Với những khán giả đại chúng theo dõi bóng đá, những giải đấu ĐTQG mùa hè như Euro hay World Cup là cơ hội để họ có thể nắm bắt những chiến thuật mới của bóng đá, cho dù có thể nó đã và vẫn đang có sự xuất hiện trong đời sống bóng đá CLB. Sự hiệu quả đến chết chóc của cặp hậu vệ biên trong sơ đồ 3 hậu vệ (hay còn được gọi là wing-back) đang là một ví dụ như vậy.
Bóng đá cũng như mốt thời trang vậy, mọi thứ có tính chu kì của nó. Phần đông thế hệ được xem bóng đá của Việt Nam biết đến bóng đá từ những năm giữa thập niên 90 nhiều hơn, qua những trận đấu Premier League đầu tiên trên sóng Đài Truyền Hình Việt Nam và phong cách kick-and-rush cùng sơ đồ 4-4-2 cổ điển. Ít người biết rằng, những năm 80 là thời điểm gần nhất mà sơ đồ này làm mưa làm gió, khi Argentina của HLV Bilardo vô địch World Cup cùng nó, trong khi Tây Đức vô địch World Cup năm 1990. Với sự phát triển của bóng đá, sơ đồ này dần lui vào bóng tối trong gần 20 năm, cho đến một ngày...
Cách sắp đặt hệ thống 3 hậu vệ + 2 hậu vệ biên dâng cao thực chất đã khẳng định sự tái xuất của mình tròn 10 năm, mà người bắt đầu mang nó trở lại với ánh sáng sân cỏ là HLV Antonio Conte - người đã đưa Juventus tới Scudetto 2011-12 mà không để thua một trận đấu nào. Sau này, ông cũng tiếp tục mang hệ thống 3 hậu vệ của mình và mang về một Premier League với Chelsea và một Scudetto khác với Inter Milan ở mùa giải vừa chấm dứt trước Euro 2020 cách đây ít lâu.
Ở nước Đức, sơ đồ với 2 wing-back gần như trở thành sơ đồ quốc dân của các cấp HLV từ trẻ cho đến cao nhất; Julian Nagelsmann, người sắp tới sẽ trở thành HLV trưởng của Bayern Munich đã áp dụng hệ thống này từ Hoffenheim cho đến RB Leipzig. Một hiện tượng khác của Bundesliga mùa rồi - Eintracht Frankfurt - gần như chung thủy với việc sử dụng wingback 3 năm qua. Ở Euro 2020 năm nay, sự hiện diện của hệ thống 3 trung vệ + 2 hậu vệ biên dâng cao chiếm quá bán (14/24) các đội tham dự giải đấu. Tuy vậy, Wing-back không phải đặc quyền của hệ thống 3 hậu vệ - Italia với Leonardo Spinazzola hay Bồ Đào Nha với Raphael Guerreiro cũng là những hậu vệ cánh có quyền dâng cao và chơi cực kì tự do để tìm kiếm cơ hội nguy hiểm.
Conte đã từng biến Marcos Alonso trở thành 'báu vật' của Chelsea
Sự tự do của các wing-back luôn như một mũi dao dưới tay áo, khi có thể tạo ra rất nhiều mối đe dọa tới khung thành đối phương. Hẳn người ta không quên một Marcos Alonso với những quả tạt sớm (early-cross) và dâng cao ghi bàn dưới thời Conte. Ở RB Leipzig, Angelino được nhớ tới với những bàn thắng loại Manchester United ở trận đấu cuối cùng vòng bảng Champions League vừa rồi. Ở Euro này, con số wing-back ghi bàn đã lên tới con số 9 (?!) - đến từ cả những đội tuyển khiêm tốn hơn như Áo, Bắc Macedonia hay những ông lớn như Đức, Bỉ, Hà Lan.
Vậy, nguyên tắc vận hành của cặp hậu vệ cánh này trong cách triển khai tấn công ra sao?
Trong bóng đá, có một nguyên tắc mà nôm na chúng ta có thể gọi nó là ‘tuyến nghiêng’. Bóng sẽ được chuyển sang một phía để tấn công, kéo người và khoan phá sau đó được trả về bên còn lại với khoảng trống chờ sẵn. Sơ đồ 3 hậu vệ tạo ra một sự linh hoạt rõ ràng cho hệ thống quân số của tuyến nghiêng, khi một trung vệ lệch cánh có thể chuyển thành hậu vệ cánh của sơ đồ 4 hậu vệ, trả tự do cho hậu vệ biên dâng cao. Việc dịch chuyển khối đội hình như thế này sẽ khiến những tình huống tấn công biên trở thành các cuộc đấu mà bên tấn công chiếm lợi thế rất lớn về mặt quân số. Lợi thế về mặt quân số này sẽ bắt buộc phía phòng ngự phải giữ chặt cự li phòng ngự của mình để tránh những tình huống đan lát phối hợp từ cánh và hành lang trong (half-space) xộc thẳng vào trung lộ.
Thế vậy, một bên cánh dâng cao quân số để chiếm lợi thế thì cánh bên kia sẽ làm gì? Rất đơn giản, nhiệm vụ của họ là chiếm lĩnh những khoảng không gian trống trải ở cánh còn lại, khi mà đội phòng ngự không có điều kiện để chiếm lấy. Trong bóng đá, phòng ngự là cuộc chơi của sự lựa chọn - bạn chọn chống phương án này thì phải bỏ lõng phương án kia. Nhưng bản chất tại sao người ta lại chơi canh bạc đó? Bởi vì, theo lí thuyết bóng đá cổ điển, các hậu vệ cánh là những người thường có kĩ thuật cơ bản kém nhất trên sân, và đội phòng ngự quyết định chọn phương án… đỡ nguy hiểm nhất. Tuy nhiên khi bóng đá ngày càng phát triển, tính chính xác trong mỗi đường bóng và chất lượng chuyên môn ngày càng cao thì mọi khoảng trống để lộ ra đều là một thảm họa tiềm tàng.
Lấy ví dụ đầu tiên là bàn thắng thứ 3 của Đức trước Bồ Đào Nha vừa diễn ra tối qua.
Renato Sanches đi bộ trông rất thong dong
Đếm nhẹ nhàng có thể thấy người Đức dồn đến 5 cầu thủ ở bên phía cánh phải, chưa kể là Gnabry sẵn sàng tham gia vào các tình huống ban bật bóng ngắn ở trung lộ nếu tình huống yêu cầu. Hệ quả là, Bồ Đào nha cũng phải theo với số lượng người tương tự. Ở khung hình này, chúng ta chưa được thấy sự xuất hiện của Robin Gosens, nhưng hãy để ý đến Renato Sanches, người vẫn đang đứng rất cao và đang … đi bộ để ngắm tình huống thay vì lùi về hỗ trợ.
Điều gì sẽ xảy ra sau đó?
Gosens có một khoảnh trống mênh mông bên cánh trái
Khoảng trống mênh mông này cho Gosens có bất ngờ không? Không hề. 5 giây sau khung hình trước đó, Gosens đã có mặt ở một khoảng không gian không thể đẹp hơn. Bản chất trong việc phòng ngự 4 người của Bồ Đào Nha, hậu vệ cánh bắt buộc phải giữ khoảng cách với trung vệ để cùng chống các tình huống ban bật, điều phải nói là đội bóng áo Bã Trầu làm quá tệ. Ngay từ khung hình ở 50:05, cặp tiền vệ trụ của Bồ Đào Nha đã để các cầu thủ tấn công của Đức lọt vào vị trí giữa mình và cặp trung vệ đội nhà, khiến toàn bộ hệ thống phòng ngự rơi vào thế bị động. Tình cảnh càng trầm trọng hơn khi Renato Sanches 5 giây trước còn đang bận ngắm bóng thì không thể nào theo kịp một cầu thủ chỉ có việc duy nhất là bứt tốc và phi vào khoảng trống như Gosens.
Hệ quả như chúng ta đã biết, Robin Gosens cực kì trống trải nhận bóng, một cú căng ngang hoàn hảo và Kai Havertz làm nốt việc của mình.
Chưa đầy 10 phút sau, lại một lần nữa Bồ Đào Nha lại phải hứng chịu một tình huống kiểu tương tự vậy. Tuyến giữa của họ không kiểm soát được, bóng ra cánh cho người Đức. Lần này có khác hơn một chút là có Rafa lùi về hỗ trợ, nhưng vẫn là theo sau Gosens. Và nên nhắc lại, Rafa Silva chỉ cao 1m70, Robin Gosens cao tới 1m84.
Gosens đã có một trận đấu hay, nhưng cũng có thể nói là một trận đấu dễ
Và khi Kimmich có một quả tạt rót vào đầu chính xác như shipper giao hàng tới trước cửa nhà của bạn, nhiệm vụ của hậu vệ cánh đang khoác áo Atalanta khi đứng trước khung thành 2m là quá đơn giản. Rafa hoàn toàn bị động, thậm chí anh còn không đuổi kịp để chắn người giảm hiệu quả bật nhảy của Gosens.
Và thế là hết
Vai trò của các hậu vệ cánh tấn công đang trở nên ngày một rõ ràng, khi họ có thể xâm nhập những khoảng không gian trống trải được tạo ra trong lúc cánh bên kia đang là những cuộc chiến căng thẳng. Vậy làm cách nào để chống lại wing-back? Rất đơn giản, hãy phòng ngự tốt tuyến giữa của mình trước đã. Wing-back là một con dao hai lưỡi - nếu bạn dâng cao quá sớm mà đường bóng từ cánh bên kia không thể triển khai sang, hoặc là một tình huống mất bóng? Chính các wingback giờ đây là người đã bỏ lại những khoảng không mênh mông cho đối thủ tận dụng. Tuy nhiên, ở môi trường các giải đấu đội tuyển quốc gia, khi thời gian tập trung không nhiều và tính tổ chức khi phòng ngự ở tuyến giữa vẫn còn nhiều lỏng lẻo, các wing-back vẫn sẽ còn nhiều đất sống và sống khỏe để khai thác không gian của mình.
Nếu ví các hậu vệ cánh tấn công như con dao ở tay nghịch của đối thủ, hãy đánh ngã đối thủ mất đà trước khi kẻ đó kịp rút dao. Tất nhiên, lí thuyết là vậy, nhưng để tránh mũi dao này đâm trúng tử huyệt trong suốt 90 phút của một trận bóng thì chẳng dễ dàng chút nào.
Thethaoso247 & BLV Anh Quân cùng hợp tác để mang đến mùa hè Euro sôi động cho khán giả.