trận đấu.
Trước khi EURO 2020 khởi tranh, không ai dám nghĩ Thụy Sĩ có thể đánh bại ĐKVĐ thế giới Pháp, cầm chân “gã khổng lồ” Tây Ban Nha đến loạt sút luân lưu trong thế bị dẫn bàn và phải thi đấu với 10 người. Không những thế, khó khăn còn bủa vây thầy trò HLV Vladimir Petkovic ở cuộc đấu với La Roja khi họ không có được sự phục vụ của đội trưởng Granit Xhaka ngay từ đầu, trong khi chân sút chủ lực Breel Embolo chỉ thi đấu đúng 23 phút trước khi rời sân vì chấn thương.
Mặc dù vậy, Thụy Sĩ vẫn chơi đầy quả cảm và xuất sắc kéo đối thủ vào loạt sút luân lưu. Dù không giành chiến thắng chung cuộc, màn trình diễn của thầy trò HLV Petkovic xứng đáng nhận được những lời khen.
Sau 2 trận đấu liên tiếp ghi tổng cộng 10 bàn thắng, tưởng chừng như dàn hỏa lực của Tây Ban Nha đã trở lại hình ảnh năm nào. Nhưng hóa ra đó chỉ là những khoảnh khắc thăng hoa nhất thời. Hàng công của La Roja vẫn chưa thật sự “thông nòng”.
Xuyên suốt 120 phút đối đầu Thụy Sĩ, thầy trò HLV Enrique áp đảo với thời lượng kiểm soát bóng lên đến 73%. Họ tung ra 28 cú dứt điểm, 10 đi trúng đích, nhưng chỉ có được 1 bàn thắng do đối phương phản lưới. Gerard Moreno có lẽ là cái tên phung phí nhiều cơ hội ngon ăn nhất. Tiền đạo này thậm chí còn suýt khiến đội nhà ôm hận.
Việc trận đấu bị kéo dài tới loạt penalty cũng khiến cho trọng trách đặt lên vai các thủ môn càng nặng hơn. Yann Sommer trước đó đã chứng tỏ bản lĩnh của mình khi cản phá cú đá quyết định của Mbappe ở trận gặp Pháp. Ở trận đấu này, anh cũng là người thi đấu hay nhất của Thụy Sĩ hàng loạt phá cứu thua xuất thần trong hiệp phụ cũng như trong loạt luân lưu.
Còn ở bên kia chiến tuyến, thủ thành Unai Simon sau khi tự biến mình thành “gã hề” ở vòng 16 đội đã có một cuộc lột xác ngoạn mục. Anh xuất sắc hành công 2/4 quả đá bên phía Thụy Sĩ. Thậm chí sự xuất sắc của thủ thành 24 tuổi phần nào tạo ra áp lực khiến Ruben Vargas sút hỏng ở lượt đá thứ 4.
Có thể nói, cả 2 thủ môn của 2 đội đều xứng đáng được gọi là những người hùng của trận đấu.
Trận đấu với Thụy Sĩ khiến Tây Ban Nha bộc lộ nhiều điểm yếu chết người. Aymeric Laporte và Pau Torres dường như vẫn chưa đạt được độ kết dính cần thiết trong những pha phòng ngự. Mặt khác, khả năng chống bóng bổng của La Roja khiến NHM cảm thấy bất an.
Trong 120 phút tại Saint Petersburg, các học trò của HLV Luis Enrique đã có tới 3 lần để đối phương rơi vào tư thế thoải mái để đánh đầu. Điển hình là tình huống diễn ra ở phút 56, khi Zakaria đánh đầu đập đất đưa bóng đi chệch cột dọc khung thành Tây Ban Nha trong gang tấc.
EURO 2020 thật sự là một giải đấu kỳ lạ. Nó không chỉ khác biệt ở chỗ các đội bóng nhỏ làm nên kỳ tích trước các ông lớn, mà ở đây, một kỷ lục không mong muốn đã được thiết lập nên.
Trang thống kê Opta ghi nhận EURO 2020 là giải đấu có số bàn phản lưới nhiều nhất trong lịch sử 9 bàn. Đến khi Thụy Sĩ đối đầu Tây Ban Nha, kỷ lục này lại tiếp tục được nối dài. Phút thứ 8, từ quả đá phạt góc bên cánh phải của Koke, Jordi Alba tung cú đá rất căng, đập trúng Denis Zakaria đi vào lưới trước sự bất lực của thủ thành Yann Sommer. UEFA sau đó đã tính bàn thắng là pha phản lưới nhà của Zakaria. Như vậy, đó đã là pha phản lưới thứ 10 tại kỳ EURO lần này, vượt qua tổng số bàn phản lưới nhà của 15 lần kỳ EURO trước cộng lại (9).